Ngày 7/9/1981, Ban Bí thư khoá IV đã ban hành Chỉ thị số 115 CT/TW về việc đẩy mạnh công tác bổ túc văn hoá cho cán bộ và thanh niên ưu tú. Sau đây là toàn văn Chỉ thị:
Thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác bổ túc văn hoá cho cán bộ và nhân dân lao động, ngành giáo dục và nhiều địa phương đã đạt một số kết quả tốt.
Tuy nhiên, trong các cấp uỷ đảng, các đồng chí lãnh đạo các cấp, các ngành, các cơ sở sản xuất, kể cả ngành giáo dục vẫn có những đồng chí chưa nhận thức rõ tầm quan trọng và tính cấp thiết của công tác này, chưa quan tâm lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện đúng mức. Hiện nay, số cán bộ và thanh niên ưu tú, nhất là số cán bộ chủ chốt đi học bổ túc văn hoá vẫn rất ít; trình độ văn hoá của nhiều cán bộ và thanh niên trong cả nước, nhất là ở miền Nam và miền núi, còn thấp. Tình hình đó gây trở ngại cho việc tiếp thu khoa học - kỹ thuật, tiếp thu và thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng trên mọi lĩnh vực công tác.
Để thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW, ngày 2-6-1978, của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo và cán bộ quản lý, Nghị quyết 32-NQ/TW, ngày 20-11-1980, của Bộ Chính trị về công tác tổ chức, Ban Bí thư quyết định một số chủ trương và biện pháp lớn về công tác bổ túc văn hoá cho cán bộ và thanh niên ưu tú, như sau:
1. Về mục tiêu phấn đấu: nhanh chóng nâng cao trình độ văn hoá, sớm tiến tới phổ cập trình độ phổ thông trung học cho cán bộ các cấp từ 45 tuổi trở xuống và thanh niên ưu tú. Trước mắt, từ nay tới năm 1985, phải bảo đảm cho cán bộ và thanh niên ưu tú ở các vùng đạt được trình độ như sau:
a) Ở vùng đồng bằng và trung du miền Bắc: cán bộ các cấp tối thiểu phải học hết chương trình phổ thông cơ sở, trong đó có khoảng 30% cán bộ cơ sở, 70% cán bộ cấp huyện và hầu hết cán bộ cấp tỉnh phải học hết chương trình phổ thông trung học.
b) Ở vùng đồng bằng miền Nam: cán bộ cơ sở tối thiểu phải học hết lớp 5, khoảng 70% học hết chương trình phổ thông cơ sở. Cán bộ cấp huyện, cấp tỉnh tối thiểu phải học hết chương trình phổ thông cơ sở, khoảng 50% học hết chương trình phổ thông trung học.
c) Ở vùng đồng bào dân tộc: cán bộ cơ sở và cán bộ cấp huyện tối thiểu phải học hết lớp 5; khoảng 30% cán bộ cấp huyện học hết chương trình phổ thông cơ sở. Cán bộ cấp tỉnh tối thiểu phải học hết chương trình phổ thông cơ sở, khoảng 30% học hết chương trình phổ thông trung học.
Cán bộ trẻ dưới 30 tuổi và thanh niên ưu tú ở các vùng đồng bằng và trung du phải phấn đấu nhanh chóng học hết chương trình phổ thông trung học; ở các vùng dân tộc, cần phấn đấu sớm học hết chương trình phổ thông cơ sở và một bộ phận học lên phổ thông trung học để có điều kiện học tập tiếp ở các trường đại học và chuyên nghiệp.
2. Sớm xây dựng quy hoạch bổ túc văn hoá cho cán bộ và thanh niên ưu tú, tổ chức thực hiện tốt quy hoạch đó
Ban Tổ chức Đảng phối hợp chặt chẽ với Ban Khoa giáo (hoặc Tuyên giáo) và ngành giáo dục các cấp để giúp cấp uỷ đảng nắm lại trình độ văn hoá của đội ngũ cán bộ và thanh niên ưu tú, xác định rõ mục tiêu phấn đấu cụ thể trong 5 năm 1981-1985 đối với từng loại, xây dựng quy hoạch bổ túc văn hoá cho các đối tượng này. Sau khi được cấp uỷ đảng duyệt, phải thông báo đến từng cơ quan và từng cán bộ trong diện cần học để thực hiện. Các cơ quan quản lý cán bộ phải bảo đảm cho cán bộ được học tập theo đúng quy hoạch và kế hoạch.
3. Củng cố, mở rộng hệ thống trường, lớp bổ túc văn hoá cho cán bộ và thanh niên ưu tú
Các địa phương cần củng cố hoặc mở nhiều hình thức trường, lớp thích hợp:
Mỗi tỉnh, mỗi huyện cần có trường bổ túc văn hoá tập trung dành cho cán bộ và thanh niên ưu tú, trường và lớp bổ túc văn hoá nửa tập trung dành cho đối tượng thuộc diện cần học văn hoá nhưng không có điều kiện đi học ở trường tập trung. Có thể có trường riêng cho cán bộ và cho thanh niên hoặc lập hai hệ trong cùng một trường.
Mở các trường, lớp bổ túc văn hoá tại chức theo khu vực hoặc liên cơ quan, xí nghiệp, trong đó có những lớp dành riêng cho cán bộ. Đối với một số cán bộ chủ chốt của tỉnh, huyện quá bận công tác, cần cử giáo viên đặc trách việc kèm cặp và hướng dẫn tự học.
Mở các lớp bổ túc văn hoá trong trường đảng, trường của ngành và của đoàn thể quần chúng để bổ túc văn hoá trước khi bước vào học tập lý luận, chính trị, chuyên môn.
Ở các vùng dân tộc , mỗi tỉnh, mỗi huyện hoặc liên huyện cần có trường thanh niên dân tộc để bổ túc văn hoá cho cán bộ trẻ và thanh niên dân tộc. Hết sức quan tâm tuyển học sinh thuộc các dân tộc ít người ở vùng cao, vùng xa xôi hẻo lánh và vùng biên giới.
Phát triển các trường, lớp bổ túc văn hoá vừa làm vừa học ở cơ sở cho cán bộ trẻ và thanh niên ưu tú.
Bộ Giáo dục cần sớm ban hành điều lệ của các loại trường bổ túc văn hoá; ưu tiên cung cấp thiết bị và đồ dùng dạy học cho các trường.
4. Tăng cường đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên bổ túc văn hoá
Các trường bổ túc văn hoá tập trung phải có đủ cán bộ quản lý và giáo viên đồng bộ. Các loại trường, lớp bổ túc văn hoá khác phải có cán bộ quản lý và một số giáo viên chuyên trách làm nòng cốt. Ở các xã và các đơn vị sản xuất, cơ quan lớn, phải có cán bộ và giáo viên chuyên trách công tác bổ túc văn hoá. Các cán bộ và giáo viên chuyên trách phải có kinh nghiệm giảng dạy người lớn, biết vận động quần chúng và có phẩm chất, đạo đức tốt.
Ngoài ra, cần xây dựng đội ngũ giáo viên nghiệp dư chọn từ giáo viên phổ thông, cán bộ khoa học - kỹ thuật và thanh niên có văn hoá, có nhiệt tình đối với công tác dạy bổ túc văn hoá.
Bộ Giáo dục cần tổ chức tốt việc đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên này.
5. Ngành giáo dục phải tiếp tục cải tiến chương trình, nội dung, phương pháp dạy học
Chương trình, nội dung và phương pháp dạy bổ túc văn hoá cho cán bộ và thanh niên cần phù hợp với lứa tuổi, đặc điểm tâm lý, điều kiện công tác và sản xuất... của người học. Đối với cán bộ trẻ và thanh niên ưu tú, chương trình cần bảo đảm cung cấp cho người học những kiến thức phổ thông, cơ bản, có hệ thống. Đối với cán bộ đứng tuổi, chương trình cần tinh giản, thiết thực, kết hợp kiến thức văn hoá phổ thông với kiến thức về kỹ thuật, quản lý... để có thể vận dụng ngay được vào công tác.
6. Xác định rõ nghĩa vụ học tập và có chế độ, chính sách khuyến khích cán bộ, thanh niên học tập
Cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt và thanh niên phải nhận thức rõ học tập nâng cao trình độ văn hoá là một nghĩa vụ, một trách nhiệm trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Mỗi cán bộ, bất kể ở cương vị công tác nào, nếu còn tuổi học được mà chưa đạt trình độ văn hoá quy định, đều phải phấn đấu khắc phục khó khăn, gương mẫu học tập trong các hình thức trường, lớp nêu trên.
Trong việc sử dụng, đề bạt cán bộ, cần coi trọng cả tiêu chuẩn về trình độ văn hoá.
Để khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, thanh niên học tập, Bộ Giáo dục cần sớm có kiến nghị với Hội đồng Bộ trưởng ban hành một số chế độ, chính sách thích hợp.
7. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm của các ngành, các cấp
Các cấp uỷ đảng, uỷ ban nhân dân các cấp cần nhận thức đúng đắn yêu cầu bức thiết của công tác bổ túc văn hoá cho cán bộ và thanh niên ưu tú, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tích cực giải quyết các điều kiện cần thiết cho công tác này. Bản thân các đồng chí trong các cấp uỷ đảng phải làm gương cho cán bộ, thanh niên và nhân dân đi học bổ túc văn hoá.
Ban tổ chức đảng các cấp có trách nhiệm chủ trì việc giúp cấp uỷ đảng xây dựng quy hoạch, sắp xếp cho cán bộ và thanh niên ưu tú luân phiên đi học đúng quy hoạch, bảo đảm cho các trường bổ túc văn hoá tập trung, nửa tập trung... tuyển sinh đủ số lượng và đúng đối tượng.
Ban khoa giáo (hoặc tuyên giáo) các cấp có trách nhiệm giúp cấp uỷ đảng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các ngành và các cấp dưới thực hiện các chủ trương, biện pháp về công tác bổ túc văn hoá cho cán bộ và thanh niên ưu tú; cùng với ngành giáo dục tổ chức việc tổng kết và phổ biến những kinh nghiệm tốt của các đơn vị tiên tiến.
Ngành giáo dục cần coi công tác bổ túc văn hoá cho cán bộ và thanh niên ưu tú là một trong những công tác trọng tâm, kiện toàn bộ máy quản lý công tác bổ túc văn hoá từ bộ đến cơ sở để chỉ đạo công tác này đúng với vị trí của nó.
Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp và Bộ Giáo dục có kế hoạch đào tạo cán bộ có trình độ trên đại học cho ngành bổ túc văn hoá.
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phải đẩy mạnh phong trào học tập văn hoá trong thanh niên, giới thiệu với Đảng những đoàn viên ưu tú để Đảng có kế hoạch bồi dưỡng.
Các ngành cần xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch bổ túc văn hoá cho cán bộ và thanh niên trong ngành gắn với quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ và công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ của ngành mình. Cần quan tâm củng cố các trường, lớp bổ túc văn hoá do ngành quản lý.
Chỉ thị này cần được phổ biến tới các tổ chức cơ sở của Đảng và mỗi cấp phải có kế hoạch thực hiện.
|
T/M BAN BÍ THƯ
LÊ THANH NGHỊ |