Chỉ thị về việc tăng cường lãnh đạo đối với công tác giáo dục phổ thông và xây dựng Đảng trong các trường học

Thứ sáu, 02/12/2011 16:39

Ngày 10/8/1977, Ban Bí thư khoá IV đã ban hành Chỉ thị số 16 CT/TW về việc tăng cường lãnh đạo đối với công tác giáo dục phổ thông và xây dựng Đảng trong các trường học. Sau đây là toàn văn Chỉ thị:

Đại hội toàn quốc lần thứ IV của Đảng đã đánh giá cao những thành tựu đạt được trên lĩnh vực giáo dục trong những năm vừa qua và trong hai năm gần đây kể từ khi giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc; đã xác định rõ vị trí, nhiệm vụ của công tác giáo dục trong giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đại hội đặc biệt nhấn mạnh phải tiến hành cải cách giáo dục trong cả nước, làm cho hệ thống giáo dục quốc dân gắn chặt hơn nữa với sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa, làm cho giáo dục thấu suốt hơn nữa nguyên lý "học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn với xã hội".

Để thực hiện tốt những nhiệm vụ trên đây, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục, trước hết đối với công tác giáo dục phổ thông và công tác xây dựng đảng trong các trường học. Trong sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác này, cần quan tâm giải quyết tốt một số vấn đề như sau:

1. Trên cơ sở nhận thức rõ vị trí và nhiệm vụ của công tác giáo dục trong giai đoạn mới, cần nắm vững tình hình công tác giáo dục ở địa phương quyết định và hướng dẫn, kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện những chủ trương và biện pháp nhằm phát triển sự nghiệp giáo dục phổ thông (bao gồm cả xoá nạn mù chữ, bổ túc văn hoá, giáo dục phổ thông, mẫu giáo và sư phạm) ở địa phương trong từng thời gian; những chủ trương và biện pháp để kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý giáo dục các cấp, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên, xây dựng cơ sở vật chất của các trường học, đẩy mạnh hoạt động của các đoàn thể quần chúng, nhất là của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Công đoàn giáo dục, và công tác xây dựng đảng trong các trường học, phù hợp với đường lối, chủ trương của Đại hội IV và của Trung ương Đảng.

Trong lúc chưa thực hiện cải cách giáo dục toàn diện, cần hết sức quan tâm lãnh đạo phong trào thi đua "hai tốt" theo gương các điển hình tiên tiến, bảo đảm các trường học thấu suốt hơn nữa nguyên lý "học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn với xã hội", phù hợp với từng lứa tuổi và các địa bàn khác nhau.

2. Tiếp tục kiện toàn cơ quan quản lý giáo dục các cấp và chăm lo xây dựng đội ngũ giáo viên

a) Căn cứ vào các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương Đảng và Chính phủ, dựa vào sự hướng dẫn của cơ quan giáo dục cấp trên để có chủ trương, biện pháp tiếp tục kiện toàn cơ quan quản lý giáo dục các cấp từ tỉnh, thành phố trở xuống, nhất là các huyện, quận và các trường học theo đúng tinh thần Nghị quyết 225 của Bộ Chính trị1); cần chỉ đạo chặt chẽ công tác bồi dưỡng, bảo đảm cho đội ngũ cán bộ giáo dục đáp ứng ngày càng tốt yêu cầu quản lý sự nghiệp giáo dục trong giai đoạn mới. Ban Tổ chức và Ban Khoa giáo (hoặc Tuyên giáo) các cấp phải phối hợp chặt chẽ để giúp các cấp ủy đảng bố trí tốt đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục.

Cần thành lập Ban cán sự giáo dục ở các Ty và Sở Giáo dục, ở các Phòng Giáo dục huyện, quận để cùng các ban của Đảng giúp cấp uỷ lãnh đạo thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng trong công tác giáo dục, làm công tác tổ chức và cán bộ, công tác xây dựng đảng trong các trường học.

Cần lựa chọn một số cán bộ có phẩm chất chính trị, có hiểu biết cần thiết về chuyên môn để xây dựng hoặc kiện toàn các bộ phận làm công tác chính trị, công tác tổ chức và cán bộ ở các Ty, Sở và Phòng Giáo dục. Ở mỗi trường học cũng phải có một cán bộ phụ trách công tác chính trị, công tác tổ chức và cán bộ. Đối với những nơi chưa có thì cấp trên phải có kế hoạch điều chỉnh hoặc tuyển lựa, và tổ chức bồi dưỡng để bổ sung. Nên tuyển một số cán bộ quân đội là đảng viên, có trình độ văn hoá cần thiết hiện đã chuyển ngành, phục viên và một số cán bộ đoàn thanh niên có trình độ văn hoá, để đào tạo, bồi dưỡng và bố trí vào những công tác này.

b) Đi đôi với việc kiện toàn cơ quan quản lý giáo dục các cấp, cần tiếp tục chăm lo xây dựng đội ngũ giáo viên.

Cần nắm chắc và lãnh đạo chặt chẽ các trường sư phạm, bảo đảm các trường đó làm được tốt cả hai nhiệm vụ: bồi dưỡng số giáo viên hiện có và đào tạo giáo viên mới. Trong công tác tuyển sinh vào các trường sư phạm, nhất là ở các địa phương phía Nam, phải chú ý thu hút được ngày càng nhiều những người đã qua chiến đấu và công tác, những người xuất thân từ các gia đình cách mạng và từ nhân dân lao động, có phẩm chất tốt và có trình độ văn hoá khá, để đào tạo thành giáo viên mới. Cần chăm lo công tác chính trị, tư tưởng và đời sống của giáo viên và học sinh.

Ở phía Nam, đối với các giáo viên mới giải phóng, cần tiếp tục giáo dục và động viên anh chị em hăng hái phấn đấu rèn luyện để nhanh chóng trở thành những giáo viên xã hội chủ nghĩa. Đối với số giáo viên mới tạm tuyển thì phải tiếp tục tìm hiểu, xem xét để sớm đưa vào biên chế những người có đủ tiêu chuẩn.

3. Tăng cường chỉ đạo hoạt động của các đoàn thể quần chúng trong ngành giáo dục và trong các trường học

Để phát huy quyền làm chủ tập thể của cán bộ quản lý, giáo viên, công nhân viên và học sinh đối với sự nghiệp giáo dục, công tác vận động quần chúng thông qua các đoàn thể, nhất là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Công đoàn giáo dục, có vị trí hết sức quan trọng. Trong sự lãnh đạo, các cấp uỷ đảng vừa phải thông qua hệ thống quản lý giáo dục của Nhà nước, vừa phải dựa vào các đoàn thể quần chúng để đi sâu giáo dục và phát động quần chúng, gây thành phong trào thi đua sôi nổi, liên tục trong việc thực hiện đường lối, chủ trương, kế hoạch của Đảng và Nhà nước.

Cần phát huy vai trò của công đoàn giáo dục trong việc giáo dục chính trị, tư tưởng đối với cán bộ quản lý, giáo viên, công nhân viên, trong việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của anh chị em, và trong phong trào thi đua "hai tốt".

Cần đặc biệt chú ý xây dựng và phát triển Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong giáo viên và học sinh. Ở các trường cấp I và cấp II, phải chú ý xây dựng tổ chức các Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh. Phải ra sức cải tiến nội dung và phương pháp công tác của Đoàn, Đội cho phù hợp với yêu cầu giảng dạy và học tập ở nhà trường. Các cán bộ đoàn, đội phải kết hợp chặt chẽ với giáo viên để tăng cường giáo dục lý tưởng và đạo đức cộng sản cho thanh niên, thiếu niên học sinh, xây dựng thái độ và phương pháp học tập đúng đắn, tác phong sinh hoạt lành mạnh, tinh thần đoàn kết giúp đỡ nhau học tập và rèn luyện.

Ở các địa phương phía Nam, cơ sở đảng trong ngành giáo dục và trong các trường học còn rất yếu, đa số giáo viên là những anh chị em mới giải phóng, vừa mới được tuyển dụng. Vì vậy, công tác vận động quần chúng thông qua các đoàn thể càng quan trọng. Trước mắt, các cấp uỷ cần chỉ đạo thành lập hoặc kiện toàn sớm Ban Chấp hành công đoàn giáo dục các cấp, nhanh chóng phát triển công đoàn giáo dục ở các trường học, thu hút số đông cán bộ quản lý, giáo viên, công nhân viên (kể cả những người trước đây là hội viên của Hội Nhà giáo yêu nước) vào tổ chức này để giáo dục và động viên anh chị em đoàn kết phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục. Phải chú ý lựa chọn đào tạo và bồi dưỡng các cán bộ phụ trách đoàn, đội ở các trường học, nhanh chóng xây dựng các chi đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và phát triển mạnh các Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.

4. Chăm lo xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong các trường học

Để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp giáo dục trong giai đoạn mới, các cấp uỷ đảng phải thường xuyên chăm lo xây dựng các tổ chức cơ sở đảng ở các trường học. Các Ban Tổ chức, Khoa giáo (hoặc Tuyên giáo) các cấp phải phối hợp chặt chẽ để giúp cấp ủy tăng cường chỉ đạo công tác này.

Cần sắp xếp lại tổ chức cơ sở đảng cho phù hợp với hệ thống giáo dục trong giai đoạn mới. Trong các trường học có đủ số lượng đảng viên như Điều lệ Đảng quy định thì được thành lập mỗi nơi một chi bộ hoặc đảng bộ cơ sở. Ở các xã có đông đảng viên thì tổ chức chi bộ chung cho các trường cấp I, cấp II kể cả các đảng viên chuyên trách công tác bổ túc văn hoá; và chi bộ của các lớp mẫu giáo trong xã (trường hợp ở mẫu giáo chưa đủ điều kiện thành lập một chi bộ riêng thì đảng viên ở đây tạm sinh hoạt ghép với chi bộ trường phổ thông).

Đối với các trường học đã có chi bộ, đảng bộ cơ sở, các cấp uỷ cần hướng dẫn nội dung nhiệm vụ chính trị hằng năm, giúp các tổ chức cơ sở đảng nắm vững và có kế hoạch tổ chức thực hiện ở từng đơn vị. Đồng thời, cần chỉ đạo kiện toàn các Ban Chấp hành, lựa chọn và bố trí đội ngũ bí thư bảo đảm tiêu chuẩn; có kế hoạch mở lớp bồi dưỡng cho các cán bộ làm công tác đảng và các đảng viên về đường lối, chủ trương của Đảng, về công tác xây dựng đảng và công tác vận động quần chúng trong trường học.

Các chi bộ, đảng bộ trường học phải căn cứ vào quy định của Điều lệ Đảng và sự chỉ đạo của cấp trên để xác định rõ nhiệm vụ, chế độ công tác, sinh hoạt, học tập, và có kế hoạch tổ chức thực hiện các mặt công tác đó đi dần vào nền nếp. Phải chú ý cải tiến và nâng cao chất lượng sinh hoạt của các đảng uỷ và chi bộ, bảo đảm cho sinh hoạt Đảng có nội dung chính trị, có tác dụng thiết thực giáo dục cán bộ, đảng viên và thúc đẩy hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác giáo dục trong từng thời gian.

Các chi bộ, đảng bộ phải bàn biện pháp tăng cường giáo dục, quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên. Từng chi bộ, tổ đảng phải có kế hoạch phân công, hướng dẫn và kiểm tra công tác của từng đảng viên một cách cụ thể và chặt chẽ nhằm phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của đảng viên trong quần chúng, thu hẹp diện đảng viên "trung bình", ngăn ngừa những biểu hiện quan liêu độc đoán, thoái hoá biến chất.

Các cấp uỷ và các chi bộ phải thường xuyên quan tâm chỉ đạo làm tốt công tác phát triển Đảng, nhất là đối với những nơi chưa có hoặc có quá ít đảng viên (như ở miền núi và các địa phương phía Nam). Phát triển Đảng phải bảo đảm đúng tiêu chuẩn, đúng thủ tục như Điều lệ Đảng quy định. Phải tránh khuynh hướng hẹp hòi, đồng thời hết sức cảnh giác đề phòng những phần tử cơ hội, phản động tìm cách chui vào Đảng. Phải biết kết hợp chặt chẽ giữa việc phát động phong trào quần chúng, kiện toàn Ban Chấp hành các đoàn thể, kiện toàn cơ quan quản lý giáo dục với việc tuyên truyền, lựa chọn, bồi dưỡng những người ưu tú nhất, có đủ tiêu chuẩn đảng viên trong giáo viên, nhân viên, và trong học sinh (ở các trường sư phạm) để kết nạp họ vào Đảng. Ở các trường học trong vùng mới giải phóng phải nhằm phát triển vào những giáo viên, cán bộ, nhân viên ưu tú là những người đã được rèn luyện thử thách trong đấu tranh cách mạng ở miền Nam hoặc những người đã được rèn luyện giáo dục ở miền Bắc, và hiện nay đang phát huy vai trò tích cực trong công tác, được quần chúng tín nhiệm.

Các địa phương cần có kế hoạch kết hợp việc điều chỉnh phân bố lại lực lượng đảng viên hiện có với việc phát triển đảng viên mới, phấn đấu để đến năm 1980 tất cả các trường phổ thông đều có chi bộ hoặc có đảng viên.

5. Phát động quần chúng nhân dân tham gia xây dựng giáo dục

Công tác giáo dục là sự nghiệp cách mạng của quần chúng, vì lợi ích của quần chúng và phải được đông đảo quần chúng tham gia xây dựng. Vì vậy, trong việc lãnh đạo thực hiện đường lối, chủ trương giáo dục của Đảng, đặc biệt là trong công tác xoá nạn mù chữ và bổ túc văn hoá, trong việc xây dựng cơ sở vật chất của các trường học, trong việc phối hợp với nhà trường để giáo dục con em học sinh, trong việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của giáo viên, các cấp uỷ cần có kế hoạch để phát động quần chúng nhân dân tham gia một cách tự giác và ngày càng rộng rãi.

                                                                        *
                                                                       * *

Nhận được Chỉ thị này, các tỉnh uỷ, thành uỷ cần nghiên cứu kỹ và bàn kế hoạch thực hiện.

T/M BAN BÍ THƯ

TỐ HỮU

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực