Đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động, chăm lo lợi ích đoàn viên công đoàn

Thứ ba, 25/09/2018 16:47
(ĐCSVN) – Là đại biểu đại diện cho đoàn viên, người lao động dự Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, nhiều đại biểu đã nói lên tiếng nói, kiến nghị của đoàn viên, người lao động và kỳ vọng vào hoạt động của tổ chức công đoàn trong nhiệm kỳ 2018 - 2023.

Công nhân, viên chức, lao động cả nước chung tay, góp sức tạo thành sức mạnh dân tộc

Khai mạc Đại hội XII Công đoàn Việt Nam

Cần đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục

Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (ngoài cùng bên phải)
cùng các đại biểu LĐLĐ TP bên lề Đại hội - Ảnh: MC

Hà Nội là địa bàn có đông công nhân lao động các tỉnh phía Bắc về làm việc, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho rằng, cần quan tâm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng, kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và pháp luật cho công nhân, viên chức, lao động.

“Thực tế, trong nhiệm kỳ qua, công tác tuyên truyền giáo dục đã tạo được sức lan tỏa trong hệ thống tổ chức Công đoàn. Nhiều đề án, chương trình, kế hoạch tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và kỹ năng nghề nghiệp đã được triển khai, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động sâu sắc đến sản xuất, đời sống, việc làm của người lao động... đang đặt ra những yêu cầu mới mạnh mẽ cho công tác tuyên truyền giáo dục đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Tổng LĐLĐ Việt Nam cần có cơ chế tập trung về con người và nguồn lực cho công tác chỉ đạo và tuyên truyền trên internet và mạng xã hội; nghiên cứu, biên soạn các bộ tài liệu tuyên truyền, giáo dục về chính trị tư tưởng; tuyên truyền giáo dục về vai trò của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam; tuyên truyền về chính sách pháp luật... ngắn gọn, phù hợp với từng đối tượng người lao động”, bà Tuyến nói.

Để người lao động thấy được sự khác biệt của Công đoàn Việt Nam

Ông Vũ Tiến Dũng - Ảnh: MC

Theo ông Vũ Tiến Dũng, Chủ tịch Công đoàn ngành Hóa chất Việt Nam, việc lấy người lao động làm trung tâm, bảo vệ quyền, lợi ích cho người lao động chính là yếu tố để đoàn viên, người lao động thấy được sự khác biệt của Công đoàn Việt Nam.

“Tôi nhất trí cao với nội dung trong văn kiện Đại hội xác định nhiệm vụ của Công đoàn Việt Nam trong 5 năm tới đó là các cấp Công đoàn đổi mới phương thức hoạt động và tổ chức thực hiện theo hướng lấy người lao động làm trung tâm; hoạt động chủ yếu ở cơ sở; công đoàn cấp trên phục vụ công đoàn cấp dưới. Tôi cho rằng, việc tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động với phương châm hướng về cơ sở, lấy cơ sở là địa bàn, lấy người lao động là mục tiêu hoạt động, từ đó thực hiện tốt hơn chức năng đại diện, chăm lo đời sống, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động… chính là điều mà đoàn viên, công nhân viên chức lao động trông đợi nhất ở tổ chức Công đoàn”.

Ngoài tiền lương, tiền thưởng thì vấn đề nhà ở, nhà trẻ, khu vui chơi, sinh hoạt là điều mà người lao động mong mỏi. Phần lớn người lao động vẫn ở trong những căn trọ chật hẹp, ngoài giờ làm, tăng ca hầu như họ không có hoạt động thể chất, sinh hoạt văn hóa nào khác, con nhỏ phải gửi về quê... Tôi hy vọng, trong nhiệm kỳ, Công đoàn Việt Nam sẽ đáp ứng được sự kỳ vọng, biến những nguyện vọng chính đáng của công nhân, người lao động thành hiện thực.

Quan tâm xây dựng thiết chế của công đoàn

Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Ảnh: HM

Với thực tế đã từng công tác tại Bình Dương là nơi có hơn 1 triệu lao động với gần 30 khu công nghiệp, chế xuất, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam đánh giá cao tính thiết thực, ý nghĩa của Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

“Công nhân, người lao động hết sức phấn khởi bởi nhu cầu về chỗ trọ, chỗ gửi trẻ, mua sắm đồ dùng thiết yếu với họ thực sự rất lớn. Đề án cũng mở ra cơ hội để tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa tổ chức công đoàn và đoàn viên, trực tiếp tham gia giải quyết các nhu cầu cấp thiết về: nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, trung tâm văn hóa, tư vấn pháp luật, chăm sóc y tế, cơ sở vật chất về thể dục, thể thao...”, ông Sơn khẳng định.

Chính vì thế, chỉ tiêu mà Đại hội XII đề ra là triển khai đầu tư xây dựng tối thiếu 50 thiết chế của tổ chức công đoàn tại các khu công nghiệp, chế xuất thực sự là chỉ tiêu được nhiều đoàn viên, người lao động mong đợi.

Bên cạnh việc nâng cao năng lực đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động, Công đoàn Việt Nam sẽ tham gia có hiệu quả việc xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động, hoàn thiện các quy định về thương lượng tập thể, giải quyết tranh chấp lao động, thực hiện có hiệu quả thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp.

Quan tâm đến đội ngũ cán bộ công đoàn, ông Nguyễn Ngọc Sơn mong muốn nhiệm kỳ Đại hội XII sớm khắc phục được những hạn chế của cán bộ công đoàn. Cán bộ công đoàn sẽ có năng lực tốt hơn, chuyên nghiệp hơn nhất là đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở để ứng phó với những vấn đề thực tế đặt ra, giải quyết kịp thời nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, người lao động nhất là khi Việt Nam tham gia hiệp định thương mại tự do thế hệ mới sẽ có sự ra cũng đời của những tổ chức khác đại diện cho người lao động. Điều này đặt ra yêu cầu Công đoàn Việt Nam phải khẳng định sự vượt trội để tập hợp, thu hút người lao động.

Đề cập tới chất lượng cán bộ công đoàn, Phó Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam chỉ rõ, công tác quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ qua có lúc chưa gắn với đào tạo, luân chuyển. Việc tuyển dụng, đánh giá, xử lý kỷ luật cán bộ còn thiếu cơ chế và giải pháp cụ thể. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ còn nặng về lý thuyết, thiếu thực tiễn. Trong công tác cán bộ vẫn còn tình trạng đúng quy trình, quy định nhưng có lúc, có nơi chưa chọn được người đủ phẩm chất, năng lực, uy tín,

“Tôi mong muốn Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam nhiệm kỳ mới sẽ là những người có đủ năng lực, trí tuệ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; lựa chọn xây dựng những chương trình, hành động và giải pháp cụ thể để chỉ đạo phong trào công nhân viên chức lao động và hoạt động công đoàn có hiệu quả trước những thời cơ và thách thức khi Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và cuộc cách mạng 4.0. Tôi kỳ vọng Đại hội XII sẽ thực sự là đại hội của đổi mới đặc biệt là đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động, chăm lo lợi ích đoàn viên, đại diện bảo vệ người lao động”, ông Sơn tin tưởng./.

Minh Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực