4. Sự nghiệp cách mạng của Đảng và của nhân dân ta chỉ có thể được hoàn thành tốt và triệt để nếu lực lượng phụ nữ được giải phóng một cách triệt để. Để phát động quần chúng phụ nữ đông đảo, cần phải có một đội ngũ cán bộ nữ vừa có trình độ chính trị, vừa am hiểu về chuyên môn nghiệp vụ để liên hệ, giáo dục, động viên và tổ chức quần chúng phụ nữ trên mọi lĩnh vực công tác, và để phát huy năng lực dồi dào của phụ nữ trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong sự nghiệp bảo vệ và giải phóng đất nước.
Nước ta đang tạm thời bị chia cắt, đế quốc Mỹ và tay sai đang tăng cường chiến tranh ở miền Nam, tiến hành chiến tranh phá hoại ở miền Bắc. Cả nước ta đang có chiến tranh. Nhiệm vụ sử dụng, cất nhắc, đào tạo, bồi dưỡng hàng loạt cán bộ nữ để bảo đảm những nhiệm vụ công tác ngày càng phát triển, xây dựng và củng cố hậu phương vững mạnh và thay thế cho cán bộ nam giới ra mặt trận chiến đấu càng đề ra những yêu cầu cấp bách.
Để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ chính trị trước mắt và lâu dài, nhiệm vụ của công tác cán bộ nữ trong thời gian tới là:
"Trên cơ sở nâng cao nhận thức của toàn Đảng về vai trò và vị trí của phụ nữ và cán bộ nữ trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đảng và làm quán triệt sâu sắc đường lối, chính sách cán bộ của Đảng, đặc biệt là chính sách của Đảng đối với cán bộ nữ trong các cấp, các ngành, đấu tranh kiên quyết chống những quan điểm bảo thủ, hẹp hòi, những tư tưởng phong kiến và các tư tưởng không vô sản khác đối với việc sử dụng, đề bạt, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, kiên quyết mạnh dạn sử dụng, và cất nhắc cán bộ nữ, ra sức đẩy mạnh các biện pháp tích cực nhằm mở rộng và nâng cao đội ngũ cán bộ nữ một cách có hệ thống, coi đó là một yêu cầu trọng yếu trong công tác cán bộ, một nhiệm vụ không thể xem nhẹ để bảo đảm hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ cách mạng của Đảng".
II- NHỮNG CHỦ TRƯƠNG, PHƯƠNG HƯỚNG, CHÍNH SÁCH VÀ BIỆN PHÁP CỤ THỂ
Chính sách của Đảng đối với cán bộ nữ là xuất phát từ quan điểm giai cấp vô sản của Đảng về vấn đề giải phóng phụ nữ, từ yêu cầu của nhiệm vụ chính trị do Đảng đề ra trong từng giai đoạn cách mạng, chứ không phải là để "chiếu cố phụ nữ" theo kiểu ban ơn. Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng đã chỉ rõ: "Đảng ta có trách nhiệm lớn đối với sự nghiệp giải phóng phụ nữ và phát huy năng lực dồi dào của phụ nữ để xây dựng xã hội mới". Chính sách của Đảng đối với cán bộ nữ chính là để bảo đảm cho Đảng ta làm tròn nhiệm vụ to lớn đó.
Các cấp, các ngành cần xuất phát từ những quan điểm cơ bản trên đây và đường lối, chính sách cán bộ của Đảng mà tăng cường công tác cán bộ nữ một cách chu đáo và thiết thực.
Trên cơ sở quán triệt đường lối giai cấp trong công tác cán bộ của Đảng, cần nắm vững phương châm công tác cán bộ nữ của Đảng là "tích cực bồi dưỡng, mạnh bạo sử dụng và đề bạt; vừa mạnh bạo sử dụng, đề bạt, vừa tích cực và chủ động bồi dưỡng để sử dụng, đề bạt được tốt, đề bạt rồi phải tiếp tục bồi dưỡng và sử dụng tốt". Cả hai mặt sử dụng, đề bạt và đào tạo bồi dưỡng quan hệ chặt chẽ với nhau, hỗ trợ lẫn nhau; mạnh bạo sử dụng, đề bạt là một phương diện để đào tạo, bồi dưỡng tốt, ngược lại, đào tạo, bồi dưỡng tốt là cơ sở để sử dụng và đề bạt tốt. Trong điều kiện hiện nay, trước sự phát triển của phong trào phụ nữ và yêu cầu của nhiệm vụ chính trị, và nhất là trong tình trạng trước đây việc sử dụng, cất nhắc cán bộ nữ nói chung còn hẹp hòi thì vấn đề mạnh bạo sử dụng cất nhắc cán bộ nữ đã trở thành một yêu cầu cấp bách, một vấn đề cần nhấn mạnh trước hết; đồng thời phải tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ một cách có kế hoạch, coi đó là một nhiệm vụ có tính chất cơ bản và lâu dài phải đẩy mạnh một cách tích cực và thường xuyên. Đi đôi với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, phải rất coi trọng chấp hành đúng đắn các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ nữ, tạo điều kiện cho chị em hoạt động, công tác được tốt.
Cụ thể cần chú trọng:
1. Đánh giá đúng đắn cán bộ nữ, kiên quyết và mạnh bạo sử dụng, đề bạt cán bộ nữ, kiên trì đấu tranh chống tư tưởng phong kiến, hẹp hòi trong việc đề bạt, sử dụng cán bộ nữ.
a) Tư tưởng phong kiến, bảo thủ, hẹp hòi còn khá phổ biến hiện nay trong việc sử dụng, đề bạt cán bộ nữ; các cấp uỷ, các đảng đoàn, các tổ chức cơ sở của Đảng cần đấu tranh chống những tư tưởng ấy, coi đó là một biện pháp trọng yếu trong công tác cán bộ để đẩy mạnh công tác cán bộ nữ, thúc đẩy phong trào phụ nữ phát triển nhanh chóng hơn nữa. Cần nhận rõ rằng thực hiện quyền bình đẳng thật sự giữa nữ và nam phải thể hiện trong thực tiễn công tác và đời sống mà biểu hiện cụ thể trước hết là trong việc đưa phụ nữ tham gia đông đảo vào công việc tổ chức lãnh đạo và quản lý kinh tế, văn hoá, đời sống, lãnh đạo và quản lý nhà nước. Những tư tưởng coi thường khả năng của phụ nữ, nhất là coi thường khả năng lãnh đạo và quản lý của chị em, ít chú trọng sử dụng, đề bạt, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ một cách chủ động và có kế hoạch; những tư tưởng không muốn hoạt động dưới sự phụ trách của cán bộ nữ, chỉ phục tùng nam, không phục tùng nữ trong cán bộ, nhất là trong nam giới, những biểu hiện "níu áo nhau" trong khi phụ nữ được đề bạt, nhất là trong một số cán bộ nữ, đều cần được phê phán nghiêm khắc.
Phụ nữ nước ta có truyền thống cách mạng lâu đời, chị em nói chung, nhất là trong công nông có ưu điểm căn bản là cần cù, đảm đang, chân thực, có đức tính liêm khiết, có tinh thần trách nhiệm, có ý thức tổ chức kỷ luật và tác phong dân chủ. Chị em lại giàu tình cảm, có lòng vị tha, hiểu rõ khó khăn, tâm lý, sinh hoạt của quần chúng phụ nữ và của quần chúng nói chung, để động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cần nhận rõ những ưu điểm căn bản có tính chất phổ biến trên đây của phụ nữ để phát huy, đồng thời thấy rõ những nhược điểm, khó khăn và điều kiện thực tế về thể chất, sức khoẻ, về điều kiện sinh đẻ và công việc gia đình của phụ nữ để phân công và bố trí công tác thích hợp, và tạo điều kiện để giúp chị em khắc phục khó khăn.
Trong khi vận dụng tiêu chuẩn đạo đức và tài năng đối với cán bộ nữ cần chống khuynh hướng bảo thủ, phiến diện và hẹp hòi. Khuynh hướng đó là do tư tưởng phong kiến, tư sản, khinh thường phụ nữ, thiếu quan điểm quần chúng trong công tác cán bộ, không đánh giá đúng đắn đạo đức và khả năng của phụ nữ, nhìn đức và tài một cách phiến diện như đòi hỏi phụ nữ phải có đủ điều kiện hoạt động như nam giới, nhưng lại không có biện pháp giúp chị em giải quyết khó khăn thực tế, không thấy rõ đức tính, khả năng, tác dụng của chị em đối với công tác vận động phong trào quần chúng, thiếu tin vào khả năng, nhất là khả năng lãnh đạo và quản lý kinh tế, văn hoá của chị em.
Phong trào quần chúng trong thực tiễn đã đào tạo ra hàng triệu quần chúng phụ nữ ưu tú có thể đảm đang mọi nhiệm vụ lãnh đạo, nhất là ở cơ sở. Phải thấy rõ lực lượng to lớn ấy để sử dụng chị em một cách đúng đắn, đưa hàng loạt chị em lên các cương vị thích đáng. Nếu nơi nào cán bộ nam chưa nhận ra được một cán bộ phụ nữ ưu tú nào đó, thì cán bộ nữ phải đề xuất ý kiến với tổ chức đảng, cán bộ cấp trên phải giúp cho cấp dưới thấy rõ lực lượng ưu tú đó trong đội ngũ cán bộ.
...
2. Ra sức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, kịp thời đáp ứng yêu cầu về mở rộng và nâng cao đội ngũ cán bộ.
a) Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ nhằm mở rộng và nâng cao đội ngũ cán bộ theo yêu cầu của nhiệm vụ chính trị trước mắt và lâu dài là một nhiệm vụ thường xuyên và là vấn đề then chốt trong toàn bộ công tác cán bộ phụ nữ. Chỉ có trên cơ sở bồi dưỡng, đào tạo được một đội ngũ cán bộ nữ một cách tích cực, chủ động theo đúng phương hướng và đường lối giai cấp của Đảng và đáp ứng những yêu cầu về số lượng và chất lượng thì mới có thể mạnh dạn sử dụng và cất nhắc cán bộ nữ một cách có hiệu quả và thiết thực được.
Yêu cầu của công tác cán bộ nữ trước hết là qua phong trào sản xuất, chiến đấu và công tác thực tế phải đào tạo một đội ngũ cán bộ nữ đông đảo, nhất là đội ngũ cán bộ nữ trẻ, xuất thân công, nông, trí thức cách mạng, hoạt động trên các lĩnh vực, vừa có trình độ chính trị tư tưởng tốt, vừa có trình độ văn hoá, chuyên môn, kỹ thuật, quản lý kinh tế, quản lý Nhà nước và biết làm công tác vận động quần chúng phụ nữ.
Cán bộ chuyên trách làm công tác phụ vận, ngoài trình độ chính trị và phương pháp vận động quần chúng, phải được bồi dưỡng để có những hiểu biết nhất định về mặt sản xuất, chuyên môn kỹ thuật để làm tốt công tác vận động quần chúng và có thể tham gia các công tác lãnh đạo, quản lý kinh tế, quản lý nhà nước khi cần thiết. Cán bộ nữ làm công tác quản lý chuyên môn kỹ thuật phải được bồi dưỡng thêm về trình độ chính trị, về công tác vận động quần chúng, nhất là về công tác vận động phụ nữ và phải có hiểu biết nhất định về chuyên môn nghiệp vụ, nếu là cán bộ quản lý, hoặc về quản lý nếu là cán bộ kỹ thuật. Ai thiếu mặt nào thì cần có kế hoạch bồi dưỡng dần từng bước về mặt ấy với tinh thần tích cực.
Đối với các cán bộ đứng tuổi, điều kiện đi học dài hạn có hạn chế và những chị em công tác lưu động, thì chú trọng mở các đợt bồi dưỡng, học tập văn hoá, chuyên môn ngắn ngày. Ngoài các lớp hoặc buổi học tập trung, tại chức, v.v. cần đặc biệt chú trọng các hình thức bồi dưỡng, đào tạo trong công tác thực tế.
Đối với chị em phụ nữ người dân tộc, do đặc điểm về phong tục, tập quán, về trình độ và tâm lý ở nhiều vùng có khác nhau, cho nên phải có biện pháp rất linh hoạt và chính sách cụ thể, nhằm khuyến khích và tạo điều kiện cho chị em học tập tốt. Chú trọng mở các trường lớp ngắn ngày ở các khu vực trong tỉnh và ở các huyện để thu hút nhiều chị em tham gia học tập.
Đối với chị em người miền Nam cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để phát huy mọi khả năng của chị em và để đáp ứng những yêu cầu của cách mạng miền Nam trước mắt và lâu dài. Các cấp, các ngành cần nắm danh sách cán bộ nữ người miền Nam để tăng cường chỉ đạo việc đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt và chú trọng phân phối hợp lý ngành nghề cho phù hợp với yêu cầu công tác trước mắt và yêu cầu, đặc điểm của công cuộc xây dựng miền Nam sau này.
b) Để làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, cần xác định rõ phương hướng ngành nghề để thu hút rộng rãi phụ nữ tham gia.
Cần nhận rõ những ưu điểm cơ bản và những đặc điểm riêng của phụ nữ và trước hết là nhận rõ vị trí và trách nhiệm của phụ nữ trên các mặt công tác như đã xác định ở trên, để định rõ phương hướng phân công lao động đối với phụ nữ nói chung và phương hướng đào tạo cán bộ nữ nói riêng. Nơi nào có đông quần chúng phụ nữ phải có nhiều cán bộ nữ, nơi nào có nhiều cán bộ nữ phải có cán bộ nữ làm cán bộ lãnh đạo. Đó là phương hướng đúng đắn của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Cần chú trọng nâng cao tỷ lệ đào tạo cán bộ nữ ở các ngành y dược, sư phạm, văn hoá, xã hội, thương nghiệp, công nghiệp nhẹ, trồng trọt, chăn nuôi, quản lý hợp tác xã và làm công tác ở các ngành nội chính, các ngành nghiệp vụ khác như tài vụ, kế toán, công tác văn phòng, hành chính, v.v. thích hợp với khả năng và thể chất của phụ nữ. Trong các ngành, các mặt công tác khác và ngay cả trong công nghiệp nặng vẫn có những mặt công tác phù hợp với đức tính và khả năng của phụ nữ. Cần xem xét cụ thể để có kế hoạch đào tạo cho phù hợp. Phải tiến tới đào tạo được nhiều nữ cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ cao, mở rộng đội ngũ cán bộ nữ làm công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật; đề cao hơn nữa vị trí của phụ nữ trên lĩnh vực này.
c) Cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ trẻ tuổi, nhất là ở cơ sở.
Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ phải có quan điểm và biện pháp đúng đắn, phải quan tâm bồi dưỡng và nâng cao đội ngũ cán bộ sẵn có, chú trọng cán bộ đã qua kháng chiến hiện đang có điều kiện và triển vọng tiến lên. Song, điều quan trọng hiện nay là phải nhìn thấy một cách đầy đủ đối tượng rộng rãi trong phong trào quần chúng của phụ nữ lao động trẻ tuổi, hăng hái, nhạy cảm tiếp thu cái mới, nhất là trong các đội trưởng, đội phó sản xuất ở các xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường, hợp tác xã, các nữ thanh niên lao động có văn hoá, có kiến thức chuyên môn kỹ thuật, các chị em phụ trách trong các tiểu đội, trung đội dân quân, thanh niên xung phong, v.v. đã qua thử thách trong sản xuất và chiến đấu ở cơ sở.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ cũng không phải bó hẹp trong phạm vi các lớp học, các trường đào tạo cán bộ, mà phải đặc biệt coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng trong công tác thực tế và trong phong trào quần chúng bằng các hình thức kèm cặp trong công tác, hoặc hình thức bồi dưỡng ngắn hạn rồi trở về công tác, rồi lại tiếp tục bồi dưỡng thêm các đợt khác với yêu cầu cao hơn.
Các chi bộ và tổ chức cơ sở đảng, các tổ chức của công đoàn, đoàn thanh niên, phụ nữ giữ vai trò quan trọng trong việc giáo dục, bồi dưỡng đào tạo đội ngũ cán bộ nữ ở cơ sở nông thôn, xí nghiệp và cả trong các cơ quan, trường học, v.v.. Phải coi trọng công tác phát triển đảng viên vào phụ nữ, nhất là nữ thanh niên. Qua công tác phát triển đảng, qua việc giáo dục nữ đảng viên, đoàn viên và qua thực tiễn công tác cần làm cho chị em nhận rõ con đường tiến lên của cách mạng, nhận rõ yêu cầu của Đảng đối với người nữ đảng viên, đoàn viên và nữ cán bộ, giáo dục ngay từ đầu cho chị em ý chí phấn đấu kiên trì nhẫn nại khắc phục khó khăn trong công tác và học tập. Cần chỉ rõ cho chị em thấy những khó khăn sau này khi có chồng con hoặc khi có những nhiệm vụ khó khăn phức tạp Đảng giao cho, để chị em ngay từ đầu có ý chí vươn lên một cách đầy đủ. Đồng thời phải quan tâm lãnh đạo công đoàn, hợp tác xã coi trọng giúp đỡ chị em giải quyết các khó khăn trong sinh hoạt và đời sống. Phải lãnh đạo tốt phong trào bổ túc văn hoá đối với phụ nữ, nhất là ở cơ sở theo chỉ thị đã có của Ban Bí thư. Cần phát triển các trường lớp "ba đảm đang" ở khắp các xã, xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường. Ở các cơ quan, bệnh viện, trường học cũng cần nghiên cứu để tăng cường hình thức bồi dưỡng, đào tạo nữ cán bộ, công nhân, nhân viên bằng cách tổ chức các lớp ngắn ngày, học tại chức, v.v.. Từ trong phong trào quần chúng, trong công tác thực tế, cần kịp thời lựa chọn những chị em là nữ thanh niên xuất sắc, có thành tích, là anh hùng, chiến sĩ thi đua, lao động tiên tiến, những chị em ưu tú trong phong trào "ba đảm đang" và "ba sẵn sàng" (chú trọng thích đáng những chị em có triển vọng là vợ con liệt sĩ, hoặc bản thân hoặc gia đình dưới chế độ cũ có nghèo khổ...) để bồi dưỡng, đào tạo thành cán bộ hoặc giao cho chị em những nhiệm vụ nặng hơn. Phải mạnh dạn cất nhắc các chị em đó vào các cương vị công tác, coi đó cũng là một yêu cầu quan trọng để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ.
d) Các cấp uỷ đảng, các ban, các đảng đoàn, các tổ chức cơ sở đảng, các thủ trưởng các cơ quan cần quan tâm đưa công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phụ nữ đi vào quy hoạch cụ thể và lâu dài với tinh thần kiên trì đầy đủ, và cần có biện pháp chấp hành một cách kiên quyết, nghiêm chỉnh các chính sách của Đảng đối với việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ.
Phải định tỷ lệ thích đáng trong việc chiêu sinh các lớp đào tạo cán bộ đối với phụ nữ. Các ngành sư phạm, giáo dục, y dược, thương nghiệp, chăn nuôi, tài vụ, kế hoạch, v.v. các ngành mà tỷ lệ lao động phụ nữ chiếm số đông phải định tỷ lệ chiêu sinh ít nhất là từ 50 đến 70% hoặc cao hơn nữa là phụ nữ, chú trọng có tỷ lệ đúng ở các trường đại học và chuyên nghiệp. Trong kế hoạch chiêu sinh cần chú trọng dành tỷ lệ thích đáng cho cán bộ miền Nam và người dân tộc.
Ở miền núi, tuỳ theo điều kiện của từng nơi, cấp uỷ sẽ quyết định cụ thể tỷ lệ nói trên. Các trường đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý cũng cần tuỳ theo điều kiện thực tế ở từng ngành, từng cấp mà định tỷ lệ chiêu sinh là phụ nữ.
Để có nhiều cán bộ nữ vào các trường đào tạo, một số điều kiện chiêu sinh đối với phụ nữ có thể định khác hơn nam giới (như chức vụ, tuổi đời, bậc lương, quá trình công tác) miễn là chị em có khả năng học tập tiếp thu được. Về trình độ văn hoá nếu còn thấp chưa đủ điều kiện theo học, nhất là ở vùng dân tộc thì trong những năm tới, các cấp uỷ tỉnh, thành, các đảng đoàn bộ có thể quyết định cho chị em được tập trung học trước thời hạn chiêu sinh một thời gian để có đủ trình độ cần thiết; các ngành, các cấp tuỳ theo yêu cầu công tác có thể mở những lớp đào tạo riêng nữ cán bộ làm công tác lãnh đạo và quản lý, lựa chọn những chị em có triển vọng, có khả năng để bồi dưỡng hoặc tổ chức tham gia công tác thực tế trong một thời gian nhằm nâng cao trình độ và năng lực công tác.