Chuyển đổi số góp phần nâng cao chất lượng giáo dục

Thứ bảy, 07/10/2023 15:47
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Để thích nghi với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như tạo ra thay đổi đột phá toàn diện, ngành giáo dục Vĩnh Phúc đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tăng cường công tác chuyển đổi số nhằm không ngừng nâng cao chất lượng trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập.

Tỉnh Vĩnh Phúc hiện có có 512 trường học, trong đó 180 trường mầm non, 145 tiểu học, 131 trung học cơ sở, 16 liên cấp tiểu học và trung học cơ sở, 32 trung học phổ thông và 8 trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên...

Nhận thức rõ tầm quan trọng của cuộc cánh mạng công nghiệp 4.0 và số hóa trong lĩnh vực giáo dục, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Vĩnh Phúc cùng với các địa phương trong cả nước đã chủ động tham gia và nắm bắt thành quả của công nghệ thông tin trong quản lý và đào tạo hướng đến chuyển đổi số toàn diện nền giáo dục từ cơ sở vật chất, hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu số chuyên ngành, đường lối, chủ trương chính sách đến đội ngũ lãnh đạo, cán bộ viên chức, giảng viên, giáo viên, người học,... với mục tiêu không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục, cải thiện năng suất lao động, tạo cơ hội lớn để hội nhập quốc tế.

 Một hội nghị triển khai nhiệm vụ của Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc đầu năm học 2023 - 2024.

Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Huyến cho biết: Ngay từ khi triển khai chủ trương chuyển đổi số, Sở đã kiện toàn, thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số các cấp ngành giáo dục; tham mưu kịp thời cấp trên các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đề xuất nguồn lực về đáp ứng về nhân lực, cơ sở vật chất phục vụ chuyển đổi số.

Cùng với đó, Sở đã tăng cường chỉ đạo các nhà trường, các tổ/nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh phù hợp với kế hoạch giáo dục từng môn học, hoạt động giáo dục của nhà trường theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong đổi mới hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá; chuẩn bị tốt các điều kiện để từng bước triển khai các hoạt động kiểm tra, đánh giá, thi trực tuyến, bảo đảm chất lượng, hiệu quả; Tăng cường ứng dụng CNTT trong đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá nâng cao chất lượng giáo dục; từng bước xây dựng kho học liệu số, video, hình ảnh, phần mềm thí nghiệm ảo, phần mềm mô phỏng và các học liệu điện tử khác để cho giáo viên và người học khai thác sử dụng...

Trong hơn 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, đặc biệt hơn khi Vĩnh Phúc là tỉnh đầu tiên xuất hiện dịch COVID-19 vào năm 2020, mọi hoạt động bị đình trệ ảnh hưởng không nhỏ tới mọi lĩnh vực trong đó có ngành giáo dục. Tuy nhiên, đây cũng chính là thời điểm mà CNTT được khai thác một cách triệt để, toàn diện nhằm thực hiện phương châm “tạm dừng đến trường, nhưng không dừng việc học”. Ngành GD&ĐT Vĩnh Phúc đã chủ động áp dụng CNTT, công nghệ số vào quản lý, giảng dạy và chỉ trong thời gian ngắn, 100% các cơ sở giáo dục trên địa bàn đã chuyển đổi sang dạy học online - một hình thức chưa từng có trong tiền lệ, tuy còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai nhưng đã có những thành tựu khả quan mang lại.

Thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong GD&ĐT giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc đã phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, tuyên truyền vể chuyển đổi số cho cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh toàn tỉnh bằng nhiều hình thức khác nhau; Tập huấn nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên về giáo dục STEM trong giáo dục phổ thông. Nâng cao năng lực cho giáo viên về xây dựng nội dung và thiết kế kế hoạch chủ đề/bài học STEM.

Từ tháng 6/2022 ngành Giáo dục Vĩnh Phúc đã triển khai sâu rộng cuộc thi “Xây dựng thiết bị dạy học số năm 2022” và thi Thiết kế bài giảng điện tử (phần thi thiết bị dạy học số) năm học 2022-2023 nhằm xây dựng kho học liệu số ngành giáo dục... Giáo viên và học sinh đã được xác thực số định danh cá nhân với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia qua hệ thống Cơ sở dữ liệu ngành tỉ lệ đạt trên 99%.

Cuối tháng 9/2022, Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch về triển khai chuyển đổi số ngành GD&ĐT năm học 2022-2023; ban hành hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ ứng dụng CNTT, chuyển đổi số và thống kê giáo dục năm học. Theo đó, các đơn vị, nhà trường trên toàn tỉnh đã xây dựng Kế hoạch chuyển đổi số năm học 2022-2023 ở cơ quan, đơn vị, nhà trường; lãnh, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ dựa trên các chỉ tiêu đã đề ra trong Đề án chuyển đổi số của UBND tỉnh...; thành lập Tổ chuyển đổi số để triển khai thực hiện tại đơn vị mình.

Trong năm học 2022-2023, ngành giáo dục Vĩnh Phúc đã hoàn thành đầu tư, chuyển giao các nền tảng chuyển đổi số dùng chung của toàn ngành để triển khai áp dụng có hiệu quả, từng bước thay đổi phương thức quản lý, đổi mới phương pháp dạy học, xây dựng môi trường giáo dục linh hoạt, thích ứng, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ chung của toàn ngành giáo dục.

Đồng thời đổi mới nội dung, hình thức, qui mô công tác bồi dưỡng, tự bồi dưỡng kỹ năng sử dụng CNTT trong mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên; bồi dưỡng kỹ năng số dành cho học sinh (đặc biệt học sinh lớp 9, lớp 12) góp phần phổ cập kỹ năng số trong toàn ngành. Các chỉ tiêu hoàn thành đưa ra đều ở mức cao, phổ biến là trên 95%; có chỉ tiêu đề ra ở mức 100% như: Lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính trên phần mềm một cửa điện tử.

Hiện nay, tất cả cơ sở giáo dục tại tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện khai thác, sử dụng các kho học liệu trực tuyến dùng chung trên các nền tảng số và đều xây dựng được website đăng tải hoạt động của trường, các thông tin quản lý và điều hành được chuyển dần sang hình thức văn bản điện tử. Tổng số dịch vụ công đang triển khai 66 dịch vụ (trong đó thủ tục hành chính toàn trình: 38 thủ tục; thủ tục hành chính một phần: 28 thủ tục).

 Học sinh Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc hào hứng, say mê trong một tiết học ứng dụng chương trình chuyển đổi số.

Ông Phạm Ngọc Thiệu, Trưởng Phòng GD&ĐT thành phố Phúc Yên (Vĩnh Phúc) cho biết: Việc chuyển đổi số trong giáo dục đã tạo ra những đổi mới đột phá cho công tác quản lý giáo dục, dạy và học của đơn vị. Như trước đây các thủ tục giấy tờ thường phải in ấn rất nhiều thì nay đã ứng dụng nền tảng số hóa, mọi thứ đã trở nên đơn giản, đã xuất hiện những hội nghị, buổi họp giao ban không giấy tờ tài liệu; rồi chứng từ, chữ ký số đã đơn giản hóa đi nhiều khâu phải làm thủ công trước đây bằng công cụ cái máy tính bảng hay chiếc điện thoại thông minh.

“Trước đây mọi thông tin liên lạc giữa nhà trường và phụ huynh đều thông qua sổ liên lạc thì nay nhà trường đã lập các nhóm zalo, facebook theo lớp, theo khối, rồi thông qua trang thông tin điện tử nhà trường, mọi thông tin học hành của con cái đều được thông tin nhanh chóng, kịp thời và tiện lợi giữa nhà trường và phụ huynh. Thậm chí phụ huynh còn có thể tương tác trực tiếp, thường xuyên với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn của con mình. Hay đơn cử như việc đóng học phí chúng tôi cũng chỉ cần ngồi nhà chuyển khoản cho nhà trường chứ không cần phải đến tận nơi nộp thủ công như trước đây nữa...” – chị Nguyễn Thu Trang, có con đang theo học tại Trường THCS Hai Bà Trưng, thành phố Phúc Yên (Vĩnh Phúc) chia sẻ.

 “Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của thời đại, là yêu cầu cấp thiết đối với các cơ sở GD&ĐT trên địa bàn tỉnh. Chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục đào tạo trên địa bàn tỉnh đã có những bước tiến quan trọng trong thời gian qua. Các cơ sở giáo dục đã ứng dụng CNTT trong nhiều hoạt động như quản lý, dạy học, kiểm tra, đánh giá....đều đạt kết quả rất khả quan” - Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Huyến nhận định.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác chuyển đổi số trong ngành giáo dục Vĩnh Phúc cũng gặp phải một số khó khăn như: Năng lực, kỹ năng ứng dụng CNTT của cán bộ quản lý, giáo viên còn hạn chế; Các giải pháp nền tảng, kết nối chưa đồng bộ giữa các cấp, các ngành; Cơ sở vật chất, hạ tầng CNTT chưa đồng bộ; Nội dung, tài liệu, học liệu số còn thiếu và chưa đáp ứng nhu cầu; sự hợp tác giữa các cơ sở giáo dục với doanh nghiệp, tổ chức trong lĩnh vực CNTT chưa phát huy tối đa hiệu quả...

Để khắc phục những vấn đề trên, thời gian tới ngành giáo dục Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng ứng dụng CNTT cho cán bộ quản lý, giáo viên; xây dựng, triển khai hệ thống nền tảng dùng chung trên toàn quốc, đồng bộ, kết nối các phần mềm, hệ thống nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả ứng dụng CNTT và đẩy nhanh tiến độ thực hiện chuyển đổi số trong ngành giáo dục; chủ động huy động nguồn lực để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng CNTT đảm bảo đồng bộ, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số.

“Để thực hiện thành công chủ trương chuyển đổi số, cần có sự quan tâm, đầu tư của các cấp, các ngành, sự nỗ lực của các cơ sở giáo dục đào tạo và sự chung tay của toàn xã hội. Với sự nỗ lực, cố gắng ấy, chắc chắn chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục đào tạo trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục gặt hái thành công, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao” – Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Huyến nhấn mạnh.

Ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi mặt của đời sống trong thời đại công nghiệp 4.0 là xu thế tất yếu, là lời giải cho sự phát triển mà giáo dục là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên triển khai thực hiện trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, hướng đến một nền Giáo dục mở. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn trong phiên họp của Ủy ban về giáo dục và phát triển nhân lực về lấy ý kiến dự thảo Đề án Tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong GD&ĐT giai đoạn 2021-2025 từng nhấn mạnh việc thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục nếu thực hiện tốt đây sẽ là cú hích làm thay đổi tư duy giáo dục, quản trị giáo dục, thay đổi nghề nghiệp của người dạy và hoạt động của người học, hướng tới giải quyết những vấn đề mang tính bền vững, lâu dài trong ngành giáo dục.

Bài, ảnh: Kim Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực