Phấn đấu là nơi đào tạo kỹ sư thực hành chất lượng cao

Thứ ba, 11/04/2023 09:49
(ĐCSVN)- Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên cần xác định phấn đấu là nơi đào tạo kỹ sư thực hành chất lượng cao. Trong định hướng phát triển nên nhấn mạnh yếu tố thực nghiệp, sáng tạo, hiệu quả, đặt trên nền tảng của quản trị đại học tiên tiến.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn và lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ vừa có buổi việc với Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên. Cùng dự có Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ghi nhận nỗ lực, kết quả và đóng góp của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên trong gần 60 năm phát triển; những sản phẩm đào tạo của nhà trường đã góp phần vào sự phát triển đất nước.

 Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: TT

Khẳng định cơ hội phát triển lớn của nhà trường, Bộ trưởng cho biết hiện 2 khối ngành được quan tâm ưu tiên đầu tư là sư phạm và công nghệ kỹ thuật. Nằm ở tâm điểm của 2 ưu tiên này, vấn đề của nhà trường là tận dụng cơ hội như thế nào cũng như tận dụng lợi thế của vị trí cạnh Thủ đô Hà Nội.

“Cần nhìn nhận phía trước chúng ta là cơ hội, sứ mệnh và quyết tâm”, chia sẻ điều này, Bộ trưởng gợi ý sứ mệnh, tầm nhìn của trường cần có sự điều chỉnh cho phù hợp và để có tốc độ phát triển nhanh hơn. Theo đó, với thế mạnh là ứng dụng, nhà trường cần xác định phấn đấu là nơi đào tạo kỹ sư thực hành chất lượng cao. Trong định hướng phát triển nên nhấn mạnh yếu tố thực nghiệp, sáng tạo, hiệu quả, đặt trên nền tảng của quản trị đại học tiên tiến.

Lưu ý những việc lớn nhà trường cần quan tâm trong thời gian tới, Bộ trưởng nhấn mạnh đầu tiên đến việc phát triển đội ngũ. Là 1 trong 2 trường đại học sư phạm kỹ thuật có số giảng viên là tiến sĩ cao nhất, nhưng để mở rộng ngành nghề, có nhiều sản phẩm nghiên cứu, phát minh sáng chế, nhà trường cần gia tăng đào tạo chuyên gia giỏi bằng cách cử nhân lực đi đào tạo tại các trường hàng đầu trong nước và nước ngoài. Phải có kế hoạch lâu dài trong việc cử người đi học trình độ thạc sĩ, tiến sĩ ở các trường công nghệ hàng đầu thế giới mới có thể đón đầu, làm chủ được các công nghệ mới.

Vấn đề tiếp theo, theo Bộ trưởng là quan tâm đến hệ thống hạ tầng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đặc biệt là thư viện, không gian học tập, không gian sáng tạo cho sinh viên. Lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật không thể dạy chay, không thể chỉ có lý thuyết. Việc này có thể có được bằng nhiều cách, trong đó có vận động xã hội hóa. Nhà trường cũng cần chuẩn bị sẵn các thuyết minh, dự án để sẵn sàng đón nhận khi có cơ hội.

Về cơ cấu ngành nghề, Bộ trưởng cho rằng, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên có 2 mảng phải chú ý là sư phạm và công nghệ kỹ thuật. Với sư phạm, Trường cần tính đến sở trường là khoa học giáo dục ở mảng công nghệ, từ đó đẩy mạnh đào tạo sư phạm công nghệ thông tin và sư phạm công nghệ, kết hợp đào tạo bằng kỹ sư và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Nếu làm tốt có thể tham gia bồi dưỡng giáo viên cho địa phương. Ngoài ra nhà trường cũng có thể trở thành nơi đào tạo giáo viên cho hệ thống các trường nghề.

Đối với nhóm ngành công nghệ kỹ thuật, Bộ trưởng cho rằng phải tính đến gia tăng về quy mô, số lượng; đặc biệt là những ngành hiện nay nhân lực còn đang thiếu như công nghệ thông tin, phần mềm, điện tử… Tuy nhiên, cùng với tăng số lượng phải là các điều kiện đảm bảo chất lượng.

Với các hoạt động nghiên cứu khoa học, Bộ trưởng gợi mở, bên cạnh những việc đang làm, nhà trường cần đặc biệt quan tâm nghiên cứu phục vụ nhu cầu địa phương, phải gắn bó đặc biệt với địa phương; gia tăng phát minh sáng chế trong khối công nghệ và kỹ thuật.

“Nhà trường cần bám sát sở trường là nhóm công nghệ, kỹ thuật và không ngừng cập nhật những đổi mới hàng ngày của khoa học công nghệ để đào tạo đáp ứng nhu cầu của địa phương, đất nước. Bộ GD&ĐT sẵn sàng tạo điều kiện, quan tâm để nhà trường có thể phát triển hơn nữa”, Bộ trưởng nói.

 Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn thăm cơ sở vật chất của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên. Ảnh: TT

Báo cáo về hoạt động của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, Hiệu trưởng Bùi Trung Thành cho biết: Trường hiện có 3 cơ sở nằm trên địa bàn 2 tỉnh Hưng Yên và Hải Dương. Trường đã được cấp giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục vào năm 2018. Đến nay có 10 chương trình đào tạo đạt chuẩn (năm 2021 có 4 chương trình, năm 2023 có 6 chương trình).

Hiện tại, nhà trường có quy mô 10.758 sinh viên, học viên, đào tạo 22 ngành trình độ đại học, 8 ngành trình độ thạc sĩ, 2 ngành trình độ tiến sĩ. Nhà trường có thế mạnh và kinh nghiệm nghiên cứu ứng dụng với các hướng nghiên cứu trọng điểm: Công nghệ cơ khí; Công nghệ tự động hóa; Công nghệ Robot; Công nghệ thông tin; Công nghệ vật liệu, vật liệu nano; Công nghệ hóa học và xử lý môi trường; Công nghệ và phương pháp dạy học.

Về đội ngũ, trong 5 năm vừa qua, chất lượng đội ngũ giảng viên nâng cao rõ rệt là một trong những bước đột phá của nhà trường. Nếu năm 2017, trường chỉ có 24 giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ thì nay số lượng này đã tăng lên 132; trong đó có 1 giáo sư, 15 phó giáo sư, 116 tiến sĩ. Phần lớn các giảng viên làm nghiên cứu sinh ở các trường lớn trong nước và quốc tế.

Trong giai đoạn 2017-2022, nhà trường thực hiện 442 đề tài khoa học công nghệ các cấp, trong đó có 5 đề tài khoa học công nghệ cấp Nhà nước, 19 đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ, 6 đề tài cấp tỉnh, 1.724 bài báo khoa học với 370 bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế ISI uy tín, một bằng độc quyền sáng chế, 2 bằng độc quyền sáng chế được chấp nhận đơn, 3 nhóm nhiên cứu mạnh.

Nhà trường cũng đã xây dựng được mối quan hệ hợp tác đào tạo với một số trường đại học, viện nghiên cứu và tổ chức quốc tế với các quốc gia thuộc EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan,…Đã hợp tác với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo, triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu.

Trong giai đoạn phát triển tới đây, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên hướng tới tầm nhìn trở thành trường đại học trọng điểm của khu vực đồng bằng Bắc Bộ, hội nhập quốc tế, đào tạo và nghiên cứu khoa học theo định hướng ứng dụng, tạo dựng được những ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế, xã hội, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 bằng những đổi mới liên tục trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật công nghệ, kinh tế, ngoại ngữ và giáo dục nghề nghiệp./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực