Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020

Thứ hai, 18/06/2012 17:55
 

 Ảnh minh hoạ. Nguồn: quangtri.edu.vn

(ĐCSVN) - Tại Quyết định số 711/QĐ-TTg ngày 13/6/2012, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục 2011 – 2020, trong đó đặt ra mục tiêu: đến năm 2020, nền giáo dục nước ta được đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá, dân chủ hoá và hội nhập quốc tế; chất lượng giáo dục được nâng cao một cách toàn diện.

Theo đó, Chiến lược phát triển giáo dục 2011 – 2020 nhằm quán triệt và cụ thể hoá các chủ trương, định hướng đổi mới giáo dục và đào tạo, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020 của đất nước.

Về tình hình giáo dục Việt Nam giai đoạn 2001 – 2010, Chiến lược đã nêu ra những thành tựu cũng như những bất cập và yếu kém trong lĩnh vực giáo dục; trên cơ sở đó, phân tích bối cảnh và những thời cơ, thách thức đối với giáo dục nước ta trong giai đoạn 2011 – 2020. Với quan điểm chỉ đạo, phát triển giáo dục phải thực sự là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân, Chiến lược đặt ra mục tiêu cụ thể:

Về giáo dục mầm non, phấn đấu hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi vào năm 2015; đến năm 2020, có ít nhất 30% trẻ trong độ tuổi nhà trẻ và 80% trong độ tuổi mẫu giáo được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng trong các cơ sở giáo dục mầm non giảm xuống dưới 10%.

Về giáo dục phổ thông, phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ đi học đúng độ tuổi ở tiểu học là 99%, trung học cơ sở là 95% và 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ học vấn trung học phổ thông và tương đương; có 70% trẻ em khuyết tật được đi học.

Về giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học, đến năm 2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đủ khả năng tiếp nhận 30% số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp và đại học đạt khoảng 70%; tỷ lệ sinh viên tất cả các hệ đào tạo trên một vạn dân vào khoảng 350 – 400.

Về giáo dục thường xuyên, kết quả xoá mù chữ được củng cố bền vững. Đến năm 2020, tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 trở lên là 98% và tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 đến 35 là 99% đối với cả nam và nữ.

Một trong những hướng giải pháp quan trọng được đưa ra trong Chiến lược, đó là cần đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, thi, kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục. Trên cơ sở đánh giá chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và tham khảo chương trình tiên tiến của các nước, thực hiện đổi mới chương trình và sách giáo khoa từ sau năm 2015 theo định hướng phát triển năng lực học sinh, vừa đảm bảo tính thống nhất trong toàn quốc, vừa phù hợp với đặc thù mỗi địa phương. Chú trọng nội dung giáo dục đạo đức, pháp luật, thể chất, quốc phòng - an ninh và các giá trị văn hóa truyền thống; giáo dục kỹ năng sống, giáo dục lao động và hướng nghiệp học sinh phổ thông.

Đồng thời, cần đổi mới chương trình, tài liệu dạy học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đại học; phát triển các chương trình giáo dục thường xuyên, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông nhằm mở rộng các hình thức học tập; tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập, rèn luyện theo hướng phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo và năng lực tự học của người học...

Cùng với đó, Chiến lược cũng đưa ra nhiều giải pháp quan trọng khác nhằm thực hiện tốt những mục tiêu đã đặt ra, như: đổi mới quản lý giáo dục; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tăng nguồn lực đầu tư và đổi mới cơ chế tài chính giáo dục; tăng cường gắn đào tạo với sử dụng, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu xã hội; tăng cường hỗ trợ phát triển giáo dục đối với các vùng khó khăn, dân tộc thiểu số và đối tượng chính sách xã hội; phát triển khoa học giáo dục; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về giáo dục...

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực