Chỉ thị về một số công tác trước mắt đối với trí thức cũ ở miền Nam

Thứ sáu, 09/12/2011 16:10
Ngày 26/2/1979, Ban Bí thư khoá IV đã ban hành Chỉ thị số 66-CT/TW, ngày 26/2/1979 về một số công tác trước mắt đối với trí thức cũ ở miền Nam. Sau đây là toàn văn Chỉ thị:

Từ sau ngày giải phóng đến nay, thực hiện chính sách chung của Đảng, các chỉ thị của Trung ương Đảng và Chính phủ, các ngành và các tỉnh ở miền Nam đã có nhiều cố gắng trong công tác tiếp nhận, giáo dục cải tạo và sử dụng trí thức của chế độ cũ, tạo điều kiện cho họ đem tài sức phục vụ yêu cầu của cách mạng trong giai đoạn mới. Nhiều trí thức cũ, nhất là ở ngành giáo dục và y tế, đã tỏ ra có tinh thần yêu nước, phục vụ nhiệt tình, một số có cống hiến có giá trị về mặt khoa học và kỹ thuật, một số đã trở thành chiến sĩ thi đua và lao động tiên tiến, một số còn trẻ đã được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Đặc biệt, sau khi nghiên cứu Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư của Trung ương Đảng về tình hình và nhiệm vụ mới, ý thức dân tộc và giác ngộ xã hội chủ nghĩa trong trí thức được nâng lên một bước, một số tích cực tham gia các phong trào sản xuất, bảo vệ Tổ quốc, thông cảm với khó khăn chung của đất nước, quyết tâm vượt qua thử thách mới.

Tuy nhiên, trong trí thức, kể cả số tiến bộ, vẫn còn nhiều tâm tư trước tình hình đời sống của họ có nhiều khó khăn. Việc chấp hành chính sách và cách quản lý kinh tế còn những mặt chưa tốt, quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động ở một số nơi, nhất là ở cơ sở, bị xâm phạm, các tệ quan liêu, hống hách, tham nhũng, thoái hoá trong một số cán bộ còn nặng. Một số không ít còn thất nghiệp, chưa được tuyển dụng. Ngoài đời sống khó khăn, điều làm cho nhiều người trí thức cũ khổ tâm và nghi ngờ là thái độ chèn ép và phân biệt đối xử của một số cán bộ, chẳng những đối với họ, mà đối với cả gia đình con cái họ. Với những mức độ khác nhau, một số lạc hậu còn luyến tiếc chế độ cũ. Cũng có một số ít trí thức là phần tử phản động tay sai của địch cài lại, tiếp tục phá hoại cách mạng. Gần đây, số vụ trốn ra nước ngoài tăng lên, có ảnh hưởng xấu đến tinh thần tư tưởng của trí thức còn ở lại.

Nhìn chung, sự đóng góp của trí thức chưa tương xứng với số lượng và chất lượng chuyên môn của họ. Tình hình đó có những nguyên nhân từ bản thân người trí thức cũ, từ hoàn cảnh khó khăn phức tạp mà cách mạng nước ta đang trải qua, từ việc các cấp các ngành thực hiện chưa tốt các chính sách đối với trí thức cũ. Rõ ràng là chúng ta chưa huy động được toàn bộ tài năng, trí tuệ của trí thức cũ vào việc xây dựng lại đất nước, nhất là chưa tận dụng được khả năng khoa học - kỹ thuật của họ. Bởi vậy, công việc vận động, đoàn kết, giáo dục, sử dụng trí thức cũ cần phải được coi trọng và tiếp tục tiến hành theo đúng đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, kịp thời sửa chữa những lệch lạc, khuyết điểm.

Trước hết, cần quán triệt trong toàn Đảng quan điểm phải "có chính sách đãi ngộ thoả đáng và thái độ rộng rãi để sử dụng cho được các cán bộ khoa học - kỹ thuật và công nhân lành nghề ở các vùng mới giải phóng" như Hội nghị lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IV) đã đề ra.

Đứng trước tình hình đất nước đang phải đối phó với cuộc chiến tranh xâm lược..., ta có thể và cần phải khơi lên mạnh mẽ tinh thần yêu nước của đông đảo trí thức.

Các ngành Trung ương và các tỉnh ở miền Nam phải tìm mọi cách thu hút hầu hết trí thức cũ, trừ những phần tử đã xác minh là thù địch, phản động, vào các ngành hoạt động kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hoá, xã hội, đưa họ vào các tổ chức quần chúng thích hợp, chú ý hơn nữa giáo dục chính trị và tư tưởng, giải quyết một bước đời sống cho họ và gia đình họ, xoá bỏ mặc cảm "trí thức nguỵ", tạo ra tinh thần đoàn kết, hoà hợp giữa trí thức xã hội chủ nghĩa và trí thức cũ, kiên quyết ngăn chặn tình trạng trí thức cũ trốn ra nước ngoài, phát huy tốt nhất sự đóng góp của họ vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc với nhiệt tình và giác ngộ ngày càng cao và vững chắc.

Để thực hiện yêu cầu nói trên:

1. Phải giải quyết nhanh chóng tình trạng thất nghiệp của trí thức cũ hiện nay:

a) Điều tra, nắm chắc số lượng và phân loại trí thức cũ đã được sử dụng và chưa có việc làm.

b) Đối với số trí thức khoa học - kỹ thuật (và cả số thợ giỏi tay nghề) thì ngành nào liên quan đến họ (cụ thể là các uỷ ban, bộ, tổng cục, viện v.v. của trung ương; các sở, ty, phòng v.v. của địa phương) phối hợp với cơ quan lao động có nhiệm vụ bố trí công việc làm cho họ theo đúng ngành nghề. Trường hợp ngành nghề cũ của họ vì một lý do nào đó không còn nữa hoặc vì điều kiện bảo mật, vị trí xung yếu mà không thể bố trí họ vào được thì tìm cho họ một chỗ làm gần nhất với khả năng của họ.

c) Đối với số trí thức khoa học xã hội thì ngành nào liên quan đến họ có nhiệm vụ bố trí công việc làm cho họ. Một số ít trong họ có thể sử dụng theo ngành nghề cũ, nếu xét thấy có thể được. Số khác cần được giao các công việc thích hợp như tập hợp tư liệu, biên dịch, v.v.. Số đông cần gấp rút được bồi dưỡng thêm để sử dụng họ giảng dạy khoa học tự nhiên, sinh ngữ, hoặc chuyển hẳn sang ngành nghề khác, để sử dụng vốn văn hoá chung của họ.

Riêng với ngành luật, có thể lựa chọn kỹ một số có thái độ chính trị và tư cách tốt, có khả năng nghiên cứu, giáo dục, bồi dưỡng họ về chính trị, tư tưởng, quan điểm pháp chế xã hội chủ nghĩa, và sử dụng họ làm chuyên viên luật pháp, giúp các cơ quan Nhà nước. Ban Tổ chức Trung ương cùng với Ban Tổ chức Chính phủ phối hợp những ngành có liên quan để hướng dẫn và theo dõi việc này.

d) Yêu cầu giải quyết tình trạng thất nghiệp nói trên bao gồm cả số trí thức trước đây là sĩ quan hoặc nhân viên chính quyền cũ đã được cải tạo và đã được phục hồi quyền công dân, kể cả số ta đã sử dụng mà vừa rồi lại sa thải với lý do không rõ ràng, không chính đáng, và cả số trí thức, nhất là trí thức khoa học - kỹ thuật, đang làm những nghề không thuộc chuyên môn của họ.

Mỗi ngành, mỗi địa phương đều phải điều tra nắm chắc số trí thức hiện có ở địa phương, sử dụng tốt khả năng của họ, phải xem xét, cân nhắc thận trọng trong trường hợp sa thải trí thức cũ.

Đối với số phạm tội hiện hành hoặc là phần tử phản động nguy hiểm, có chứng cớ rõ ràng, chúng ta chẳng những sa thải mà còn nghiêm trị. Đối với số ta chưa đủ tin cậy, hoặc có nghi vấn thì cần thay đổi công tác (nếu họ giữ vị trí quan trọng) hoặc có kế hoạch giám sát (nếu thấy chưa cần phải thay đổi). Bất kể thế nào, chỉ trừ trường hợp cần thiết phải bắt giam, còn thì ta phải lo công việc làm cho họ.

Trong trường hợp không thể bố trí hết số trí thức cũ vào các cơ quan, xí nghiệp của Nhà nước, thì cho phép họ tổ chức thành nhóm hành nghề tập thể (khám bệnh, sửa chữa máy móc, sản xuất gia công cho Nhà nước, v.v.) dưới sự kiểm soát và sự giúp đỡ cần thiết của Nhà nước, với những quy định cụ thể của Nhà nước.

e) Giữa thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, nếu có yêu cầu cụ thể của các địa phương và có sự thoả thuận, tự nguyện của trí thức, thì điều chỉnh số trí thức cũ để phân phối lại cho hợp lý.

2. Cố gắng giải quyết một bước đời sống cho trí thức cũ:

- Sớm đưa họ vào biên chế của Nhà nước hoặc xí nghiệp, chấm dứt tình trạng tạm tuyển hoặc làm việc theo hợp đồng.

- Có khen thưởng thích đáng (cả tinh thần và vật chất) đối với các sáng kiến có giá trị khoa học - kỹ thuật, kinh tế. Đối với những người tốt và có tài năng, cần đưa vào các cơ quan quản lý chuyên môn ở cơ sở và chú ý tạo điều kiện làm việc để phát huy khả năng cống hiến của họ cho Tổ quốc.

- Giúp đỡ họ làm ngoài giờ hành chính để có thu nhập thêm (khám bệnh, dạy kèm, sửa chữa máy móc, dịch thuật...) theo giá quy định, có sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền.

- Các cơ quan liên quan, các cơ quan lao động có trách nhiệm tìm công ăn việc làm cho gia đình họ, tăng thêm thu nhập cho họ và gia đình họ sống được.

- Sau khi đã giải quyết tất cả các chế độ, chính sách như mọi trí thức khác mà đời sống của họ vẫn còn khó khăn, các cơ quan chủ quản và các địa phương có thể sử dụng các quỹ phúc lợi của công đoàn và phúc lợi xã hội để trợ cấp thêm cho họ. Trước mắt, chú ý bảo đảm lương thực cho những gia đình quá túng thiếu.

- Tất cả trí thức, dù đã được sử dụng hay là chưa, đều được hưởng các quy định về mua lương thực, thực phẩm, về chữa bệnh. Con cái của họ được học hành như con cái mọi công dân khác, không được phân biệt đối xử.

3. Chấm dứt tình trạng xâm phạm quyền làm chủ tập thể của trí thức, tăng cường công tác giáo dục, đoàn kết, tổ chức trí thức:

a) Mọi việc khám xét, tịch thu, trưng thu, trưng mua nhà cửa, tài sản đều phải làm đúng với chính sách, pháp luật, quy định của Nhà nước. Cấm mọi hành động lạm quyền, vô kỷ luật, tuỳ tiện. Nếu có trường hợp làm sai chính sách thì phải kiên quyết sửa chữa. Các cấp tỉnh, thành phải có chế độ trực tiếp quản lý số trí thức có chuyên môn giỏi và có tín nhiệm trong nhân dân, kịp thời uốn nắn những lệch lạc.

b) Chấm dứt mọi biểu hiện phân biệt đối xử với trí thức cũ, kể cả con cái và gia đình họ, tránh mọi lời nói và hành động xúc phạm họ. Trí thức cũ có quyền công dân như mọi người công dân khác, kể cả quyền phát biểu ý kiến phê bình xây dựng đối với các cơ quan Đảng và Nhà nước.

c) Tăng cường công tác giáo dục lý luận, đường lối, chính sách của Đảng cho trí thức, giúp họ ngày càng gần gũi với cách mạng, với Đảng hơn, yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội hơn. Sử dụng tốt và rộng các hình thức câu lạc bộ, nói chuyện, trao đổi ý kiến, với điều kiện có lãnh đạo chặt chẽ. Trí thức xã hội chủ nghĩa cần tham gia các sinh hoạt này để gần gũi, hiểu và chan hoà với họ, giáo dục họ, giúp anh chị em tiến bộ.

Các báo, tạp chí ở trung ương và địa phương cần chú ý thích đáng đến đối tượng trí thức (kể cả cũ và mới), sử dụng tốt khả năng, sở trường và coi trọng những ý kiến, sáng kiến tốt của họ.

d) Tập hợp trí thức cũ vào các tổ chức chuyên môn, đoàn thể quần chúng như Hội Trí thức yêu nước, Công đoàn, Hội Liên hiệp Thanhniên, Hội Liên hiệp Phụ nữ. Kết nạp số trí thức trẻ có đủ tiêu chuẩn vào Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

4. Đối với những trí thức có trình độ chuyên môn khoa học - kỹ thuật, văn hoá cao, cần có chế độ đãi ngộ thích đáng để phát huy khả năng đóng góp của họ. Ban Bí thư uỷ cho Ban Khoa giáo Trung ương và Ban Dân vận và Mặt trận Trung ương ra thông tri hướng dẫn việc này.

Các ngành có liên quan, các cấp, Bộ Nội vụ phải có kế hoạch cụ thể bảo vệ số trí thức giỏi đầu đàn.

Phải quan tâm chăm sóc số trí thức trước đây có tham gia phong trào yêu nước, các phong trào tiến bộ hoặc có thái độ chính trị tốt hoặc là cơ sở trước đây của ta, sử dụng họ làm nòng cốt trong công tác vận động trí thức. Tránh hẹp hòi trong việc đánh giá và sử dụng số này, vì có người là công chức cao cấp, là dân biểu v.v. trong chế độ cũ.

5. Xem xét nhanh chóng và vững chắc để khôi phục quyền công dân cho số trí thức là sĩ quan, nhân viên chính quyền cũ đã được cải tạo và thật sự tiến bộ, thật lòng hoạt động phục vụ Tổ quốc và nhân dân.

Cần chú ý đến tình hình trước đây địch cưỡng ép hầu hết nam trí thức trong tuổi quân dịch vào quân đội, cho nên ta phải phân biệt ai là sĩ quan ác ôn, ai là sĩ quan có chuyên môn khoa học - kỹ thuật, ai là nạn nhân của chế độ cũ để có thái độ chính xác. Cũng cần phân biệt trong số sĩ quan "biệt phái" có tên là tay sai nguy hiểm của địch, có người bị cưỡng ép hoặc vì sợ phải ra trận mà lo lót để được biệt phái ở các cơ quan phía sau.

Từ nay, chấm dứt tình trạng một số nơi tuỳ tiện tập trung trí thức loại này mỗi khi có một tình hình gì đặc biệt (ngày lễ lớn hoặc có biến động chính trị, v.v.). Nhiệm vụ của các cơ quan an ninh là phải thường xuyên và khéo léo theo dõi những phần tử xấu và có cách đối phó thích đáng, không dùng biện pháp thô bạo nói trên. Phải cảnh giác, nhưng không được nghi ngờ lung tung. Chấm dứt tình trạng tuỳ tiện đặt ra "luật lệ" riêng và độc đoán của địa phương hoặc ngành, không tôn trọng pháp luật, chính sách chung của Nhà nước.

Cần thận trọng trong việc đưa số trí thức thuộc thành phần sĩ quan hoặc nhân viên chính quyền cũ ra khỏi thành phố một cách đồng loạt, không phân biệt tiến bộ hay là phản động, không được truy chụp "liên quan" để xử lý cả với gia đình họ.

6. Hướng sử dụng trí thức ở miền Nam là giúp cho họ phục vụ đất nước bằng sở trường chuyên môn, không nên sử dụng lãng phí năng lực của họ trong các hoạt động khác, kể cả hoạt động xã hội chính trị, trừ khi thật cần thiết. Do đó cần tạo mọi điều kiện và phương tiện để họ có thể nghiên cứu và thí nghiệm, chú ý cả phương tiện đi lại, nhà ở, nơi làm việc của họ và nhất là cho phép họ nhận dễ dàng sách báo khoa học - kỹ thuật ngoài nước (kể cả các nước tư bản), dưới sự kiểm soát trực tiếp của cơ quan họ đang công tác.

Các chính sách vừa kể trên áp dụng cho cả các trí thức khoa học tự nhiên và xã hội, kinh tế và kỹ thuật, giáo viên, bác sĩ, dược sĩ, văn nghệ sĩ... kể cả những tín đồ và tu sĩ các tôn giáo hoặc thuộc thành phần các dân tộc ít người.

7. Cần có những biện pháp tích cực ngăn chặn những trí thức trốn ra nước ngoài vừa gây tổn thất cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa có hại cho uy tín của nước ta. Biện pháp tốt nhất là các ngành, các cấp thi hành đúng đắn các chính sách của Đảng đối với trí thức. Các ngành và các địa phương có trách nhiệm quản lý trí thức trực thuộc ngành và địa phương mình, có quyền đề nghị về chính sách, chế độ đối với trí thức, nhưng nếu có trường hợp trốn chạy thì ngành và địa phương liên quan phải chịu trách nhiệm. Đối với số trí thức trốn bị bắt lại, nếu xét thấy họ không liên quan đến chính trị thì giáo dục rồi tha họ về sống với gia đình và cố sắp xếp việc làm cho họ. Đối với những tên phản động nguy hiểm thì phải vạch tội cho mọi người thấy và kiên quyết trừng trị.

8. Trong tình hình mới hiện nay, Ban Bí thư giao trách nhiệm vận động, tập hợp, giáo dục, nghiên cứu đề xuất với Trung ương Đảng và Chính phủ các chủ trương, chính sách đối với trí thức trong cả nước, (kể cả trí thức cũ) cho Ban Khoa giáo Trung ương, Ban Tuyên huấn Trung ương, Ban Dân vận và Mặt trận Trung ương, kết hợp chặt chẽ với các ngành và các cấp uỷ địa phương. Đối với số trí thức tiêu biểu thì Ban Khoa giáo, Ban Dân vận và Mặt trận chịu trách nhiệm theo dõi, quản lý, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương.

Các Ban nói trên phải bàn bạc đề ra sự phân công, phân nhiệm rõ ràng và báo cáo với Ban Bí thư.

*
* *

Trong sự nghiệp vĩ đại xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, chúng ta rất cần đến sự đóng góp của trí thức.

Tình hình miền Nam còn phức tạp, chúng ta phải hết sức cảnh giác đối với bọn phản động, gián điệp tay sai của đế quốc, song chúng ta phải có quan điểm đúng trong việc đánh giá trí thức cũ ở miền Nam, tích cực động viên họ vào hoạt động yêu nước rộng lớn, giúp đỡ họ tiến bộ, không vì một số ít phần tử phản động hoặc bị địch mua chuộc, lôi kéo mà hoảng hốt nhìn chung giới trí thức cũ với thái độ nghi kỵ.

Những người trí thức xã hội chủ nghĩa phải có thái độ chân thành đoàn kết với trí thức cũ ở miền Nam, giúp đỡ họ, đồng thời học hỏi họ, tránh chủ quan trong việc đánh giá phẩm chất và kiến thức của họ, tránh hẹp hòi, biệt phái, đồng thời tránh hữu khuynh, tiêu cực. Trí thức xã hội chủ nghĩa có trách nhiệm đoàn kết, giúp đỡ số trí thức chế độ

cũ về mặt chính trị với lòng rộng rãi, chân thành và khiêm tốn, và trước hết phải gương mẫu về phẩm chất, đạo đức, không suy bì, ghen tỵ với họ về chính sách đãi ngộ vật chất.

Các tỉnh uỷ, thành uỷ ở miền Nam, các ban, Đảng đoàn, Ban Cán sự Đảng của các ngành Trung ương cần thảo luận kỹ Chỉ thị này, đánh giá lại toàn bộ tình hình trí thức cũ trong ngành và trong địa phương, tình hình chấp hành các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với họ trong thời gian qua, để có kế hoạch thực hiện tốt, và sau đó có báo cáo kết quả cho Ban Bí thư.

Chỉ thị này được phổ biến đến các chi uỷ và đảng ủy cơ sở ở miền Nam, các đảng uỷ cơ sở ở các ban, ngành Trung ương.

T/M BAN BÍ THƯ

NGUYỄN DUY TRINH

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực