Hà Nội: Cân đối, bố trí nguồn lực cho các dự án y tế, giáo dục và văn hóa

Thứ năm, 04/08/2022 22:27
(ĐCSVN) - Theo báo cáo của cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo, tại Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 8/4/2022 của HĐND TP Hà Nội về đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo, thành phố dự kiến đầu tư 3 lĩnh vực là 49.203 tỷ đồng cho 1.469 dự án.
leftcenterrightdel
Quang cảnh hội nghị. 

Chiều 4/8, Ban Chỉ đạo triển khai đầu tư, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo của thành phố (TP) Hà Nội tổ chức hội nghị triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm của Ban Chỉ đạo.

Ban Chỉ đạo được thành lập theo Quyết định số 2914-QĐ/TU ngày 5/7/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, do Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn làm Trưởng ban; Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo.

Theo báo cáo của cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo, tại Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 8/4/2022 của HĐND TP Hà Nội về đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo, thành phố dự kiến đầu tư 3 lĩnh vực là 49.203 tỷ đồng cho 1.469 dự án.

Trong đó, lĩnh vực giáo dục được đầu tư gần 21 nghìn tỷ đồng cho 653 dự án; lĩnh vực y tế hơn 14 nghìn tỷ đồng cho 237 dự án; lĩnh vực di tích hơn 14 nghìn tỷ đồng cho 579 dự án. Đến nay, thành phố đã bố trí vốn trong năm 2021-2022 là hơn 11.291 tỷ đồng để thực hiện các dự án của 3 lĩnh vực. Trong đó, đã bố trí kế hoạch đầu tư vốn 1.204,202 tỷ đồng thực hiện 20 dự án cấp thành phố. Hiện, còn 216 dự án cấp thành phố chưa đủ thủ tục để đủ điều kiện bố trí vốn (119 dự án đầu tư trường học, 33 dự án y tế, 48 dự án tu bổ, tôn tạo di tích). Sở Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các Sở: Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Văn hóa - Thể thao rà soát và đề xuất phương án đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư, đề xuất dự án.

Ngoài ra, thành phố cũng đã hỗ trợ các quận, huyện, thị xã 10.087,1 tỷ đồng để thực hiện 596 dự án thuộc kế hoạch trong 3 lĩnh vực trên; hiện còn 637 dự án cấp huyện quản lý chưa đủ thủ tục để đủ điều kiện bố trí vốn.

Tại hội nghị, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng, đại diện lãnh đạo một số quận đều cho rằng, với các quận trung tâm, khó khăn lớn nhất là diện tích xây dựng trường chuẩn quốc gia. Vì thế, giải pháp là phải nâng tầng các trường hiện hữu để đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, đại diện các quận cũng đề xuất thành phố cân đối ngân sách, bố trí thêm nguồn lực cho các quận trong việc đầu tư nâng cấp hệ thống y tế, cải tạo, tu bổ, tôn tạo di tích.

Đại diện các huyện cho rằng, khối huyện đang rất khó khăn trong việc cân đối vốn để đối ứng triển khai các dự án, nên một số dự án đã phải tính kế hoạch ứng vốn của năm 2023. Đặc biệt, công tác giải phóng mặt bằng một số dự án cũng gặp khó khăn, nhưng các huyện sẽ quyết tâm hoàn thành các dự án, giải ngân hết nguồn vốn thành phố hỗ trợ và kế hoạch vốn năm 2022 của địa phương…

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các sở, ngành: Văn hóa - Thể thao, Giáo dục và Đào tạo, Y tế đã trao đổi, báo cáo với Ban Chỉ đạo một số nội dung trong quá trình triển khai các dự án thuộc lĩnh vực quản lý; đồng thời kiến nghị, đề xuất một số giải pháp để nhanh chóng hoàn thành các dự án theo kế hoạch, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư thiết bị y tế, đầu tư các trường đạt chuẩn quốc gia…

Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng nhấn mạnh, khối lượng công việc của 3 lĩnh vực rất lớn, trong khi người dân rất đang mong chờ các nội dung công việc được triển khai nhanh, hiệu quả liên quan đầu tư 3 lĩnh vực, đặc biệt về vấn đề tu bổ, tôn tạo di tích. Vì vậy, đề nghị các địa phương vào cuộc quyết liệt, thực chất, chỉ đạo sát công việc, tránh để chậm muộn hoặc bỏ sót công việc. Cùng đó, cần sự chủ động vào cuộc của các sở ngành hỗ trợ địa phương vì trách nhiệm chung, tránh để đại diện các địa phương phải đi lại nhiều lần. Liên quan các dự án, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị các địa phương triển khai chặt chẽ, quản lý tốt, đảm bảo sau khi xây dựng hoặc cải tạo xong được người dân chào đón, nhất là tránh các di tích mất đi tính nghệ thuật và tính tâm linh.

leftcenterrightdel
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn kết luận hội nghị. 

Kết luận hội nghị, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng ban Chỉ đạo đánh giá, các sở, ngành, địa phương đã vào cuộc rất trách nhiệm, tích cực triển khai các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo. Trong đó, một số quận, huyện, thị ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai, xây dựng kế hoạch cụ thể hóa từng nhiệm vụ, qua đó khẳng định đây là nhiệm vụ rất lớn, quan trọng, nhưng cũng là cơ hội, điều kiện để các địa phương phát triển. Đồng thời yêu cầu bộ phận giúp việc Ban Chỉ đạo hoàn thiện các dự thảo quy chế hoạt động, thành lập tổ giúp việc; các quận, huyện, thị xã sớm thành lập Ban Chỉ đạo, sát sao đầu việc để thúc đẩy nhanh các dự án. Trong quá trình triển khai, quận huyện cần phối hợp rất chặt chẽ với sở ngành để tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, tránh chậm muộn việc triển khai. Các sở, ngành kiểm tra chặt chẽ; các Ban HĐND TP kịp thời tổng hợp các kết quả, kiến nghị, đề xuất từ địa phương…/.

Nam Khánh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực