Nghị quyết về việc đào tạo và bồi dưỡng cán bộ khoa học, kỹ thuật và cán bộ quản lý kinh tế

Thứ hai, 28/11/2011 10:31
Ngày 28/6/1966, Ban Bí thư khoá III đã ban hành Nghị quyết số 142-NQ/TW về việc đào tạo và bồi dưỡng cán bộ khoa học, kỹ thuật và cán bộ quản lý kinh tế. Sau đây là toàn văn Nghị quyết:

I- MẤY NHẬN XÉT VỀ CÔNG TÁC ĐÀO TẠO VÀ BỒI DƯỠNG CÁN BỘ KHOA HỌC, KỸ THUẬT VÀ CÁN BỘ QUẢN LÝ KINH TẾ CỦA TA TRONG NHỮNG NĂM VỪA QUA

1. Từ khi hoà bình được lập lại đến nay, chúng ta đã có nhiều cố gắng và đã thu được nhiều thành tích đáng kể trong việc đào tạo và bồi dưỡng cán bộ khoa học, kỹ thuật và cán bộ quản lý kinh tế.

Số lượng các cán bộ đó tăng lên nhanh chóng. Đến nay đã hình thành một đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật và cán bộ quản lý kinh tế có trình độ đại học và trung cấp bao gồm hơn 10 vạn người. Tuy phần lớn mới ra trường, kinh nghiệm còn ít, anh chị em cán bộ khoa học, kỹ thuật và cán bộ quản lý kinh tế của ta nói chung đều có phẩm chất chính trị tốt và đang bắt đầu phát huy vai trò tích cực của mình trong sản xuất cũng như trong công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Nhiều trường mới được xây dựng thêm và một số trường đã có những kinh nghiệm tốt trong công tác giáo dục. Đội ngũ cán bộ giảng dạy không ngừng được tăng cường. Do đó, công tác đào tạo cán bộ có điều kiện phát triển. Đến nay, đã có trên 30 trường và lớp đại học với gần 3.000 cán bộ giảng dạy và hơn 30.000 sinh viên, hơn 140 trường trung học chuyên nghiệp với gần 4.000 cán bộ giảng dạy và trên dưới 60.000 học sinh.

Việc chấp hành đường lối, chính sách đào tạo và bồi dưỡng cán bộ ngày càng tốt hơn. Việc vận dụng nguyên lý và phương châm giáo dục của Đảng có nhiều tiến bộ. Phương hướng đào tạo cán bộ được dần dần xác định một cách cụ thể. Các hình thức đào tạo và bồi dưỡng cán bộ cũng đang được mở rộng.

Từ khi đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại ở miền Bắc nước ta, các trường đại học và trung học chuyên nghiệp đã khắc phục những khó khăn do tình hình nhà trường phải sơ tán gây ra, đồng thời đã bước đầu tạo ra những điều kiện thuận lợi mới ngay trong hoàn cảnh trường sơ tán để tiếp tục nhiệm vụ đào tạo cán bộ.

2. Tuy vậy, so với yêu cầu của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và yêu cầu to lớn của nhiệm vụ cách mạng chung trong cả nước, công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ của ta còn chậm trễ.

Chúng ta chưa có quy hoạch dài hạn về vấn đề đào tạo cán bộ; việc chỉ đạo thực hiện kế hoạch đào tạo cán bộ lại thiếu chặt chẽ; cho nên có hiện tượng vừa thiếu cán bộ, vừa mất cân đối; nhưng có lúc, có nơi lại "thừa". Sự phân bố cán bộ chưa được cân đối giữa các ngành, nghề và trong mỗi ngành, nghề lại chưa được hoàn chỉnh; có khi cán bộ đào tạo ở nước ngoài không đáp ứng được yêu cầu trong nước.

Chúng ta chưa nhận thức đầy đủ tính chất quan trọng của vấn đề đào tạo và bồi dưỡng cán bộ cho các ngành khoa học cơ bản và cho một số ngành then chốt của công nghiệp, cho điều tra cơ bản và quản lý kinh tế. Số cán bộ có trình độ cao hơn đại học còn quá ít.

Chất lượng cán bộ chưa được coi trọng tương xứng với số lượng, cho nên cán bộ được đào tạo ra, về chất lượng nói chung thì còn thấp, trình độ kiến thức cơ bản và khả năng vận dụng lý luận vào thực tiễn sản xuất và công tác còn bị hạn chế nhiều.

Trong những năm vừa qua, việc nâng cao trình độ văn hoá và tạo điều kiện thuận lợi cho những cán bộ, công nhân và nông dân ưu tú, cho những học sinh dân tộc thiểu số và nữ học sinh vào các trường đại học và trung học chuyên nghiệp tuy có làm, nhưng chưa thật tích cực.

Đối với một số ngành và một số loại cán bộ, yêu cầu đào tạo chưa rõ ràng, phương thức đào tạo chưa thật thích hợp. Chúng ta còn thiếu biện pháp tích cực để đẩy mạnh việc đào tạo và bồi dưỡng cán bộ bằng hình thức học tại chức.

Có những khuyết điểm trên đây, một phần là do hoàn cảnh khách quan, nhưng phần lớn là do thiếu sót chủ quan:

- Các ngành, các cấp chưa nhận thức đầy đủ vị trí của cách mạng tư tưởng và văn hoá và cách mạng kỹ thuật, cho nên chưa thấy hết tính chất quan trọng của việc đào tạo và bồi dưỡng cán bộ khoa học, kỹ thuật và cán bộ quản lý kinh tế đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, một nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, chưa nhận thức đầy đủ rằng việc đào tạo cán bộ phải đi trước việc xây dựng kinh tế và văn hoá một bước. Do đó, ít chú trọng chỉ đạo công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ; vì vậy mà có nhiều thiếu sót trong việc nắm tình hình, lập kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, cũng như trong việc chỉ đạo thực hiện nguyên lý và phương châm giáo dục xã hội chủ nghĩa, xây dựng và cải tiến chương trình giáo dục, cải tiến nội dung và phương pháp giảng dạy, bố trí và sử dụng cán bộ, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giảng dạy, xây dựng trường, tăng thiết bị và xét duyệt biên chế của các trường, v.v.. Hơn nữa, còn thiếu quy hoạch chung để phát triển các trường đại học và trung học chuyên nghiệp, và các trường đã có thì chưa được quản lý chặt chẽ.

- Ở trung ương cũng như ở địa phương, chưa có một sự chỉ đạo thống nhất về quản lý thống nhất công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ khoa học, kỹ thuật và cán bộ quản lý kinh tế. Trong từng địa phương, từng ngành, chưa có tổ chức chuyên trách về vấn đề đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, hoặc có nhưng chưa được kiện toàn.

II- NHIỆM VỤ VÀ PHƯƠNG HƯỚNG ĐÀO TẠO VÀ BỒI DƯỠNG CÁN BỘ KHOA HỌC, KỸ THUẬT VÀ CÁN BỘ QUẢN LÝ KINH TẾ TRONG THỜI GIAN TRƯỚC MẮT

1. Nghị quyết của Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng và Nghị quyết của các cuộc Hội nghị lần thứ 5, thứ 7, thứ 8, thứ 10 và thứ 11 của Trung ương Đảng đều nhấn mạnh nhiệm vụ đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật và cán bộ quản lý kinh tế, coi đó là một trong những công tác có tính chất quyết định để đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa nước nhà, đẩy mạnh cuộc cách mạng kỹ thuật trong các ngành kinh tế quốc dân.

Hiện nay, trước những hoạt động và âm mưu của đế quốc Mỹ tăng cường chiến tranh xâm lược đối với miền Nam và mở rộng chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, nhiệm vụ trước mắt của nhân dân miền Bắc là phải ra sức bảo vệ miền Bắc, tiếp tục sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đồng thời tích cực chi viện cho chiến trường miền Nam để giải phóng miền Nam. Chúng ta xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, thực hiện công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa là để tiếp tục sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đồng thời để tăng cường tiềm lực kinh tế và quốc phòng đặng đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, tiến tới hoà bình thống nhất Tổ quốc và tạo cơ sở tốt cho bước phát triển vượt bực sau này.

Trước tình hình và nhiệm vụ mới đó, công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ khoa học, kỹ thuật và cán bộ quản lý kinh tế chẳng những không được giảm nhẹ mà cần được phát triển mạnh mẽ để chuẩn bị cán bộ cho nhu cầu của cả nước. Chúng ta phải tranh thủ trong một thời gian tương đối ngắn, xây dựng cho được một đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật và cán bộ quản lý kinh tế đông đảo, vững mạnh, ngày càng hoàn chỉnh về trình độ và ngành, nghề, vừa có phẩm chất chính trị tốt, tuyệt đối trung thành với Đảng, với giai cấp công nhân, với dân tộc, liên hệ chặt chẽ với công nông, vừa có trình độ khoa học, kỹ thuật và nghiệp vụ giỏi, nắm vững được những quy luật của tự nhiên và quy luật xã hội, có năng lực tổ chức và động viên quần chúng, đủ sức giải quyết những vấn đề khoa học, kỹ thuật và quản lý kinh tế do thực tiễn nước ta đề ra, và có khả năng tiến kịp trình độ khoa học, kỹ thuật tiên tiến trên thế giới. Có như thế mới đủ điều kiện khắc phục một phần những khó khăn do chiến tranh gây ra, đồng thời không ngừng phát huy tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa và biến nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nước xã hội chủ nghĩa có công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiện đại, văn hoá và khoa học tiên tiến.

Để thực hiện nhiệm vụ to lớn nói trên, chúng ta phải căn cứ vào những yêu cầu trước mắt và những yêu cầu lâu dài của cả hai miền, của các ngành kinh tế, quốc phòng, giáo dục, khoa học, y tế, văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao, của khu vực nhà nước và khu vực tập thể, của trung ương và địa phương, yêu cầu của trong nước và của hoạt động nước ngoài, đồng thời căn cứ vào sự cố gắng của bản thân chúng ta và sự giúp đỡ của các nước anh em mà có một kế hoạch dài hạn, mạnh bạo, thiết thực và toàn diện về đào tạo và bồi dưỡng cán bộ (cán bộ khoa học tự nhiên, cán bộ khoa học xã hội, cán bộ kỹ thuật, cán bộ kinh tế, cán bộ quản lý).

Về trình độ cán bộ, để đáp ứng những nhu cầu rất lớn và rất cấp bách về cán bộ, chúng ta phải đào tạo nhiều cán bộ kỹ thuật có trình độ trung học, đồng thời phải hết sức cố gắng mở rộng hơn nữa việc đào tạo cán bộ có trình độ đại học và kiên quyết rút một số cán bộ đã có trình độ đại học cho học lên trình độ cao hơn.

2. Phương hướng chung về đào tạo và bồi dưỡng cán bộ của chúng ta trong những năm tới là:

a) Phải bảo đảm đào tạo và bồi dưỡng được một đội ngũ cán bộ tương đối hoàn chỉnh về ngành, nghề và trình độ

Phải đặc biệt chú trọng đào tạo và bồi dưỡng cán bộ cho các ngành khoa học cơ bản, coi đó là điều kiện quan trọng bậc nhất để nâng cao trình độ giảng dạy và nghiên cứu khoa học của ta, đồng thời để tiến tới độc lập giải quyết những vấn đề khoa học và kỹ thuật của nước nhà.

Phải chú trọng đào tạo nhiều cán bộ phục vụ cho các ngành điều tra cơ bản (như điều tra và thăm dò địa chất, điều tra về thổ nhưỡng, về sinh vật, đo đạc, vẽ bản đồ, điều tra về khí tượng, thủy văn, về rừng, biển, v.v.), vì đó là điều kiện chủ yếu để đẩy mạnh hơn nữa công tác điều tra và thăm dò tài nguyên, tiến tới nắm tình hình tài nguyên và thiên nhiên của ta ngày thêm đầy đủ và chính xác.

Phải dành một tỷ lệ lớn trong kế hoạch đào tạo cán bộ cho việc đào tạo và bồi dưỡng cán bộ kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng của các ngành công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, thông tin liên lạc, quốc phòng, đặc biệt chú trọng cho ngành kỹ thuật công nghiệp, vì nhu cầu về loại cán bộ này rất lớn, chẳng những cho bản thân ngành công nghiệp mà cho các ngành khác nữa.

Phải đẩy mạnh việc đào tạo và bồi dưỡng cán bộ cho các ngành quản lý kinh tế và gấp rút nâng cao trình độ hiểu biết về kinh tế và kỹ thuật cho cán bộ chỉ đạo kinh tế và kỹ thuật của các ngành, các cấp (kể cả cán bộ phụ trách công tác đảng, công tác tổ chức, công tác tuyên giáo, công tác công đoàn và thanh niên ở các xí nghiệp, công trường, nông trường và lâm trường).

Phải chú trọng hơn nữa việc đào tạo cán bộ cho các ngành giáo dục, y tế, văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, v.v..

b) Phải hết sức chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ để đáp ứng những nhu cầu ngày càng to lớn và cấp bách của sản xuất và chiến đấu

Trong việc đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, phải hết sức làm tốt công tác giáo dục chính trị và tư tưởng, đồng thời hết sức làm tốt công tác đào tạo và bồi dưỡng về khoa học, kỹ thuật, chuyên môn, nghiệp vụ và làm tốt công tác rèn luyện sức khoẻ.

Đối với từng loại cán bộ cần đào tạo và bồi dưỡng, phải định rõ mục tiêu cần đạt được, nhiệm vụ và vị trí công tác của họ sau này và phải phấn đấu để đạt cho được mục tiêu đã định.

c) Phải thấm nhuần hơn nữa đường lối, chính sách cán bộ của Đảng và Chính phủ trong công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ

Phải tích cực nâng cao trình độ văn hoá của công nhân, nông dân, trên cơ sở đó đưa thêm những công nhân và nông dân ưu tú vào các trường đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật và cán bộ quản lý kinh tế.

Đối với các dân tộc thiểu số, phải cố gắng phấn đấu đưa tỷ lệ cán bộ dân tộc thiểu số lên cao hơn nữa.

Phải ra sức đào tạo và bồi dưỡng cán bộ là phụ nữ, đặc biệt chú ý đưa chị em vào các ngành, nghề thích hợp với phụ nữ.

Phải cố gắng đào tạo và bồi dưỡng cán bộ cho các ngành, nghề cần thiết của miền Nam hiện nay và sau này.

Trong số cán bộ hoạt động cách mạng lâu năm, hiện nay một số tuổi đã cao, trình độ văn hoá và nghiệp vụ có phần bị hạn chế. Cần có chế độ và hình thức thích hợp bồi dưỡng cho các cán bộ đó.

III- MỘT SỐ BIỆN PHÁP CẦN CHÚ Ý TRONG VIỆC ĐÀO TẠO VÀ BỒI DƯỠNG CÁN BỘ KHOA HỌC, KỸ THUẬT VÀ CÁN BỘ QUẢN LÝ KINH TẾ

Để xây dựng một đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật và cán bộ quản lý kinh tế vững mạnh, các cấp, các ngành cần nhận thức một cách sâu sắc hơn tính chất cấp bách, vị trí quan trọng và những đặc điểm của công tác đào tạo và bồi dưỡng các cán bộ nói trên trong cách mạng xã hội chủ nghĩa và trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cần tập trung lực lượng giải quyết tốt những vấn đề sau đây:

1. Củng cố, phát triển và sắp xếp lại mạng lưới các trường đại học và trung học chuyên nghiệp

Phải mở rộng và hoàn chỉnh Trường đại học Tổng hợp, mở thêm các trường đại học Công nghiệp và một số trường đại học Nông nghiệp, đại học Sư phạm, đại học Y, Dược. Giữa các trường đại học đã có và sẽ xây dựng thêm, cần có sự phân công hợp lý nhằm tận dụng khả năng giảng viên cũng như sách báo, tư liệu, thiết bị thí nghiệm. Cần quy định một số trường đại học có giáo viên giỏi và thiết bị tốt phải đào tạo cán bộ có trình độ kiến thức cơ bản vững chắc. Trong điều kiện xây dựng hoà bình cũng không nên quá tập trung các trường đại học ở Hà Nội. Trong điều kiện có chiến tranh lại càng phải phân bố hợp lý những trường đại học về các địa phương, gần các cơ sở sản xuất để vừa tạo thêm điều kiện cho trường kết hợp lý luận với thực tiễn, vừa phát huy được tác dụng của trường đối với các địa phương.

Bên cạnh các trường trung học chuyên nghiệp của trung ương ở các địa phương, sẽ hình thành một hệ thống các trường trung học công nghiệp, nông nghiệp, sư phạm, y tế, v.v. do địa phương quản lý để đáp ứng yêu cầu của các địa phương.

Đi đôi với việc củng cố, phát triển và sắp xếp các trường đại học và trung học chuyên nghiệp, phải có kế hoạch cụ thể tăng thêm thiết bị thí nghiệm, sách báo, tư liệu, v.v. cho các trường đó.

Các trường đại học và trung học chuyên nghiệp phải cố gắng tự trang, tự chế các thiết bị cần thiết cho việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học. Chúng ta chỉ cần nhập những thiết bị đặc biệt hoặc tinh vi, chính xác không thể tự sản xuất được. Các ngành ngoại thương, cung cấp vật tư, công nghiệp, ấn loát, xuất bản, cần có kế hoạch giúp đỡ các trường đại học và trung học chuyên nghiệp làm tốt công tác này.

2. Tăng cường đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giảng dạy và cải tiến chương trình và nội dung giảng dạy

Đó là những vấn đề có ý nghĩa quyết định đối với việc nâng cao chất lượng đào tạo và bồi dưỡng cán bộ. Phải rất coi trọng việc đào tạo và bồi dưỡng một đội ngũ cán bộ giảng dạy có phẩm chất chính trị và đạo đức cách mạng tốt, có hiểu biết sâu rộng về khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ và có khả năng kết hợp lý luận với thực tiễn. Những thầy giáo giỏi không những là những người biết truyền kiến thức cho sinh viên mà quan trọng hơn nữa là biết rèn luyện sinh viên thành những người cán bộ khoa học, kỹ thuật công nghiệp, những trí thức xã hội chủ nghĩa liên hệ chặt chẽ với công nông, có tinh thần chiến đấu cao và nắm vững phương pháp tìm tòi và suy nghĩ của chủ nghĩa Mác-Lênin, phương pháp nghiên cứu khoa học và phương pháp công tác đúng đắn. Do đó, đối với số cán bộ hiện đang làm công tác giảng dạy ở các trường đại học và trung học chuyên nghiệp, vừa phải tăng cường giáo dục, bồi dưỡng về chính trị và tư tưởng, vừa phải tăng cường bồi dưỡng về tri thức khoa học, kỹ thuật và nghiệp vụ, làm cho họ nắm vững những kiến thức mới nhất về khoa học và kỹ thuật trong phạm vi công tác giảng dạy và nghiên cứu của họ. Cần nghiên cứu để quy định chế độ giảng dạy và công tác của cán bộ giảng dạy cho thích hợp để họ có thể vừa bảo đảm giảng dạy tốt và tham gia nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, vừa học tập lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin và đường lối, chính sách của Đảng, lại vừa có thể đi sâu vào thực tế đời sống một cách thường xuyên hơn. Đồng thời, cần có kế hoạch lần lượt cho anh chị em học lên trình độ cao hơn, tạo những điều kiện thuận lợi cho họ có thể tự học và nghiên cứu để không ngừng nâng cao trình độ của mình. Mặt khác, cần huy động một số người có kinh nghiệm công tác, kể cả một số cán bộ lãnh đạo, tham gia công tác giảng dạy. Nếu cần thiết thì có thể mời những chuyên gia giỏi của các nước anh em sang giúp ta giảng dạy trong các trường đại học.

Cùng với việc đào tạo và bồi dưỡng cán bộ giảng dạy, các trường phải nghiên cứu mục tiêu đào tạo cán bộ cụ thể cho từng ngành, nghề, rồi trên cơ sở đó mà cải tiến chương trình và nội dung giảng dạy. Chương trình và nội dung giảng dạy đó phải phù hợp hơn nữa với những thành tựu mới nhất của khoa học, kỹ thuật trên thế giới và kết hợp chặt chẽ với thực tiễn nước ta.

Cần trang bị cho sinh viên những kiến thức vững chắc về khoa học cơ bản. Phải bố trí hợp lý để tiết kiệm thời gian đào tạo. Muốn cho việc cải tiến chương trình và nội dung giảng dạy ở bậc đại học có kết quả tốt, phải cải tiến chương trình và nội dung giảng dạy cả ở các trường phổ thông và bổ túc văn hoá. Các trường đại học và trung học chuyên nghiệp phải duyệt và định lại chương trình và nội dung giảng dạy, và các cấp, các ngành phải chỉ đạo chặt chẽ công tác đó, đóng góp tích cực vào công tác đó.

3. Coi trọng việc giáo dục chính trị và tư tưởng cho cán bộ giảng dạy và sinh viên, học sinh

Cần làm cho mọi người nhận thức đúng đắn tình hình và nhiệm vụ cách mạng hiện nay, tự giác rèn luyện mình thành những con người mới, có phẩm chất và đạo đức cộng sản chủ nghĩa, sẵn sàng đem hết tinh thần và sức lực của mình cống hiến cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và chống Mỹ, cứu nước, hăng hái đi sâu vào khoa học, kỹ thuật, hăng hái phục vụ sản xuất và chiến đấu, không sợ gian khổ hy sinh.

Việc giáo dục chính trị và tư tưởng phải bảo đảm làm cho sinh viên và học sinh hiểu được đường lối, chính sách của Đảng và những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin, bảo đảm đánh bại tư tưởng tư sản và khắc phục ảnh hưởng tai hại của các tư tưởng cơ hội chủ nghĩa (xét lại, hữu khuynh, giáo điều, biệt phái, v.v.), không cho nó tác hại trong nhà trường xã hội chủ nghĩa của chúng ta.

Trong công tác giảng dạy và học tập, phải kết hợp chặt chẽ việc giáo dục chính trị và tư tưởng với việc học tập khoa học, kỹ thuật và nghiệp vụ, kết hợp chặt chẽ lý luận với thực tiễn, kết hợp khoa học tiên tiến với kinh nghiệm sáng tạo của quần chúng. Thầy giáo vừa phải là người truyền bá kiến thức, vừa phải là kỹ sư tâm hồn. Thầy và trò phải đoàn kết và giúp nhau cùng tiến bộ.

4. Cải tiến phương pháp đào tạo cán bộ, gắn liền học tập với lao động sản xuất

Phải chống khuynh hướng nhà trường thoát ly thực tiễn sản xuất và chiến đấu, thoát ly thực tiễn đời sống của xã hội. Dưới chế độ ta, nhà trường là cơ sở đào tạo cán bộ, rèn luyện con người mới, đồng thời phải là cơ sở nghiên cứu khoa học, kỹ thuật và phải trực tiếp tham gia sản xuất với một mức độ hợp lý. Đồng thời, mỗi cơ sở nghiên cứu khoa học và cơ sở sản xuất cũng phải là một cơ sở đào tạo và bồi dưỡng cán bộ và công nhân kỹ thuật. Trường học, cơ sở nghiên cứu khoa học và cơ sở sản xuất, ba bộ phận ấy phải liên hệ chặt chẽ với nhau trong công tác nghiên cứu khoa học, kỹ thuật. Có như thế cán bộ giảng dạy và sinh viên, học sinh mới nắm được những yêu cầu của sản xuất và chiến đấu, những vấn đề do thực tiễn sản xuất và chiến đấu đề ra để cố gắng góp phần giải quyết những vấn đề ấy trong quá trình học tập; mặt khác, làm cho các cơ sở sản xuất và các cơ quan nghiên cứu khoa học hiểu được yêu cầu và nội dung giảng dạy và học tập ở trường để có thể tham gia ý kiến, xây dựng chương trình giảng dạy cho sát hơn.

Đây là một dịp rất tốt để nhà trường liên hệ chặt chẽ với cơ sở sản xuất. Thầy và trò cần phải hết sức lợi dụng hoàn cảnh sơ tán mà tham gia lao động, giúp đỡ quần chúng công nhân và nông dân tập thể trong việc sản xuất, cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động; giúp quần chúng giải quyết những vấn đề kỹ thuật đề ra trong quá trình sản xuất; đem văn hoá xuống cho quần chúng, giúp đào tạo và bồi dưỡng cán bộ ở cơ sở; đồng thời học tập những kinh nghiệm sản xuất của quần chúng. Đó là cách thiết thực nhất để các trường biến khó khăn do chiến tranh gây ra thành thuận lợi, đặng cải tiến phương pháp dạy và học, thực hiện phương châm lý luận kết hợp với thực tiễn, học kết hợp với hành. Đó cũng là một cách rèn luyện tư tưởng cho thầy và trò, giáo dục cho thầy và trò ý thức phục vụ quần chúng.

5. Kết hợp chặt chẽ các hình thức đào tạo và bồi dưỡng cán bộ

Hình thức tập trung dài hạn theo chương trình hoàn chỉnh chủ yếu phải dành cho những học sinh ưu tú và những thanh niên ưu tú đã được rèn luyện trong sản xuất, chiến đấu và công tác.

Hình thức bổ túc và chuyên tu ngắn hạn chủ yếu dành cho những cán bộ chỉ đạo đã công tác lâu năm trong các ngành và cần được bồi dưỡng thêm về kiến thức, đồng thời có thể thu hút một số cán bộ, nhân viên tuy chưa công tác lâu năm trong các ngành, nhưng có trình độ kỹ thuật và có kinh nghiệm sản xuất nhất định, cần được đào tạo gấp để đáp ứng những yêu cầu cấp bách của sản xuất và chiến đấu.

Phải có quyết tâm khắc phục khó khăn để đẩy mạnh hơn nữa việc đào tạo và bồi dưỡng cán bộ bằng hình thức học tại chức, vì có phát triển công tác đó mới thu hút được đông đảo cán bộ, công nhân và nhân viên tham gia học tập, mới phát triển được mau chóng đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật và nghiệp vụ. Chúng ta cần cố gắng phấn đấu để trong thời gian trước mắt, sẽ tuyển sinh hằng năm vào các trường và lớp tại chức xấp xỉ số tuyển vào các trường và lớp tập trung. Phải phấn đấu để mỗi xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường, cơ quan có đông cán bộ và công nhân đều có một lớp hoặc trường đào tạo và bồi dưỡng cán bộ bằng hình thức học tại chức.

6. Phát triển mạnh và nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông và bổ túc văn hoá, đặc biệt là bổ túc văn hoá cho công nhân và nông dân lao động để tạo nguồn tuyển sinh tốt cho các trường đại học và trung học chuyên nghiệp.

Chú trọng phát triển mạnh cấp III bằng hai con đường: giáo dục phổ thông và bổ túc văn hoá; chọn những thanh niên công nông ưu tú, có thành tích trong sản xuất và chiến đấu vào các trường bổ túc công nông cấp III sẽ được mở ở các khu, thành và tỉnh.

Muốn có học sinh giỏi vào các trường đại học, phải có kế hoạch phát triển và bồi dưỡng những học sinh giỏi ngay từ lớp 7, lớp 8.

7. Tiếp tục vận động thi đua "hai tốt"

Ở các trường đại học cũng như các trường trung học chuyên nghiệp và các trường khác, cần tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động thi đua "hai tốt": dạy tốt và học tốt, về cả ba mặt đức dục, trí dục và thể dục (chính trị và tư tưởng, khoa học và kỹ thuật, rèn luyện sức khoẻ...). Cuộc thi đua này phải thể hiện sự cố gắng tập thể và thường xuyên của thầy và trò, và phải nhằm mục tiêu chung rất thiết thực là nâng cao chất lượng đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, đồng thời, phải phục vụ sát yêu cầu của công tác chuẩn bị và thực hiện cuộc cải cách giáo dục của ta.

8. Kết hợp việc đào tạo và bồi dưỡng cán bộ ở trong nước với việc đẩy mạnh đào tạo cán bộ ở nước ngoài

Về cán bộ kỹ thuật có trình độ trung học, chúng ta đào tạo ở ngay trong nước, không đặt vấn đề đào tạo ở nước ngoài.

Về cán bộ có trình độ đại học và cao hơn đại học, phải vừa tích cực đào tạo ở trong nước, vừa đẩy mạnh đào tạo ở nước ngoài.

Phải chú trọng đưa người ra nước ngoài học những ngành mà trong nước chưa có điều kiện đào tạo, hoặc có đào tạo ở trong nước cũng chưa đáp ứng được về số lượng hoặc chất lượng. Đặc biệt là phải cố gắng đưa ra nước ngoài thật nhiều cán bộ đã tốt nghiệp đại học và đã qua công tác thực tiễn để đào tạo và bồi dưỡng họ thành những cán bộ giảng dạy, nghiên cứu, thiết kế, thi công và chỉ đạo sản xuất giỏi.

9. Cải tiến công tác phân phối và sử dụng cán bộ

Các cơ quan làm công tác phân phối, nhất là các cơ quan sử dụng số sinh viên, học sinh đã tốt nghiệp ở các trường, phải cố gắng dành cho những sinh viên và học sinh đó một thời gian nhất định để họ có điều kiện tham gia lao động sản xuất ở cơ sở. Cố gắng trao cho họ những nhiệm vụ phù hợp với kiến thức mà họ đã tiếp thu được trong thời gian ở trường, đồng thời phải cố gắng dành cho họ một thời gian tập sự dưới sự hướng dẫn của những cán bộ kỹ thuật có kinh nghiệm.

10. Tăng cường lãnh đạo đối với công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ

Để nâng cao chất lượng và phát triển mạnh công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ khoa học, kỹ thuật và cán bộ quản lý kinh tế, cần tăng cường sự lãnh đạo và chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ, của các Ban, các Bộ, các Tổng cục, các địa phương và các cơ sở đối với công tác đó.

Đi đôi với việc kiện toàn Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, ở các Ban của Đảng, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước, Viện Khoa học xã hội, cũng như ở các Bộ và các Tổng cục, cần nhanh chóng thành lập và kiện toàn bộ phận chịu trách nhiệm giúp các Ban và các Đảng đoàn về vấn đề đào tạo và bồi dưỡng cán bộ khoa học, kỹ thuật và cán bộ quản lý kinh tế.

Các Khu uỷ, Thành uỷ, Tỉnh uỷ và các Uỷ ban hành chính khu, thành, tỉnh cần có đồng chí chịu trách nhiệm và có bộ phận giúp việc để theo dõi và chỉ đạo công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ trong địa phương mình.

                                                                        *
                                                                       * *

Trước yêu cầu cấp bách và lâu dài của sự nghiệp công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, của cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng về tư tưởng, văn hoá và cách mạng kỹ thuật, trước yêu cầu to lớn của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, bảo vệ miền Bắc và giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất nước nhà, nhu cầu của ta về cán bộ khoa học, kỹ thuật và cán bộ quản lý kinh tế rất lớn. Vấn đề đào tạo và bồi dưỡng cán bộ khoa học, kỹ thuật và cán bộ quản lý kinh tế trở nên rất quan trọng.

Vì vậy, các cấp, các ngành, các cán bộ làm công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ hãy nhận thức đầy đủ và sâu sắc tầm quan trọng của vấn đề này để có quyết tâm cao, cố gắng khắc phục khó khăn và có kế hoạch cụ thể đưa công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ khoa học, kỹ thuật và cán bộ quản lý kinh tế tiến lên mạnh mẽ hơn, vững chắc hơn, đáp ứng những yêu cầu to lớn trước mắt và lâu dài của sự nghiệp cách mạng trong cả nước.

Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước, Viện Khoa học xã hội, các Ban, các Đảng đoàn, các Khu uỷ, Thành uỷ, Tỉnh uỷ và các Đảng uỷ trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chấp hành nghiêm chỉnh Nghị quyết này.

T/M BỘ CHÍNH TRỊ

TRƯỜNG CHINH

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực