Ảnh minh họa. Nguồn: Thiên Lam
Thông tin trên được đại biểu Nguyễn Quang Tuấn - TP Hà Nội cho biết tại phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội về kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước quốc gia 3 năm 2019 - 2021; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017, diễn ra chiều 29/10.
Theo đại biểu Tuấn, tỷ trọng ngân sách nhà nước và BHYT đầu tư và chi cho y tế cơ sở còn thấp, chưa đáp ứng với yêu cầu và nhiệm vụ, chức năng. Bên cạnh đó quy định về chi phí khám chữa bệnh tại trạm y tế xã tối thiểu bằng 10% và tối đa không vượt quá 20% của quỹ khám chữa bệnh ngoại trú tính trên số thẻ bảo hiểm đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế xã là không phù hợp thực tế. Cơ cấu bệnh tật hiện nay khi bệnh không lây nhiễm đang tăng lên và trạm y tế xã phải quản lý bệnh này, trong đó có tăng huyết áp, đái tháo đường.
“Tôi kiến nghị Quốc hội sửa Luật BHYT và Luật Khám chữa bệnh đồng thời xây dựng Luật Phòng bệnh để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân trong bối cảnh cơ cấu bệnh tật thay đổi nhiều”, đại biểu đề xuất.
Đại biểu Tuấn cũng cho hay, mệnh giá bảo hiểm thấp trong khi giá thuốc, vật tư, trang thiết bị phải trả theo mặt bằng quốc tế. Với điều kiện hiện nay khi tỷ giá ngoại tệ thay đổi nhiều, tỷ trọng khi khám chữa bệnh BHYT tăng nhanh. Hiện nay, theo ước tính của BHXH bình quân đóng trung bình là 1 triệu đồng/1 thẻ trong 1 năm. Nhưng mức chi chung là khoảng 1.100.000 đồng cho 1 thẻ trong 1 năm. Như vậy, BHYT đang bội chi khoảng 10%. Do vậy, BHXH đưa ra nhiều giải pháp nhằm kiềm chế mức chi cũng như tình trạng lạm dụng dịch vụ, trục lợi quỹ.
“Việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế còn nhiều vướng mắc chưa được giải quyết làm ảnh hưởng đến quyền lợi dân, đến cơ sở y tế và tâm lý của các thầy thuốc bác sỹ. Tôi đề nghị Chính phủ hướng dẫn 2 ngành BHYT và Bộ Y tế thống nhất quy định thanh quyết toán cho các cơ sở khám chữa bệnh. Cần nghiên cứu tăng tỷ lệ đóng BHYT và đưa ra nhiều mệnh giá BHYT để người dân lựa chọn” đại biểu cho biết.
Nói về chất lượng dịch vụ y tế trong thời gian qua, đại biểu nhấn mạnh, những năm gần đây, Chính phủ đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp có hiệu quả để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là chất lượng khám, chữa bệnh.
Tuy nhiên, các tồn tại còn nhiều và cần thời gian vào cuộc của cả thể chế chính trị để giải quyết vì nếu chỉ có một mình ngành y tế thì chắc chắn sẽ không giải quyết được.
Cũng theo đại biểu Tuấn, tổng chi của toàn xã hội cho chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng, tuy nhiên vẫn còn rất thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới vào năm 2014, tổng chi cho y tế bình quân đầu người của Việt Nam là 140 USD, chưa bằng 1/2 so với chi bình quân của các nước có thu nhập trung bình là 290 USD và chỉ bằng 1/3 so với Trung Quốc là 420 USD. Với điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, đại biểu Tuấn đề nghị Chính phủ cần có cơ chế thông thoáng và ổn định để huy động các nguồn lực xã hội cùng chung tay, góp sức vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Đặc biệt, tỷ lệ chi ngân sách cho toàn ngành y tế có xu hướng giảm. Năm 2016 ước thực hiện 97.600 tỷ đồng, chiếm 7,67% tổng chi ngân sách. Tuy nhiên, năm 2018 ước thực hiện là 92.745 tỷ đồng, chiếm 5,85% tổng chi ngân sách, không tính trái phiếu Chính phủ. Nếu so hai tỷ lệ % này thì năm 2018 đã giảm 23,7% chi ngân sách cho ngành y tế, trong đó chi mua và hỗ trợ BHYT cho các đối tượng chính sách xã hội là 22.628 tỷ đồng, bằng 27,5% tổng chi ngân sách cho toàn ngành y tế. Do vậy, chưa đảm bảo chi thường xuyên cho ngành y tế và quy định tại Điều 2 Nghị quyết 18 Quốc hội 12, tinh thần Nghị quyết 20 Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XII. “Do vậy, tôi kiến nghị Quốc hội quan tâm hơn việc quyết định phân bổ ngân sách nhà nước hàng năm cho ngành y tế”, đại biểu nói./.