Ngày 28/12/1982, Ban Bí thư khoá V đã ban hành Chỉ thị số 14 CT/TW về việc tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Sau đây là toàn văn Chỉ thị:
Giáo dục truyền thống cách mạng cho những lớp người mới vào đời luôn luôn là một nhiệm vụ quan trọng của Đảng Cộng sản. Khi còn sống, Bác Hồ luôn luôn chăm lo giáo dục truyền thống cách mạng cho thanh niên; trước khi mất, Người căn dặn Đảng ta đào tạo những lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng.
Nghị quyết Đại hội lần thứ V của Đảng nói rõ cần phải "hết sức coi trọng giáo dục truyền thống dân tộc và truyền thống cách mạng, chủ nghĩa yêu nước chân chính và chủ nghĩa quốc tế vô sản cho thanh niên". Truyền thống cách mạng là một vốn quý của dân tộc ta và của Đảng ta. Từ ngày ra đời đến nay, Đảng ta đã lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh anh dũng đánh đổ ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, đánh thắng các thế lực xâm lược hung bạo, giải phóng và thống nhất Tổ quốc, đưa nước ta tiến lên chủ nghĩa xã hội. Sự nghiệp anh hùng của Đảng và của dân tộc đã trở thành truyền thống quý báu của người Việt Nam, phải được giữ vững và phát huy từ thế hệ này sang thế hệ khác, biến thành sức mạnh vật chất ngày càng to lớn hơn trong giai đoạn mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Những lớp người trẻ tuổi là lực lượng xung kích của cách mạng cần được chuẩn bị và giáo dục tốt về mọi mặt. Giáo dục truyền thống là một bộ phận quan trọng của sự nghiệp giáo dục chính trị, tư tưởng cho thanh niên.
Nội dung cơ bản truyền thống cách mạng của chúng ta là:
1. Ý chí anh hùng, dũng cảm, bất khuất, sẵn sàng hy sinh tất cả vì độc lập - tự do, không cam tâm chịu mất nước và làm nô lệ.
2. Vững vàng trước mọi thử thách, khó khăn, gian khổ, trung thành với cách mạng.
3. Anh dũng trong chiến đấu, cần cù bền bỉ trong lao động.
4. Sống giản dị, thương yêu đùm bọc lẫn nhau.
5. Tinh thần quốc tế chủ nghĩa trong sáng, thuỷ chung.
Những truyền thống quý báu nói trên cần được giáo dục sâu sắc cho thanh niên ta qua việc giáo dục lịch sử chống xâm lược của dân tộc ta, lịch sử của Đảng và dân tộc, lịch sử chiến đấu của giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, các lực lượng vũ trang cách mạng và những tấm gương chiến đấu sinh động.
Trong công tác giáo dục, cần làm cho thanh niên ta thấy rõ truyền thống anh hùng của những lớp người trẻ tuổi nước ta. Từ Bà Trưng, Bà Triệu cho đến ngày nay, những người trẻ tuổi nước ta trưởng thành sớm, đã nhiều lần làm nên sự nghiệp lớn. Năm thế hệ thanh niên đã kế tục nhau sáng lập Đảng, làm cuộc Cách mạng Tháng Tám, chống Pháp, chống Mỹ, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Để thực hiện tốt và kiên trì, lâu dài giáo dục truyền thống cách mạng cho thanh niên ta, Ban Bí thư Trung ương quyết định;
1- Các cơ quan tuyên truyền, thông tin, báo chí, văn hoá, giáo dục và những ngành hữu quan… phải có chương trình giáo dục truyền thống cách mạng cho thanh niên gắn liền với giáo dục chính trị, tư tưởng, thế giới quan, nhân sinh quan… Việc giáo dục truyền thống cùng với toàn bộ công tác giáo dục thanh niên đều nhằm mục đích bồi dưỡng tinh thần và phẩm chất cách mạng cho thế hệ trẻ thành những lớp người kế tục xứng đáng các thế hệ đã chiến đấu và hy sinh đưa lại độc lập, tự do cho đất nước và quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, mở ra kỷ nguyên mới rực rỡ trong lịch sử dân tộc. Tiếp tục ý chí và phẩm chất anh hùng của những lớp người trước, phải làm tròn sứ mạng xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; vươn lên làm chủ đất nước và cuộc sống; nắm vững những thành tựu mới của trí tuệ loài người; sống lối sống cách mạng, cao thượng, cần cù, giản dị, theo gương Bác Hồ vĩ đại; khắc phục những biểu hiện yếu hèn, sa đoạ, ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa.
Tất cả các tổ chức đảng, từ các cơ quan trung ương đến các tổ chức cơ sở, đều phải chăm lo giáo dục truyền thống cách mạng cho thanh niên, bảo vệ thanh niên, chống lại những hiện tượng hư hỏng, sa đoạ.
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cần xác định một chương trình giáo dục truyền thống cách mạng cho đoàn viên, toàn thể thanh niên, thiếu niên và nhi đồng kết hợp với chương trình giáo dục chung và hành động cách mạng hằng ngày của quần chúng thanh niên.
2- Muốn cho việc giáo dục truyền thống có hiệu quả, phải có nhiều phương pháp và hình thức sinh động thích hợp với từng lớp người, từng lứa tuổi, hoàn cảnh sinh hoạt và công tác. Cần sử dụng tốt hơn các phương tiện thông tin, văn học, nghệ thuật, âm nhạc, bảo tàng, tham quan, du lịch như:
Nhân những ngày kỷ niệm lớn, tổ chức những đợt hoạt động giáo dục truyền thống sinh động phù hợp với nội dung ngày kỷ niệm và yêu cầu giáo dục chính trị tư tưởng lúc đó; tổ chức việc học tập người thật, việc thật, mời các anh hùng, chiến sĩ cách mạng lão thành, công nhân lâu năm có thành tích, các gia đình cách mạng kể chuyện, nói chuyện với thế hệ trẻ; tổ chức viết và đọc sách văn học về đề tài lịch sử cách mạng, ghi chép sử địa phương, đơn vị; xây dựng nhà truyền thống, phòng lưu niệm ở các cơ sở; xây dựng những bộ phim về các đơn vị anh hùng, các nhà cách mạng tiền bối, anh hùng, liệt sĩ, về các cuộc chiến đấu nổi tiếng, cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ; trong các dịp nghỉ hè, nghỉ lễ, tổ chức cho thanh niên, học sinh đi du lịch, tham quan tìm hiểu các di tích lịch sử, di tích cách mạng; phân công cho các đơn vị tổ chức thanh niên, thiếu niên chịu trách nhiệm bảo quản và sửa sang các nghĩa trang liệt sĩ, các di tích cách mạng, chăm sóc các gia đình có công với cách mạng, liệt sĩ, thương binh; các đội viên, đoàn viên ưu tú được đứng gác danh dự các nghĩa trang liệt sĩ trong các ngày lễ lớn, những dịp có ý nghĩa sâu sắc trong cuộc đời của tuổi trẻ như được kết nạp vào Đội, vào Đoàn, vào Đảng, lên đường làm nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, gia nhập hàng ngũ giai cấp công nhân, lễ cưới nên có những hình thức như viếng, đặt hoa… để tưởng nhớ và biết ơn các anh hùng liệt sĩ có công với cách mạng.
Nhà nước cần từng bước xây dựng các cơ sở giáo dục truyền thống theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", nghiên cứu quy định các danh hiệu, các phần thưởng cao quý cho các gia đình có truyền thống vẻ vang, các gia đình cách mạng, các bà mẹ anh hùng có nhiều con lập công xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
Tất cả các cấp, các ngành và từng chi bộ, từng chi đoàn cần nghiên cứu và có kế hoạch thực hiện Chỉ thị này. Ban Tuyên huấn Đảng và tổ chức đoàn các cấp có trách nhiệm tổ chức phối hợp các ngành, các đoàn thể theo một kế hoạch chung hằng năm để thực hiện Chỉ thị một cách tích cực, thiết thực, đạt hiệu quả giáo dục cao, tránh cách làm hình thức, lãng phí.
|
T/M BAN BÍ THƯ
VÕ CHÍ CÔNG |