Chỉ thị về nhiệm vụ công tác giáo dục ở miền núi trong hai năm học 1964 - 1965 và 1965 - 1966

Thứ tư, 23/11/2011 15:38

Ngày 3/9/1964, Ban Bí thư khoá III đã ban hành Chỉ thị số 84-CT/TW về nhiệm vụ công tác giáo dục ở miền núi trong hai năm học 1964 - 1965 và 1965 – 1966. Sau đây là toàn văn Chỉ thị:

I. NHẬN XÉT VỀ CÔNG TÁC GIÁO DỤC Ở MIỀN NÚI TRONG BA NĂM QUA

Trong ba năm qua, hướng theo những nhiệm vụ và chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất về giáo dục, sự nghiệp giáo dục ở miền núi đạt được nhiều thành tích to lớn.

Công tác thanh toán nạn mù chữ và bổ túc văn hoá đã tiến thêm một bước. Trên mười vạn người, trong đó có 25.000 cán bộ, đảng viên và thanh niên tích cực đã thoát nạn mù chữ. Hàng năm từ 8 đến 15 vạn người đã theo học các lớp bổ túc văn hoá cấp I, cấp II. Các trường thanh niên dân tộc phát triển ở nhiều nơi, tính đến cuối năm 1963 đã có 61 trường, gồm hơn 5.000 học sinh. Các trường lớp phổ thông phát triển khá nhanh. Hiện nay có hơn 25 vạn học sinh các dân tộc, nếu tính cả 14 vạn trẻ em các lớp vỡ lòng thì số học sinh chiếm 15% dân số. Nhờ trình độ văn hoá của nhân dân lao động và của thế hệ trẻ được nâng cao, cho nên việc đào tạo cán bộ các dân tộc cũng được thuận lợi. Số thanh niên các dân tộc thiểu số vào học các trường chuyên nghiệp ngày càng nhiều. Trong năm học 1963 - 1964 có gần 500 người theo học các trường đại học, gần 100 người học ở nước ngoài và 3.000 người theo học các trường trung học chuyên nghiệp. Số giáo viên người dân tộc thiểu số chiếm tới 40% tổng số giáo viên ở miền núi.

Những thành tích giáo dục trên đã nâng cao trình độ văn hoá của các dân tộc, bước đầu đặt cơ sở cho cuộc cách mạng văn hoá giáo dục ở miền núi. Những thành tích đó có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc xây dựng và phát triển đội ngũ giai cấp công nhân, củng cố chính quyền nhân dân các dân tộc, đối với việc củng cố hợp tác xã và cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh sản xuất, xây dựng đời sống mới ở miền núi, góp phần tích cực vào việc phát triển miền núi về mọi mặt, làm cho miền núi mau chóng tiến kịp miền xuôi.

Tuy nhiên, trong công tác giáo dục ở miền núi chúng ta còn có những khuyết điểm và nhược điểm:

1. Công tác giáo dục ở miền núi chưa gắn chặt với những nhiệm vụ chính trị và kinh tế ở miền núi

Phong trào xoá nạn mù chữ và bổ túc văn hoá phát triển chậm, có nơi gần đây lại sút kém. Hiện nay có đến 20 vạn người mù chữ phần lớn ở vùng cao. Đối tượng chính lại ít đi học.

Ở nhưng nơi xung yếu về chính trị như vùng cao, vùng biên giới, phong trào giáo dục còn yếu hơn ở nơi khác. Nội dung giáo dục ở các lớp bổ túc văn hoá cũng như ở trường phổ thông còn soạn chung theo miền xuôi, chưa phản ánh được thực tiễn và tình hình kinh tế ở miền núi; chất lượng giáo dục rất thấp nên không đảm bảo cho học sinh các dân tộc có thể chuyển nhanh lên lớp trên, cấp trên, và chưa phục vụ tốt cho yêu cầu đào tạo một lớp người lao động mới cho các dân tộc. Việc đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số còn vừa chậm, vừa thiếu quy hoạch cụ thể. Công tác bồi dưỡng cán bộ, nhất là đối với cán bộ cơ sở chưa được coi trọng.

2. Công tác giáo dục chưa thích hợp với đặc điểm và yêu cầu của miền núi

Khuynh hướng rập khuôn theo miền xuôi, không linh hoạt đối với các vùng khác nhau còn rất phổ biến. Khuynh hướng đó thể hiện qua chủ trương, biện pháp, hệ thống chương trình giáo dục, đồ dùng giảng dạy còn thiếu thốn và cả trong cách thức đào tạo cán bộ. Các hình thức trường lớp cũng không thích hợp với đặc điểm cư trú phân tán, giao thông khó khăn của miền núi. Những kinh nghiệm tốt chưa được tổng kết và phát huy. Những biện pháp có tính chất cách mạng chưa được khuyến khích.

Do hai thiếu sót lớn đó mà giáo dục miền núi phát triển chưa thật nhanh chưa đồng đều ở các nơi, chất lượng giáo dục không vững chắc; thế hệ trẻ chưa được chuẩn bị đầy đủ tinh thần và khả năng để tham gia lao động sản xuất có kỹ thuật và sẵn sàng chiến đấu chống mọi âm mưu của địch.

Nguyên nhân của những thiếu sót trên chủ yếu là do các đảng bộ và các cán bộ giáo dục chưa nhận thức thật rõ ràng, sâu sắc về vị trí quan trọng của miền núi đối với sự nghiệp cách mạng của cả nước và vị trí của công tác giáo dục trong sự nghiệp cách mạng của các dân tộc ở miền núi; sự lãnh đạo còn đại khái, ít nhiều còn ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước.

II. NHIỆM VỤ CÔNG TÁC GIÁO DỤC Ở MIỀN NÚI TRONG HAI NĂM 1964 - 1965

Công tác giáo dục có một vị trí rất quan trọng trong việc đóng góp vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và củng cố quốc phòng ở miền núi. Nhờ trình độ giác ngộ xã hội chủ nghĩa được nâng cao đồng thời với việc nâng cao trình độ văn hoá và kỹ thuật, v.v. nhân dân các dân tộc ở miền núi sẽ có thêm điều kiện đẩy mạnh sản xuất, xây dựng đời sống mới, mau chóng làm cho "miền núi tiến kịp miền xuôi", thực hiện quyền làm chủ và bình đẳng thực sự giữa các dân tộc về mọi mặt, củng cố tình đoàn kết dân tộc. Đó là vấn đề then chốt của chính sách dân tộc của Đảng.

Hội nghị lần thứ tám của Trung ương Đảng đã nhấn mạnh vị trí quan trọng của miền núi trong tình hình hiện nay, đồng thời nhấn mạnh đến nhiệm vụ sau đây cho công tác giáo dục ở miền núi trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất là:

"Tiến tới căn bản xoá nạn mù chữ cho đồng bào miền núi từ 12 đến 40 tuổi, phát triển giáo dục phổ thông (nhất là cấp I, cấp II), giáo dục chuyên nghiệp và bổ túc văn hoá cho cán bộ. Kết hợp dạy chữ phổ thông và dạy chữ dân tộc, sử dụng tốt các chữ dân tộc để nâng cao nền văn hoá các dân tộc. Ra sức đào tạo cán bộ dân tộc địa phương, chủ yếu là về các ngành trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, y tế, giáo dục, địa chất; chú trọng đào tạo thợ làm các nghề rèn, mộc, xây dựng... cho các vùng dân tộc thiểu số".

Để thực hiện được nhiệm vụ ấy, cần làm tốt những nhiệm vụ cụ thể như sau:

1- Xúc tiến việc hoàn thành xoá nạn mù chữ và đẩy mạnh công tác bổ túc văn hoá cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên và thanh niên các dân tộc

Mục tiêu phấn đấu đến năm 1965 là phải thanh toán nạn mù chữ ở vùng thấp cho tất cả những người từ 12 đến 40 tuổi, ở vùng cao cho cán bộ thanh niên, đồng thời nâng cao trình độ văn hoá của cán bộ và thanh niên lên ngang trình độ lớp 3, lớp 4 ở vùng thấp và lớp 2 ở vùng cao.

Phải huy động mọi lực lượng có văn hoá (cán bộ, bộ đội, học sinh, giáo viên, v.v.) vào công tác này. Đối với cán bộ chủ chốt khó có điều kiện học tại chức thì nên mở các lớp tập trung ngắn hạn 6 tháng đến 1 năm ở huyện và tỉnh. Cán bộ xã, hợp tác xã đi học sẽ do Nhà nước đài thọ. Mở các trường nửa tập trung ở xã hay liên xã cho cán bộ xã và hợp tác xã theo thời vụ. Vùng có điều kiện, ngày học một buổi, một buổi sản xuất ở hợp tác xã. Cán bộ đi học được nghỉ hay giảm công tác ở xã hay hợp tác xã. Đối với thanh niên, hình thức trường học tốt nhất là trường thanh niên dân tộc vừa học vừa làm. Nội dung học phải gắn liền văn hoá, chính trị, quản lý kinh tế và một số vấn đề kỹ thuật. Phát triển rộng rãi hệ thống trường thanh niên dân tộc, mỗi huyện có một trường cấp I; mỗi tỉnh ít nhất có một trường cấp II. Cần giải quyết tốt các vấn đề: giáo viên văn hoá, kỹ thuật, chính trị, thiết bị và các cơ sở vật chất cần thiết vào các loại trường này. Bước đầu Nhà nước cần cung cấp thêm một số vật liệu và dụng cụ cần thiết để xây dựng nhà trường, tổ chức việc ăn, ở, học tập và sản xuất tập thể cho học sinh. Đối với một số huyện vùng cao, tuỳ theo điều kiện cụ thể ở mỗi nơi, Nhà nước cần đài thọ hẳn trong thời gian đầu (từ 3 hoặc 6 tháng trở lên) trong khi chờ đợi giúp đỡ học sinh sản xuất có kết quả; sau đó có thể rút dần và tiến tới tự túc như các trường khác. Hệ thống trường thanh niên dân tộc này sẽ do ngành giáo dục phụ trách với sự phối hợp chặt chẽ của Đoàn Thanh niên Lao động và các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, Ban công tác nông thôn.

2- Đẩy mạnh giáo dục thế hệ trẻ, cải tiến nội dung và nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông nhằm chuẩn bị cho học sinh vừa có thể học lên, vừa thiết thực góp phần đẩy mạnh sản xuất và xây dựng đời sống mới ở miền núi

Phát triển mạnh mạng lưới các trường phổ thông cấp I và cấp II một cách thích hợp, nhằm tích cực tạo mọi điều kiện cho con em các dân tộc, nhất là các dân tộc ít người vào học; đồng thời phát triển cấp III một cách có kế hoạch. Tìm mọi cách phổ cập vỡ lòng và cấp I, trước hết ở vùng thấp, theo phương châm "thầy tìm trò, trường gần dân, quy mô nhỏ, Nhà nước và nhân dân phối hợp". Khuyến khích học sinh học lên cấp trên, đặc biệt có chính sách nâng đỡ, dìu dắt học sinh giỏi và dân tộc ít người. Nội dung chương trình cần sửa đổi để phản ánh được thực tiễn của các dân tộc, của từng vùng kinh tế. Phải đưa những kiến thức cần thiết về nông, lâm nghiệp vào chương trình học của trường phổ thông.

Tăng cường giáo dục tư tưởng, chính trị cho học sinh, nhằm nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa và lòng yêu nước cho các em, làm cho các em quyết tâm áp dụng kỹ thuật mới trong lao động, xây dựng quê hương và sẵn sàng chiến đấu chống mọi âm mưu của địch.

Đặc biệt đối với vùng cao, ra sức xây dựng những ký túc xá và mở những lớp ghép (vỡ lòng + lớp 1 + lớp 2 hoặc lớp 2 + lớp 3 + lớp 4, v.v.) để cho các em đến trường học được thuận lợi. Cần dành phần ưu tiên ngân sách thiết bị, học bổng và giáo viên quốc lập cho vùng cao; tạo mọi điều kiện cho học sinh vùng cao học lên cấp trên.

Tổ chức năm học cần sửa lại cho thích hợp với thời tiết và thời vụ sản xuất của từng vùng, đồng thời đảm bảo năm học chung của toàn quốc.

3- Tích cực đào tạo cán bộ dân tộc cho các ngành kinh tế và văn hoá ở miền núi

Trước mắt, miền núi đang thiếu rất nhiều cán bộ khoa học kỹ thuật, sau này nhu cầu cán bộ lại càng lớn hơn. Kế hoạch đào tạo cán bộ đòi hỏi phải đi trước kế hoạch phát triển kinh tế và văn hoá một bước để khỏi bị động. Để đáp ứng kế hoạch phát triển kinh tế, văn hoá ở miền núi, cần có biện pháp tích cực đào tạo cán bộ các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, y tế, giáo dục... có trình độ trung cấp và cao cấp. Đặc biệt chú trọng phát triển các trường trung học chuyên nghiệp như lâm nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, y tế, giáo dục, thuỷ lợi, v.v. ở mỗi tỉnh hay khu vực 2, 3 tỉnh, cho phù hợp với đặc điểm kinh tế và dân tộc ở miền núi. Học sinh loại trường này phải do hợp tác xã cử đi học để đào tạo cán bộ văn hoá, kỹ thuật cho địa phương mình và bồi dưỡng cán bộ quản lý cho hợp tác xã sản xuất nông nghiệp.

Để có điều kiện tuyển sinh vào các trường đào tạo cán bộ, một mặt cần phát triển cấp II, cấp III phổ thông; mặt khác, cần tập trung cán bộ và thanh niên ưu tú của các dân tộc để bổ túc văn hoá tới trình độ cần thiết. Đối với trường Sư phạm, cần tuyển sinh thêm nhiều thanh niên các dân tộc và cải cách nội dung, phương pháp đào tạo, nhằm đào tạo những giáo viên có tinh thần phấn đấu cách mạng, thiết tha phục vụ các dân tộc và tương đối hiểu tình hình các dân tộc mà mình sẽ phục vụ. Cần chú trọng bồi dưỡng những giáo viên đang công tác.

Đối với giáo viên ở miền xuôi đưa lên dạy ở các trường miền núi, cần giáo dục kỹ chính sách dân tộc và những kiến thức cần thiết về miền núi.

4- Tiếp tục nghiên cứu và mở rộng việc dạy chữ dân tộc trong trường học, đồng thời sử dụng rộng rãi chữ dân tộc trong đời sống hàng ngày

Sử dụng chữ dân tộc là một nguyện vọng thiết tha của các dân tộc, cần tiếp tục nghiên cứu về mặt khoa học, đồng thời mạnh dạn sử dụng rộng rãi ba thứ chữ Tày - Nùng, Mèo, Thái trên sách, báo, trong cơ quan hành chính và trong đời sống hàng ngày. Chống tư tưởng coi thường chữ dân tộc, ngại khó, không mạnh dạn phát triển việc học và sử dụng chữ dân tộc. Đi đôi với việc học tập chữ dân tộc, cần dạy chữ phổ thông ngay từ các lớp ở cấp I của thiếu niên và cả đối với người lớn tuổi.

Đảng đoàn Bộ Giáo dục cùng Ban Dân tộc Trung ương cần phối hợp với hai khu tự trị để chỉ đạo và rút kinh nghiệm về vấn đề này.

III. TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA CÁC CẤP UỶ ĐẢNG VÀ CỦA NGÀNH GIÁO DỤC ĐỐI VỚI CÔNG TÁC GIÁO DỤC Ở MIỀN NÚI

Công tác giáo dục có một vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp cách mạng ở miền núi. Miền núi lại có nhiều vấn đề phức tạp, có nhiều vùng, nhiều dân tộc khác nhau, cho nên các cấp uỷ Đảng cần nắm lấy công tác giáo dục, làm cho sự nghiệp giáo dục gắn chặt với những nhiệm vụ chính trị và kinh tế ở miền núi, phát triển thích hợp với những đặc điểm của miền núi.

Giáo dục là sự nghiệp cách mạng của quần chúng, các cán bộ và đảng viên cần hiểu rõ ý nghĩa quan trọng và nhiệm vụ phương hướng cụ thể của công tác này. Tất cả lực lượng cán bộ, bộ đội và nhân dân có trình độ văn hóa, tuỳ theo khả năng và yêu cầu, cần tích cực tham gia làm công tác giáo dục cũng như làm công tác tuyên giáo.

Đối với việc phát triển giáo dục ở miền núi, nhất là vùng cao, Nhà nước cần chú ý tăng thêm đầu tư về ngân sách và cán bộ, đi đôi với việc tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia đóng góp vào sự nghiệp giáo dục với tinh thần tự lực cánh sinh, khắc phục khó khăn, phát huy sáng tạo của giáo viên và học sinh.

Cấp uỷ Đảng và cơ quan giáo dục các cấp cần chỉ đạo riêng, nêu gương và đúc kết kinh nghiệm của những điển hình tốt, mạnh dạn phát triển phong trào, tránh rập khuôn theo miền xuôi.

Giáo viên là lực lượng cốt cán của sự nghiệp giáo dục. Các cấp uỷ Đảng cần quan tâm đến sinh hoạt và bồi dưỡng giáo viên về tư tưởng, chính trị, về kiến thức thực tế; giúp đỡ giáo viên về phương hướng và điều kiện công tác. Cần thi hành đầy đủ chính sách cụ thể đối với giáo viên, nhất là giáo viên xung phong lên dạy ở vùng cao. Cần lãnh đạo chặt chẽ các trường sư phạm, tổ chức cho các học sinh sư phạm ngay từ khi còn đi học đã gắn bó với nhân dân các dân tộc, hiểu rõ thực tiễn dân tộc và chính sách dân tộc của Đảng cùng các chính sách khác. Cần mạnh dạn phát triển Đảng và Đoàn trong ngành giáo dục. Cần có chính sách khen thưởng thích đáng và kịp thời khen thưởng những cá nhân và đơn vị có thành tích xuất sắc.

Để giúp các cấp uỷ Đảng lãnh đạo tốt ngành giáo dục, cần kiện toàn cơ quan chỉ đạo giáo dục các cấp.

Bộ Giáo dục và các cơ quan nghiên cứu về vấn đề dân tộc phải tăng cường nghiên cứu những vấn đề cấp bách của công tác giáo dục ở miền núi như: vấn đề chương trình, sách giáo khoa, vấn đề dạy tiếng phổ thông cho trẻ em dân tộc thiểu số, vấn đề chữ dân tộc, vấn đề cải cách trường sư phạm và bổ sung các chế độ, chính sách cụ thể đối với giáo viên, v.v..

                                                                       *

                                                                      * *

Ban Bí thư mong rằng các cấp uỷ và các tổ chức Đảng, các cán bộ, giáo viên nghiên cứu kỹ Chỉ thị này và bản báo cáo tổng kết tại Hội nghị giáo dục miền núi do Ban Bí thư Trung ương Đảng triệu tập hồi tháng 5 năm 1964, liên hệ với tình hình giáo dục ở địa phương, định ra chủ trương, biện pháp cụ thể, nhằm hoàn thành tốt kế hoạch 5 năm lần thứ nhất về giáo dục ở miền núi.

                             T/M BAN BÍ THƯ

                                   TỐ HỮU

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực