Ngày 5-11-1954, Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá II đã ban hành Nghị quyết số 47/QN-TW về trường Đại học nhân dân Việt Nam. Sau đây là toàn văn Nghị quyết:
1. Hiện nay trong vùng mới giải phóng, nhất là ở các thành thị, phần lớn các phần tử trí thức, học sinh, viên chức mong mỏi được bồi dưỡng về mặt chính trị, tư tưởng, để được tiến bộ và được phục vụ chính quyền nhân dân. Ở những thành thị Pháp chưa rút quân, họ lại đang hoang mang trước những thủ đoạn mua chuộc, lừa bịp của Pháp, nguỵ, lôi kéo họ theo chúng vào Nam. Cũng trong lúc này công việc kiến thiết nước nhà cần rất nhiều cán bộ các ngành.
Vì vậy, Đảng và Chính phủ ta cần kịp thời tranh thủ, thu hút những phần tử trí thức và học sinh ở vùng mới giải phóng, sắp được giải phóng, hết sức giúp đỡ họ học tập tiến bộ, trước hết là về mặt chính trị và tư tưởng, bồi dưỡng cho họ thành những người cán bộ mới phục vụ cho chính quyền mới.
Để thực hiện mục đích trên, cần mở trường Đại học Nhân dân Việt Nam.
2. Trường Đại học Nhân dân Việt Nam thu hút những phần tử trí thức, học sinh vùng mới giải phóng có trình độ trung học phổ thông trở lên (hay tương đương). Sẽ chỉ định thêm một số học sinh đủ trình độ ở vùng tự do cũ vào học. Chương trình học gồm có:
- Khoa học xã hội (những trí thức cơ bản).
- Lịch sử cách mạng Việt Nam.
- Những chính sách lớn của Đảng và Chính phủ.
- Những vấn đề về thời sự v.v..
Thời gian học 1 nǎm. Ngày khai giảng: 1-1-1955. Học sinh nghèo sẽ được cấp học bổng hết khoá, học sinh sẽ qua một kỳ thi tốt nghiệp và sẽ được cấp vǎn bằng. Nhà trường sẽ giới thiệu công tác cho họ theo nhu cầu kiến thiết nước nhà và thể theo nguyện vọng sở trường của họ.
3. Vì bị đế quốc nhồi sọ, mê hoặc lâu ngày, tư tưởng và nhận thức của họ còn chịu nhiều ảnh hưởng đế quốc, cho nên yêu cầu của việc giáo dục chủ yếu là nhằm xây dựng bước đầu lập trường phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, và nhận thức bước đầu về đường lối cách mạng, về những chính sách lớn của Đảng và Chính phủ.
Phương pháp giảng dạy phải ôn hoà thuyết phục và phát huy đầy đủ tự do tư tưởng của học sinh, áp dụng phê bình và tự phê bình một cách đúng mực, nhẹ nhàng.
4. Nhà trường sẽ do một hiệu uỷ phụ trách tổ chức và lãnh đạo mọi mặt công tác trong trường. Hiệu uỷ chịu trách nhiệm trước Ban Tuyên huấn Trung ương.
Trung ương cử các đồng chí sau đây vào hiệu uỷ nhà trường:
Đồng chí Trần Tống, Bí thư hiệu uỷ.
Đồng chí Đặng Xuân Thiều.
Đồng chí Đoàn Trọng Truyến.
5. Tất cả cán bộ, công nhân và nhân viên Trường Kinh tế tài chính Trung ương đều chuyển qua trường Đại học Nhân dân Việt Nam và do hiệu uỷ sử dụng.
|
T/M BAN BÍ THƯ
TRƯỜNG CHINH |