Ngày 17/6/1975, Ban Bí thư khoá III đã ban hành Chỉ thị số 221-CT/TW về công tác giáo dục đại học và chuyên nghiệp ở miền Nam trong thời gian trước mắt. Sau đây là toàn văn Chỉ thị:
Ngay sau khi quân và dân ta đã giành được thắng lợi vĩ đại, giải phóng hoàn toàn miền Nam, chúng ta đã kịp thời làm tốt công tác tiếp quản các cơ sở đại học và chuyên nghiệp ở miền Nam. Sau đó, chúng ta đã nhanh chóng đưa nhà trường trở lại sinh hoạt bình thường, đã huy động đông đảo thầy giáo và học sinh hăng hái tham gia công tác bảo vệ trường sở, ổn định trật tự trị an thành phố, tham gia các hoạt động xã hội như xoá bỏ văn hoá đồi truỵ, vệ sinh đường phố, bài trừ tệ nạn xã hội, v.v. có nơi đã tổ chức ngay lại việc học tập cho học sinh; đó là những thắng lợi bước đầu rất quan trọng chúng ta cần tiếp tục phát huy.
Tuy nhiên, trong thời gian tới công việc của ngành đại học và chuyên nghiệp còn rất nặng nề và khá phức tạp. Chúng ta cần huy động đầy đủ lực lượng và khả năng của toàn ngành, nắm vững đường lối phương châm của Đảng và Chính phủ, làm tốt các công việc sau đây, nhằm từng bước biến các trường đại học và chuyên nghiệp ở miền Nam vốn là công cụ của Mỹ - nguỵ thành nơi đào tạo bồi dưỡng cán bộ cho sự nghiệp cách mạng, xây dựng chế độ mới, kinh tế mới, con người mới.
1. Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho thầy giáo và học sinh
Trước hết, chúng ta cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc rằng thầy giáo và học sinh ở các trường đại học và chuyên nghiệp ở miền Nam là những người con của dân tộc Việt Nam, là nạn nhân của một nền giáo dục nô dịch và phản động của Mỹ và tay sai, chúng ta phải có trách nhiệm giáo dục đầy đủ để họ nhanh chóng trở thành những người công dân trí thức yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội.
Chúng ta phải đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong nhà trường và đặt nó lên hàng đầu trong mọi công tác của ngành.
a) Trong năm học 1975-1976, ngoài việc giảng dạy các môn văn hoá và chuyên môn theo chương trình và nội dung mới, phải ghi vào chương trình các môn học chính trị và hoạt động xã hội cho suốt cả năm học và cho tất cả các đối tượng học sinh từ năm đầu đến năm cuối.
Nội dung xoay chung quanh ba chủ đề lớn sau đây:
- Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
- Đường lối và chính sách cách mạng Việt Nam. Đường lối giáo dục cách mạng.
- Nghĩa vụ và quyền lợi của người công dân mới, của người cán bộ cách mạng.
Thông qua ba nội dung lớn trên mà phân tích và xác định cho mọi người nhận rõ ta, bạn, thù; giáo dục tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội; giáo dục nghĩa vụ và tinh thần trách nhiệm của mỗi người dân đối với Tổ quốc, với dân tộc, với nhân dân lao động.
Dùng những văn kiện của Hồ Chủ tịch, của Đảng và Nhà nước và những tài liệu đã được biên soạn thành sách làm bài giảng. Đồng thời, kết hợp việc giảng dạy chính khoá với việc tổ chức những buổi học ngoại khoá như các buổi nói chuyện của các anh hùng và chiến sĩ, của các lực lượng vũ trang nhân dân, các cán bộ cách mạng...
Để bảo đảm cho công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong năm học 1975-1976 đạt kết quả, cần chỉ thị những cán bộ chuyên trách soạn bài giảng, chuẩn bị tài liệu tham khảo. Trong việc này, phải lấy thầy giáo giảng dạy chính trị trong các trường đại học và chuyên nghiệp làm nòng cốt, ngoài ra cần huy động lực lượng cán bộ tuyên huấn có năng lực ở các địa phương tham gia vào công tác này. Đầu năm học, phải tổ chức bồi dưỡng những nội dung và phương pháp cho các báo cáo viên.
b) Trước mắt, trong dịp hè này, cần tổ chức cho thầy giáo và học sinh các trường đại học và chuyên nghiệp tham gia một đợt sinh hoạt chính trị dưới hình thức hội thảo xoay quanh chủ đề: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", lấy ba văn kiện này làm tài liệu cơ bản:
- Di chúc của Hồ Chủ tịch.
- Bài phát biểu của đồng chí Lê Duẩn tại Lễ mừng chiến thắng ở Hà Nội.
- Bài phát biểu của Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ tại Lễ mừng chiến thắng ở Sài Gòn.
Đồng thời tổ chức cho thầy giáo và học sinh tham gia các hoạt động xã hội, đặc biệt trên mặt trận văn hóa, xóa bỏ những ảnh hưởng của văn hoá phản động đồi truỵ của địch, xây dựng đời sống văn hoá mới.
2. Nhanh chóng cải biến thành phần giai cấp trong trường học
a) Qua con đường bổ túc văn hoá và tuyển sinh mà cải biến nhanh chóng thành phần giai cấp trong học sinh đại học và chuyên nghiệp, tích cực tạo điều kiện cho các chiến sĩ quân giải phóng, cán bộ cách mạng, con liệt sĩ và con các gia đình có công với cách mạng, con em nhân dân lao động được vào học ngày một đông và chiếm đại đa số trong các trường đại học và chuyên nghiệp ở miền Nam.
Trước mắt, có thể rút các chiến sĩ quân đội và cán bộ cách mạng hiện ở miền Nam đã tốt nghiệp lớp 10 hoặc đã học các năm đầu của đại học vào các trường đại học và các chiến sĩ, các con em cán bộ và nhân dân lao động đã học dở chương trình cấp III vào các lớp bổ túc dự bị đại học hoặc vào các trường trung học chuyên nghiệp.
Cho các học sinh miền Nam đã tốt nghiệp lớp 10 ở miền Bắc và có gia đình ở trong Nam về học tại các trường đại học ở miền Nam.
b) Có chính sách giáo dục, bồi dưỡng và sử dụng các thầy giáo do chế độ cũ để lại, đồng thời đưa một số thầy giáo, nhất là các thầy giáo quê ở miền Nam đang công tác ở miền Bắc, có trình độ chuyên môn khá, có phẩm chất chính trị tốt, bổ sung vào đội ngũ các thầy giáo của các trường ở miền Nam để làm nòng cốt. Mặt khác, các trường đại học và trung học chuyên nghiệp ở miền Bắc, đặc biệt trong những năm đầu, có trách nhiệm tuyển lựa và đào tạo thêm thầy giáo cho các trường đại học và chuyên nghiệp ở miền Nam, lấy từ các học sinh ưu tú tốt nghiệp ở các trường đại học trong nước và ngoài nước, theo kế hoạch của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, ưu tiên tuyển chọn những học sinh quê ở miền Nam.
3. Sửa đổi cơ cấu ngành học, hệ thống đào tạo ở miền Nam và nghiên cứu gấp việc sắp xếp lại mạng lưới các trường đại học và chuyên nghiệp trên phạm vi toàn quốc
Cần cải tạo về cơ bản các ngành khoa học xã hội (luật, văn, triết...) trước khi mở lại các khoa này. Trên cơ sở bảo đảm chất lượng, từng bước mở rộng quy mô đào tạo đại học ở các ngành khoa học, kỹ thuật và chuyên nghiệp như sư phạm, y, dược, công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng cơ bản, giao thông vận tải, thông tin liên lạc, kinh tế, v.v. phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế và văn hoá trong những năm sắp tới.
Đối với số học sinh đang học luật, văn, triết, cần có kế hoạch chuyển sang học các ngành có yêu cầu lớn như sư phạm và kỹ thuật, kinh tế.
Đối với các ngành khoa học xã hội, năm học 1975-1976 chưa tuyển sinh. Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp phối hợp với Uỷ ban Khoa học xã hội và các cơ quan pháp chế của Nhà nước nghiên cứu sớm việc mở các ngành luật, triết, xây dựng chương trình, nội dung giảng dạy, bồi dưỡng thầy giáo.
Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp phải nghiên cứu trình gấp Chính phủ đề án về việc sắp xếp mạng lưới các trường đại học và trung học chuyên nghiệp trên phạm vi toàn quốc. Trong khi chờ đợi, tạm thời duy trì bảy Viện đại học công tại các nơi Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn, Thủ Đức, Mỹ Tho, Cần Thơ và các trường chuyên nghiệp hiện có và tổ chức tuyển sinh cho năm học 1975-1976. Các ngành, các địa phương không được tự ý mở thêm trường chuyên nghiệp mới.
Đi đôi với hệ đào tạo tập trung, cần nghiên cứu việc thành lập hệ đào tạo tại chức và sớm mở hệ bồi dưỡng cho cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý.
4. Sửa đổi chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo
Dựa theo chương trình, nội dung đang giảng dạy ở các trường đại học và trung học chuyên nghiệp ở miền Bắc, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp cần tổ chức việc nghiên cứu sửa đổi chương trình, nội dung giảng dạy cho các trường đại học và trung học chuyên nghiệp ở miền Nam, đặc biệt chú trọng các môn khoa học xã hội, sao cho phù hợp với phương hướng tiến lên thống nhất dần dần với hệ thống giáo dục xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.
Thực hiện từng bước nguyên lý giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, giáo dục trong nhà trường kết hợp với giáo dục ngoài xã hội. Thông qua lao động và hoạt động xã hội để rèn luyện và nâng cao giác ngộ chính trị cho thầy và trò.
5. Một số chính sách
a) Đối với số thầy giáo do chế độ cũ để lại thì tổ chức việc giáo dục, bồi dưỡng và sử dụng họ
Riêng đối với những người trước đây có thái độ chính trị phản động, thật sự là tay sai của Mỹ - nguỵ, bị học sinh và xã hội căm ghét, thì kiên quyết không để cho dạy mà chuyển đi làm việc khác.
b) Đối với học sinh
- Về tuyển sinh:
Trừ những phần tử phản động, tất cả các nam nữ công dân, có lý lịch rõ ràng, có các điều kiện quy định về tuổi, bằng cấp và sức khoẻ, đều được quyền nộp đơn xin thi tuyển vào các trường đại học và trung học chuyên nghiệp.
Ưu tiên nhận vào đại học và trung học chuyên nghiệp những anh hùng dũng sĩ các lực lượng vũ trang nhân dân, bộ đội, thương binh, thanh niên xung phong, cán bộ cách mạng, con của các liệt sĩ, các gia đình có công với cách mạng, con em các dân tộc ít người, con em miền Nam đã tốt nghiệp lớp 10 ở miền Bắc về Nam học, công nhân và những người lao động chân tay khác.
- Về sử dụng học sinh tốt nghiệp:
Tất cả học sinh năm cuối cùng của các trường đại học và trung học chuyên nghiệp đều cần học thêm một thời gian ngắn về chính trị và tuỳ theo ngành học có thể bổ túc nghiệp vụ trước khi đi tốt nghiệp. Sau đó Nhà nước sẽ phân phối công tác.
- Về học phí:
Nay bỏ học phí trong tất cả các trường đại học và chuyên nghiệp của Nhà nước.
- Về học bổng:
Nhà nước cấp học bổng cho những học sinh là chiến sĩ trong các lực lượng vũ trang cách mạng, cán bộ cách mạng, con liệt sĩ và gia đình có công với cách mạng, con em các dân tộc ít người, con em cán bộ và nhân dân lao động mà đời sống còn khó khăn.
c) Đối với các trường tư
Trường đại học và trung học chuyên nghiệp là nơi đào tạo các loại cán bộ khoa học kỹ thuật và kinh tế của Nhà nước, phải được Nhà nước trực tiếp quản lý chặt chẽ, cho nên không cho phép tồn tại chế độ trường tư ở cấp đại học và trung học chuyên nghiệp.
Cần nghiên cứu việc thu nhận các thầy giáo có đủ tiêu chuẩn và học sinh các trường tư có nguyện vọng chuyển sang trường nhà nước.
Đối với các trường tư chuyên dạy nghề, nếu có đủ điều kiện, thì tạm thời vẫn được cho phép mở nhưng phải chịu chế độ quản lý của Nhà nước.
6. Tổ chức và chỉ đạo các trường đại học và trung học chuyên nghiệp ở miền Nam
a) Việc tổ chức và chỉ đạo các trường đại học và trung học chuyên nghiệp ở miền Nam, tạm thời phân công như sau:
Ở miền Nam, Bộ Giáo dục Cộng hoà miền Nam Việt Nam thống nhất quản lý tất cả các Viện đại học và các trường chuyên nghiệp.
Ở miền Bắc, Trung ương giao cho Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp trách nhiệm phối hợp với các bộ có liên quan trong công tác chỉ đạo và chi viện cho các Viện đại học và các trường chuyên nghiệp bao gồm các trường trung học kỹ thuật, các trường nông lâm súc, các trường dạy nghề ở miền Nam. Ngoài ra:
- Các Trường Cao đẳng sư phạm, Trung cấp sư phạm giao cho Bộ Giáo dục.
- Các Trường Trung Sơ cấp y, dược giao cho Bộ Y tế.
- Các Trường Cao đẳng và Trung Sơ cấp nghệ thuật giao cho Bộ Văn hóa.
b) Tạm thời duy trì cơ cấu tổ chức các Viện đại học như hiện nay và đặt trực thuộc Bộ Giáo dục miền Nam, không nên xé lẻ từng khoa ra làm thành các trường đại học riêng biệt trong khi chờ đợi nghiên cứu vấn đề này một cách đầy đủ hơn.
Một số trường trung học chuyên nghiệp lớn nhiều ngành cũng đặt trực thuộc Bộ, còn các trường khác phân cấp cho các Sở, Ty Giáo dục quản lý.
c) Xây dựng tổ chức đảng và các đoàn thể quần chúng trong nhà trường. Xác định vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò nòng cốt của Đoàn Thanh niên và thu hút tất cả học sinh vào Hội Liên hiệp Sinh viên giải phóng, Hội Học sinh giải phóng, các thầy giáo vào Hội các Nhà giáo yêu nước.
d) Bổ sung và kiện toàn bộ máy lãnh đạo và quản lý của nhà trường, bảo đảm cho các trường đi đúng đường lối giáo dục cách mạng.
*
* *
Trên đây là một số chủ trương và biện pháp về công tác giáo dục đại học và trung học chuyên nghiệp trong thời gian trước mắt nhằm bảo đảm hoàn thành tốt đẹp công tác tiếp quản các Viện đại học và các trường chuyên nghiệp ở miền Nam, nhanh chóng ổn định sinh hoạt bình thường của các trường và kịp thời triển khai các công tác chuẩn bị cho năm học mới.
Các Đảng đoàn và các cấp uỷ đảng cần nghiên cứu và phối hợp thực hiện đầy đủ Chỉ thị này và kịp thời phản ảnh cho Ban Bí thư những vấn đề mới đặt ra cần được giải quyết.