Nghị quyết về công tác giáo dục lý luận, chính trị và tư tưởng đối với cán bộ, đảng viên

Thứ năm, 01/12/2011 10:10
Ngày 29/12/1970, Ban Bí thư khoá III đã ban hành Nghị quyết số 210-NQ/TW về công tác giáo dục lý luận, chính trị và tư tưởng đối với cán bộ, đảng viên. Sau đây là toàn văn Nghị quyết:

I- NHIỆM VỤ VÀ PHƯƠNG HƯỚNG CHUNG CỦA CÔNG TÁC GIÁO DỤC CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN TRONG TÌNH HÌNH HIỆN NAY

Cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đang diễn ra rất quyết liệt. Nhân dân cả nước ta phải kiên trì và đẩy mạnh cuộc kháng chiến, quyết tâm thực hiện bằng được mục tiêu chiến lược đã định. Đi đôi với việc đáp ứng đầy đủ nhất mọi yêu cầu mới của tiền tuyến và thường xuyên nâng cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, đối phó có hiệu quả nhất đối với mọi âm mưu và hành động phiêu lưu quân sự mới của địch, miền Bắc phải ra sức khôi phục và phát triển kinh tế, đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội nhằm tăng cường tiềm lực kinh tế và quốc phòng, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân, tích cực chuẩn bị điều kiện cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc trên quy mô lớn.

Chúng ta cần thấy rằng: ngay cả sau này, khi chiến tranh kết thúc và trên phạm vi quốc tế, cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và mọi khuynh hướng của chủ nghĩa cơ hội còn diễn ra lâu dài và rất gay go, phức tạp.

Vì vậy, nhiệm vụ chính trị to lớn và cấp bách đòi hỏi cán bộ, đảng viên ta phải nhanh chóng nâng cao hơn nữa lòng yêu nước, trình độ giác ngộ xã hội chủ nghĩa, tinh thần cách mạng tiến công dũng cảm hy sinh, ý thức độc lập, tự chủ và những hiểu biết mới về chính trị, quân sự, kinh tế, khoa học kỹ thuật, năng lực quản lý kinh tế, quản lý nhà nước, đủ sức gánh vác những nhiệm vụ.

Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội, đội ngũ cán bộ, đảng viên đã trưởng thành mau chóng; trình độ hiểu biết về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, trình độ kỹ thuật, nghiệp vụ đều có tiến bộ. Trên mọi lĩnh vực công tác, ở tiền tuyến cũng như ở hậu phương, đều xuất hiện những cán bộ, đảng viên ưu tú, vừa có tinh thần chiến đấu dũng cảm, vừa có năng lực tổ chức giỏi. Ý thức độc lập tự chủ, lòng tự hào về đảng và dân tộc ta trong cán bộ, đảng viên cũng được nâng lên một bước mới. Nhiều đồng chí đã đi sâu vào công tác chuyên môn, chịu khó học tập văn hóa, khoa học kỹ thuật và nghiệp vụ. Nhưng mặt khác, trình độ của phần đông cán bộ, đảng viên ta về giác ngộ giai cấp, về kiến thức khoa học và kỹ thuật, về năng lực tổ chức, năng lực quản lý kinh tế còn thấp. Số đồng chí hiểu biết có hệ thống những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin còn ít. Một số đồng chí thỏa mãn với vốn hiểu biết cũ, một số cán bộ, đảng viên giảm sút ý chí chiến đấu và đạo đức cách mạng. Trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, chủ nghĩa cá nhân có chiều phát triển như ít suy nghĩ đến lợi ích chung, chỉ lo thu vén cho quyền lợi cá nhân, nặng đầu óc địa vị hiếu danh, tham ô, lạm quyền, lười biếng trong học tập và công tác.

Trong những năm chống chiến tranh phá hoại, Đảng ta rất coi trọng việc rèn luyện cán bộ, đảng viên trong thực tiễn chiến đấu và sản xuất. Đảng ta còn thường xuyên tổ chức những đợt sinh hoạt chính trị, những lớp huấn luyện ngắn ngày và dài ngày, tiếp tục đưa cán bộ đi học văn hóa và chuyên môn. Nhưng ta có thiếu sót là chậm đề ra một quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên, chủ yếu là cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý. Việc giáo dục những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin chưa được coi trọng đúng mức. Nội dung giáo dục lý luận có phần chưa thiết thực, chưa thật gắn với yêu cầu quán triệt đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, chưa thích hợp với nhiều loại cán bộ và đảng viên ở các nhiệm vụ, các vùng, các lứa tuổi khác nhau. Về mặt văn hóa, khoa học, kỹ thuật, thiếu kiên quyết đưa cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý đi học những lớp dài hạn hoặc ngắn hạn. Việc biên soạn tài liệu và đào tạo giảng viên chưa được coi trọng đúng mức, các trường đảng chưa cải tiến tốt phương pháp giảng dạy. Thiếu chế độ bảo đảm cho cán bộ, đảng viên có thể tự học; chậm khôi phục hình thức học tập lý luận, chính trị tại chức. Đến nay công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của phong trào cách mạng, chưa có nền nếp và hệ thống từ thấp đến cao theo những chương trình giáo dục cơ bản và ổn định.

Cần khẩn trương giáo dục, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên một cách toàn diện về chính trị, văn hóa, kinh tế, kỹ thuật, nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên, để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới. Nhiệm vụ trên đây phải được tích cực tiến hành với quy mô lớn, bằng những biện pháp có hiệu lực. Ban Bí thư sẽ lần lượt bàn và có chỉ thị về các mặt giáo dục nói trên. Nghị quyết này nêu ra nhiệm vụ, nội dung, phương châm, biện pháp của công tác giáo dục cán bộ, đảng viên về lý luận, chính trị và tư tưởng.

II- NHIỆM VỤ, NỘI DUNG, PHƯƠNG CHÂM, BIỆN PHÁP CÔNG TÁC GIÁO DỤC LÝ LUẬN, CHÍNH TRỊ VÀ TƯ TƯỞNG

1. Giáo dục lý luận, chính trị và tư tưởng có vị trí rất quan trọng trong công tác xây dựng đảng, góp phần nâng cao tính tiền phong của cán bộ, đảng viên, bảo đảm sự nhất trí về tư tưởng, tăng cường sức chiến đấu của Đảng. Nhiệm vụ hiện nay của công tác giáo dục lý luận, chính trị và tư tưởng là: nâng cao một bước quan trọng phẩm chất cách mạng, trình độ chính trị, năng lực vận dụng lý luận Mác - Lênin và đường lối chính sách của Đảng vào thực tiễn công tác, năng lực tổ chức và quản lý kinh tế cho cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành. Trên cơ sở đó, tăng cường hơn nữa sự đoàn kết nhất trí trong toàn Đảng, bảo đảm cho cán bộ, đảng viên đủ năng lực lãnh đạo quần chúng, chấp hành đúng đắn các nghị quyết của Đảng và những chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Nội dung giáo dục lý luận, chính trị và tư tưởng phải bao gồm những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối chính sách của Đảng, những hiểu biết cần thiết về đất nước và lịch sử Việt Nam, về thế giới hiện đại, những quan điểm của Đảng về các mặt công tác nhất là về kinh tế, về công tác đảng và lịch sử Đảng ta. Trong chương trình học tập, phải coi trọng đúng mức lý luận cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, phải dành nhiều thời gian cho việc học tập những vấn đề về kinh tế, bao gồm chính trị kinh tế học, đường lối phát triển kinh tế của Đảng, kiến thức về quản lý kinh tế. Phải nắm vững và vận dụng thích hợp phương hướng công tác tư tưởng trong Đảng, do Đại hội Đảng lần thứ III đề ra là: bồi dưỡng tư tưởng vô sản, chống ảnh hưởng của tư tưởng tư sản, chống tư tưởng tiểu tư sản, tiếp tục xóa bỏ tàn tích của tư tưởng phong kiến và những tư tưởng không vô sản khác. Cụ thể hiện nay là: nâng cao hơn nữa ý chí phấn đấu cách mạng, quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược, không sợ gian khổ hy sinh; luôn luôn giữ vững ý thức độc lập tự chủ, tinh thần cách mạng tiến công. Nâng cao tinh thần đoàn kết nhất trí, ý thức làm chủ tập thể, lao động quên mình, quyết tâm xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa thành hậu phương vững mạnh cho cả nước. Chống mọi biểu hiện "hoà bình" hưởng lạc, cá nhân chủ nghĩa, lười biếng, tự do vô kỷ luật, vô trách nhiệm, tham ô, quan liêu mệnh lệnh, cục bộ, địa phương...

Công tác giáo dục lý luận, chính trị và tư tưởng phải phục vụ có hiệu quả đường lối chính trị của Đảng, gắn chặt với những nhiệm vụ cụ thể mà Đảng và Nhà nước đang giải quyết; phải đi sâu vào công tác của các ngành, các địa phương, phù hợp với từng loại cán bộ, đảng viên khác nhau, có tác dụng thúc đẩy các mặt công tác sản xuất, chiến đấu và tổ chức đời sống; phải kịp thời giải đáp những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống, phê phán những khuynh hướng sai trái, đập tan những luận điệu phản động của địch.

Công tác giáo dục lý luận, chính trị phải kết hợp chặt chẽ với công tác giáo dục văn hóa, kỹ thuật, nghiệp vụ, bảo đảm cho các mặt giáo dục ấy phát triển cân đối phù hợp với yêu cầu của nhiệm vụ chính trị. Phải kết hợp việc giáo dục một cách có hệ thống những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin với việc giáo dục những vấn đề thời sự chính trị trước mắt; phải kết hợp việc nâng cao những kiến thức lý luận, chính trị, kinh tế, với việc nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, phát huy đúng tác dụng của việc phê bình và tự phê bình; kết hợp công tác giáo dục trong Đảng với việc giáo dục quần chúng nhất là thanh niên. Công tác giáo dục lý luận chính trị cơ bản phải tiến hành khẩn trương, vừa làm vừa hoàn chỉnh nội dung, cải tiến tổ chức, không nên chờ đợi, nhưng phải làm chu đáo, thận trọng.

2. Để đạt được yêu cầu và nội dung nói trên, cần cải tiến và tăng cường toàn bộ hệ thống giáo dục lý luận và chính trị của Đảng:

a) Nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận cơ bản tại các trường đảng và các trường lớp tại chức:

Trước hết cần biên soạn bốn chương trình cơ bản: chương trình cơ sở, chương trình sơ cấp, chương trình trung cấp, chương trình cao cấp. Các chương trình đó có sự khác nhau về mức độ nông sâu, nhưng có điểm chung là đều phải quán triệt những nội dung giáo dục cơ bản đã quy định ở trên. Những chương trình ấy phải được cụ thể hóa cho thích hợp và thiết thực với từng loại cán bộ, đảng viên ở từng ngành, từng địa phương, từng thời kỳ khác nhau. Mỗi cán bộ, đảng viên sau khi học xong chương trình thấp có thể học tiếp chương trình cao hơn, không phân biệt chức vụ.

Phải cải tiến phương châm phương pháp giảng dạy, học tập ở các trường đảng, quán triệt phương châm lý luận liên hệ với thực tế, phát huy tinh thần độc lập suy nghĩ, chủ động sáng tạo của cán bộ, đảng viên trong học tập. Lấy các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin, các nghị quyết của Đảng, các tác phẩm của Hồ Chủ tịch và của các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta làm tài liệu học tập cơ bản. Cần trang bị tủ sách và những đồ dùng cần thiết cho việc giảng dạy, học tập ở trường đảng, coi trọng việc học tập điển hình tiên tiến, đưa học viên đi thực tế, vận dụng những điều đã học mà nghiên cứu những vấn đề thực tiễn. Cần có chế độ kiểm tra kết quả thực tế của mỗi khóa học.

Chấn chỉnh tổ chức các trường đảng: cố gắng bổ sung thêm cán bộ giảng dạy cho Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương để có thể mở rộng quy mô đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cao cấp và cán bộ nghiên cứu về lý luận. Tổ chức hệ thống trường đảng trung cấp chuyên trách bồi dưỡng cho một loại đối tượng nhất định: nông nghiệp, công nghiệp, tài chính thương nghiệp, kế hoạch, giáo dục, v.v.. Mỗi tỉnh, thành tổ chức một trường đảng, có thể có một số hệ chuyên ngành; chuyển các lớp chính trị ở huyện thành trường đảng huyện; tăng cường cán bộ có chất lượng cho các trường đảng tỉnh, thành và huyện. Các trường đảng phụ trách việc giáo dục lý luận Mác - Lênin, đường lối chính sách của Đảng, quan điểm của Đảng về công tác quản lý, công tác đảng của cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành, các cơ sở sản xuất và trường học. Phương hướng mở lớp của các trường đảng hiện nay là: kết hợp mở các lớp dài ngày với những lớp ngắn ngày học từng môn, hoặc những vấn đề trước mắt.

Để đáp ứng yêu cầu học tập rộng rãi của cán bộ, đảng viên, cần phát triển và coi hình thức học tập tại chức là chính; kiện toàn bộ phận huấn học trong các Ban Tuyên huấn tỉnh, thành, huyện; tổ chức lại các trường, các lớp tại chức ở các ngành, các cấp theo Chỉ thị số 61 ngày 29 tháng 3 năm 1963 của Ban Bí thư về cải tiến công tác giáo dục tại chức1). Các cấp và các ngành phải cải tiến chế độ hội họp, quy định chế độ học tập thích hợp và chặt chẽ. Các cấp, các ngành cần nghiên cứu quy hoạch sắp xếp các loại cán bộ, đảng viên đi học tại các lớp tập trung, các lớp tại chức, theo các loại chương trình ở mỗi cấp và ở mỗi ngành, tiến tới việc tiêu chuẩn hóa cho mỗi loại cán bộ ở chức vụ nào phải theo học từng chương trình tối thiểu nhất định.

Vấn đề đội ngũ giảng viên có ý nghĩa quyết định đối với chất lượng học tập. Vì vậy phải tích cực đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên lý luận chuyên trách kiêm chức. Người giảng viên phải có phẩm chất cách mạng, trung thành với đường lối của Đảng, có trình độ hiểu biết cần thiết về lý luận Mác - Lênin và đường lối, chính sách của Đảng, hoặc về quản lý kinh tế, kỹ thuật; có nghiệp vụ giảng dạy. Giảng viên Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương và trường đảng tại chức của Trung ương do Ban Bí thư duyệt. Giảng viên các trường đảng trung cấp do Ban Tuyên huấn Trung ương duyệt. Giảng viên của trường đảng cấp nào do Ban Thường vụ cấp ấy duyệt. Các cấp uỷ cần tạo điều kiện cho các giảng viên lý luận, chính trị thường xuyên nắm được tình hình, đường lối, chủ trương chính sách của Đảng trong từng thời kỳ. Các cấp uỷ viên có nhiệm vụ tham gia giảng dạy và bồi dưỡng giảng viên.

Phải có kế hoạch xuất bản các sách kinh điển Mác - Lênin, các văn kiện của Đảng, các sách giáo khoa phục vụ cho từng loại chương trình học tập lý luận chính trị tại chức và tại trường.

Ban Bí thư giao trách nhiệm cho Ban Tuyên huấn Trung ương quản lý toàn bộ công tác giáo dục lý luận, chính trị tại chức và tại trường ở các ngành, các cấp.

b) Xây dựng chế độ báo cáo thời sự, chính sách. Phải thường kỳ thông báo cho cán bộ, đảng viên các vấn đề về thời sự trong nước, quốc tế, những chính sách của Đảng và Nhà nước. Nội dung các báo cáo phải thiết thực, cần dựa vào những điển hình tiên tiến, những người tốt việc tốt mà thể hiện một cách sinh động thế giới quan Mác - Lênin và đường lối chính sách của Đảng. Các cấp uỷ đảng phải nắm vững tình hình nhận thức tư tưởng của cán bộ, đảng viên thuộc phạm vi mình phụ trách, kịp thời giải đáp những vấn đề cán bộ, đảng viên đề ra, Ban Bí thư giao cho Ban Tuyên huấn Trung ương tổ chức hệ thống báo cáo viên gồm những đồng chí có phẩm chất tốt, nắm vững những vấn đề về thời sự, chính sách, có khả năng tuyên truyền. Số báo cáo viên nói trên phải được bồi dưỡng thường xuyên như đội ngũ giảng viên lý luận. Ban Bí thư sẽ định kỳ thông báo cho cán bộ cao cấp những vấn đề lớn về thời sự, chính sách.

c) Làm cho việc đọc sách báo đảng thành một thói quen, một nhu cầu hàng ngày trong nếp sống của cán bộ, đảng viên. Sách báo của Đảng là công cụ quan trọng phổ biến đường lối chính sách của Đảng, phải thường xuyên cải tiến nội dung và hình thức. Báo Nhân dân và Tạp chí Học tập cần dành phần cần thiết để kịp thời giải thích sâu sắc những quan điểm cơ bản trong đường lối, chính sách của Đảng. Nhà xuất bản Sự thật phải biên soạn những sách phổ thông về lý luận chính trị để đảng viên đọc. Tất cả cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ phụ trách và cán bộ nghiên cứu hàng ngày phải đọc Báo Nhân dân; cán bộ từ sơ cấp trở lên phải đọc Tạp chí Học tập. Từng thời kỳ, Ban Tuyên huấn Trung ương quy định những sách kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin, các văn kiện của Đảng, các tác phẩm của Hồ Chủ tịch, của các đồng chí lãnh đạo cho mỗi loại cán bộ, đảng viên cần phải đọc. Mỗi cán bộ cơ sở hoặc chi bộ cùng các đoàn thể như là Đoàn Thanh niên xây dựng tủ sách nhỏ bao gồm một số sách tối thiểu cần thiết về lý luận chính trị, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn học.

d) Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và các cuộc hội nghị cán bộ các cấp:

Ban Tuyên huấn và Ban Tổ chức Trung ương có kế hoạch hướng dẫn các cấp uỷ cải tiến ngay sinh hoạt chi bộ theo phương hướng: chi bộ phải là nơi thảo luận về đường lối chính sách của Đảng, về nhiệm vụ của địa phương và đơn vị, về kế hoạch tổ chức thực hiện những nhiệm vụ đó, về sản xuất và đời sống hàng ngày của quần chúng, phân công rõ từng đảng viên, cán bộ và kiểm điểm kết quả thực hiện các chủ trương của chi bộ và trách nhiệm từng người; chi bộ phải thực sự trở thành trường học để rèn luyện đảng viên về lập trường tư tưởng chính trị, phẩm chất cách mạng, năng lực tổ chức. Sinh hoạt của chi bộ bao gồm việc nghiên cứu tình hình, nhiệm vụ và đường lối chính sách của Đảng, bàn các mặt công tác của chi bộ, bàn các vấn đề về nội bộ đảng như phát triển đảng viên, phê bình tự phê bình.

Cần cải tiến các cuộc hội nghị cán bộ, hội nghị của các cấp uỷ, bảo đảm quán triệt những quan điểm cơ bản trong đường lối chính sách của Đảng, bàn bạc cụ thể và có kế hoạch thực hiện tốt.

đ) Quy định chế độ cán bộ các cấp hàng năm có thời gian tham gia công tác thực tế ở cơ sở sản xuất:

Tham gia công tác thực tế ở cơ sở có tác dụng giúp cho cán bộ, đảng viên nghiên cứu những vấn đề thuộc nội dung công tác của ngành và tình hình thực tế ở cơ sở; rèn luyện về chính trị và tư tưởng, phẩm chất và đạo đức của cán bộ, làm cho cán bộ, đảng viên thường xuyên gắn chặt với thực tiễn, với phong trào, với quần chúng.

Cần chú trọng những điển hình tiên tiến và cả những cơ sở còn yếu kém.

Các ngành, các cấp cần nghiên cứu để quy định chế độ và thời gian hàng năm cho cán bộ mỗi cấp định kỳ đi công tác thực tế ở các cơ sở sản xuất, tạo điều kiện thuận tiện, kiểm tra, theo dõi việc cán bộ thuộc cấp mình hàng năm đi công tác thực tế ở cơ sở.

III- TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CẤP UỶ, CÁC BAN CỦA ĐẢNG VÀ CỦA CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN TRONG VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT NÀY

1. Các cấp uỷ của Đảng, các đồng chí phụ trách các ngành phải trực tiếp nắm công tác giáo dục lý luận, chính trị và tư tưởng, coi đó là bộ phận công tác lãnh đạo hàng ngày của mình. Coi trọng việc bảo đảm quán triệt quan điểm của Đảng trên các mặt công tác, việc thảo luận những vấn đề lý luận, quan điểm của Đảng, kiểm tra nhận thức của cán bộ, đảng viên qua hành động. Thường xuyên theo dõi tình hình nhận thức, tư tưởng và đạo đức của cán bộ, đảng viên; lãnh đạo và kiểm tra các cơ quan làm công tác tư tưởng; trực tiếp nắm và bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, báo cáo viên. Phải chống bệnh sự vụ chủ nghĩa, coi thường lý luận, khoán trắng công tác giáo dục lý luận, chính trị cho cán bộ tuyên huấn.

Coi trọng việc không ngừng nâng cao trình độ lý luận, đồng thời nâng cao năng lực tổ chức và chỉ đạo thực hiện. Các cấp uỷ, các đảng đoàn cần thảo luận tập thể, đánh giá lại công tác giáo dục lý luận, chính trị và tư tưởng của địa phương và ngành, đề ra quy hoạch và những biện pháp cụ thể để thi hành Nghị quyết này.

2. Ban Tuyên huấn Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương và các ban khác có liên quan, cần phối hợp chặt chẽ giúp Trung ương thực hiện Nghị quyết này: quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; củng cố hệ thống trường đảng, trường tại chức; biên soạn chương trình tài liệu; cải tiến sinh hoạt chi bộ; xây dựng và bồi dưỡng mạng lưới giảng viên và báo cáo viên. Ban Tuyên huấn Trung ương phải thường xuyên báo cáo với Ban Bí thư về tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên, giúp Ban Bí thư tổ chức các cuộc thông báo thời sự chính sách cho cán bộ cao cấp, giúp Trung ương chỉ đạo hệ thống trường đảng, giúp đỡ, kiểm tra công tác giáo dục lý luận của các trường, của các đoàn thể và của Nhà nước. Ban Tổ chức Trung ương cần nghiên cứu một số chế độ cụ thể bảo đảm cho công tác giáo dục lý luận chính trị được tiến hành tốt.

3. Tất cả cán bộ, đảng viên phải coi việc học tập để nâng cao trình độ lý luận, chính trị, tư tưởng là một nhiệm vụ rất quan trọng hiện nay, ra sức làm theo lời dạy của Hồ Chủ tịch: chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời, còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng. Trong tình hình hiện nay, học tập tốt là một biểu hiện quan trọng về tính đảng, trình độ giác ngộ về phẩm chất của chúng ta. Mỗi đồng chí phải xuất phát từ trình độ và yêu cầu của nhiệm vụ công tác của mình, xác định rõ mục tiêu học tập cần phải đạt được về chính trị, văn hóa, kỹ thuật nghiệp vụ; phải bền bỉ học tập, biết coi trọng thời giờ, bố trí công việc hợp lý để học tập, cố gắng mỗi năm nâng trình độ của mình lên một bước mới.

Tất cả cán bộ, đảng viên phải có kế hoạch học tập thiết thực và báo cáo kết quả học tập của mình với tổ chức Đảng.

T/M BAN BÍ THƯ

TỐ HỮU

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực