Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, là người trực tiếp theo dõi và đi kiểm tra các địa phương cơ sở thực hiện Chỉ thị 03, đồng chí có đánh giá gì về những kết quả đạt được sau 2 năm thực hiện Chỉ thị ?
Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ: Kết quả sau 2 năm thực hiện Chỉ thị 03 - CT/TW, ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đã được thể hiện rõ trong báo cáo tại Hội nghị sơ kết, tôi chỉ nhấn mạnh thêm một số vấn đề chính. Đó là việc gắn thực hiện Chỉ thị 03 với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, Quy định về công tác kiểm tra đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức và việc thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp, đã góp phần tạo nên những kết quả quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội, làm tốt công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế...
|
Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trả lời phỏng vấn báo chí – Ảnh: HH |
Có thể khẳng định rằng, qua 2 năm thực hiện Chỉ thị 03, ở nhiều địa phương, đơn vị đã có chuyển biến tích cực. Chẳng hạn, việc một số địa phương cán bộ không sử dụng xe công trong đưa đón, không dùng bia, rượu trong tiếp khách…, điều này đã nhận được sự đồng thuận của toàn xã hội.
Các địa phương, đơn vị cũng đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo bàn về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nhiều nơi đã cụ thể hóa kế hoạch thực hiện Chỉ thị 03 - CT/TW, nâng cao quyết tâm của cấp ủy, của ban lãnh đạo trong việc giải quyết các vấn đề tiêu cực, bức xúc, hoặc nổi lên cần tập trung khắc phục triệt để; từ đó, mang lại những kết quả cụ thể trong thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Trong quá trình thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW, nhiều phong trào được phát động và mang lại hiệu quả thiết thực, như: cuộc vận động "Yên Bái làm theo lời Bác"; phong trào “Người đảng viên sống đẹp”, mỗi cán bộ, đảng viên đăng ký một việc làm tốt cho cộng đồng dân cư tại phường Thuận Phước, quận Hải Châu, Đà Nẵng; phong trào “Đồng hành cùng người nghèo”, mỗi cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhận giúp đỡ xóa hộ nghèo tại xã Trà Tân, Bắc Trà My, Quảng Nam; chương trình “Đối thoại chiều thứ sáu” giữa lãnh đạo với bệnh nhân của Bệnh viện Đa khoa thành phố Quảng Ngãi; phong trào “Khâu khó, việc mới” của Tỉnh Đoàn Quảng Trị; chương trình “5 và 7 cho mỗi tháng” trong sinh hoạt chi bộ hàng tháng, ôn lại 5 mẩu chuyện đạo đức, phong cách của Bác và 7 nội dung phấn đấu rèn luyện của cán bộ Chi bộ tổ dân phố Hiệp Lợi, thành phố Nha Trang...
PV: Chỉ thị 03 - CT/TW gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng có ý nghĩa như thế nào, thưa đồng chí ?
Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ: Tại Hội nghị Trung ương 7 vừa qua cũng đã sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), trong đó, yêu cầu đặt ra là phải gắn Nghị quyết Trung ương 4 với việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị. Bởi các Nghị quyết này vừa có chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, đặc biệt là phải quan tâm việc đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Hai điều này gắn kết với nhau chặt chẽ, đan xen nhau trong mỗi việc làm của tổ chức đảng cũng như mỗi cán bộ, đảng viên. Bởi, chúng ta học tập làm theo tư tưởng, phong cách của Bác tốt, chắc chắn sẽ đẩy lùi được quan liêu, yếu kém, những suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
PV: Sau 2 năm thực hiện Chỉ thị đã đạt được nhiều kết quả rõ nét, nhưng cũng còn một số hạn chế. Theo đồng chí, đâu là những trở ngại khiến việc thực hiện Chỉ thị vẫn còn tồn tại những hạn chế, yếu kém ?
Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ: Trở ngại lớn nhất theo tôi có lẽ là nhận thức của cấp ủy, nhất là người đứng đầu cấp ủy. Có thể nói, một số người đứng đầu chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc, hay cách tổ chức thực hiện chưa sâu sát, chưa có những tiêu chí cụ thể, cách đánh giá, cách kiểm tra cụ thể sẽ khó đạt được kết quả cao. Vì vậy, yêu cầu trong thời gian tới là mọi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy phải nêu gương bằng những việc làm hết sức cụ thể. Cán bộ càng nêu gương càng làm tăng niềm tin trong toàn chi bộ, nhân dân. Sự nêu gương đó từ việc nhỏ đến việc lớn, nhưng những việc hàng ngày biểu hiện trong ứng xử với cán bộ, đảng viên, giao tiếp nhân dân, chăm lo đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội là dễ nhận thấy nhất.
PV: Có ý kiến cho rằng, việc học tập và làm theo gương Bác mới dừng lại ở phía người dân bởi những tấm gương là cán bộ, nhất là cán bộ cấp cao rất ít xuất hiện, quan điểm của đồng chí về ý kiến này ?
Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ: Việc có ít tấm gương là cán bộ cấp cao chỉ thể hiện trong danh sách khen thưởng chứ trong thực tế có rất nhiều gương cán bộ cấp cao học tập và làm theo Bác. Chỉ có điều, các đồng chí lãnh đạo không muốn nói về thành tích của mình. Họ cho rằng, việc mình phải làm tốt, làm gương là đương nhiên, không có gì phải để mọi người phải khen và biểu dương. Họ rất muốn việc làm của họ không phải qua lời họ nói, hay qua tuyên truyền của báo chí, mà họ muốn nó lan tỏa một cách rất tự nhiên, bình thường trong đời sống để tạo được hiệu ứng tích cực trong xã hội. Lần tuyên dương này cũng thế, số lượng đồng chí lãnh đạo không nhiều là bởi những lý do trên. Hơn nữa cũng có lý do, nhiều đồng chí muốn tấm gương được tuyên dương là từ cơ sở, ở những vùng khó khăn...