Một số hộ gia đình trong xã Đức Giang chuyển diện tích lúa sang trồng lạc. (Ảnh: HH)
Dồn điền, đổi ruộng, xây dựng cánh đồng mẫu là những việc làm đầu tiên mà Yên Dũng tiến hành khi triển khai xây dựng nông thôn mới. Có được những cánh đồng lớn, địa phương đã tiến hành quy hoạch lại cây trồng theo hướng nâng cao giá trị cây nông nghiệp trên cùng một diện tích đất. Theo đó, cùng với việc đảm bảo an ninh lương thực, ngoài những diện tích trồng lúa, huyện Yên Dũng đã chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đem lại thu nhập cao hơn cho nông dân.
Chị Lại Thị Hà, xóm Trung Sơn, xã Đức Giang chia sẻ, gia đình chị đang làm hơn 1 mẫu lúa, 3 sào dưa hấu. Ngày trước, vợ chồng chị đã có thời gian xa quê đi vào tận miền Nam làm thợ, nhưng rồi tính đi tính lại cũng không tích cóp được bao nhiêu, vợ chồng chị lại bàn nhau về quê làm ruộng. Tuy nhiên, tư duy đổi mới khiến chị cảm thấy làm nông nghiệp có hiệu quả hơn hẳn trước kia. Từ việc dồn điền, đổi ruộng cho tới việc chuyển đổi cây trồng đã làm tăng giá trị trên cùng một diện tích đất nông nghiệp. Chị Hà cho biết, việc chuyển sang trồng dưa hấu cho năng suất gấp 4 – 5 lần so với trồng lúa, gia đình chị trồng 3 sào dưa hấu bình quân mỗi vụ cũng thu hoạch được 3-4 tấn dưa. Hết vụ, chị quay sang trồng su hào, cải bắp, súp lơ, cà rốt, khoai tây, thu hoạch từ hoa màu cũng khoảng 50 triệu/năm. Sau 3 năm trở về quê, anh chị đã có của ăn, của để và xây cất được ngôi nhà mới khang trang.
Hộ gia đình nhà anh Phan Xuân Trụ, thôn Nội Cát, xã Đức Giang cũng có 1,2 mẫu đất nông nghiệp, trong đó anh chuyển 4 sào sang trồng dưa hấu và dưa lê, hoa màu. Anh cho biết, diện tích trồng màu mỗi năm cho quay vòng 4 vụ, các thương lái đến tận nhà mua với giá cả hợp lý nên nông dân không phải vất vả đi bán từng ngày. Thu nhập từ hoa màu đã giúp nông dân trong xã khấm khá lên trông thấy.
Riêng với anh Trụ, anh cũng là một trong những người thành lập Hợp tác xã Cây thuốc Việt gồm 15 xã viên trồng cây dược liệu. Anh cho biết, hiện Hợp tác xã đang trồng cà gai leo với diện tích 13 mẫu trồng thành các vùng tập trung. Qua vụ đầu thí điểm trồng thu được 2 tạ/sào với giá 100 ngàn/kg đã phơi khô thì cũng cho giá trị gấp 4-5 lần so với trồng lúa. Trong khi đó, cây cà gai leo dễ trồng và chăm bón, sau 3-4 tháng cho thu hoạch 1 lứa nên nông dân cũng không mất quá nhiều công. Anh cho biết, Hợp tác xã cũng đang có hướng mở rộng diện tích trồng cây dược liệu để hình thành vùng chuyên canh trong thời gian tới.
Cùng với hộ nhà chị Hà và anh Trụ, nhiều nông dân trong xã đã chuyển đổi một phần diện tích sang trồng dưa hấu, đu đủ, dưa lê, lạc... đem lại năng suất và giá trị thu nhập cao. Đây cũng là tiền đề, là cơ sở để xã Đức Giang tiến hành xây dựng nông thôn mới thuận lợi và dễ dàng hơn. Nông dân có điều kiện kinh tế, việc đóng góp và bàn chuyện xây dựng các công trình chung được nhân dân hoàn toàn ủng hộ.
Nhờ chuyển đổi cây trồng, nhiều hộ gia đình nông dân xã Đức Giang đã xây được những ngôi nhà khang trang. (Ảnh: HH)
Đồng chí Phan Văn Thao, Bí thư Đảng ủy xã Đức Giang cho biết, Đức Giang là một trong 6 xã điểm được UBND huyện lựa chọn xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015. Ngay sau khi Đề án được phê duyệt, Đảng ủy, UBND xã đã ra nghị quyết và kế hoạch thực hiện, thành lập ban quản lý xây dựng nông thôn mới trên quan điểm luôn lấy dân làm gốc; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, mọi việc đều được nhân dân bàn bạc và quyết định trên quan điểm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ”...
Từ những điều kiện ban đầu còn nhiều khó khăn như ruộng đất manh mún, người dân sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp, điều kiện cơ sở kinh tế - xã hội, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, xã chỉ đạt 6 tiêu chí. Sau 5 năm triển khai, xã đã huy động được trên 71 tỷ đồng đầu tư cho xây dựng nông thôn mới, trong đó vốn nhân dân đóng góp trên 24 tỷ đồng chiếm 34,1% tổng vốn... Nổi bật là kết quả thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập bình quân đạt trên 26 triệu đồng/người/năm; cơ sở hạ tầng thiết yếu được quan tâm, đầu tư nâng cấp, 100% đường liên xã, đường thôn, xóm và 66% tổng chiều dài kênh mương được cứng hóa, xây mới trụ sở làm việc của Đảng ủy, HĐND, UBND xã, 1 nhà văn hóa và khu thể thao của xã, 5 khu thể thao của thôn, 6 phòng học trường Mầm non, đồng thời, cải tạo nâng cấp Trạm y tế xã, nhà văn hóa thôn... Nhờ đó, diện mạo nông thôn địa phương đã chuyển biến và đổi thay rõ nét, đời sống kinh tế, xã hội có nhiều khởi sắc.
Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân được quan tâm; Đảng bộ, chính quyền xã liên tục nhiều năm được công nhận là Đảng bộ, Chính quyền trong sạch vững mạnh; hoạt động của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể đạt kết quả tích cực, tạo ra sự đoàn kết, thống nhất. Đó là nền móng vững chắc để các phong trào của xã tiếp tục có bước phát triển đi lên. Với quyết tâm cao, những việc làm sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đức Giang đã chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, vừa học vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đánh giá tổng kết và tiếp tục triển khai thực hiện, đến tháng 10/2015 xã Đức Giang đã hoàn thành 19/19 tiêu chí và được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Với các xã khác trong huyện Yên Dũng hiện cũng đang chọn từng thôn đăng ký tham gia xây dựng nông thôn mới rồi tiếp tục nhân rộng với phương châm “làm đến đâu chắc đến đó”.
Đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Yên Dũng cho biết, điều cốt yếu của quá trình xây dựng nông thôn mới là nâng cao thu nhập cho người dân và điều này đã được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện quyết tâm thực hiện.
Năm 2016, huyện Yên Dũng tiếp tục triển khai duy trì và thực hiện được 20 cánh đồng mẫu tại 10 xã trên địa bàn, các cánh đồng mẫu được triển khai đều đảm bảo theo đúng các tiêu chí về xây dựng cánh đồng mẫu lớn.
Cùng với đó, huyện đã tích cực đẩy mạnh triển khai thực hiện 24 mô hình phát triển sản xuất. Đến nay có 6/24 mô hình lúa và 02 mô hình cây dược liệu, 01 mô hình liên kết và tiêu thụ sản phẩm cây Chanh Đào đã triển khai thực hiện tại các xã: Đồng Việt, Thắng Cương, Nham Sơn, Xuân Phú và Lãng Sơn. Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp huyện Yên Dũng, các mô hình đều phát triển tốt, một số mô hình bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.
Đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Yên Dũng (ngoài cùng bên phải) trao đổi với phóng viên. (Ảnh: HH)
Thời gian tới, UBND huyện và Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Yên Dũng tập trung chỉ đạo các xã duy trì thực hiện có hiệu quả 20 mô hình cánh đồng mẫu và 24 mô hình phát triển sản xuất đang được triển khai thực hiện tại các xã; tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất và triển khai mới các mô hình còn lại vào vụ Đông năm 2016. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về hiệu quả, lợi ích từ việc triển khai xây dựng cánh đồng mẫu đồng thời, giới thiệu các mô hình sản xuất, liên kết sản xuất trong nông nghiệp an toàn đến người nông dân. Tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ xây dựng nông thôn mới, trọng tâm là phổ biến kiến thức về xây dựng cánh đồng mẫu và các mô hình sản xuất cho Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới của các xã, góp phần nâng cao các tiêu chí nông thôn mới tại các địa phương trên địa bàn huyện.
Huyện Yên Dũng đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có thêm 07 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn huyện lên 13/19 xã, đạt gần 65% tổng số xã. Phấn đấu mỗi năm có từ 2-3 thôn đăng ký và đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đạt từ 1-2 tiêu chí, nâng tỷ lệ bình quân tiêu chí nông thôn mới đến năm 2020 là 16,8 tiêu chí/xã, không còn xã đạt dưới 13 tiêu chí. Tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, phấn đấu thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt từ 50-55 triệu/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2-3%/năm./.