Tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, sáng ngày 27/10, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Thạch Phước Bình cho biết, qua giám sát thực hiện chính sách bảo hiểm y tế tại địa phương thấy nhóm đối tượng do ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ chiếm trên 70%. Trong khi đó, nhóm đối tượng lao động và người sử dụng lao động, hộ gia đình đóng chỉ chiếm khoảng 30%.
Điều này gây áp lực đối với ngân sách nhà nước và cho thấy tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế chủ yếu do ngân sách nhà nước đảm bảo nên dài hạn là không bền vững trong trường hợp nhà nước thay đổi chính sách về bảo hiểm y tế. Đề nghị Chính phủ quan tâm, chỉ đạo có giải pháp khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia bảo hiểm y tế theo quy định. Ngoài ra, cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng xem xét, điều chỉnh quy định cho học sinh, sinh viên được tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình thay vì mua tại nhà trường như hiện nay, bởi vì khi tham gia theo hộ gia đình sẽ có lợi hơn. Hiện nay, theo quy định, mua tại trường được hỗ trợ 30%, còn nếu mua tại hộ gia đình có thể giảm tới 50% theo thứ tự số người trong hộ.
ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) phát biểu ý kiến. Ảnh: TL.
Về bảo hiểm y tế tự nguyện, ĐB Thạch Phước Bình nhận định, trong những năm qua, tỷ lệ người dân mua bảo hiểm y tế tự nguyện tăng hàng năm và đến nay đạt khoảng 243 ngàn người. Tuy nhiên, con số này chỉ khoảng 30% là tham gia mới, còn lại khoảng 70% là người đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, đóng bảo hiểm tự nguyện tiếp để đủ điều kiện hưởng lương hưu và việc thu hút người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hiện nay là chậm và khó khăn.
Nguyên nhân khó khăn thu hút đối tượng tham gia được ĐB Bình chỉ ra chính là do mức đóng còn cao so với thu nhập của đa số người dân trong khi mức hưởng chưa tương xứng, người lao động phải duy trì khoản đóng hàng tháng trong khi khoảng thời gian ít nhất là 20 năm như vậy rất khó để người dân thực hiện khi thu nhập của họ luôn bấp bênh.
Trên cơ sở đó, ĐB Thạch Phước Bình kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, tăng mức hỗ trợ đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện so với mức hiện nay.
“Hiện nay, hỗ trợ 30% đối với hộ nghèo, 25% đối với hộ cận nghèo và 10% đối với các đối tượng còn lại. “Tôi đề nghị tăng mức này lên nhằm khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện”, ĐB Bình kiến nghị./.