Ngày 3/7/1965, Ban Bí thư khoá III đã ban hành Chỉ thị số 102-CT/TW, ngày 3/7/1965 về việc tăng cường công tác giáo dục tư tưởng và chính trị đối với cán bộ giảng dạy và sinh viên, học sinh. Sau đây là toàn văn Chỉ thị:
I- NHẬN ĐỊNH VỀ TÌNH HÌNH CÔNG TÁC GIÁO DỤC TƯ TƯỞNG VÀ CHÍNH TRỊ TRONG CÁC TRƯỜNG HỌC
Từ khi hoà bình được lập lại đến nay, công tác giáo dục đã phát triển nhanh chóng về số lượng và từng bước được nâng cao về chất lượng. Hiện nay, có gần chín vạn sinh viên, học sinh đang được đào tạo thành cán bộ kỹ thuật cao cấp và trung cấp của Nhà nước. Mỗi năm có gần 20 vạn học sinh tốt nghiệp các trường cấp II và cấp III phổ thông để bổ sung cho lực lượng lao động công nghiệp và nông nghiệp. Số cán bộ giảng dạy đã lên đến gần chín vạn người, trong đó có 6.000 cán bộ giảng dạy ở các trường đại học và trung học chuyên nghiệp. Qua phong trào thi đua "hai tốt", nhiều trường, lớp tiên tiến đã xuất hiện. Trong năm học 1963-1964, 119 tổ giáo viên và tổ công tác của ngành giáo dục đã được tặng danh hiệu tổ lao động xã hội chủ nghĩa. Gần đây một số tập thể và cá nhân giáo viên và học sinh đã cùng nhân dân và các lực lượng vũ trang dũng cảm chiến đấu, phục vụ chiến đấu chống những cuộc tấn công bằng máy bay của đế quốc Mỹ ở Quảng Bình, Vĩnh Linh, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá và đã được Quốc hội, Chính phủ và Hồ Chủ tịch khen thưởng.
Đi đôi với việc cải tiến nội dung giảng dạy văn hoá và kỹ thuật, công tác giáo dục tư tưởng và chính trị đã thu được nhiều kết quả tốt:
Số đông sinh viên, học sinh, được sự giáo dục của Đảng, của đoàn, của nhà trường, của xã hội, đã có tiến bộ rõ rệt về trình độ tư tưởng, chính trị hiểu biết đường lối cách mạng của Đảng, nâng cao lòng yêu nước và giác ngộ xã hội chủ nghĩa, và bước đầu có ý thức vươn lên để làm tốt cách mạng kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hoá theo lời kêu gọi của Đảng. Trong những năm gần đây, sinh viên, học sinh đã được rèn luyện qua lao động nhiều hơn. Một số học sinh tốt nghiệp trường phổ thông, một số sinh viên, học sinh tốt nghiệp các trường đại học và trung học chuyên nghiệp, sau khi ra trường, đã trở thành những người xuất sắc trên mặt trận sản xuất và chiến đấu. Trong học sinh nhỏ tuổi, những gương thật thà, dũng cảm ngày càng nhiều.
Đông đảo cán bộ giảng dạy ngày càng được nâng cao về phẩm chất đạo đức, về trình độ chính trị, liên hệ với thực tiễn đấu tranh và sản xuất. Phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành giáo dục trong kháng chiến, anh chị em đã bền bỉ chịu đựng gian khổ, phấn đấu không ngừng cải tiến nội dung và phương pháp giảng dạy để xây dựng nhà trường xã hội chủ nghĩa.
Những kết quả và tiến bộ kể trên có ý nghĩa rất quan trọng, tuy nhiên so với yêu cầu mới của cách mạng và so với yêu cầu của nhiệm vụ giáo dục, thì công tác giáo dục tư tưởng và chính trị trong trường học và trình độ tư tưởng, chính trị của sinh viên, học sinh, cán bộ giảng dạy, còn nhiều thiếu sót cần khắc phục.
Hiện nay, trong sinh viên, học sinh, ý chí phấn đấu và tình cảm cách mạng còn yếu, trình độ giác ngộ về giai cấp, về lý tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa còn thấp, sống và học tập chưa thật thấm nhuần mục đích, xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hết lòng ủng hộ cách mạng giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất nước nhà. Trong một số sinh viên, học sinh, còn có tư tưởng coi khinh lao động chân tay, coi thường công nông, ham thích sinh hoạt xa hoa lãng phí. Một số học sinh nhỏ tuổi nhất là ở thành phố chưa được giáo dục tốt, thiếu lễ phép, kỷ luật.
Trong cán bộ giảng dạy, lập trường, quan điểm giai cấp, trình độ hiểu biết đường lối chính sách còn thấp. Nhiều cán bộ giảng dạy chưa chú trọng đi sâu tìm hiểu cuộc sống của công nông. Tình trạng chạy theo bằng cấp, và những biểu hiện khác của chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tự do còn khá phổ biến. Một số ít giáo viên còn thấp kém về đạo đức cách mạng.
Những khuyết điểm trên đây đều có ở các trường với mức độ khác nhau, nhưng nhìn chung ở các thành phố, ở cấp III ngành phổ thông, các trường đại học và trung học chuyên nghiệp thì cần được chú ý hơn.
Nguyên nhân của những khuyết điểm trên là do:
Về mặt khách quan, những nọc độc của tư tưởng tư sản còn tồn tại trong xã hội miền Bắc đã ít nhiều ảnh hưởng đến công tác giáo dục. Phần lớn cán bộ giảng dạy, sinh viên, học sinh tuy nói chung là tốt, nhưng vì chưa trải qua rèn luyện trong đấu tranh cách mạng gian khổ, cho nên chưa khắc phục được tư tưởng tiểu tư sản và ảnh hưởng tư tưởng của các giai cấp bóc lột.
Về mặt chủ quan, sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng và các cơ quan giáo dục có nhiều thiếu sót, chủ yếu là buông lỏng công tác lãnh đạo và giáo dục tư tưởng, chính trị trong trường học. Trên nhận thức và tư tưởng, chưa thấy hết tính chất gay go, phức tạp của cuộc đấu tranh giai cấp ở trong nước và trên thế giới. Ở trong nước, cuộc đấu tranh giai cấp trên lĩnh vực tư tưởng và văn hoá đang diễn ra dưới những hình thức mới, nhưng các cấp lãnh đạo chưa nhận thức đầy đủ và kịp thời yêu cầu mới của công tác giáo dục tư tưởng và chính trị trong trường học, chưa nhận rõ chức năng của nhà trường xã hội chủ nghĩa là một công cụ của Nhà nước chuyên chính vô sản, cho nên trong các trường học chưa coi trọng nhiệm vụ hàng đầu là giáo dục tư tưởng và đạo đức của giai cấp vô sản cho cán bộ giảng dạy, sinh viên và học sinh; chưa nắm vững những vấn đề cơ bản cần giáo dục trong giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa và trong tình hình mới hiện nay; chưa tiến hành đấu tranh đúng mức chống những biểu hiện của tư tưởng tiểu tư sản và ảnh hưởng của tư tưởng tư sản trong các trường học, và chưa đấu tranh kiên quyết chống những ảnh hưởng của quan điểm giáo dục và học thuật tư sản. Công tác giáo dục tư tưởng trong các trường học không được làm một cách liên tục. Về phương pháp thì còn thiên về lý thuyết trừu tượng, ít liên hệ với thực tiễn của cách mạng, đời sống. Tổ chức và cán bộ để bảo đảm công tác giáo dục tư tưởng và chính trị còn quá yếu. Sự phối hợp giữa ngành giáo dục và các cơ quan tuyên huấn của Đảng, của Đoàn thanh niên lao động chưa được chặt chẽ.
II- NHIỆM VỤ VÀ NỘI DUNG CÔNG TÁC GIÁO DỤC TƯ TƯỞNG VÀ CHÍNH TRỊ ĐỐI VỚI CÁN BỘ GIẢNG DẠY VÀ SINH VIÊN, HỌC SINH
Hiện nay, nhân dân ta đang ở trong một tình hình cách mạng rất khẩn trương. Trong khi ở miền Bắc, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội đang tiếp tục tiến lên mạnh mẽ thì ở miền Nam, cuộc đấu tranh giải phóng của đồng bào ta ngày càng giành được những thắng lợi to lớn, dồn địch vào thế bị động, sa lầy ngày càng nghiêm trọng. Bị thất bại ngày càng nặng nề, đế quốc Mỹ đang ráo riết tăng cường và mở rộng cuộc "chiến tranh đặc biệt" ở miền Nam, đồng thời dùng không quân tiến công phá hoại miền Bắc nước ta hòng thoát khỏi thế lúng túng, bị động. Do đó, cả nước ta đang ở trong tình trạng có chiến tranh với mức độ khác nhau. Nhiệm vụ cấp bách của nhân dân cả nước ta lúc này là chống Mỹ, cứu nước.
Tình hình và nhiệm vụ cấp bách ấy đòi hỏi nhân dân ta ở cả hai miền phải có những cố gắng rất lớn theo phương hướng: miền Nam là tiền tuyến lớn chống Mỹ, miền Bắc là hậu phương lớn của cách mạng cả nước, quyết giành những thắng lợi có tính chất quyết định trong sự nghiệp đấu tranh chống Mỹ, cứu nước, hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc, tiến tới thống nhất nước nhà.
Ở miền Bắc, trong khi vẫn tiếp tục đẩy mạnh nhiệm vụ xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, nhân dân ta phải kịp thời chuyển hướng xây dựng nền kinh tế và tăng cường năng lực quốc phòng cho phù hợp với tình hình mới, kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, vừa sản xuất, vừa chiến đấu, nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ miền Bắc, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại và phong toả bằng không quân và hải quân của địch, và chuẩn bị sẵn sàng để chiến thắng kẻ địch dù chúng mở rộng chiến tranh với bất cứ hình thức và quy mô nào đối với miền Bắc; ra sức chi viện cách mạng miền Nam về mọi mặt, với mức cao nhất; và tích cực giúp đỡ cách mạng Lào. Đồng thời phải đẩy mạnh hơn nữa công tác đối ngoại của Đảng, của Nhà nước và của các đoàn thể nhân dân, nhằm tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ mạnh mẽ của các nước trong phe xã hội chủ nghĩa, của nhân dân thế giới, đối với cuộc đấu tranh của nhân dân ta chống đế quốc Mỹ.
Tình hình và nhiệm vụ trên đây đòi hỏi nhà trường xã hội chủ nghĩa phải làm đầy đủ hơn nữa chức năng là công cụ của Nhà nước chuyên chính vô sản, phải thể hiện đầy đủ hơn nữa tính chất giai cấp, tính chất cách mạng, nhà trường xã hội chủ nghĩa phải thật sự là một đơn vị chống Mỹ, cứu nước, thật sự là một tập thể gương mẫu trong giảng dạy, học tập, lao động, sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Nhà trường xã hội chủ nghĩa phải là nơi đào tạo thanh niên, thiếu niên, trở thành những người có lòng yêu nước nồng nàn, có lý tưởng và đạo đức cộng sản chủ nghĩa, có tinh thần và nghị lực cách mạng, và có khả năng để kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng, của giai cấp, của nhân dân, đưa sự nghiệp cách mạng của nước ta đến thắng lợi hoàn toàn của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Vì vậy, trong nhà trường xã hội chủ nghĩa, phải coi việc giáo dục tư tưởng và chính trị cho cán bộ giảng dạy và sinh viên, học sinh là nhiệm vụ hàng đầu, có tác dụng quyết định đến mọi mặt công tác khác của nhà trường.
Xuất phát từ tình hình và nhiệm vụ trên đây, yêu cầu của công tác giáo dục tư tưởng và chính trị trong trường học sắp tới là:
Giáo dục sâu sắc ý thức giác ngộ giai cấp, làm cho toàn thể cán bộ giảng dạy, sinh viên, học sinh thấm nhuần quan điểm, lập trường, tư tưởng của giai cấp công nhân, trên cơ sở đó, củng cố và nâng cao lòng tin tưởng vào đường lối chính sách đối nội, đối ngoại của Đảng; có ý chí quyết chiến, quyết thắng đế quốc Mỹ xâm lược; ra sức làm tốt mọi công tác trong giảng dạy, học tập, lao động, chiến đấu và phục vụ chiến đấu; nâng cao tinh thần triệt để cách mạng, tự lực cánh sinh, khắc phục mọi khó khăn gian khổ, quán triệt đường lối, chính sách của Đảng vào nội dung giảng dạy, học tập và mọi công tác của trường học; đồng thời phải khắc phục những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tự do, phê phán nghiêm khắc những quan điểm học thuật tư sản, những ảnh hưởng của chủ nghĩa xét lại hiện đại và những quan điểm giáo dục thực dân, phong kiến còn tồn tại, những hiện tượng tham ô, hủ hoá và sinh hoạt đồi truỵ khác; tạo nên một khí thế cách mạng và thi đua sôi nổi trong trường học, làm cho nhà trường ngày càng đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng và thật sự trở thành công cụ mạnh mẽ của nền chuyên chính vô sản.
Nội dung giáo dục tư tưởng và chính trị trong trường học phải bao gồm các vấn đề sau đây:
1. Giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, lý tưởng và đạo đức cộng sản chủ nghĩa
Giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin và lý tưởng cộng sản chủ nghĩa phải nhằm làm cho cán bộ giảng dạy và sinh viên, học sinh nâng cao lập trường giai cấp vô sản, căm thù sâu sắc đế quốc, phong kiến, căm ghét bóc lột, thấm nhuần chủ nghĩa anh hùng cách mạng của giai cấp vô sản, tăng thêm lòng tin tưởng vào tiền đồ cách mạng, tinh thần phấn đấu cách mạng, không sợ gian khổ, hy sinh, quyết tâm thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, quyết tâm xây dựng chủ nghĩa xã hội tốt đẹp. Nội dung giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin và lý tưởng cộng sản chủ nghĩa phải tuỳ theo đối tượng, tuỳ theo cấp học, mà áp dụng cho thích hợp, nhưng cấp học nào cũng phải coi việc giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin và lý tưởng cộng sản chủ nghĩa là cơ sở của việc giáo dục tư tưởng và chính trị.
Giáo dục đạo đức cộng sản chủ nghĩa phải nhằm làm cho trường học thật sự trở thành nơi tuyên truyền và thể hiện đạo đức tốt đẹp ấy.
Cần giáo dục, bồi dưỡng cho cán bộ giảng dạy và sinh viên, học sinh:
- Lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần tự hào dân tộc chính đáng, tình thương yêu giai cấp, yêu nhân dân, yêu chủ nghĩa xã hội, và lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, yêu Đảng và lãnh tụ.
- Tinh thần làm chủ tập thể, ý thức tổ chức, ý thức "mình vì mọi người", ra sức cống hiến mà không đòi hỏi hưởng thụ; chống tự do tản mạn, chống cá nhân ích kỷ.
- Thái độ lao động mới, chủ động, sáng tạo, cần cù dũng cảm, kỷ luật, quyết tâm nắm vững khoa học kỹ thuật, tôn trọng và bảo vệ của công, tôn trọng lao động chân tay, chống lối sống lười biếng, bảo thủ, cẩu thả.
- Ý thức giữ gìn và thực hiện lối sống giản dị, tiết kiệm, trong sạch, lành mạnh, khẩn trương, hoạt bát, trật tự, vệ sinh... và các đức tính như: kính già, yêu trẻ, tôn trọng phụ nữ.
2. Giáo dục về tình hình, nhiệm vụ, đường lối, chính sách của Đảng, nhằm làm cho cán bộ giảng dạy và sinh viên, học sinh hiểu rõ nhiệm vụ trước mắt và nhiệm vụ lâu dài của cách mạng, hiểu rõ nhiệm vụ chung trong cả nước và nhiệm vụ cụ thể của địa phương và ngành hoạt động của mình, trước hết là nhiệm vụ chống Mỹ, cứu nước hiện nay.
Giáo dục về đường lối, chính sách phải làm sáng tỏ quan điểm giai cấp của Đảng và phải kết hợp với thực tiễn của ngành, của địa phương để thấy rõ quá trình thực hiện đường lối, chính sách của Đảng là một quá trình đấu tranh gay go giữa hai con đường, là quá trình tất yếu để thực hiện lý tưởng cộng sản chủ nghĩa vĩ đại. Đồng thời phải đạt yêu cầu nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ giảng dạy, sinh viên, học sinh đối với việc tuyên truyền và thực hiện đường lối, chính sách của Đảng. Các trường học cần coi trọng việc giáo dục thời sự cho cán bộ giảng dạy và sinh viên, học sinh, lấy việc giáo dục thời sự để chứng minh cụ thể cho đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng, để giáo dục đấu tranh cách mạng, đấu tranh giai cấp, để thường xuyên động viên tinh thần cách mạng trong trường học.
3. Giáo dục truyền thống cách mạng nhằm làm cho cán bộ giảng dạy, sinh viên, học sinh hiểu rõ giai đoạn cách mạng do Đảng ta lãnh đạo, ghi sâu vào lòng những tội ác của đế quốc phong kiến, truyền thống đoàn kết, quyết chiến, quyết thắng của dân tộc, của giai cấp, truyền thống tự lực cánh sinh, dũng cảm trong chiến đấu, cần cù trong lao động, giản dị trong sinh hoạt. Giáo dục cho cán bộ giảng dạy và sinh viên, học sinh hiểu rõ những điển hình tiên tiến trên các mặt sản xuất và chiến đấu, những gương chiến đấu anh hùng của quân và dân trong cả nước ở miền Nam cũng như ở miền Bắc, trong sự nghiệp "chống Mỹ, cứu nước" hiện nay.
4. Giáo dục về đường lối và quan điểm giáo dục của Đảng, nhằm làm cho cán bộ giảng dạy, sinh viên, học sinh thấu suốt tính chất, mục đích, phương châm của nhà trường xã hội chủ nghĩa, quan hệ giữa chính trị và chuyên môn, học tập và lao động sản xuất, giảng dạy và nghiên cứu khoa học, lý luận và thực tiễn, nhà trường và đời sống. Cần làm sáng tỏ sự khác nhau giữa hai đường lối giáo dục, phê phán nghiêm khắc những quan điểm học thuật tư sản, những ảnh hưởng của chủ nghĩa xét lại và những quan điểm giáo dục thực dân và phong kiến còn tồn tại. Việc giáo dục về đường lối và quan điểm giáo dục của Đảng phải đạt yêu cầu là nâng cao nhận thức và quyết tâm của mọi người trong việc thực hiện tốt mọi công tác trong giảng dạy, học tập, lao động sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
Trên đây là nhiệm vụ và nội dung của công tác giáo dục tư tưởng và chính trị chung cho các đối tượng. Nhưng trong trường học, có cán bộ giảng dạy, có sinh viên, học sinh với những lứa tuổi khác nhau và các trường học lại ở những địa phương khác nhau: thành phố, nông thôn, miền núi... cho nên khi thực hiện cần vận dụng cho linh hoạt, thích hợp với từng đối tượng và từng hoàn cảnh cụ thể.
III- PHƯƠNG CHÂM GIÁO DỤC CHÍNH TRỊ VÀ TƯ TƯỞNG TRONG CÁC TRƯỜNG HỌC
Việc giáo dục chính trị và tư tưởng trong trường học phải căn cứ vào các phương châm giáo dục đã ghi trong Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng: "Công tác giáo dục phải phục vụ đường lối và nhiệm vụ cách mạng của Đảng, phải kết hợp giáo dục với lao động sản xuất, kết hợp lý luận với thực tế, giáo dục nhà trường với giáo dục của xã hội".
Căn cứ vào tình hình công tác trong các trường học hiện nay, cần chú ý những điểm sau đây:
1. Tăng cường hơn nữa việc rèn luyện cán bộ giảng dạy, sinh viên, học sinh trong thực tiễn đấu tranh chính trị và lao động sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
Cần xem lại chế độ lao động, luyện tập quân sự trong các trường và rút kinh nghiệm để tổ chức cho có kết quả thiết thực hơn nữa trong giáo dục, sản xuất và chiến đấu.
2. Nêu gương tốt là chính, phát huy ưu điểm là chính để khắc phục khuyết điểm. Đối với sinh viên, học sinh là những người chưa có kinh nghiệm trong cuộc sống, cần chú trọng nêu gương tốt, những con người tiên tiến và những hành động anh hùng, cho họ noi theo; phát huy những ưu điểm để khắc phục khuyết điểm; đối với những khuyết điểm sai lầm, cần phê bình nghiêm chỉnh, song phải hết sức tránh chỉ trích nặng nề, làm nhụt lòng tự tin và ý chí phấn đấu của sinh viên, học sinh. Đối với cán bộ giảng dạy, cần tiến hành phê bình, tự phê bình nghiêm túc và thường xuyên hơn nữa trong sinh hoạt của chi bộ, công đoàn, đoàn thanh niên.
3. Đồng thời nâng cao nhận thức, bồi dưỡng tình cảm và rèn luyện thói quen hành động. Trong các trường học, không những cần bồi dưỡng nhận thức lý luận cách mạng, mà cần chú trọng hơn nữa bồi dưỡng tình cảm giai cấp, tình cảm cách mạng; có thế mới làm cho mọi người có lòng tin sâu sắc, có nhiệt tình cách mạng cao, mới nâng cao được ý thức trách nhiệm đối với nhiệm vụ cách mạng. Đồng thời phải có tổ chức, hướng dẫn để cán bộ giảng dạy và sinh viên, học sinh có thói quen hành động, góp phần xây dựng sự nghiệp cách mạng.
IV- NHỮNG BIỆN PHÁP ĐỂ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC GIÁO DỤC CHÍNH TRỊ VÀ TƯ TƯỞNG TRONG CÁC TRƯỜNG HỌC
1. Tăng cường việc bồi dưỡng chính trị cho cán bộ giảng dạy, cải tiến công tác đào tạo trong các trường sư phạm. Đối với cán bộ giảng dạy, trước mắt, cần lấy công tác bồi dưỡng chính trị và tư tưởng làm trọng tâm. Cần nghiên cứu chế độ giảng dạy và công tác của cán bộ giảng dạy để anh chị em có thể vừa học tập lý luận, đường lối, chính sách, vừa có thể thâm nhập thực tế thường xuyên hơn. Đồng thời phải cải tiến công tác quản lý cán bộ giảng dạy để tạo thêm điều kiện cho anh chị em tiến bộ.
Đối với các trường sư phạm, cần nghiên cứu lại kế hoạch đào tạo để đảm bảo cho việc giáo dục tư tưởng, chính trị, văn hoá và nghiệp vụ được cân đối.
2. Cải tiến nội dung sách giáo khoa và nội dung giảng dạy trong các trường học, trước mắt cần kiểm tra lại nội dung các sách giáo khoa, nhất là sách về khoa học xã hội, đồng thời có kế hoạch chỉ đạo việc giảng dạy trong trường học, trước hết là đối với các môn khoa học xã hội, để nâng cao hơn nữa tính tư tưởng và tính chiến đấu.
3. Tiếp tục xây dựng cơ sở đảng và đoàn ở các trường học và cải tiến nội dung sinh hoạt của các tổ chức đó. Cần rút kinh nghiệm việc xây dựng đảng ở các trường học; tích cực tuyên truyền và phát triển đảng ở các trường học. Đảng đoàn Bộ Giáo dục có trách nhiệm cùng các cấp uỷ đảng theo dõi việc xây dựng đảng ở các trường học và góp ý kiến với các cấp uỷ đảng về vấn đề xây dựng đảng ở các trường học.
Trung ương Đoàn Thanh niên lao động cùng Đảng đoàn Bộ Giáo dục cần rút kinh nghiệm việc xây dựng đoàn ở các trường học nhằm đẩy mạnh việc tuyên truyền và phát triển đoàn.
Cần cải tiến nội dung sinh hoạt của tổ chức đảng và đoàn, để bảo đảm việc dạy tốt, học tốt ở các trường học.
4. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng đối với trường học, nhất là trong công tác giáo dục tư tưởng và chính trị đối với cán bộ giảng dạy và sinh viên, học sinh. Các cấp uỷ đảng cần thường xuyên nắm tình hình tư tưởng, chính trị trong các trường học, có kế hoạch lãnh đạo cơ quan giáo dục địa phương, các cấp uỷ dưới, các cơ sở đảng và đoàn ở các trường học thường xuyên tiến hành tốt công tác giáo dục tư tưởng và chính trị đối với cán bộ giảng dạy và sinh viên, học sinh, tránh tình trạng khoán trắng hoặc chỉ nhắc nhở qua loa.
5. Kiện toàn tổ chức và lề lối làm việc của cơ quan giáo dục
- Đảng đoàn Bộ Giáo dục và các cấp uỷ đảng cần có kế hoạch tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác giáo dục chính trị trong các trường học, chú trọng hơn nữa các trường đại học và trung học chuyên nghiệp, khắc phục tình trạng quá thiếu và yếu hiện nay.
- Trong ngành giáo dục, cần kiện toàn các tổ chức cần thiết để bảo đảm công tác giáo dục tư tưởng và chính trị, ở bộ, ở các trường đại học và trung học chuyên nghiệp và các trường học khác, ở các ty và huyện. Riêng ở Bộ Giáo dục cần thành lập Vụ giáo dục chính trị, và ở các trường đại học và trung học chuyên nghiệp lớn cần thành lập phòng giáo dục chính trị của trường.
- Đảng đoàn Bộ Giáo dục có trách nhiệm chủ động phối hợp với Đoàn Thanh niên lao động và với Thành uỷ Hà Nội để việc lãnh đạo các trường đại học và trung học chuyên nghiệp ở Hà Nội, vừa tập trung thống nhất, vừa có trách nhiệm rõ ràng. Cần thường xuyên rút kinh nghiệm để sự phối hợp này càng ngày càng chặt chẽ hơn.
*
* *
Vấn đề giáo dục tư tưởng và chính trị cho cán bộ giảng dạy và sinh viên, học sinh có tác dụng to lớn đối với việc rèn luyện thế hệ trẻ, những lớp người có trách nhiệm kế tục sự nghiệp cách mạng của dân tộc, của giai cấp, của Đảng. Nhận rõ ý nghĩa quan trọng đó, các cấp uỷ đảng, các cơ quan phụ trách giáo dục, các đảng uỷ trường học, các cấp bộ đoàn thanh niên lao động cần kiểm điểm kỹ sự lãnh đạo và chỉ đạo của mình đối với công tác giáo dục tư tưởng và chính trị trong trường học, và kịp thời có kế hoạch thực hiện Chỉ thị này, làm cho các trường học ngày càng đáp ứng được những yêu cầu to lớn của sự nghiệp cách mạng.