Giải “cơn khát” nguồn nhân lực lĩnh vực chip bán dẫn

Thứ tư, 18/10/2023 01:18
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Do thị trường lao động về lĩnh vực bán dẫn – vi mạch mới manh nha hình thành, thách thức lớn nhất là làm sao thu hút được sinh viên theo học các chuyên ngành này và nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu khắt khe của các doanh nghiệp Mỹ.

Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử - bán dẫn - vi mạch, phục vụ cho máy móc điện tử và chuyển đổi số, chúng ta đều thấy xu thế dịch chuyển nguồn cung ứng (supply chain) đang diễn ra trên thế giới và trong khu vực.

Nhân chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ đến Việt Nam vào tháng 9/2023, Hoa Kỳ khẳng định cam kết tăng cường hỗ trợ Việt Nam đào tạo và phát triển lực lượng lao động công nghệ cao. Hoa Kỳ ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn – vi mạch, ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn – vi mạch tại Việt Nam và hai bên sẽ tích cực phối hợp nhằm nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung bán dẫn toàn cầu.

Liên quan đến nội dung này, ngày 17/10,  tại buổi chia sẻ với báo chí về đào tạo nhân lực công nghiệp chip bán dẫn trong hệ thống cơ sở giáo dục đại học Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết, trong 5 năm tới dự báo nhu cầu cho nhân lực trong lĩnh vực chip bán dẫn khoảng 20.000 nhân sự. 10 năm tới con số này có thể lên tới 50.000 nhân sự trình độ từ đại học trở lên.

 PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo , Ảnh: TL.

Thống kê hiện nay cho thấy, nhân lực thiết kế vi mạch chuyên môn hóa mới có khoảng 5000 người. Theo các trường Đại học (ĐH) công nghệ kỹ thuật, nhu cầu đào tạo trong những năm tới khoảng 3000 người/ năm. Số tốt nghiệp sau ĐH tại các trường ĐH kỹ thuật dự báo ít nhất phải chiếm 30%.

Trong những năm qua Việt Nam đã có chính sách, truyền thông khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học mở rộng, phát triển các ngành đào tạo STEM, trong đó tập trung vào các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông (ICT), các ngành phục vụ nhân lực Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 - AI, Bigdata,… Trong giai đoạn 2019-2022, số tuyển mới sinh viên đại học khối STEM tăng trung bình 10% mỗi năm, cao hơn so với mức tăng trưởng chung 6,5%. Ba lĩnh vực có mức tăng trưởng trung bình hàng năm mạnh nhất là Máy tính và công nghệ thông tin (17,1%), Công nghệ kỹ thuật (10,6%).

Các trường đại học kỹ thuật công nghệ hàng đầu của Việt Nam đã tương đối sẵn sàng về năng lực đào tạo đáp ứng yêu cầu về nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn – vi mạch như : Nhân lực về nghiên cứu, phát triển và sản xuất vật liệu bán dẫn: có các ngành đào tạo về hóa học, vật lý, vật liệu… Nhân lực về thiết kế và sản xuất vi mạch: các ngành đào tạo phù hợp nhất là kỹ thuật điện tử, điện tử-viễn thông; các ngành gần bao gồm kỹ thuật điện, điều khiển và tự động hóa, cơ điện tử…

Về hình thức đào tạo, theo bà Thuỷ, việc đào tạo có thể tuyển mới đào tạo từ đầu, hoặc sinh viên học các ngành gần có thể chuyển đổi để học chuyên sâu trong 1-2 năm cuối, hoặc kỹ sư đã tốt nghiệp các ngành gần có thể học bổ sung các khóa đào tạo từ vài tháng tới 1-2 năm để đáp ứng được yêu cầu của lĩnh vực bán dẫn – vi mạch.

Theo số liệu thống kê, số lượng sinh viên đại học các ngành phù hợp (điện tử-viễn thông, vi điện tử…) tuyển mới khoảng 6.000 và tốt nghiệp khoảng 5.000/năm, gia tăng trung bình 7%/năm. Với các ngành gần như: điện, cơ điện tử, tự động hóa, kỹ thuật máy tính…, số lượng sinh viên tuyển mới khoảng 15.000 và tốt nghiệp khoảng 13.000/năm, gia tăng trung bình 10%/năm.

Như vậy, nếu 30% sinh viên các ngành phù hợp và 10% các ngành gần theo học các chuyên ngành vi mạch bán dẫn, thì số lượng 3.000 người tốt nghiệp/năm là khả thi.

Theo Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy, tổng 2 lực lượng này có thể đáp ứng được nhu cầu mới. Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Giáo dục GDĐH cho rằng, do thị trường lao động về lĩnh vực bán dẫn – vi mạch mới manh nha hình thành, chủ yếu ở dạng tiềm năng, thách thức lớn nhất là làm sao thu hút được sinh viên theo học các chuyên ngành này và nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu khắt khe của các doanh nghiệp Mỹ. Điều này rất cần các chính sách hỗ trợ đồng bộ, dẫn dắt từ phía Nhà nước.

Phân tích về nhu cầu và năng lực đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn vi mạch, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết, Bộ GD-ĐT đề xuất 3 nhóm chính sách lớn để phát triển ngành này.

Nhóm chính sách hỗ trợ, khuyến khích người học, để nâng cao số lượng và chất lượng tuyển sinh đầu vào, như chính sách học bổng, miễn giảm học phí, tín dụng ưu đãi… nhất là để thu hút ít nhất 1.000 theo học sau đại học (hiện nay tỉ lệ học sau đại học các ngành này chỉ khoảng 4%).

Nhóm chính sách hỗ trợ, đầu tư đột phá để tăng cường năng lực đào tạo và nghiên cứu.

Nhân lực thiết kế vi mạch chuyên môn hóa mới có khoảng 5.000 người. Ảnh minh hoạ. Nguồn: nhadautu.vn.

Nhóm chính sách khuyến khích, thúc đẩy hợp tác  đại học – viện nghiên cứu - doanh nghiệp, trong nước và ngoài nước, nhất là với các trường đại học, doanh nghiệp đối tác của Hoa Kỳ (có tiềm năng đầu tư tại Việt Nam).

Về phía, Bộ GDĐT đang chủ trì xây dựng để trình Thủ tướng vào cuối năm nay 2 đề án quan trọng: Đề án đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghệ cao và Đề án xây dựng một số trung tâm nghiên cứu, đào tạo xuất sắc về công nghệ 4.0.

Trong chuyến đi tháp tùng Thủ tướng vừa qua, Bộ GDĐT đã ký Bản ghi nhớ hợp tác với Intel về phát triển nguồn nhân lực cho các ngành công nghệ cao, trong đó có lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

Hiện nay, Bộ GDĐT đang xây dựng một Kế hoạch hành động thúc đẩy triển khai đào tạo và nghiên cứu trong các lĩnh vực công nghệ bán dẫn, vi mạch, sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10, trong đó sẽ chỉ đạo và hỗ trợ các cơ sở GDĐH hợp tác thành một liên minh, chia sẻ và sử dụng chung các nguồn lực, năng lực trong đào tạo và nghiên cứu.

Hy vọng với những giải pháp trên, trong thời gian tới, chúng ta sẽ phát triển được nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghệ cao nói chung cũng như giải được cơn khát nhân lực chất lượng cao cho ngành chip bán dẫn nói riêng./.

Vy Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực