Hỗ trợ giáo viên, học sinh và cơ sở giáo dục ở miền núi

Thứ tư, 15/08/2012 16:53

Ảnh minh họa. Nguồn: daklak.gov.vn

(ĐCSVN)Tiếp tục khảo sát, nghiên cứu, đề xuất, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện các chính sách hỗ trợ giáo viên, học sinh và cơ sở giáo dục ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số; đặc biệt quan tâm đối tượng học sinh bán trú ở vùng dân tộc, miền núi, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn, đối tượng người học thuộc các dân tộc rất ít người.

Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đối với giáo dục dân tộc năm học 2012 – 2013 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn tại văn bản số 5212/BGDĐT-GDDT, ngày 13/8/2012.

Cùng với đó, tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số, miền núi nhằm thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa vùng dân tộc thiểu số, miền núi với miền xuôi; bảo đảm các điều kiện phát triển giáo dục bền vững góp phần ổn định chính trị vùng dân tộc, giữ vững an ninh, chủ quyền vùng biên giới, biển đảo.

Ưu tiên đầu tư phát triển và nâng cao chất lượng dạy và học các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) và các cơ sở giáo dục vùng miền núi, dân tộc thiểu số; tổ chức và quản lí tốt việc dạy học tiếng dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục theo quy định; triển khai có hiệu quả các giải pháp tăng cường tiếng Việt ở các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học; tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác quản lí giáo dục dân tộc.

Về những nhiệm vụ cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu năm học 2012-2013, các sở Giáo dục đào tạo cần tập trung nâng cao chất lượng giáo dục trẻ em, học sinh dân tộc thiểu số trong các cấp học của địa phương.

Đồng thời, tổ chức đánh giá thực trạng phát triển về quy mô, mạng lưới và chất lượng giáo dục trẻ em, học sinh dân tộc thiểu số của địa phương từ mầm non đến tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Trên cơ sở đó, tăng cường các giải pháp đồng bộ, thiết thực, phù hợp thực tế để nâng cao chất lượng giáo dục trẻ em, học sinh dân tộc thiểu số, góp phần bảo đảm công bằng giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo miền núi, vùng dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, tập trung phát triển quy mô, mạng lưới và nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo trong các trường PTDTNT, PTDTBT.

Bảo đảm chất lượng dạy tiếng Việt và tiếng dân tộc thiểu số bằng hình thức xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số qua các hoạt động dạy học tiếng Việt trong các môn học và hoạt động giáo dục; xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức dạy học tiếng dân tộc phù hợp với điều kiện của các địa phương về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, khả năng thanh toán chế độ chính sách cho người dạy và người học; thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo việc dạy học tiếng dân tộc thiểu số, bảo đảm học đúng, học đủ chương trình và sách giáo khoa đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành; xây dựng hệ thống hồ sơ theo dõi, quản lí dạy học tiếng dân tộc thiểu số.

Cũng theo văn bản, các sở Giáo dục và Đào tạo cần tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên và cán bộ chuyên trách trong các trường PTDTNT, PTDTBT về: tổ chức các hoạt động giáo dục đặc thù; hoạt động ngoài giờ lên lớp; công tác học sinh nội trú, bán trú; đặc điểm tâm lí học sinh dân tộc thiểu số, văn hoá dân tộc; về giáo dục môi trường, phòng chống HIV/AIDS, giáo dục giá trị sống, kĩ năng sống, tâm lí học đường,…

Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với học sinh dân tộc thiểu số, nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục công tác ở vùng dân tộc. Các địa phương tiếp tục thực hiện tốt chế độ chính sách đối với cơ sở giáo dục, nhà giáo, cán bộ quản lí, người học ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục dân tộc, miền núi, các sở Giáo dục và Đào tạo cần tham mưu ban hành các chính sách của địa phương, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực để đầu tư cho giáo dục miền núi, vùng dân tộc thiểu số./.

Phương Nghi 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực