Nghị quyết số 30-NQ/TW, năm 1952 của Ban Bí thư khoá II về việc đẩy mạnh công tác giáo dục bổ túc văn hoá

Thứ hai, 14/11/2011 15:59
Năm 1952, Ban Bí thư khoá II đã ban hành Nghị quyết số 30-NQ/TW về việc đẩy mạnh công tác giáo dục bổ túc văn hoá. Sau đây là toàn văn Nghị quyết:

I- NHẬN XÉT TÓM TẮT HOẠT ĐỘNG CỦA NGÀNH BÌNH DÂN HỌC VỤ

1. Ưu điểm

a) Phong trào bình dân học vụ đã làm cho gần 14 triệu đồng bào thoát nạn mù chữ và đang đẩy mạnh việc phát triển lớp dự bị bình dân để củng cố việc đọc thông viết thạo cho những người vừa mới thoát nạn mù chữ và phổ biến cho họ một ít kiến thức phổ thông.

b) Phong trào phát triển theo đường lối quần chúng được đông đảo quần chúng tham gia.

2. Khuyết điểm

a) Chưa nhận rõ sự quan trọng của công tác bổ túc văn hóa là cơ sở của nền giáo dục nhân dân, có tác dụng lớn trong việc tạo điều kiện cho nhân dân nhất là công nông thực sự làm chủ Nhà nước. Do đó:

- Tổ chức còn lộn xộn phức tạp, chưa có một hệ thống duy nhất.

- Chương trình, tài liệu chưa kết hợp việc dạy bình dân học vụ với việc học chính trị và thời sự của nhân dân, nhất là công nông. Cách dạy còn nhiều cái cũ của truyền bá quốc ngữ trước, nhất là trong việc soạn bài.

b) Hoạt động của bình dân học vụ còn yếu ở chỗ nhiều nơi, nhất là ở các vùng tôn giáo, tạm bị chiếm. Nhiều nơi không tổ chức lớp bình dân học vụ. Trong vùng tạm bị chiếm ít lợi dụng các hình thức dạy chẽ để giáo dục chính trị cho nhân dân, nhằm giác ngộ nhân dân đẩy tiến kháng chiến.

c) Việc tiếp tục dạy cho những người thoát nạn mù chữ còn ít ỏi. Có nơi nhân dân thoát nạn mù chữ một thời gian lại mù chữ trở lại.

d) Sự lãnh đạo của Đảng về giáo dục nói chung và về giáo dục bình dân nói riêng chưa được chặt chẽ. Cán bộ giáo dục còn non nớt, chưa thấm nhuần đường lối chính sách và tác phong của Đảng.

II- NHIỆM VỤ CHÍNH CỦA NGÀNH BÌNH DÂN HỌC VỤ

Vì:

- Chính quyền ta là chính quyền dân chủ nhân dân mà cơ sở là công nông.

- Nhiệm vụ kháng chiến của nhân dân ta ngày càng phức tạp nặng nề.

- Nhân dân ta (nhất là cán bộ công nông binh cần học tập thêm để đảm nhận đắc lực hơn những nhiệm vụ khó khăn.

Sự phát triển của công cuộc chống nạn mù chữ đã có 14 triệu người biết chữ, họ cần được bổ túc.

Nên: Nhiệm vụ chính của ngành bình dân học vụ trong giai đoạn này là giáo dục bổ túc cho nhân dân (trong đó có cả việc phát triển lớp dự bị) đồng thời vẫn tiếp tục mở lớp chống nạn mù chữ.

III- QUAN NIỆM VỀ GIÁO DỤC BỔ TÚC

A- MỤC ĐÍCH

Việc giáo dục bổ túc nhằm mục đích nâng cao trình độ văn hoá và chính trị của nhân dân lao động (trước hết là công nông binh) để họ phục vụ kháng chiến, phát triển sản xuất đắc lực hơn và thực sự làm chủ Nhà nước.

B- PHƯƠNG CHÂM GIÁO DỤC BỔ TÚC

Nền giáo dục bổ túc xây dựng theo ba phương châm sau đây:

1. Lý luận và thực tiễn thống nhất: Học kết hợp với hành, học để mà dùng. Muốn thế phải căn cứ vào những thực tế trong nước, những nhu cầu cụ thể của nhân dân và của chính sách hiện nay mà giảng dạy.

2. Tranh thủ thời gian phục vụ kháng chiến: Nhằm mục đích thiết thực phục vụ nhân dân, phục vụ kháng chiến. Lựa chọn sắp xếp dạy cho nhân dân những điều cần thiết cho kháng chiến, sản xuất và nắm chính quyền để họ có thể học trong một thời gian ngắn. Đồng thời chuẩn bị cho họ có thể học lên cao hơn.

3. Dựa vào lực lượng nhân dân: Giáo dục bổ túc là của nhân dân, là do nhân dân xây dựng nên. Dùng những phương pháp và hình thức tổ chức linh động, mềm dẻo, thích hợp với điều kiện cụ thể và nhu cầu thiết thực từng thời kỳ, từng địa phương, từng lớp người.

C- CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC BỔ TÚC

Quan niệm chung về chương trình:

1. Tính chất chương trình

a) Những kiến thức trong chương trình giáo dục bổ túc cần bàn là những kiến thức phổ thông. Chương trình đó không phải là một chương trình chính trị hay chuyên nghiệp, song gắn chặt với việc giáo dục chính trị và giúp nhân dân học về chuyên nghiệp.

b) Chương trình giáo dục bổ túc phải vừa thiết thực vừa đề cao (thiết thực là chính, đề cao là phụ); vừa thích hợp với nhu cầu học và hành trước mắt, vừa nhằm thỏa mãn những nhu cầu hiểu biết và công tác sau này, song chủ yếu phải là thiết thực.

2. Hướng xây dựng chương trình

a) Đại đa số nhân dân và cán bộ không có điều kiện đi học một mạch dài cho nên chương trình phải chia làm 2 cấp mỗi cấp cũng lại chia ra từng lớp, mỗi lớp học trong một thời gian tương đối ngắn. Ở mỗi cấp chương trình gồm một số kiến thức tự nó thành hệ thống tạm đầy đủ.

b) Tuy chương trình phải có tính chất thiết thực nhưng không vụn vặt rời rạc. Chương trình phải liên tục.

c) Nói chung, nhân dân và cán bộ đều cần được bổ túc văn hóa. Cho nên cần đặt một chương trình chung. Chương trình chung này là chương trình dạy trong các trường cho cán bộ thoát ly công tác một thời gian đi học. Song vì điều kiện học tập của nhân dân và cán bộ có khác nhau và họ lại có những nhu cầu riêng nên có cách áp dụng chương trình cho thích hợp với mỗi loại đối tượng học viên.

3. Trọng tâm của chương trình

a) Trọng tâm chung: Vì quốc văn có tác dụng lớn trong việc giáo dục tư tưởng và ý thức chính trị cho học viên, đồng thời cần thiết để học các môn khác trong chương trình cho nên học môn học chính của chương trình giáo dục bổ túc tức là quốc văn.

b) Trọng tâm riêng của mỗi cấp: Ở những cấp dưới học viên còn kém về toán mà kiến thức về toán lại cần thiết để học được ở cấp trên và cho công tác hàng ngày. Vì vậy ngoài quốc văn môn học chính thứ hai là toán.

Một điểm chính của mục đích giáo dục bổ túc là thúc đẩy sản xuất (chủ yếu là sản xuất nông nghiệp) nên cần phải dạy nhiều kiến thức về vạn vật. Nhưng môn này chỉ có thể học nhiều và rộng ở cấp trên. Vì vậy, ở cấp trên ngoài quốc văn môn học chính thứ hai là vạn vật (riêng đối với công nhân xí nghiệp thì dạy nhiều về lý, hoá ngoài môn học chính là quốc văn).

Tóm lại, môn học chính của cấp dưới là quốc văn, toán. Môn học chính của cấp trên là quốc văn, vạn vật.

c) Trọng tâm chương trình cho từng loại đối tượng học viên (ở các lớp sau giờ làm việc). Mỗi loại có những nhu cầu về nghề nghiệp, công tác riêng biệt, cho nên trong chương trình học của từng loại đối tượng học viên, ngoài môn học chính là quốc văn, cần giành địa vị quan trọng cho những môn học trực tiếp cần thiết cho từng loại học viên.

Những môn học trong chương trình:

Chương trình giáo dục bổ túc gồm những môn: Quốc văn, sử, địa, chính trị thường thức, toán, vạn vật, lý, hóa. Nói chung những môn học này phải:

Đem lại cho học viên những tri thức đấu tranh và sản xuất.

-Luyện cho học viên có nhận xét và phê phán đúng.

Làm cho học viên biết yêu, ghét đúng (yêu lao động, yêu Tổ quốc, căm thù địch, có tinh thần quốc tế...).

Quốc văn:

- Văn chương cách mạng, kháng chiến của ta (chủ yếu văn chương bình dân).

- Một phần nhỏ của văn chương tiến bộ thế giới nói về hoà bình hoặc văn lãnh tụ thế giới.

- Một phần rất nhỏ nữa về những tác phẩm xưa được truyền tụng có tính chất tiến bộ.

- Đồng thời học cách viết đúng chính tả, mẹo luật, diễn tả ý kiến cho sáng sủa, gãy gọn mạch lạc.

Sử:

- Lịch sử Việt Nam, chú trọng lịch sử cách mạng ý kháng chiến Việt Nam.

- Sơ lược lịch sử phát triển nhân loại.

Lịch sử Cách mạng Tháng Mười Nga và Cách mạng Trung Quốc.

Địa:

- Địa lý Việt Nam (học kỹ).

- Địa lý các nước bạn trong khối dân chủ. Miên, Lào, Trung Quốc, Liên Xô, các nước dân chủ nhân dân Đông Âu, các nước thuộc địa đang có phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc.

- Sơ lược địa lý các nước đế quốc Mỹ, Anh, Pháp.

Chính trị (2 phần):

- Một phần là học tập thời sự: Học tập tình hình trong và ngoài nước và học tập những nhiệm vụ lớn hàng năm của Chính phủ, của địa phương.

- Một phần học về tổ chức chính quyền nhân dân của ta, về Mặt trận dân tộc thống nhất và các đoàn thể nhân dân (chủ yếu là Công đoàn và Nông hội), về những chính sách căn bản của Chính phủ, của Đảng Lao động Việt Nam, của Mặt trận Liên Việt, và đạo đức tác phong của Hồ Chủ tịch.

Toán:

Số học và hệ cần thiết để có thể giải quyết được những sự tính toán thường gặp trong công tác và nghề nghiệp, như thuế nông nghiệp, tính năng suất...

Đại số học, hình học có ích dùng trực tiếp đến nghề nghiệp và công tác hay cần thiết để học lý hoá.

Khoa học thường thức:

Học viên ở trình độ thấp chưa có thể học ngay những môn vạn vật, lý, hoá, số học khoa học thường thức ở cấp dưới: Lựa chọn những vấn đề thật sự có quan hệ trực tiếp đến việc sản xuất mà đồng thời khiến cho học viên làm quen dần dần với những kiến thức khoa học.

Vạn vật:

- Thực vật học.

- Động vật học

- Địa chất học

- Người.

(Chú trọng đưa những ứng dụng thiết thực và gây một ý thức về quy luật tiến hóa).

Vật lý:

- Sơ lược về Lực học, Thuỷ tinh học, Khí tinh học, Nhiệt học, Điện học, ứng dụng vào các máy móc, các cải cách dụng cụ, phương pháp làm việc để tăng năng suất. Tuỳ theo mỗi loại đối tượng học viên, những ứng dụng đó sẽ thay đổi cho thích hợp với công tác, nghề nghiệp.

Hoá học:

- Những chất hóa học và hiện tượng hóa học có thể để cho học viên suy luận ra cách chế biến những hóa học phẩm hoặc thế phẩm cần thiết cho kỹ nghệ quốc phòng cũng như cho sản xuất nông nghiệp.

Vệ sinh:

- Sơ lược một vài điều cốt yếu để gây ý thức về vệ sinh. Thực tập nhiều cách phòng ngừa các bệnh phổ thông nhất.

Phân phối chương trình học:

Sự phân phối chương trình học cần căn cứ vào hai hạng học viên, một học viên có thể tạm thời thoát ly công tác hay nghề nghiệp trong một thời gian ngắn và một hạng học viên chỉ có thể học ngoài nghiệp vụ.

Ở trường hợp học viên chỉ có thể tạm thời thoát ly công tác hay nghề nghiệp thì chương trình chia làm 6 lớp trong 2 cấp: cấp I có 3 lớp (lớp dự bị bổ túc, lớp 1 và lớp 2), cấp II cũng có 3 lớp ( lớp 3, lớp 4, lớp 5). Thời gian học cả toàn bộ chương trình tối đa là 2 năm.

Ở trường hợp học viên chỉ có thể học ngoài giờ làm việc thì chương trình này căn bản vẫn đưa vào chương trình chung, nhưng để thích hợp và áp dụng đúng nhu cầu riêng của từng loại đối tượng, chương trình có thể đơn giản ở một số bài không cần thiết và đi sâu vào những môn có quan hệ trực tiếp. Nói chung thì thời gian học xong chương trình cho những lớp ngoài giờ làm việc không quá 5 năm.

IV- TỔ CHỨC GIÁO DỤC BỔ TÚC

1. Hình thức tổ chức: Căn cứ vào những điều nói trên cần có hai hình thức tổ chức thích hợp với điều kiện công tác và sinh hoạt của học viên.

a) Trường phổ thông lao động: Trường phổ thông lao động mở cho những học viên là cán bộ (trước hết là cán bộ công nông binh và chiến sỹ thi đua có thể tạm thời thoát ly công tác hay nghề nghiệp).

b) Những lớp bổ túc văn hóa ngoài giờ làm việc hình thức tổ chức này mở cho cán bộ, cho bộ đội tại ngũ, hoặc cho những người dân lớn tuổi không có điều kiện thoát ly công tác hay sản xuất.

2. Lãnh đạo và phối hợp: Những trường và lớp nói trên phải theo một hệ thống tổ chức duy nhất của Bộ Giáo dục phối hợp chặt chẽ với các Bộ khác và các đoàn thể nhân dân trong công cuộc giáo dục, bổ túc văn hóa ngoài giờ làm việc, thì có sự phân công như sau:

a) Bộ Giáo dục có nhiệm vụ:

- Cung cấp chương trình và tài liệu giáo khoa.

- Hướng dẫn về sư phạm cho những giáo viên do các cơ quan đoàn thể cử dạy ở những lớp sau giờ làm việc.

- Kiểm tra, theo dõi về phương diện chuyên môn.

b) Các cơ quan, đoàn thể chịu trách nhiệm:

- Tổ chức các lớp học.

- Cử người dạy các lớp học.

- Bảo đảm việc học tập văn hóa cho cán bộ và nhân viên trong cơ quan.

- Kiểm tra đôn đốc việc học tập,

V- NHIỆM VỤ TRƯỚC MẮT

1. Phổ biến chương trình và biên soạn tài liệu giáo khoa.

2. Thống nhất tổ chức và chương trình các lớp bổ túc văn hóa sau giờ làm việc.

3. Hướng dẫn về nghiệp vụ cho cán bộ và giáo viên ở các trường và các lớp.

Căn cứ vào nhu cầu về khả năng hiện nay của ta thì việc xây dựng và phát triển cấp I của nền giáo dục là chính.

Đảng ta là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, chính quyền của ta lấy công nông làm cơ sở, cuộc cách mạng của ta nói chung và cuộc kháng chiến của ta nói riêng lấy nhân dân lao động làm động lực chính mà việc bổ túc văn hóa lại quan hệ mật thiết với việc xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đẩy tới công cuộc cách mạng, đẩy tới công cuộc kháng chiến kiến quốc. Vì thế:

Cán bộ Bình dân học vụ phải học tập nhiệm vụ mới này để nắm vững đường lối, chính sách giáo dục bổ túc và phải thấy vinh dự được chấp hành nhiệm vụ đó, cương quyết vượt mọi khó khăn và hăng hái phụ trách.

- Cán bộ và nhân dân phải coi việc giáo dục bổ túc là một nhiệm vụ thất thân của mình.

Các ban Tuyên huấn các cấp phải giúp đỡ cấp uỷ Đảng lãnh đạo chặt chẽ thực hiện việc giáo dục bổ túc cho cán bộ và nhân dân nhất là các trường Phổ thông lao động và cử cán bộ phụ trách giảng chính trị ở các trường đó.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực