Việt Nam – Pháp ưu tiên hợp tác trong lĩnh vực môi trường

Thứ ba, 04/02/2020 16:45
(ĐCSVN) – "Phát triển và hợp tác là trụ cột thứ hai trong quan hệ giữa Việt Nam và Pháp. Ưu tiên của chúng tôi trong lĩnh vực này là đấu tranh chống những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường".
Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery  

Đó là khẳng định của Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery khi trả lời phỏng vấn phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhân dịp đầu năm mới Xuân Canh Tý 2020. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

Phóng viên (PV): Thưa Đại sứ, nhiệm kỳ này đánh dấu sự quay trở lại của ngài tại Việt Nam sau khi kết thúc nhiệm kỳ thứ nhất trên cương vị Tổng Lãnh sự Cộng hòa Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngài có thể chia sẻ ấn tượng của mình về sự thay đổi của đất nước chúng tôi?

Đại sứ Nicolas Warnery : Tôi rất vui được quay trở lại Việt Nam sau 12 năm rời khỏi nơi đây. Đất nước các bạn đã thay đổi rất nhiều, hiện đại hơn nhưng tôi nhận thấy nơi này vẫn luôn năng động như vậy, luôn mong muốn tiến lên phía trước.

PV: Thưa Đại sứ, mối quan hệ hợp tác hữa nghị giữa Việt Nam và Pháp ngày càng được củng cố,  ngài có thể điểm lại những thành tựu hợp tác giữa hai nước thời gian qua? Triển vọng hợp tác giữa Việt Nam và Pháp trong năm 2020 và trong nhiệm kỳ của ngài sẽ thế nào?

Đại sứ Nicolas Warnery : Hai nước chúng ta đã xây dựng mối quan hệ hợp tác dựa trên một lịch sử lâu dài và mối quan hệ này đã được nâng tầm lên đối tác chiến lược.

Trong những năm vừa qua, hai nước trao đổi nhiều chuyến thăm cấp cao, tạo cơ sở cho việc tiếp tục triển khai những dự án rất quan trọng trong quan hệ song phương giữa hai nước.

Các dự án của Pháp nhằm phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược là trụ cột đầu tiên trong sự hợp tác của hai nước, và nhằm thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ này trong lĩnh vực chính trị, quốc phòng và an ninh.

Phát triển và hợp tác là trụ cột thứ hai trong quan hệ của chúng ta. Ưu tiên của chúng tôi trong lĩnh vực này là đấu tranh chống những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Pháp mong muốn giúp đỡ Việt Nam chống xói mòn bờ biển, sụt lún ở đồng bằng sông Hồng và sông Mê Kông và gia tăng ngập mặn các dòng sông gây ảnh hưởng tới nông nghiệp của khu vực này. Thách thức về khí hậu này, chúng tôi đã lường trước từ các hoạt động nghiên cứu của IRD (Viện Nghiên cứu vì Phát triển) và của CIRAD (Trung tâm hợp tác quốc tế nghiên cứu nông học vì sự phát triển) cho tới các hoạt động của AFD (Cơ quan Phát triển Pháp). Với AFD, một tỷ Euro sẽ được giải ngân trong 5 năm tới, dựa trên chiến lược được gọi là "100% Thỏa thuận Paris", tức là hoàn toàn hướng tới bảo vệ môi trường. Chúng tôi tiến hành hoạt động bảo vệ môi trường này vừa trên danh nghĩa song phương và cả trong khuôn khổ châu Âu.

Chúng tôi cũng đã có những hoạt động hợp tác rất quan trọng trong lĩnh vực đại học và nghiên cứu, trong lĩnh vực y tế và Pháp ngữ.

Trong lĩnh vực đại học, chúng tôi đặc biệt đã có hai dự án lớn: dự án Đại học châu Âu về Quản lý và dự án Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, đây là dự án đã tròn 10 năm cách đây vài tuần lễ và là dự án điển hình. Chúng tôi muốn giúp đỡ đại học Pháp-Việt này trưởng thành và lớn mạnh vì đây là trường đại học còn khá non trẻ.

Hợp tác của chúng tôi cũng hết sức đặc biệt với thành phố Hà Nội, nơi phát triển những dự án mang tính cơ cấu và chiến lược. Trong đó, tuyến Metro số 3 sẽ được khánh thành vào năm 2020 và sẽ đưa vào sử dụng vào năm 2021. Trục hợp tác thứ hai trong các dự án ở thủ đô liên quan tới bảo vệ môi trường, đấu tranh chống ô nhiễm không khí và những gì liên quan tới mô hình phát triển giao thông sạch.  Pháp cũng làm việc về các dự án mở rộng sân bay tại Hà Nội và xây dựng một chợ đầu mối nằm không xa sân bay. Pháp  cũng tham gia phát triển "thành phố thông minh", tức là giúp thành phố thích nghi với những công nghệ mới, chẳng hạn với việc xây dựng các khu vực khởi nghiệp. Sau cùng, tôi xin kể tới dự án mang tính điển hình và biểu tượng cao, đó là dự án trùng tu cầu Long Biên.

Tôi xin đề cập tới trụ cột thứ ba là trụ cột kinh tế. Chúng tôi đang giúp đỡ một số doanh nghiệp Pháp có những dự án quan trọng về giao thông, năng lượng, cấp nước và trong lĩnh vực dược và nông nghiệp thực phẩm. Ngoài khu vực nhà nước, có rất nhiều dự án của các doanh nghiệp ở mọi cấp độ trong khu vực tư nhân của Việt Nam đang phát triển quan hệ kinh tế với thế giới. Các doanh nghiệp Pháp mong muốn phát triển quan hệ với khu vực tư nhân này của Việt Nam.

PV : Năm 2020, lần đầu tiên Việt Nam vinh dự đảm nhận đồng thời cả hai trọng trách Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ngài đánh giá thể nào về vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế?

Đại sứ Nicolas Warnery : Việt Nam vào Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và ngay lập tức là chủ tịch Hội đồng trong một tháng, đồng thời là chủ tịch ASEAN trong thời gian một năm. Việc đảm nhiệm cùng lúc hai nhiệm kỳ này là rất quan trọng đối với Việt Nam.

Quả thật, hai nhiệm kỳ quốc tế này sẽ được tăng cường cùng nhau. Việt Nam sẽ cùng lúc đóng một vai trò rất quan trọng là thành viên của Hội đồng Bảo an như Việt Nam đã làm rất tốt nhân dịp tổ chức một sự kiện xung quanh việc kỷ niệm 75 năm Hiến chương Liên hiệp quốc, đồng thời Việt Nam sẽ có thể bảo vệ hệ thống Liên hợp quốc, chủ nghĩa đa phương, việc tôn trọng luật pháp quốc tế, những quan điểm mà hai nước chúng ta cùng nhau chia sẻ.

Việt Nam cũng sẽ có thể nỗ lực để tăng cường vai trò của các hiệp hội khu vực, nhất là ASEAN, trong Liên Hiệp quốc.

Chúng tôi rất vui mừng về quan hệ đối tác kép này, một mặt trên cương vị Pháp là thành viên thường trực của Liên hiệp quốc và mặt khác, bởi Pháp mong muốn trở thành một đối tác chủ chốt của ASEAN  và hy vọng trong nhiệm kỳ 2020 này đạt được điều đó.

ASEAN nằm ở trung tâm khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, khu vực mà chúng tôi mong muốn ổn định, phồn vinh, được kết nối tốt với việc tự do đi lại và không có xung đột.

PV : Nhân dịp Xuân Canh Tý 2020, Đại sứ có thể chia sẻ những kỷ niệm của mình khi đón Tết cổ truyền tại Việt Nam được không?

Đại sứ Nicolas Warnery : Trong thời gian trước kia ở Việt Nam, tôi đã đón Tết tại Đà Lạt cùng gia đình, sau đó tại Phan Thiết và sau cùng là tại thành phố Hồ Chí Minh, nơi tôi đã khám phá một thành phố yên tĩnh hơn rất nhiều so với ngày thường. Năm nay, tôi đón Tết tại Hà Nội và cũng thấy một thành phố khác, không ồn ã như thường lệ.

Tôi có một kỷ niệm rất đẹp về Tết tại Đà Lạt. Khi đó, gia đình chúng tôi cùng nhau đi tìm một nơi để ăn trưa nhưng tất cả đều đóng cửa. Cuối cùng, có một nhà hàng đã đón tiếp chúng tôi rất thân tình và mời chúng tôi những món ăn ngày Tết của gia đình họ.

PV : Nhân dịp năm mới, kính chúc ngài thật nhiều sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Xin trân trọng cám ơn ngài về cuộc trò chuyện!

Lê Mai

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực