Bài 1: Yên Bái “điểm đúng huyệt” để tái cơ cấu ngành Giáo dục

Loạt bài: TÁI CƠ CẤU NGÀNH GIÁO DỤC VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ - CÂU CHUYỆN TỪ YÊN BÁI
Chủ nhật, 29/08/2021 21:06
(ĐCSVN) - Yên Bái đã mạnh dạn, đi đầu khi chọn ngành Giáo dục để tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và đã thành công. Câu chuyện này từ Yên Bái rất có giá trị thời sự khi việc thừa - thiếu giáo viên vẫn luôn “nóng” đối với ngành Giáo dục cả nước. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam giới thiệu Loạt bài: “Tái cơ cấu giáo dục vùng dân tộc thiểu số - câu chuyện từ Yên Bái”.

Triển khai Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị (khóa XI) “Về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”, Yên Bái chọn Giáo dục là ngành đầu tiên của tỉnh để thực hiện.

Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, ngành Giáo dục Yên Bái chọn “điểm chính yếu” để bắt đầu quá trình tái cơ cấu, đó là xóa các điểm trường lẻ, sáp nhập các trường học trên cùng địa bàn để giảm số lượng cán bộ. Với quyết tâm cao, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sau 5 năm thực hiện, Yên Bái đã cơ bản thành công.

Sắp xếp trường, lớp, cán bộ giáo dục là một công việc rất khó, đòi hỏi nhiều thời gian, công sức, trí tuệ. Cách làm cùng những bài học kinh nghiệm của Yên Bái vẫn vẹn nguyên giá trị thời sự, có thể truyền cảm hứng cho ngành Giáo dục các địa phương khác ở vùng DTTS nghiên cứu, tham khảo, nhằm đẩy nhanh tiến trình sắp xếp lại đội ngũ cán bộ theo tinh thần Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị (Khóa XI), nhất là khi câu chuyện thừa - thiếu giáo viên vẫn luôn “nóng” trong các chương trình nghị sự của ngành Giáo dục cả nước vào thời điểm năm học mới bắt đầu.  

Chuyện kể của Thủ tướng

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2020 - 2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 28/8/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ thực tiễn thời làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, một tỉnh có địa bàn phức tạp nhất cả nước, bởi không chỉ có miền núi cao mà còn có các xã đảo, nơi từng tồn tại phổ biến những điểm trường lẻ xa trung tâm 4 - 5 km, thậm chí 6 - 7 km. Có nơi, một điểm trường chỉ có 7 học sinh nhưng cần tới 9 giáo viên…

Và câu chuyện tiếp theo của Thủ tướng là: “Có một trường tiểu học ở Yên Bái chi hoạt động thường xuyên mỗi tháng chỉ 10 triệu đồng, nhưng trường này có 1 kế toán tốt nghiệp đại học và 1 thủ quỹ. Lương cho 2 cán bộ này là 14 triệu đồng/tháng. Tôi hỏi cô kế toán gia đình cô có mấy người, tiêu hết bao tiền/tháng? Cô ấy trả lời, có 4 người, tiêu hết 14 triệu đồng/tháng. Tôi hỏi: Mức tiêu của nhà cô cao hơn mức chi thường xuyên của trường, vậy ở nhà cô có cần 1 kế toán, 1 thủ quỹ không? Lúc đó, tôi đã đề nghị Yên Bái phải cơ cấu lại…”


 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Minh Chính phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2020 - 2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 28/8/2021 tại Thành phố Hà Nội.

 

Điểm trường lẻ, cơ cấu trường học và mối liên quan đến sự “phình” cán bộ

Những câu chuyện dẫn chứng và cũng là niềm trăn trở của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ ra một thực tế đang phổ biến ở các tỉnh vùng dân tộc thiểu số, miền núi, chứ không riêng gì Yên Bái. Đó là sự tồn tại của rất nhiều các điểm trường lẻ, kéo theo bài toán năm nào cũng đặt ra như một bài ca “Biết rồi! Khổ lắm nói mãi” - đó là xử lý tình trạng thiếu vẫn thiếu, mà thừa vẫn thừa cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên trường học, gây áp lực cho ngân sách nhà nước trong khi chất lượng giáo dục chưa tương xứng với đầu tư.

Theo ghi nhớ của cô giáo Trần Thị Hường - Phó Hiệu trưởng, thời điểm cuối năm 2015, điểm trường Tập Lăng, thuộc Trường Tiểu học Suối Giàng, huyện Văn Chấn chỉ có 02 lớp (lớp 1 và lớp 2) với 26 học sinh. Để duy trì hoạt động của điểm trường, cần 02 giáo viên. Ngoài Tập Lăng, Trường Suối Giàng còn 2 điểm lẻ khác, một điểm có một lớp ghép với 15 học sinh, 1 giáo viên phụ trách; một điểm khác có 2 lớp ghép (lớp 1+3) và (lớp 2+4), 34 học sinh, 2 giáo viên phụ trách. Như vậy, tổng cộng có 5 giáo viên phụ trách 3 điểm trường lẻ. Lương và phụ cấp khu vực theo lương cho các giáo viên này bình quân 10 - 12 triệu đồng/tháng/người.

Đến trước năm học 2016 - 2017, tức là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết số 39 của Ban Chấp hành Trung ương, tỉnh Yên Bái có 765 điểm trường lẻ, gồm 2 cấp học mầm non và tiểu học. Về nguyên tắc, ở đâu có học sinh, ở đó phải có giáo viên. Vì lẽ đó, dù mỗi điểm trường chỉ vài ba lớp, mỗi lớp khoảng chục học sinh, thậm chí có điểm trường quá ít học sinh nên phải tổ chức “lớp ghép” hoặc mở “lớp nhô”, nhưng vẫn phải duy trì đội ngũ giáo viên với số lượng cần và đủ.

Mặt khác, việc ở mỗi xã tồn tại phổ biến cơ cấu gồm: 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 1 trường THCS là những nguyên nhân khiến số lượng đầu mối, số lượng cán bộ của ngành Giáo dục rất lớn. Thời điểm năm 2015, toàn ngành Giáo dục Yên Bái có 543 trường, 6.135 lớp và 12.787 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trường học. Chi trả lương và các khoản theo lương cho đội ngũ cán bộ giáo dục luôn là một áp lực cho ngân sách nhà nước.

Hàng chục năm nay, cụm từ “điện, đường, trường, trạm” đã trở nên quen thuộc với mọi người. Thực chất đó là nhu cầu đầu tư 4 nhóm công trình cơ sở hạ tầng tối thiểu cho các xã, thôn, bản vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Nhưng trong điều kiện nguồn lực của Nhà nước có hạn, nhu cầu thì lớn, vì vậy đầu tư các công trình này cho các thôn bản hẻo lánh, nơi người dân sống thưa thớt, phân tán là rất khó khăn, tốn kém, trong khi số đối tượng thụ hưởng ít nên hiệu quả không cao. Vì lẽ đó, nhiều tỉnh phải làm cuộc cách mạng “hạ sơn”, tức là di dân từ vùng cao xuống vùng thấp hơn, tập trung lại để có điều kiện đầu tư hạ tầng…

Nhắc lại chuyện quá khứ để thấy một thực tế là đầu tư cho các điểm trường lẻ sẽ tốn kém mà không hiệu quả, tương tự như đầu tư cho các công trình hạ tầng khác ở nơi xa xôi, hẻo lánh. Tình trạng chung ở tất cả các tỉnh vùng dân tộc thiểu số, miền núi là các điểm trường lẻ tồn tại trong điều kiện vô cùng thiếu thốn về cơ sở vật chất, hầu như chỉ có phương tiện dạy học tối thiểu, với bảng đen, phấn trắng, bàn ghế đơn sơ, nhà lớp học nhỏ bé... Thế nhưng chi phí để duy trì sự tồn tại đơn sơ đó, bao gồm chi cho cơ sở vật chất và chi lương cho giáo viên lại không hề nhỏ chút nào… 

 Các em học sinh phải trèo đèo, lội suối để đến học tại điểm trường lẻ Lào Sa,
thuộc Trường Tiểu học và THCS bán trú Lào Sa, xã Lao Chải, huyện Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái
(ảnh: Xuân Quỳnh/YTV)

Lên phương án giải quyết

Thực trạng đó đặt ra yêu cầu phải có sự đổi mới… Được sự phân công của tỉnh Yên Bái, ngành Giáo dục chủ trì soạn thảo, phối hợp với các ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020” để tiến hành công cuộc sắp xếp lại toàn diện, nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, làm cơ sở thu gọn đầu mối, tinh giảm đội ngũ cán bộ ngành Giáo dục theo các hướng:

Thứ nhất, xóa bỏ các điểm trường lẻ, sáp nhập các điểm trường lẻ vào trường chính. Nếu điểm lẻ quá xa điểm chính thì sáp nhập nhiều điểm lẻ thành một điểm chính hoặc điểm lẻ của xã này có thể sáp nhập với điểm chính của xã khác.

Thứ hai, ở những nơi trường tiểu học và THCS gần nhau hoặc có khoảng cách hợp lý có thể sáp nhập thành một trường. Nếu ở khu vực đặc thù, có thể sáp nhập cả 3 cấp học: mầm non, tiểu học, THCS thành trường liên cấp. Khi sáp nhập, trường nào đủ học sinh là người dân tộc thiểu số có thể thành lập trường Phổ thông dân tộc bán trú.

Thứ ba, sau sắp xếp trường, lớp là dôi dư cán bộ. Nguyên tắc sắp xếp lại cán bộ dôi dư là thực hiện trong nội bộ huyện, thị. Cơ cấu một trường chỉ có một hiệu trưởng, số lượng hiệu phó tùy thuộc vào số cấp học trong trường liên cấp, 1 nhân viên y tế, các trường trên cùng một địa bàn thì bố trí 1 kế toán. Đối với những trường có trên 400 học sinh bán trú được bố trí thêm nhân viên kế toán, y tế nhưng tối đa không quá 2 kế toán, 2 nhân viên y tế/trường.

Cụ thể hơn, phương án sắp xếp đội ngũ cán bộ giáo dục dôi dư như sau:

Đối với nhóm cán bộ quản lý: Điều động, bổ nhiệm lại; miễn nhiệm làm giáo viên; giữ nguyên chức vụ chờ nghỉ hưu.

Đối với nhóm nhân viên: Điều động từ trường thừa đến trường thiếu; điều chuyển, cho đào tạo lại làm giáo viên mầm non; bố trí làm nhân viên thư viện, thiết bị, văn thư, thủ quỹ, quản sinh, nấu ăn, các nhiệm vụ khác ở các đơn vị có học sinh bán trú.

Đối với giáo viên mầm non: Điều động từ nơi thừa sang nơi thiếu; giáo viên, nhân viên dôi dư cho đào tạo lại, bồi dưỡng làm giáo viên mầm non.

Đối với giáo viên tiểu học: Điều động từ trường thừa đến trường thiếu; điều động xuống mầm non, cho đi đào tạo lại; tăng cường xuống mầm non có thời hạn từ 2 - 4 năm; điều động lên trung học cơ sở; bố trí kiêm nhiệm nhân viên.

Đối với giáo viên THCS: Điều động từ trường thừa đến trường thiếu; điều động xuống trường tiểu học làm giáo viên nhóm; bố trí kiêm nhiệm nhân viên.

 Trong 5 năm thực hiện Đề án, Yên Bái đã giảm được 130 trường, giảm 478 điểm trường,
tăng 24.678 học sinh (trong đó tăng 11.061 học sinh dân tộc bán trú) - đồ họa: TQ

Ông Vương Bằng, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Yên Bái cho biết thêm, trên cơ sở quy định của Nhà nước và của tỉnh, cán bộ quản lý, nhân viên, giáo viên dôi dư sau sắp xếp được hưởng các chính sách sau:

Đối với cán bộ quản lý: Được bảo lưu phụ cấp chức vụ trong trường hợp điều động, bổ nhiệm có phụ cấp chức vụ lãnh đạo thấp hơn so với phụ cấp chức vụ lãnh đạo đang hưởng; trường hợp miễn nhiệm làm giáo viên thì được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo theo quy định tại Nghị định 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ.

Đối với giáo viên dôi dư bố trí kiêm nhiệm nhân viên: Được giữ nguyên ngạch, bậc, chức danh nghề nghiệp hiện hưởng. Giáo viên dôi dư bố trí tăng cường có thời hạn cho cấp học mầm non, trong thời gian tăng cường, được giữ nguyên biên chế, ngạch, bậc, chức danh nghề nghiệp; việc đánh giá, phân loại viên chức, thực hiện các chế độ chính sách tại đơn vị cũ. Giáo viên dôi dư bố trí đi đào tạo lại để chuyển làm giáo viên mầm non được hưởng nguyên lương, các chế độ phụ cấp theo quy định trong quá trình đào tạo.

Đối với nhân viên dôi dư bố trí kiêm nhiệm nhân viên khác, giữ nguyên ngạch, bậc, chức danh nghề nghiệp hiện hưởng. Nhân viên dôi dư bố trí đi đào tạo lại để chuyển làm giáo viên mầm non được hưởng nguyên lương, các chế độ phụ cấp theo quy định trong quá trình đào tạo.

Việc bố trí lại trường lớp, sắp xếp, điều chuyển, cân đối lại đội ngũ giáo viên là vấn đề rất khó và nhạy cảm. Nhưng Yên Bái đã đi thẳng vào vấn đề nhạy cảm đó để thực hiện. Nhưng với đó vẫn là chưa đủ, vì một vấn đề còn nhạy cảm hơn đã xuất hiện, đó là cần phải giải quyết triệt để, thấu đáo, thỏa đáng về chế độ chính sách rất đặc thù đối với những giáo viên công tác ở vùng cao, miền núi, dân tộc và vùng đặc biệt khó khăn…

Mời đọc bài 2: Yên Bái đối diện khó khăn, quyết liệt nhập cuộc khi đổi mới ngành Giáo dục

Trần Quỳnh - Đỗ Huyền

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực