Chỉ thị về công tác giáo dục ở các tỉnh, thành miền Nam trong ba năm tới (1978 – 1980)

Thứ sáu, 09/12/2011 09:11

Ngày 16/6/1978, Ban Bí thư khoá IV đã ban hành Chỉ thị số 47-CT/TW về công tác giáo dục ở các tỉnh, thành miền Nam trong ba năm tới (1978 – 1980). Sau đây là toàn văn Chỉ thị:

                                                                      I

Thực hiện Chỉ thị số 221-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác giáo dục, trong ba năm qua, các tỉnh, thành ở miền
Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp giáo dục.

Hệ thống giáo dục của Mỹ - ngụy đã bị xoá bỏ. Chúng ta đã quốc lập hoá các trường học tư, xây dựng hệ thống giáo dục mới, thi hành chế độ giáo dục không mất tiền, bước đầu phát triển nền giáo dục xã hội chủ nghĩa.

Nạn mù chữ đã được thanh toán về cơ bản. Hàng chục vạn người lao động đang theo học các lớp bổ túc văn hoá ngoài giờ làm việc. Hơn ba vạn cán bộ, chiến sĩ và thanh niên ưu tú đang theo học trong các trường bổ túc văn hoá tập trung.

Nhà trẻ và lớp mẫu giáo phát triển khá nhanh ở một số địa phương. Các trường phổ thông phát triển rộng rãi, thu hút đông đảo con em nhân dân lao động vào học. Cuộc vận động thi đua "dạy tốt, học tốt" đang trở thành phong trào quần chúng trong ngành giáo dục và bước đầu thu được một số kết quả tốt.

Việc thu nhận, giáo dục và sử dụng số giáo viên mới giải phóng đã được giải quyết tương đối tốt. Hệ thống các trường sư phạm nhanh chóng được hình thành ở tất cả các tỉnh và thành phố, đã đào tạo thêm hàng vạn giáo viên mới. Đội ngũ giáo viên hiện có trên 11 vạn người bao gồm giáo viên kháng chiến, giáo viên mới giải phóng và giáo viên mới được đào tạo, đã cùng nhau đoàn kết, phấn đấu xây dựng nhà trường xã hội chủ nghĩa.

Bộ máy quản lý giáo dục bước đầu được xây dựng ở các cấp từ tỉnh, thành đến trường học. Các đoàn thể quần chúng như Công đoàn giáo dục Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh đang được phát triển, góp phần phát huy quyền làm chủ tập thể của giáo viên và học sinh trong các trường học.

Tuy nhiên, trong công tác giáo dục ở miền Nam hiện nay, còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết tốt. Trình độ văn hoá của nhiều cán bộ, đảng viên và thanh niên còn quá thấp, nhưng công tác bổ túc văn hoá ở nhiều địa phương, nhất là bổ túc văn hoá cho cán bộ, đảng viên và thanh niên ưu tú, chưa được chú ý đúng mức. Một số người lao động còn mù chữ, số người vừa thoát mù chữ tiếp tục học lên còn ít. Phần lớn trẻ em chưa được vào nhà trẻ và lớp mẫu giáo. Còn 30% thiếu niên trong độ tuổi (từ 6 đến 15 tuổi) chưa được vào trường phổ thông. Đội ngũ giáo viên còn thiếu nhiều và nhiều người chưa đạt được trình độ chính trị và nghiệp vụ cần thiết. Hệ thống các trường sư phạm chưa được củng cố. Công tác chính trị và tư tưởng trong trường học còn yếu và lực lượng để làm công tác này còn rất mỏng. Trường sở ở nhiều nơi, nhất là ở nông thôn và miền núi, còn quá sơ sài, nhưng nhiều địa phương chưa chú ý phát động quần chúng tham gia việc xây dựng. Hệ thống quản lý giáo dục, nhất là cấp huyện, quận và các trường cấp I, II còn yếu. Các đoàn thể quần chúng trong trường học phát triển còn chậm. Nhà trường chưa gắn chặt với các phong trào cách mạng của quần chúng địa phương. Sự lãnh đạo và chỉ đạo của các cấp uỷ đảng và uỷ ban nhân dân các cấp đối với công tác giáo dục tuy có tiến bộ nhưng vẫn chưa được tăng cường đúng mức, do đó những nhược điểm và thiếu sót nói trên chưa được kịp thời khắc phục.

                                                                  II

Để đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Nam, trong ba năm tới (1978 - 1980), cần tiếp tục phát triển mạnh mẽ và vững chắc sự nghiệp giáo dục, tạo thêm điều kiện để hoàn thành việc thống nhất nền giáo dục trong cả nước. Cụ thể là phải:

1. Đẩy mạnh công tác bổ túc văn hoá cho cán bộ, đảng viên và thanh niên ưu tú; triệt để hoàn thành xoá mù chữ, từng bước phổ cập cấp I cho nhân dân lao động, trước hết cho thanh niên

Các tỉnh và thành phố cần có quy hoạch về bổ túc văn hoá cho cán bộ, đảng viên và thanh niên ưu tú, nhằm nhanh chóng phổ cập cấp I cho anh chị em, nâng trình độ văn hoá của cán bộ chủ chốt cấp huyện, cấp tỉnh lên cấp II, và của cán bộ trẻ, đảng viên trẻ và thanh niên ưu tú lên cấp III để chuẩn bị tốt cho việc đào tạo thành cán bộ chính trị, cán bộ quản lý, cán bộ khoa học, kỹ thuật và nghiệp vụ ở các bậc đại học, cao đẳng và trung học.

Cần củng cố và mở rộng mạng lưới các trường bổ túc văn hoá tập trung ở tỉnh và ở huyện, bảo đảm tỉnh nào cũng có trường cấp II và III, huyện nào cũng có trường cấp I và II. Cần có trường riêng cho cán bộ và trường riêng cho thanh niên hoặc lập hai hệ riêng trong cùng một trường. Cần tổ chức các lớp bổ túc văn hoá trong hệ thống trường đảng và các trường chuyên nghiệp; mở các trường bổ túc văn hoá có nội trú cho thanh niên các dân tộc ít người. Chương trình học của cán bộ phải kết hợp kiến thức văn hoá phổ thông với kiến thức kỹ thuật, nghiệp vụ và quản lý cần thiết. Chương trình học của thanh niên (kể cả cán bộ trẻ) phải bảo đảm hệ thống kiến thức văn hoá cơ bản.

Đi đôi với các trường, lớp bổ túc văn hoá tập trung, cần mở rộng các trường, lớp bổ túc văn hoá tại chức ở các cơ quan và xí nghiệp (nhà máy, công trường, nông trường, lâm trường), các lớp bổ túc văn hoá tại chức hay nửa tập trung ở xã, ấp, bảo đảm cho đông đảo cán bộ và thanh niên có thể tham gia học tập ngoài giờ làm việc. Cần quy định chế độ học tập thống nhất và cố gắng đưa dần vào nền nếp. Đối với một số cán bộ chủ chốt không thể thoát ly công tác để đi học chỉ cần cử giáo viên dạy kèm, vừa hướng dẫn học văn hoá phổ thông, vừa tổ chức việc phổ biến những điều thường thức về khoa học, kỹ thuật và quản lý theo nhu cầu công tác.

Cần tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động nhằm triệt để hoàn thành xoá mù chữ. Tổ chức cho tất cả thiếu niên và những người lao động lớn tuổi chưa biết chữ được học, nhanh chóng biết đọc, biết viết, đồng thời có kế hoạch huy động những người vừa thoát mù chữ tiếp tục học lên cấp I, đặc biệt là công nhân ở các thành phố và khu công nghiệp, nhân dân ở các vùng giải phóng cũ, các khu kinh tế mới, các vùng dân tộc ít người và các vùng tôn giáo tập trung. Cần xây dựng đội ngũ giáo viên chuyên trách bổ túc văn hoá, đi đôi với việc huy động rộng rãi vào sự nghiệp này tất cả những người có trình độ văn hoá, kể cả lực lượng vũ trang và thanh niên xung phong. Tổng Công đoàn Việt Nam cần đặc biệt quan tâm tổ chức và chỉ đạo việc học bổ túc văn hoá cho công nhân, viên chức. Ngành giáo dục có trách nhiệm đào tạo giáo viên chuyên trách bổ túc văn hoá và bồi dưỡng sư phạm cho giáo viên nghiệp dư, biên soạn loại sách phổ cập những thường thức về khoa học và chính trị cho đồng bào mới biết chữ, biên soạn sách bổ túc văn hoá phù hợp với yêu cầu và trình độ tiếp thụ của từng đối tượng.

2. Phát triển mạnh mẽ và có kế hoạch nền giáo dục mầm non và nền giáo dục phổ thông, nâng cao một bước chất lượng giáo dục toàn diện

Giáo dục mầm non là một bộ phận rất quan trọng trong sự nghiệp giáo dục. Trong hoàn cảnh xã hội miền Nam, sớm phát triển giáo dục mầm non có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc giáo dục thế hệ trẻ, ngay từ tuổi thơ ấu. Vì vậy, cần có kế hoạch phát triển nhiều nhà trẻ và lớp mẫu giáo nhằm thu hút số đông trẻ em trong độ tuổi. Trước mắt, cần phát triển mạnh ở thành thị, khu công nghiệp, công trường, khu kinh tế mới, nông trường, lâm trường, vùng dân tộc ít người, vùng tôn giáo tập trung, bước đầu phát triển ở vùng nông thôn đông dân. Các cấp uỷ đảng và Uỷ ban nhân dân các cấp cần quan tâm giải quyết cơ sở vật chất cho các nhà trẻ và lớp mẫu giáo, bảo đảm thực hiện tốt các chế độ, chính sách đã có đối với các cô nuôi dạy trẻ và giáo viên mẫu giáo.

Phấn đấu để thu hút tuyệt đại bộ phận thiếu nhi từ 6 đến 15 - 16 tuổi vào trường phổ thông cơ sở (cấp I- II), trước hết là cấp I. Sắp xếp lại mạng lưới các trường, lớp, nhất là ở nông thôn, cho sát với điều kiện đi học của trẻ em và năng lực quản lý của cán bộ, đưa các lớp cấp I về gần chỗ ở của học sinh. Tổ chức các lớp cấp I riêng theo chương trình ngắn hạn cho những thiếu niên đã quá độ tuổi học; ở thành phố và thị trấn, có thể mở những lớp học buổi tối cho đối tượng này. Ở vùng dân tộc ít người, cần mở các trường thiếu nhi có nội trú. Ở vùng biên giới có chiến sự, cần tổ chức tốt việc học ở nơi sơ tán, phát động nhân dân trong tỉnh giúp đỡ học sinh và giáo viên nơi có chiến sự. Trong những năm trước mắt, để đáp ứng yêu cầu mở rộng việc phổ cập giáo dục phổ thông cơ sở, cần đào tạo giáo viên ngắn hạn, rồi bồi dưỡng dần; đồng thời khuyến khích giáo viên dạy thêm giờ, thêm lớp (giáo viên cấp I có thể dạy 2 lớp, giáo viên cấp II có thể dạy thêm 4 - 6 giờ mỗi tuần), và có thù lao thoả đáng cho những giờ dạy thêm theo chế độ đã ban hành.

Tiếp tục phát triển giáo dục phổ thông trung học (cấp III) một cách vững chắc, bảo đảm chất lượng giáo dục. Cần đặc biệt chú ý vùng giải phóng cũ, khu lao động ở các thành thị, vùng dân tộc ít người. Đẩy mạnh hơn nữa việc tăng thêm thành phần con em nhân dân lao động vào học các trường phổ thông trung học. Ở những vùng dân tộc ít người, cần cố gắng làm cho học sinh học hết cấp II được lên học cấp III. Củng cố các trường vừa học, vừa làm hiện có theo Quyết định số 63-CP, ngày 21-3-1978 của Hội đồng Chính phủ; tỉnh nào chưa có loại trường này thì cần mở thí điểm ít nhất một trường.

Nâng cao một bước chất lượng giáo dục toàn diện, nhất là về chính trị, đạo đức và kiến thức văn hoá. Cải tiến chương trình giáo dục chính trị và đạo đức cho phù hợp với yêu cầu của cuộc vận động cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội đang diễn ra mạnh mẽ ở miền Nam trong những năm trước mắt. Chú trọng giáo dục cho học sinh lòng yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, tinh thần làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, ý thức lao động mới, tôn trọng trật tự kỷ luật, pháp luật nhà nước, bảo vệ của công, giữ gìn lối sống lành mạnh, chống mọi ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dân mới và những thói xấu của các giai cấp bóc lột, của xã hội cũ. Về kiến thức văn hoá, cần chú ý gột rửa những quan điểm sai lầm, nhất là về khoa học xã hội. Hướng dẫn học sinh tham gia lao động sản xuất vừa sức, có tổ chức, có kỷ luật, có kỹ thuật, từng bước nâng cao tác dụng giáo dục của lao động sản xuất đối với học sinh. Hướng dẫn các hoạt động văn nghệ và thể dục, thể thao cho đúng mức, góp phần tạo không khí vui tươi, lành mạnh trong các trường học.

3. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ giáo viên xã hội chủ nghĩa

Công tác đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ giáo viên xã hội chủ nghĩa có vị trí đặc biệt quan trọng để đáp ứng yêu cầu phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục trong ba năm trước mắt và chuẩn bị cho cải cách giáo dục. Ngành giáo dục, ngành bảo vệ bà mẹ và trẻ em và các địa phương cần có kế hoạch cụ thể, thiết thực để củng cố, mở rộng quy mô và mạng lưới các trường sư phạm đào tạo và bồi dưỡng cô nuôi dạy trẻ, giáo viên mẫu giáo, giáo viên phổ thông cấp I và cấp II ở tất cả các tỉnh và thành phố. Trong ba năm tới, đi đôi với việc cải tiến chương trình và phương pháp đào tạo, cần ổn định địa điểm và quy mô các trường sư phạm, xúc tiến việc xây dựng cơ sở vật chất cần thiết. Tăng cường cán bộ và cơ sở vật chất cho các trường và các khoa đại học sư phạm hiện có, chuẩn bị tốt để phát triển trong kế hoạch sau.

Trước mắt, cần kịp thời mở rộng việc đào tạo giáo viên ngắn hạn cho các cấp I, II, đồng thời có quy hoạch tích cực đào tạo giáo viên theo hệ thống chính quy. Nguồn tuyển sinh chủ yếu phải là thanh niên tốt có trình độ văn hoá cấp II, cấp III ở địa phương; số thanh niên này cần được chính quyền địa phương quản lý tốt và ưu tiên dành cho các trường sư phạm. Các trường sư phạm cần tổ chức bổ túc văn hoá cho giáo sinh để đạt trình độ văn hoá tiêu chuẩn trước khi vào học chính khoá sư phạm. Các tỉnh có đồng bào đi xây dựng vùng kinh tế mới cần điều động theo đủ số giáo viên cần thiết, và đưa một số đoàn viên thanh niên có văn hoá vào học các trường sư phạm của địa phương mới đến.

Bộ Giáo dục phải tích cực chuẩn bị để sớm mở hệ đào tạo giáo viên chính trị trong các trường đại học sư phạm và một số trường cao đẳng sư phạm. Trước mắt, cần coi trọng việc đào tạo bằng phương thức tập huấn từng phần chương trình, kịp thời đáp ứng nhu cầu hiện nay.

Cần có chương trình, kế hoạch và tổ chức thích hợp để bồi dưỡng giáo viên về chính trị, văn hoá và nghiệp vụ, sát với từng đối tượng, cho tất cả anh chị em mau chóng đạt trình độ đào tạo tiêu chuẩn. Kết hợp việc bồi dưỡng tập trung với bồi dưỡng tại chức.

Chăm lo cải thiện đời sống của giáo viên và gia đình của giáo viên, nhất là nữ giáo viên. Uỷ ban nhân dân, Công đoàn giáo dục, các đoàn thể thanh niên và phụ nữ các cấp cần giúp đỡ giáo viên ổn định nơi ăn ở, giảm bớt những khó khăn trong sinh hoạt, tạo điều kiện cho giáo viên có thể tập trung sức vào công tác giáo dục. Chấp hành tốt những chế độ, chính sách đã có đối với giáo viên. Bộ Giáo dục có trách nhiệm nghiên cứu để đề nghị bổ sung những chế độ, chính sách đối với giáo viên cho phù hợp với tình hình mới và yêu cầu mới, nhất là đối với những giáo viên công tác ở những địa phương có nhiều khó khăn.

4. Đẩy mạnh phong trào thi đua "dạy tốt, học tốt" theo gương các điển hình tiên tiến

Cần làm cho phong trào thi đua "dạy tốt, học tốt" trở thành một phong trào cách mạng của quần chúng trong các trường học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện theo nguyên lý: "Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội". Thông qua phong trào thi đua "dạy tốt, học tốt" mà từng bước phát huy vai trò làm chủ tập thể của giáo viên và học sinh, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục, giải quyết các vấn đề do thực tiễn công tác giáo dục đề ra ở từng địa phương.

Cần coi trọng và phổ biến rộng rãi những kinh nghiệm của các điển hình tiên tiến về giáo dục của cả nước và của các tỉnh, thành miền Nam. Mỗi tỉnh, thành, mỗi huyện, quận cần chỉ đạo việc xây dựng những trường học tiên tiến tiêu biểu cho từng ngành học, từng cấp học ở từng vùng khác nhau, kịp thời tổng kết kinh nghiệm của các trường học tiên tiến đó để lãnh đạo chung.

5. Tích cực xây dựng trường sở và trang bị phương tiện dạy học

Uỷ ban nhân dân các cấp tỉnh, thành, huyện, quận và xã, phường cần đặt vấn đề xây dựng trường sở vào vị trí ưu tiên thích đáng trong kế hoạch xây dựng cơ bản của địa phương, dành vật tư cần thiết cho việc này. Cần động viên nhân dân, và thầy trò các trường học tham gia làm vật liệu xây dựng, trồng cây, góp công góp của xây dựng trường sở, mua sắm bàn ghế, thiết bị, phương tiện dạy học, tổ chức thư viện... Phấn đấu trong ba năm tới, phần lớn trường học có cơ sở tương đối tốt bằng gạch ngói.

6. Tăng cường công tác quản lý giáo dục

Ngành giáo dục cần cải tiến công tác quản lý theo hướng: nắm vững và bảo đảm quán triệt đường lối, quan điểm giáo dục của Đảng; có kế hoạch phát triển giáo dục tích cực và vững chắc; chú trọng bồi dưỡng, đào tạo cán bộ quản lý và giáo viên; tăng cường công tác thanh tra, và giúp đỡ tại chỗ cho cán bộ, giáo viên ở cơ sở; làm tốt việc chỉ đạo điểm để rút kinh nghiệm chỉ đạo chung, sát thực tế từng vùng.

Phòng giáo dục huyện, quận trực tiếp chỉ đạo các trường học và phong trào giáo dục trên địa bàn huyện, quận, nên ngày càng có vị trí, quyết định trong việc quản lý sự nghiệp giáo dục. Vì vậy, cần kiên quyết điều động một số cán bộ có năng lực từ tỉnh, thành xuống để kiện toàn một bước cấp huyện, quận.

Các địa phương cần chú trọng củng cố đội ngũ cán bộ quản lý của các trường học. Mạnh dạn đề bạt những cán bộ, giáo viên đã được thử thách và có triển vọng, kịp thời mở những lớp tập huấn ngắn ngày để bồi dưỡng cho họ về nghiệp vụ quản lý trường học.

Bộ Giáo dục và Uỷ ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em trung ương cần cải tiến tổ chức và lề lối làm việc để chỉ đạo sát hơn nữa các tỉnh, thành miền Nam, kịp thời giải quyết những vấn đề đặt ra ở các địa phương.

Cần củng cố và phát triển các đoàn thể quần chúng trong trường học. Phát triển mạnh mẽ và vững chắc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Thu hút tất cả giáo viên và nhân viên công tác trong các trường học vào Công đoàn giáo dục; thu hút tất cả thanh niên học sinh vào Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; thu hút tất cả thiếu nhi học sinh vào Đội Thiếu niên tiền phong và Đội Nhi đồng Hồ Chí Minh. Xây dựng và thực hiện quy chế mới của trường học, bảo đảm cho các đoàn thể quần chúng thật sự tham gia quản lý trường học.

Kiên quyết đưa ra ngoài ngành giáo dục và trường học những phần tử phản động về chính trị, sa đọa về đạo đức. Hết lòng kiên trì giáo dục, giúp đỡ những người chậm tiến.

Tăng cường công tác xây dựng đảng trong ngành giáo dục theo Chỉ thị số 16-CT/TW, ngày 10-8-1977 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Phân bố lại lực lượng đảng viên ở các trường học, có kế hoạch bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác đảng và tất cả đảng viên về đường lối, chủ trương của Đảng và phương pháp công tác. Phát triển đảng một cách vững chắc, bảo đảm tiêu chuẩn của người đảng viên công tác trong ngành giáo dục.

Kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những phần tử phản động, những đảng viên thoái hoá, biến chất về chính trị và đạo đức, gây ảnh hưởng xấu trong quần chúng.

Các cấp uỷ đảng cần nắm vững đường lối, chủ trương, kế hoạch của Đảng và Nhà nước về công tác giáo dục, xây dựng và sử dụng tốt tổ chức khoa giáo của cấp uỷ và các tổ chức đảng trong ngành giáo dục và trường học để lãnh đạo công tác giáo dục. Các tỉnh uỷ, thành uỷ cần kiểm điểm công tác giáo dục trong ba năm qua, bàn bạc và có nghị quyết về công tác giáo dục ở địa phương trong ba năm tới (1978 - 1980). Sau đó, cần tổ chức phổ biến Chỉ thị này của Ban Bí thư và nghị quyết của tỉnh uỷ, thành uỷ về công tác giáo dục cho các cấp đảng, chính quyền và các đoàn thể quần chúng trong tỉnh và thành phố trước ngày khai giảng năm học 1978 - 1979.

T/M BAN BÍ THƯ

TỐ HỮU

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực