Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đóng góp vào dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng

Thứ ba, 11/09/2018 23:59
(ĐCSVN) - Tại hội nghị, các đại biểu lưu ý cần phải triển khai đồng bộ các giải pháp mới nâng cao được hiệu lực, hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng. Trong đó, cần lưu ý đến đổi mới công tác cán bộ, cải cách hành chính, tăng cường kiểm toán, thanh tra, kiểm tra...
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh:TH)

Ngày 11/9, đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Bùi Huyền Mai chủ trì hội nghị.

Dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) được thiết kế xây dựng gồm 11 chương với 96 điều, quy định về phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng; xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Đóng góp ý kiến tại hội nghị, các đại biểu đều khẳng định tính cấp thiết của việc sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng trong tình hình hiện nay. Bên cạnh đó, các đại biểu đồng tình với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật ra cả khu vực ngoài nhà nước, các đối tượng là sĩ quan công an và sĩ quan quân đội; nhất trí với việc giao Thanh tra Chính phủ là cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập.

Các đại biểu cho rằng, việc mở rộng phạm vi áp dụng một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, vì trên thực tế, tình hình tham nhũng khu vực ngoài nhà nước đã và đang xuất hiện làm ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước và hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, cũng có ý kiến bày tỏ không tán thành với việc mở rộng này vì khó áp dụng. Một số ý kiến khác đề nghị chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp ngoài nhà nước khi họ tham gia các dự án có vốn, tài sản nhà nước.

Điểm tiến bộ của dự luật được các đại biểu quan tâm nhất chính là cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập. TS. LS Vũ Văn Tính, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia thẳng thắn chỉ ra rằng Dự Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) chưa tiếp cận với công nghệ 4.0. Bởi những đề xuất về cơ sở dữ liệu quốc gia đưa ra trong dự Luật là chưa đủ. Nếu để tình trạng này thì Luật sẽ rất nhanh lạc hậu, chỉ trong một thời gian ngắn ta lại phải sửa đổi. Do đó, TS.LS Vũ Văn Tính gợi mở, các công cụ mới của công nghệ 4.0 sẽ giúp cho công tác phòng chống tham nhũng trở nên hiệu quả hơn. Big data, Blockchain sẽ giúp chúng ta quản lý các dữ liệu giao dịch về mua sắm công một cách công khai, minh bạch.

TS Vũ Văn Tính cũng chỉ rõ, Dự Luật mới chỉ đề cập đến việc kê khai tài sản, thu nhập để xác định tham nhũng hay không, trong khi đó còn rất nhiều hành vi khác cũng cần được nghiên cứu, rà soát lại. Do đó cần thêm các công cụ khai thác dữ liệu hiệu quả. “Dự Luật phải có những điều chỉnh làm sao để sử dụng các nguồn dữ liệu Big data hiệu quả trong vấn đề phòng chống tham nhũng trong tương lai”, TS.LS Vũ Văn Tính nêu.

Về vấn đề này, LS Đỗ Minh Sơn, Hội Luật gia TP Hà Nội góp ý nên bổ sung các cách thức và hạn chế đối tượng có quyền truy cập để khai thác cơ sở dữ liệu, tránh xâm phạm vào các quy định của Hiến pháp.

Tán thành với việc cần thiết phải có các quy định để xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến cụ thể đối với các quy định trong 2 phương án về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc.

Các đại biểu cũng lưu ý cần phải triển khai đồng bộ các giải pháp khác mới nâng cao được hiệu lực, hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng. Trong đó, cần lưu ý đến đổi mới công tác cán bộ, cải cách hành chính, tăng cường kiểm toán, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực tài chính.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến đối tượng, phạm vi điều chỉnh của luật, việc bảo đảm sự thống nhất, tính khả thi của Luật khi được ban hành./.

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực