Chỉ thị về đào tạo và bồi dưỡng cán bộ ở ngoài nước trong tình hình mới

Thứ ba, 13/12/2011 16:24

Ngày 21/3/1995, Ban Bí thư khoá VII đã ban hành Chỉ thị số 53-CT/TW về đào tạo và bồi dưỡng cán bộ ở ngoài nước trong tình hình mới. Sau đây là toàn văn Chỉ thị:

1. Mấy chục năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã cử hàng chục vạn cán bộ và thanh niên ưu tú đi đào tạo ở ngoài nước, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành đội ngũ cán bộ khoa học và lao động kỹ thuật. Đội ngũ đó đã có những đóng góp xứng đáng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Từ sau khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, việc gửi học sinh ta ra ngoài nước gặp khó khăn và bị giảm đột ngột. Gần đây, nhờ mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều nước trên thế giới, số lượng lưu học sinh đi đào tạo ở ngoài nước có tăng nhưng còn quá ít. Công tác đào tạo cán bộ ở ngoài nước còn bị động, phụ thuộc vào học bổng do các nước đài thọ, nên cả về số lượng và cơ cấu ngành nghề đều chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước.

2. Để nhanh chóng có được đội ngũ trí thức đủ sức đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phải đặc biệt coi trọng việc mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ ở trong nước, phải rất quan tâm đến việc gửi lưu học sinh đi đào tạo, bồi dưỡng ở ngoài nước.

Kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng cán bộ ở ngoài nước phải gắn với quy hoạch đào tạo ở trong nước, xuất phát từ yêu cầu phát triển đất nước, lấy chất lượng và hiệu quả làm chính, gắn đào tạo với sử dụng. Đào tạo, bồi dưỡng ở ngoài nước trước hết phải nhằm vào các ngành khoa học và công nghệ mũi nhọn mà ta đang có nhu cầu cấp bách, tập trung vào các ngành nghề trong nước chưa có khả năng đào tạo hoặc chất lượng đào tạo còn hạn chế, dành ưu tiên đào tạo các cán bộ thực hành, các chuyên gia về công nghệ, các nhà quản lý, kinh doanh, công nhân kỹ thuật lành nghề.

Cần dành ngân sách nhà nước đầu tư thích đáng cho công tác này; đồng thời khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài trợ quốc tế theo các hiệp định chính phủ, các thoả thuận của các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ; các thoả thuận trong các liên doanh, các dự án hợp tác song phương và đa phương. Khuyến khích việc hợp tác trực tiếp giữa các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo và nghiên cứu của nước ta và các nước trong công tác đào tạo. Khuyến khích các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp dành kinh phí đưa cán bộ của đơn vị mình đi đào tạo, bồi dưỡng ở ngoài nước, cấp học bổng cho các học sinh giỏi ra nước ngoài học tập; khuyến khích các gia đình có điều kiện cho con em đi học ở ngoài nước theo chế độ tự túc.

Sử dụng nhiều loại hình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở ngoài nước, bao gồm đào tạo, đào tạo lại, đào tạo chuyển tiếp, bồi dưỡng. Mở rộng hình thức "du học tại chỗ", mời thầy giỏi của nước ngoài vào nước ta giảng dạy, mở một số cơ sở đào tạo của nước ngoài ở nước ta; khai thác kết quả các cuộc hội thảo quốc tế ở trong nước và nước ngoài để nâng cao kiến thức của cán bộ; nghiên cứu áp dụng hình thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, công nghệ và công nhân ngay trong các doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài trên đất nước ta.

Cần gửi học sinh đi học khoa học và công nghệ ở những nước phát triển, những trường đào tạo có truyền thống; đồng thời tranh thủ phát triển quan hệ hợp tác với các nước trong khu vực để đào tạo cán bộ về một số ngành nghề thích hợp.

3. Từ nay đến năm 2000 cần làm tốt những việc sau đây:

- Tổ chức điều tra, đánh giá nguồn nhân lực hiện có, xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng cán bộ khoa học, công nghệ, cán bộ quản lý kinh doanh, công nhân lành nghề ở ngoài nước.

- Xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước để tổ chức và quản lý tốt các loại hình đào tạo, bồi dưỡng; quản lý, sử dụng hợp lý và có hiệu quả các nguồn học bổng.

- Xây dựng các chính sách cụ thể để thực hiện hình thức "du học tại chỗ", phát triển thêm các cơ sở đào tạo của nước ngoài tại nước ta với chất lượng đào tạo đạt tiêu chuẩn quốc tế; mở rộng sự hợp tác giữa các trường đại học Việt Nam với các trường đại học nước ngoài để đào tạo theo hình thức học chuyển tiếp (hai, ba năm đầu học tại Việt Nam, hai, ba năm cuối học tiếp ở nước ngoài); hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và những công dân có đủ tiêu chuẩn và điều kiện đi học ở ngoài nước bằng kinh phí của đơn vị hoặc theo chế độ tự túc.

- Đổi mới việc quản lý công tác đào tạo ở ngoài nước: Hoàn thiện quy trình, quy chế tuyển chọn; đổi mới nội dung và phương pháp đánh giá (thi kiểm tra) để tuyển chọn đúng tiêu chuẩn, đúng đối tượng, đảm bảo công bằng. Chấn chỉnh công tác quản lý lưu học sinh cả trong và sau thời gian học tập ở ngoài nước. Tăng cường công tác chính trị, tư tưởng đối với lưu học sinh, giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và ý chí quyết tâm học giỏi; củng cố niềm tin vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; cảnh giác trước những âm mưu "diễn biến hoà bình"; giữ gìn đạo đức và lối sống lành mạnh; tôn trọng luật pháp của nước sở tại.

Xây dựng các chính sách đối với lưu học sinh tốt nghiệp về nước làm việc ở những lĩnh vực mà họ được đào tạo.

Chấn chỉnh những biểu hiện lệch lạc trong việc du học tự túc. Ban hành những văn bản hướng dẫn công khai về điều kiện đi học và quy trình làm thủ tục đi học ở ngoài nước, tránh phiền hà cho người đi học, đồng thời khắc phục tình trạng lợi dụng danh nghĩa đi học tự túc để xuất cảnh làm ăn buôn bán.

- Bắt đầu từ năm 1995 và sau đó, hằng năm Nhà nước dành một phần ngân sách thích đáng để chủ động thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở ngoài nước.

Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo tổ chức thực hiện chỉ thị này.

T/M BAN BÍ THƯ

ĐÀO DUY TÙNG

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực