Mê Linh tập trung phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn

Thứ sáu, 19/10/2018 16:56
(ĐCSVN) - “Huyện Mê Linh cần tập trung phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, công nghệ sạch có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao; đặc biệt là xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp”.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu kết luận Hội nghị.

Đó là chỉ đạo của đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU Thành ủy Hà Nội khi chủ trì buổi làm việc về tiến độ và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với huyện Mê Linh về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020, ngày 19/10.

Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các đồng chí lãnh đạo huyện Mê Linh và các sở, ngành Thành phố, các thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình 02, kết luận Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng biểu dương kết quả thực hiện Chương trình 02 trên địa bàn huyện Mê Linh. Đồng chí cho rằng, những kết quả trên là do sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy, sự triển khai đồng bộ của chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân huyện Mê Linh.

Tuy nhiên, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội cũng chỉ ra một số điểm còn tồn tại, hạn chế mà Mê Linh cần tập trung khắc phục; trong đó: Việc đấu giá quyền sử dụng đất, huy động nguồn lực còn hạn chế; tỷ lệ huy động vốn xã hội hóa, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ dân sử dụng nước sạch còn thấp; tỷ lệ hộ nghèo còn cao hơn mức bình quân của các huyện trên địa bàn Thành phố...

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh, lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND phải xác định thực hiện 18 tiêu chí xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo các tiêu chí theo quy định. Đồng thời đề nghị huyện cần tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, rà soát quy hoạch để sử dụng hiệu quả quỹ đất. Tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, quan tâm xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản của Mê Linh để qua đó thu hút sự tham gia của doanh nghiệp, hình thành chuỗi sản xuất khép kín từ người nông dân đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng lưu ý, Mê Linh cần đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường trao đổi, phối hợp để nhận được sự hỗ trợ của các quận nội thành trong xây dựng nông thôn mới, nhất là trong xây dựng trường học, nhà văn hóa... Đặc biệt, huyện phải hết sức quan tâm xây dựng hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở trong sạch, vững mạnh. Rà soát những nơi có biểu hiện yếu kém để kịp thời kiện toàn, củng cố đảm bảo ổn định từ cơ sở...


Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng thăm mô hình chuyển đổi
sang trồng hoa hồng thế tại xã Mê Linh.

Trước đó, đầu giờ sáng, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra thực tế mô hình sản xuất rau an toàn tại thôn Đông Cao, xã Tráng Việt và mô hình hoa hồng thế tại xã Mê Linh.

Theo Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng, thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội, ngoài những cơ chế, chính sách khuyến khích của Thành phố, UBND huyện đã ban hành một số văn bản về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hộ gia đình; đồng thời, triển khai 3 Đề án: Đề án cơ giới hóa sản xuất trong nông nghiệp; Đề án phát triển cây vụ Đông quy mô 200ha đậu tương và 30ha khoai tây; Đề án hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi từ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư sang chăn nuôi gia trại, trang trại xa khu dân cư...

Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành một số vùng chuyên sản xuất chuyên canh tập trung như: Vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao quy mô từ 50 ha trở lên (tại các xã Tam Đồng, Liên Mạc, Kim Hoa...); vùng sản xuất rau an toàn (tại các xã Tráng Việt 200 ha, Tiến Thắng 70 ha, Tiền Phong 90 ha...); vùng sản xuất hoa, cây cảnh (tại các xã Mê Linh với 190 ha hoa hồng, Văn Khê 110 ha hoa hồng, Đại Thịnh 20 ha hoa hồng và 60 ha hoa cúc…); vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tập trung xa khu dân cư (tại các xã Liên Mạc, Tự Lập, Tiến Thắng…). Ngoài ra, toàn huyện có 18 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao (nhiều nhất Thành phố), có 3 mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp...

Về xây dựng nông thôn mới, năm 2018, huyện tiếp tục phấn đấu thêm 2 xã và năm 2019, 2 xã còn lại sẽ phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới để huyện cán địch vào năm 2020. Đáng chú ý, hiện các xã trên địa bàn huyện không còn nợ xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới…/.

Tin, ảnh: Linh Nhi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực