Thông tri về việc thành lập ban khoa giáo của các khu uỷ, thành uỷ, tỉnh uỷ và huyện uỷ, thị uỷ, đảng uỷ khu phố

Thứ năm, 01/12/2011 10:11
Ngày 13/3/1973, Ban Bí thư khoá III đã ban hành Thông tri số 289 TT/TW về việc thành lập ban khoa giáo của các khu uỷ, thành uỷ, tỉnh uỷ và huyện uỷ, thị uỷ, đảng uỷ khu phố. Sau đây là toàn văn Thông tri:

Trong giai đoạn mới của cách mạng Việt Nam, công tác khoa học và giáo dục ngày càng giữ vị trí quan trọng. Ban Bí thư quyết định thành lập ban khoa giáo của các cấp uỷ đảng ở khu, thành, tỉnh, và huyện, thị xã, khu phố.

I- CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA BAN KHOA GIÁO KHU, THÀNH, TỈNH VÀ HUYỆN, THỊ XÃ, KHU PHỐ

Những quy định về chức năng, nhiệm vụ của ban tuyên giáo các khu, thành, tỉnh, huyện, thị xã, khu phố về các mặt công tác khoa giáo nêu trong Thông tri số 245 ngày 19-1-1970, vẫn còn phù hợp, nay Ban Bí thư bổ sung một số điểm.

1. Ban khoa giáo các cấp là cơ quan giúp việc cấp ủy đảng. Dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ và dựa vào sự chỉ đạo nghiệp vụ của ban khoa giáo cấp trên, nó có chức năng nghiên cứu, thống nhất hướng dẫn, và kiểm tra việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng về công tác khoa giáo, bao gồm giáo dục phổ thông, giáo dục chuyên nghiệp, khoa học và kỹ thuật, y tế và thể dục thể thao, trên cả ba mặt: chuyên môn, chính trị và tư tưởng, tổ chức và xây dựng đảng (về mặt công tác chính trị và tư tưởng thì phối hợp với ban tuyên huấn đồng cấp; về mặt công tác tổ chức và xây dựng đảng thì phối hợp với ban tổ chức đồng cấp.

2. Ban khoa giáo khu, thành, tỉnh có nhiệm vụ giúp khu uỷ, thành uỷ, tỉnh uỷ lãnh đạo công tác khoa giáo trong phạm vi khu, thành, cụ thể là:

a) Phối hợp với các ban và các ngành có liên quan để nghiên cứu, nhằm giúp cấp uỷ đề ra phương hướng, chủ trương, biện pháp thực hiện đường lối, chủ trương của Trung ương Đảng và Chính phủ về các mặt công tác khoa giáo cho phù hợp với tình hình địa phương, tổng kết kinh nghiệm những vấn đề quan trọng trong công tác khoa giáo ở địa phương; xây dựng những phương án của địa phương về công tác khoa giáo.

b) Hướng dẫn, phối hợp và đôn đốc các ngành thuộc khối khoa giáo trong việc xây dựng kế hoạch ngắn hạn và dài hạn phát triển sự nghiệp khoa học và giáo dục ở địa phương.

Góp ý kiến với các ngành trong khối khoa giáo về phương hướng công tác hằng năm của ngành và về những chính sách, chế độ quan trọng trong phạm vi quyền hạn của địa phương, trước khi các ngành báo cáo với cấp uỷ hoặc Uỷ ban hành chính khu, thành, tỉnh.

c) Theo dõi, kiểm tra các cấp dưới và các ngành trong việc chấp hành đường lối, chủ trương của Trung ương Đảng và Chính phủ, phương hướng, chủ trương, biện pháp của tỉnh uỷ, thành uỷ, khu uỷ về công tác khoa giáo.

Nắm tổng hợp tình hình công tác khoa giáo trong tỉnh, thành, khu, kịp thời báo cáo với tỉnh uỷ, thành uỷ, khu uỷ và Ban Khoa giáo Trung ương.

d) Phối hợp với ban tổ chức tỉnh, thành, khu để nghiên cứu và giúp tỉnh uỷ, thành uỷ, khu uỷ trong công tác tổ chức của các ngành thuộc khối khoa giáo ở địa phương; công tác xây dựng đảng ở các trường học, cơ sở y tế, cơ sở nghiên cứu khoa học của địa phương, và ở các đơn vị cơ sở của các ngành trung ương trong khối khoa giáo đóng tại địa phương mà về mặt Đảng thì trực thuộc đảng bộ địa phương (về công tác xây dựng đảng thì ban tổ chức có trách nhiệm chính).

Phối hợp với ban tuyên huấn tỉnh, thành, khu để nghiên cứu và giúp tỉnh uỷ, thành uỷ, khu uỷ thực hiện công tác chính trị và tư tưởng trong các ngành thuộc khối khoa giáo và trong đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật của địa phương (đối với những vấn đề có tính chất chung thì ban tuyên huấn chịu trách nhiệm chính; đối với những vấn đề liên quan đến mặt chuyên môn khoa giáo thì ban khoa giáo chịu trách nhiệm chính).

đ) Phối hợp với ban tổ chức và ban tuyên huấn tỉnh, thành, khu để giúp tỉnh uỷ, thành uỷ, khu uỷ quản lý thống nhất đội ngũ trí thức trong phạm vi tỉnh, thành, khu (theo Chỉ thị số 190 ngày 7-7-1971 của Ban Bí thư về việc phân công trong công tác vận động, quản lý đội ngũ trí thức).

Ban Khoa giáo khu Việt Bắc và khu Tây Bắc, trong khi bảo đảm những nhiệm vụ trên đây, cần tập trung giúp Khu uỷ làm tốt hai loại việc:

- Quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ khoa học, kỹ thuật của địa phương.

- Hướng dẫn, kiểm tra các tỉnh trong khu thực hiện đường lối, chủ trương của Trung ương Đảng, Chính phủ, và của Khu uỷ về các mặt công tác khoa giáo.

3. Ban khoa giáo huyện, thị xã, khu phố có nhiệm vụ giúp các huyện uỷ, thị uỷ, đảng uỷ khu phố lãnh đạo công tác khoa giáo trong phạm vi huyện, thị xã, khu phố, cụ thể là:

a) Phối hợp với các ban, giúp các ngành có liên quan ở địa phương để nghiên cứu và giúp huyện uỷ, thị uỷ, đảng uỷ khu phố vận dụng và thực hiện đường lối, chủ trương của Trung ương Đảng và Chính phủ, phương hướng, chủ trương và biện pháp của tỉnh uỷ, thành uỷ, khu uỷ về công tác khoa giáo cho phù hợp với tình hình địa phương.

b) Hướng dẫn các đảng uỷ cơ sở và các ngành trong khối khoa giáo ở địa phương thực hiện tốt các mặt công tác khoa giáo.

c) Theo dõi, kiểm tra các đảng bộ cơ sở và các ngành ở cấp huyện, thị, khu phố, trong việc chấp hành đường lối, chủ trương, biện pháp của Đảng và Nhà nước về công tác khoa giáo.

Nắm tổng hợp tình hình, công tác khoa giáo trong huyện, thị, khu phố, kịp thời báo cáo với huyện uỷ, thị uỷ, đảng uỷ khu phố và ban khoa giáo tỉnh, thành.

d) Phối hợp với ban tổ chức đồng cấp để giúp huyện uỷ, thị uỷ, đảng uỷ khu phố trong công tác tổ chức của các ngành thuộc khối khoa giáo ở địa phương; trong công tác xây dựng đảng ở các trường học, các cơ sở y tế và các cơ sở khác của các ngành thuộc khối khoa giáo huyện, thị, khu phố, hoặc thuộc các ngành đó của cấp trên đóng tại địa phương mà về mặt Đảng thì trực thuộc đảng bộ huyện, thị, khu phố (về công tác xây dựng đảng thì ban tổ chức có trách nhiệm chính).

Phối hợp với ban tuyên huấn đồng cấp để giúp huyện uỷ, thị uỷ, đảng uỷ khu phố thực hiện công tác chính trị và tư tưởng trong các ngành thuộc khối khoa giáo và trong đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật của địa phương.

đ) Phối hợp với ban tổ chức và ban tuyên huấn huyện, thị xã, khu phố để giúp huyện uỷ, thị uỷ, đảng uỷ khu phố quản lý thống nhất đội ngũ trí thức trong phạm vi huyện, thị xã, khu phố (theo Chỉ thị số 190 ngày 7-7-1971 của Ban Bí thư về việc phân công trong công tác vận động, quản lý đội ngũ trí thức).

II- BỘ MÁY CỦA BAN KHOA GIÁO KHU, THÀNH, TỈNH VÀ HUYỆN, THỊ XÃ, KHU PHỐ

Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trên đây, bộ máy của ban khoa giáo các cấp cần có một số lượng cán bộ cần thiết và có chất lượng tương đối khá.

Ban khoa giáo khu, thành, tỉnh nên có:

a) Một đồng chí trong cấp uỷ khu, thành, tỉnh làm trưởng ban chuyên trách và một phó trưởng ban. Trong trường hợp không có đồng chí cấp uỷ viên làm trưởng ban chuyên trách thì có một đồng chí uỷ viên thường vụ kiêm nhiệm làm trưởng ban và hai phó trưởng ban để phân công phụ trách các mặt công tác. Các đồng chí trưởng ban và phó trưởng ban cần có trình độ chính trị khá, có hiểu biết nhất định về chuyên môn, có năng lực tổ chức và tác phong công tác tốt.

b) Từ 9 đến 13 cán bộ tuỳ theo địa phương lớn hoặc nhỏ (không kể nhân viên hành chính) để chuyên lo các mặt công tác: giáo dục phổ thông; giáo dục chuyên nghiệp; khoa học và kỹ thuật; y tế và thể dục thể thao; văn phòng.

Ban khoa giáo huyện, thị xã, khu phố:

a) Một đồng chí trong cấp uỷ làm trưởng ban chuyên trách và một phó trưởng ban. Nếu chưa có đồng chí cấp uỷ viên chuyên trách làm trưởng ban, thì cần có một đồng chí uỷ viên thường vụ cấp uỷ kiêm nhiệm làm trưởng ban. Các đồng chí trưởng ban và phó trưởng ban cần có trình độ khá về các mặt: chính trị, chuyên môn, tác phong công tác.

b) Từ ba đến bốn cán bộ để phân công chuyên lo các mặt công tác khoa giáo, trước hết là công tác giáo dục phổ thông, công tác y tế và thể dục thể thao, công tác quản lý đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật.

Các khu uỷ, thành uỷ, tỉnh uỷ cần lựa chọn cán bộ để xây dựng ban khoa giáo, từng bước tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác khoa giáo.

Trong việc lựa chọn cán bộ, cần bảo đảm tiêu chuẩn về các mặt: trình độ chính trị và phẩm chất cách mạng, năng lực chuyên môn, tác phong công tác. Về văn hoá, cố gắng có trình độ đại học; trong trường hợp chưa đạt như vậy thì cũng có khả năng học thêm để trong một thời gian nhất định phải đạt đến trình độ đó.

Ban Tổ chức Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương có kế hoạch hướng dẫn các địa phương từng bước kiện toàn bộ máy khoa giáo. Các ngành trong khối khoa giáo có trách nhiệm cung cấp cho ban khoa giáo những cán bộ khá. Ban Khoa giáo Trung ương cần tổ chức tốt việc bồi dưỡng cho cán bộ khoa giáo địa phương.

T/L BAN BÍ THƯ

CHÁNH VĂN PHÒNG

TRẦN XUÂN BÁCH

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực