Ngày 25/4, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ và đoàn công tác Bộ GD&ĐT đã làm việc với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện Đông Anh và kiểm tra công tác quản lý nhà nước về giáo dục thường xuyên trên địa bàn Hà Nội.
Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Đông Anh Phan Anh Dũng cho biết: Nhà trường hiện có 43 cán bộ, giáo viên và nhân viên với tổng số 47 phòng học và làm việc. Để thực hiện tốt chương trình GDTX cấp THPT, 100% giáo viên khi lên lớp dạy học đã tổ chức việc giảng dạy, kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh.
|
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ thăm lớp học tại Trung tâm GDNN - GDTX huyện Đông Anh (Hà Nội). Ảnh: TT |
Ngay từ đầu năm học Trung tâm đã xây dựng kế hoạch triển khai công tác GDTX - hướng nghiệp, xây dựng kế hoạch ôn tập cho học sinh lớp 12. Chỉ đạo xây dựng kế hoạch chi tiết đối với chương trình GDTX cấp THPT đối với các khối lớp theo đúng hướng dẫn của Bộ, Sở. Tổ chức cho học sinh khối lớp 10 lựa chọn tổ hợp môn và sách giáo khoa theo đúng quy định.
Với mục tiêu giáo dục chất lượng, hiệu quả, Trung tâm đã phối hợp chặt chẽ với Hội Cha mẹ học sinh trong việc quản lý học viên và chú trọng tới các hoạt động giáo dục kỹ năng sống. 100% học viên cam kết thực hiện nội quy, quy chế của Trung tâm, tích cực thực hiện phòng, chống tệ nạn xã hội và nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật.
Về dạy nghề phổ thông, tổ đào tạo nghề - hướng nghiệp thực hiện dạy đúng phân phối chương trình hoạt động giáo dục nghề phổ thông 105 tiết đối với THPT, đào tạo sơ cấp nghề, chú trọng thực hành, giúp học sinh nắm được kỹ năng cơ bản của nghề và hành thành được sản phẩm theo quy định.
Công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh THPT góp phần phân luồng học sinh ở các bậc học tiếp theo, phù hợp với năng lực, sở trường của học sinh, nhu cầu của xã hội. Trung tâm thường xuyên lồng ghép hoạt động hướng nghiệp vào giờ dạy trên lớp cho học sinh. Hoạt động hướng nghiệp giúp học sinh biết cách tìm hiểu thế giới nghề nghiệp, nhu cầu xã hội, năng lực bản thân để lựa chọn hướng đi cho bản thân sau khi tốt nghiệp THPT.
Để đạt kết quả cao trong Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2023, ngay từ đầu năm học, căn cứ vào kết quả xếp loại học lực của lớp 11 và kết quả khảo sát chất lượng của lớp 12, Trung tâm đã tiến hành phân chia đối tượng học sinh, đồng thời xây dựng kế hoạch ôn tập, hỗ trợ học sinh trong quá trình học tập.
Bên cạnh những thuận lợi, hoạt động của các Trung tâm GDNN - GDTX cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế: cơ sở vật chất cũ, thiếu; tuyển sinh đầu vào các loại hình đều khó khăn; một số bộ phận giáo viên chưa thích nghi với đổi mới dạy, học…
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn cho hay: Để nâng cao chất lượng dạy và học tại các trung tâm GDNN-GDTX, Sở đã chỉ đạo xây dựng, triển khai, bám sát kế hoạch năm học. Trong đó, tập trung nhiều vào công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn của các giáo viên, nâng cao chất lượng đội ngũ.
Số lượng học sinh tuyển sinh vào các trung tâm GDNN - GDTX tăng đều hằng năm. Điều này cho thấy uy tín của các trung tâm ngày càng được khẳng định. Tuy nhiên, số học sinh tăng lên cũng khiến các cơ sở giáo dục lo lắng về cơ sở vật chất hiện có. Một số trung tâm hiện tại rất khó khăn.
|
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ trao đổi tại buổi làm việc. Ảnh: TT |
Trao đổi tại buổi làm việc, Thứ Trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao những nỗ lực trong GDNN - GDTX với những kết quả đáng ghi nhận trong những năm qua. Về ôn tập chuẩn bị cho Kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2023, Thứ trưởng đề nghị Sở GDĐT Hà Nội, các Trung tâm GDNN - GDTX phải rà soát đánh giá chất lượng, phân loại học sinh, tổ chức ôn tập thi tốt nghiệp; trong đó chú trọng phân công giáo viên giúp đỡ học sinh khó khăn để học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập.
Về triển khai Chương trình GDTX cấp THPT, Thứ trưởng nêu những điểm mới, điểm khác biệt giữa chương trình GDTX mới so với chương trình GDTX cũ. Phải triển khai làm sao để dạy và học đạt được mục tiêu của chuong trình là theo hướng phát triển về phẩm chất và năng lực người học. Với GDTX tuy không được chọn đầu vào nhưng lại cùng đạt chuẩn đầu ra với Chương trình THPT nên việc tổ chức dạy và học cần phải được quan tâm chu đáo hơn.
Nhấn mạnh Chương trình GDTX cấp THCS,THPT được phân cấp mạnh cho giáo viên và cơ sở giáo dục, nên các Trung tâm cần xây dựng kế hoạch giáo dục môn học cụ thể dễ thực hiện. Trong quản lý, phân công được nhiệm vụ nhưng không phân được trách nhiệm, nên cán bộ quản lý cần bao quát công việc, tăng cường khâu kiểm tra, giám sát. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT lưu ý các cấp quản lý cần phải chăm lo các điều kiện đảm bảo chất lượng, Trung tâm cần có đủ đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất trang thiết bị. Chú trọng chặt chẽ trong tổ chức liên kết đào tạo của GDNN - GDTX với các đơn vị khác.
Thứ trưởng cho rằng cần có sự thống nhất giữa các đơn vị liên kết, phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm, cơ chế tài chính, phải lấy mục tiêu quan trọng là bảo đảm chất lượng giáo dục, tránh những sai sót không đáng có./.