Thông tri số 82-TT/TW, ngày 21-12-1955 của Ban Bí thư khoá II về việc chọn học sinh thành phần công nông để học bổ túc cấp tốc về văn hoá

Thứ tư, 16/11/2011 17:06
Ngày 21-12-1955, Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá II đã ban hành Thông tri số 82-TT/TW về việc chọn học sinh thành phần công nông để học bổ túc cấp tốc về văn hoá. Sau đây là toàn văn Thông tri:

Trong 3 năm 1953, 1954, và 1955, số lượng học sinh đi học chuyên môn trung cấp và cao cấp thiếu nhiều thành phần công nông lại quá ít, như thế sẽ ảnh hưởng không tốt tới kế hoạch kiến thiết nước nhà trong những năm sắp tới. Muốn học được chuyên môn trung và cao cấp, phải có một trình độ văn hóa nhất định. (Học chuyên môn trung cấp phải có trình độ văn hóa lớp 7, cao cấp phải có học lực lớp 9). Cán bộ, công nhân viên, học sinh thành phần công nông thì đại đa số không có trình độ văn hóa nói trên.

Hiện thời nhu cầu học sinh đi học chuyên môn ngày càng đông; cần có một số học sinh tối thiểu thuộc thành phần công nông để làm cốt cán. Để khắc phục một phần tình trạng thiếu thốn nói trên, trong khi chưa có kế hoạch đầy đủ và toàn bộ về việc bổ túc văn hóa cho công nông, Trung ương quyết định mở một lớp bổ túc cấp tốc về văn hóa cho 1.000 học sinh để có trình độ văn hoá cần thiết có thể kịp học các trường chuyên môn trong năm 1957.

Tiêu chuẩn học sinh:

Lịch sử rõ ràng, không có vấn đề nghiêm trọng; không tham ô, hủ hóa thành hệ thống; không tự do vô kỷ luật nghiêm trọng. Trong công tác và trong học tập biểu hiện tốt.

Cán bộ công nhân viên, chủ yếu chọn thành phần công nông; Ngoài ra có thể chọn một số không phải thành phần bóc lột, đã vào cơ quan từ 5 năm trở lên.

Con của cán bộ và công nhân viên, con của chiến sĩ thi đua và của liệt sỹ, từ 16 đến 24 tuổi.

Sức khỏe: không có bệnh truyền nhiễm hoặc bệnh kinh niên. (Chú ý thành phần phụ nữ, học sinh miền Nam và học sinh thành phần dân tộc).

Tiểu ban giáo dục sẽ có kế hoạch cụ thể hướng dẫn việc chiêu sinh, chọn và tổ chức học tập. Cơ quan phụ trách việc tuyển học sinh:

Các cấp uỷ chú ý lựa chọn, đảm bảo chất lượng, số lượng và thời gian kịp khai mạc vào tháng tám 1956.

Để làm nòng cốt cho số lượng học sinh ngày càng nhiều, các cơ quan và địa phương phải chú ý chọn một số cán bộ và con cán bộ tốt cho đi học.

T/M BAN BÍ THƯ

NGUYỄN DUY TRINH

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực