Bước ngoặt với các trường chuyên biệt

Thứ tư, 07/12/2022 14:55
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Các trường dự bị đại học dân tộc và Trường phổ thông Vùng cao Việt Bắc là những trường chuyên biệt nhằm thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, là giải pháp cần thiết để tạo nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số. Với sự đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các trường đang đứng trước cơ hội phát triển mới.
Đồng chí Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho Trường phổ thông Vùng cao Việt Bắc nhân kỷ niệm 65 năm thành lập trường (tháng 11/2022) 

Khẳng định uy tín và chất lượng

Toàn quốc hiện có 4 trường dự bị đại học dân tộc, gồm: Trường Dự bị đại học dân tộc Trung ương, Trường dự bị đại học dân tộc Sầm Sơn, Trường dự bị đại học dân tộc Trung ương Nha Trang và Trường dự bị đại học TP. Hồ Chí Minh.

Đồng chí Nguyễn Tuấn Anh - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương khẳng định, tại mái trường này, trong gần nửa thế kỷ qua, đã có hơn 23.000 học sinh học tập và trưởng thành. Năm học 2021 - 2022, vượt qua khó khăn, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, trong điều kiện dạy và học trực tuyến, song vẫn có gần 200/500 học sinh tiếp tục dự thi, đạt điểm xét tuyển đại học từ 27 điểm trở lên ở tất cả các tổ hợp; gần 90% học sinh đủ điều kiện xét chuyển vào học tiếp các cơ sở giáo dục đại học.

Đối với Trường Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn, đồng chí Đặng Xuân Cảnh - Bí thư Đảng bộ, Hiệu trưởng cho biết, năm học 2021 - 2022, 100% học sinh đỗ vào học đại học, góp phần đáp ứng yêu cầu tạo nguồn cán bộ cho khu vực miền núi, vùng dân tộc trong cả nước. 

Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương Nha Trang tuy gặp nhiều khó khăn về tuyển sinh, cơ sở vật chất… nhưng đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy và học tập. 271 học sinh đã hoàn thành chương trình dự bị đại học, đủ điều kiện xét chuyển vào các trường đại học, học viện, đạt tỷ lệ 98,2%. 

Ông Lê Hữu Thức, Hiệu trưởng Trường Dự bị Đại học TP. Hồ Chí Minh cho biết, Trường có hai nhiệm vụ chính là dạy hệ dự bị đại học cho học sinh DTTS ở các vùng khó khăn, biên giới, hải đảo và dạy ngoại ngữ (tiếng Nga, Anh, Đức) cho sinh viên giỏi, cán bộ ưu tú ở các trường đại học đi du học nước ngoài; dạy tiếng Việt cho sinh viên Lào, Campuchia, Mông Cổ và sinh viên các nước khác để vào học ở các trường đại học tại Việt Nam. Năm học 2021 - 2022, Trường đã chuyển gần 300 học sinh hệ dự bị đại học dân tộc và 7 học sinh diện tuyển thẳng vào các trường đại học.

Theo Nhà giáo Lục Thúy Hằng, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường phổ thông Vùng cao Việt Bắc, Trường có mục tiêu đào tạo hai hệ: Phổ thông dân tộc nội trú và dự bị đại học dân tộc cho gần 30 DTTS, trong đó có dân tộc rất ít người như: Ngái, Lự, Mảng, Si La, Cờ Lao, La Chí, La Hủ, Cống, Pu Péo, Bố Y thuộc 21 tỉnh miền núi từ Thừa Thiên Huế trở ra. Từ mái trường này, hơn 50.000 học sinh các DTTS đã trưởng thành và tiếp tục được đào tạo tại các trường đại học trong nước và nước ngoài. Nhiều học sinh đã trưởng thành, là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước; hàng nghìn người là cán bộ chủ chốt ở các địa phương; 320 em là học sinh giỏi Quốc gia và đạt giải tại các cuộc thi Nghiên cứu khoa học - kỹ thuật cấp quốc gia. Trường đã từng bước khẳng định được vị thế hàng đầu trong khối các trường dân tộc nội trú và dự bị đại học dân tộc toàn quốc, thực hiện xuất sắc nhiệm vụ giáo dục và đào tạo, góp phần tạo nguồn nhân lực là người DTTS có trình độ cao, đóng góp chung vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi nói riêng và toàn quốc nói chung.

Cơ hội phát triển mới

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, đổi mới giáo dục dân tộc là nhiệm vụ quan trọng trong chương trình đổi mới giáo dục quốc gia. Đổi mới giáo dục đòi hỏi phải tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước gắn với đẩy mạnh phát triển giáo dục mũi nhọn, nhất là trong và sau đại dịch COVID-19 bất bình đẳng trong giáo dục có xu hướng gia tăng. 

Tại Hội nghị Thượng đỉnh giáo dục được tổ chức tại Hoa Kỳ tháng 9/2022, do Tổng Thư ký Liên hợp quốc chủ trì với sự tham gia của người đứng đầu ngành Giáo dục và Đào tạo đến từ 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, Việt Nam đã cam kết với quốc tế quan tâm giải quyết bất bình đẳng về giáo dục.

Một trong những biện pháp để giải quyết bất bình đẳng về giáo dục là chăm lo phát triển giáo dục cho người dân tộc thiểu số. Bởi vì người dân tộc thiểu số nước ta hầu hết sinh sống tại vùng sâu, vùng xa nên cơ hội tiếp cận với giáo dục gặp nhiều khó khăn.

Đào tạo dự bị đại học dân tộc là khâu quan trọng để chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi 

Các trường chuyên biệt có vai trò quan trọng trong thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước; là giải pháp cần thiết tạo nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số. Dự bị đại học là khâu quan trọng để chuẩn bị nguồn nhân lực, phát triển con người theo nhu cầu phát triển bản thân của con em đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong quá trình hình thành và phát triển, các trường luôn nhận được sự quan tâm, ưu tiên của Nhà nước. Về phía các trường đã có những đóng góp không nhỏ vào công tác giáo dục dân tộc của đất nước.

Tại Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới yêu cầu: “Đổi mới phương thức tuyển sinh theo hướng cử tuyển, chế độ dự bị đại học, đào tạo nghề cho đối tượng người DTTS”.

Để thực hiện tốt yêu cầu trong Kết luận 65-KL/TW của Bộ Chính trị, việc chuyển các trường dự bị đại học từ Bộ Giáo dục và Đào tạo về trực thuộc Ủy ban Dân tộc là giải pháp vĩ mô nhằm tạo điều kiện cho các trường thực hiện tốt hơn chức năng trường chuyên biệt.

Theo Quyết định số 1127/QĐ-TTg ngày 26/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ, 5 trường gồm: Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương, Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn, Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương Nha Trang, Dự bị Đại học Thành phố Hồ Chí Minh và Trường phổ thông vùng cao Việt Bắc (gọi chung là trường chuyên biệt) được điều chuyển nguyên trạng từ Bộ Giáo dục và Đào tạo về trực thuộc Ủy ban Dân tộc.

Đây là sự kiện quan trọng đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, với Ủy ban Dân tộc, đồng thời mở ra chặng đường, cơ hội phát triển mới với cả 5 trường - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định.

Sau khi tiếp nhận bàn giao nguyên trạng, Ủy ban Dân tộc sẽ là cơ quan chủ quản 5 trường chuyên biệt về tài chính, nhân sự, cơ sở vật chất. Trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực chuyên môn vẫn là Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đồng chí Hầu A Lềnh - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc khẳng định, sau khi tiếp nhận các trường, Ủy ban Dân tộc sẽ tích cực phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, chính quyền tỉnh, thành phố nơi các trường đứng chân đảm bảo tốt nhất về cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết khác để mở rộng cơ hội, quy mô giáo dục cho con em đồng bào dân tộc thiểu số. 

Cơ hội phát triển mới đang mở ra với các trường khi nhận được sự đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi (CTMTQG) được tổ chức thực hiện từ năm 2021.

Trong CTMTQG có Tiểu dự án 2 của Dự án 4: Đầu tư cơ sở vật chất các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực công tác dân tộc. Đối tượng thực hiện Tiểu dự án 2 chính là 4 trường dự bị đại học dân tộc và Trường phổ thông Vùng cao Việt Bắc - những trường được chuyển giao từ Bộ Giáo dục và Đào tạo về Ủy ban Dân tộc theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Dự kiến nhu cầu vốn và nguồn vốn để thực hiện Tiểu dự án 2 là 2.800 tỷ đồng, đầu tư từ ngân sách trung ương, phù hợp với yêu cầu được đặt ra tại Hội nghị Thượng đỉnh về giáo dục toàn cầu là các quốc gia đảm bảo, tăng cường nguồn tài chính công cho giáo dục.

Lãnh đạo các trường dự bị đại học dân tộc đều tin tưởng với sự đầu tư của Chương trình MTQG sẽ mở ra cơ hội để hệ thống các trường ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công tác giáo dục dân tộc. Các trường sẽ phát huy truyền thống, nêu cao tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ; xứng đáng với kì vọng và niềm tin của Đảng, Nhà nước khi giao trọng trách tạo nguồn nhân lực chất lượng cao người DTTS cho hệ thống chính trị nước nhà./.

Bài, ảnh: Phương Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực