Nghị quyết về việc thành lập Tiểu ban Giáo dục khoa học Trung ương và chấn chỉnh sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng đối với công tác giáo dục

Thứ sáu, 18/11/2011 09:12
Ngày 24-5-1957, Ban Bí thư khoá II đã ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TW, ngày 24-5-1957 về việc thành lập Tiểu ban Giáo dục khoa học Trung ương và chấn chỉnh sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng đối với công tác giáo dục. Sau đây là toàn văn Nghị quyết:

Xét sự cần thiết phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục và khoa học, làm cho ngành giáo dục làm tròn nhiệm vụ bồi dưỡng tốt các thế hệ trẻ, đào tạo cán bộ tốt cung cấp cho các ngành hoạt động của Nhà nước, làm cho ngành khoa học có thể đáp ứng nhu cầu kiến thiết nước nhà, Ban Bí thư quyết nghị:

1. Thành lập Tiểu ban Giáo dục khoa học Trung ương

a) Nhiệm vụ của Tiểu ban giáo dục khoa học Trung ương

- Căn cứ vào đường lối chung của Đảng và nhiệm vụ của Đảng trong từng thời kỳ, chủ yếu là nhiệm vụ xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa, nghiên cứu đường lối chính sách giáo dục và khoa học để đề nghị Trung ương quyết định. Theo dõi, hướng dẫn việc thực hiện đường lối, chính sách đó; đồng thời theo dõi tình hình các trường học và các tổ chức nghiên cứu khoa học.

- Theo dõi tình hình cán bộ giáo dục và khoa học; nghiên cứu và theo dõi việc thi hành các chính sách đối với cán bộ.

- Nghiên cứu kinh nghiệm giáo dục và khoa học của các nước anh em để áp dụng vào hoàn cảnh thực tế của nước ta.

- Phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên huấn Trung ương, Tiểu ban Công vận Trung ương, Tiểu ban Thanh vận Trung ương trong việc nghiên cứu đường lối công tác và tổ chức của các cơ sở Đảng, Đoàn thanh niên, Công đoàn, đặng tiến hành công tác chính trị và tư tưởng trong các trường học và tổ chức nghiên cứu khoa học.

b) Tổ chức

Tiểu ban Giáo dục khoa học Trung ương gồm một số đồng chí có trình độ nhất định về chính trị và khoa học, có khả năng nắm các vấn đề chính của giáo dục và khoa học và có điều kiện làm việc tương đối thiết thực.

Tiểu ban có một số cán bộ nghiên cứu giúp việc.

c) Quan hệ công tác và phương pháp công tác

- Đối với các cấp, khu, thành, tỉnh: Tiểu ban có thể gửi thông tri cho các Ban Cán sự giáo dục khu, thành, tỉnh về kế hoạch thi hành các chính sách giáo dục và khoa học của Trung ương Đảng hoặc để đôn đốc các cấp thi hành các chính sách đã ban bố.

- Đối với ban Tuyên huấn Trung ương: Tiểu ban phối hợp với Ban Tuyên huấn Trung ương trong việc bồi dưỡng cán bộ giáo dục và khoa học về chính trị và tư tưởng, trong việc phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng trong các trường học và các tổ chức nghiên cứu khoa học.

- Đối với Ban tổ chức Trung ương: Tiểu ban phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương trong việc nắm tình hình và nghiên cứu chính sách đối với cán bộ giáo dục và khoa học, góp ý kiến với Ban Tổ chức Trung ương về việc xây dựng Đảng trong các tổ chức giáo dục và khoa học.

- Đối với Tiểu ban Thanh vận và Tiểu ban Công vận Trung ương: Tiểu ban Giáo dục khoa học Trung ương, Tiểu ban Thanh vận Trung ương và Tiểu ban Công vận Trung ương cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc thi hành đường lối và chủ trương về công tác thanh vận và công vận của Đảng trong các trường học và tổ chức nghiên cứu khoa học.

- Đối với Tiểu ban Dân tộc Trung ương: Tiểu ban phối hợp với Tiểu ban Dân tộc Trung ương để nghiên cứu chính sách giáo dục ở miền núi.

- Đối với Đảng tổ Bộ Giáo dục: Tiểu ban có nhiệm vụ giúp Trung ương nghiên cứu đường lối chính sách giáo dục, cần phối hợp chặt chẽ với Đảng tổ Bộ Giáo dục trong công tác đó. Đảng tổ Bộ Giáo dục cần giúp Tiểu ban mọi điều kiện cần thiết để làm công tác nghiên cứu, như báo cáo tình hình, mời tham gia hội nghị, giúp cán bộ để phối hợp công tác, v.v..

- Tiểu ban có thể triệu tập những cuội hội nghị gồm cán bộ đảng viên trong các tổ chức giáo dục và khoa học, để kiểm điểm việc thực hiện các chính sách của Đảng, hoặc thảo luận thi hành các chính sách giáo dục và khoa học của Đảng. Trường hợp cần thiết và có lợi, có thể mời cán bộ giáo dục và khoa học ngoài Đảng có thái độ tốt tham dự.

- Tiểu ban có thể mời các đồng chí phụ trách các Ban, Tiểu ban, Đảng đoàn các đoàn thể quần chúng, Đảng tổ các Bộ để bàn về các chủ trương giáo dục và khoa học có liên quan đến các ngành đó.

- Trung ương uỷ nhiệm cho Tiểu ban Giáo dục khoa học Trung ương chỉ đạo trực tiếp Đảng uỷ Đại học về mặt chủ trương công tác.

2. Chấn chỉnh Đảng tổ Bộ Giáo dục

Căn cứ theo Nghị quyết của Trung ương về việc thành lập Đảng tổ Bộ Giáo dục, rút kinh nghiệm trong thời gian công tác vừa qua, nay chấn chỉnh Đảng tổ Bộ Giáo dục như sau:

a) Đảng tổ Bộ Giáo dục chịu trách nhiệm trước Trung ương về việc thi hành các chủ trương của Đảng trong ngành giáo dục, đồng thời đề nghị ý kiến giúp Trung ương lãnh đạo ngành giáo dục.

b) Đối với những vấn đề có tính chất nguyên tắc cần được Trung ương thông qua trước khi thi hành; Đảng tổ cần phối hợp với Tiểu ban Giáo dục khoa học Trung ương nghiên cứu trước khi đề nghị Trung ương.

c) Các uỷ viên trong Đảng tổ đều phải chịu trách nhiệm chung về toàn bộ công tác ngành giáo dục. Mỗi uỷ viên cần có sự phân công rõ ràng và chịu trách nhiệm chính về một mặt công tác.

d) Đảng tổ có thể dựa theo ý kiến của cán bộ và đảng viên trong ngành giáo dục mà chỉ định một số đồng chí trong mỗi Nha, Vụ thành lập Tiểu tổ Đảng, chịu trách nhiệm trước Đảng tổ thi hành các chủ trương công tác của Đảng và chính quyền trong Nha, Vụ mình; đồng thời đề nghị ý kiến cụ thể với Đảng tổ trong việc lãnh đạo công tác giáo dục.

3. Chấn chỉnh sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng đối với ngành giáo dục.

a) Các Khu uỷ, Thành uỷ, Tỉnh uỷ, Huyện uỷ phân công một ủy viên phụ trách theo dõi tình hình giáo dục, theo dõi việc chấp hành các chính sách của Đảng trong ngành giáo dục, đề nghị ý kiến giúp cấp uỷ và Đảng đoàn chính quyền giải quyết các vấn đề thuộc về giáo dục trong địa phương theo đúng chủ trương chính sách của Trung ương Đảng và Chính phủ.

b) Ở các cấp khu, thành, tỉnh, tổ chức Ban Cán sự giáo dục gồm một số đảng viên phụ trách các sở, ty giáo dục.

- Các Ban Cán sự giáo dục khu, thành, tỉnh có trách nhiệm tập thể trong việc chấp hành các chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ đối với ngành giáo dục trong địa phương mình.

- Thường xuyên báo cáo tình hình công tác giáo dục (bao gồm cả nội dung chủ yếu của các thông tri, chỉ thị của cấp trên) với Khu uỷ, Thành uỷ, Tỉnh uỷ. Đồng thời phải gửi báo cáo này cho Tểu ban Giáo dục khoa học Trung uơng.

- Có ý kiến đề nghị với cấp uỷ trong việc lãnh đạo công tác giáo dục ở địa phương, kể cả các biện pháp để phát huy tác dụng lãnh đạo của các tổ chức Đảng trong ngành giáo dục ở địa phương.

Ban Cán sự ở dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ; cần phải quy định quan hệ công tác thích đáng giữa Ban Cán sự với Đảng đoàn chính quyền và Ủy ban hành chính các cấp để làm cho cấp uỷ nắm được những vấn đề chính của ngành giáo dục, đồng thời không bao biện nhiệm vụ và công tác của Đảng đoàn chính quyền và Uỷ ban hành chính các cấp trong công việc chỉ đạo công tác ngành giáo dục.

c) Kể từ nay, Ban Tuyên huấn các cấp không có trách nhiệm giúp cấp uỷ theo dõi công tác giáo dục nữa, nhưng vẫn phải phối hợp với Ban Cán sự giáo dục trong việc giáo dục tư tưởng và chính trị cho giáo viên và học sinh ở các nhà trường.
                                                                           

   T/M. BAN BÍ THƯ

    NGUYỄN DUY TRINH 

                                                                                                                                                                                          

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực