Kỳ thi vào lớp 10 tại Hà Nội: Nhiều thí sinh tự tin đạt điểm cao môn Ngữ văn

Thứ bảy, 18/06/2022 12:27
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Sáng 18/6, hơn 106.000 thí sinh tại Hà Nội tham dự kỳ thi vào lớp 10 đã thi môn đầu tiên Ngữ văn, với thời gian làm bài 120 phút. Theo ghi nhận tại một số điểm thi, nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi cho biết cảm thấy phấn khởi vì đề thi vừa sức.

Theo đánh giá của nhiều thí sinh, đề thi môn Ngữ văn năm nay sát với chương trình học, theo chuẩn kiến thức bậc THCS. Trong đó tập trung vào nội dung trong chương trình lớp 9, tuy nhiên vẫn có sự phân loại đối với thí sinh. Cụ thể như ở môn Ngữ Văn, phần đọc-hiểu văn bản có nội dung bàn về vấn đề khi có một gương mặt đẹp để soi vào gương đã là hạnh phúc nhưng hạnh phúc sẽ trọn vẹn hơn nếu có một tâm hồn đẹp.

 Những thí sinh đầu tiên bước ra khỏi phòng thi tại điểm thi Trường THPT Việt Đức (Hà Nội). Ảnh: Vy Anh

Tại điểm thi THPT Việt Đức, em Lê Thu Huyền (THCS Tân Mai) cho biết: “Em thấy đề thi tương đối dễ, đều nằm trong chương trình sách giáo khoa và những nội dung mà các thầy, cô giáo đã ôn luyện cho chúng em. Tuy nhiên, đề thi môn Ngữ văn cũng có tính phân loại rõ. Bởi có một số câu trong các phần thi đòi hỏi kiến thức rộng, sự hiểu biết và cảm nhận về cuộc sống thực tế và cả những suy nghĩ, quan điểm của cá nhân về vấn đề đó. Em tự tin mình sẽ đạt 8,5 đến 9 điểm. Em sẽ phấn đấu thi tốt môn Ngoại ngữ vào chiều nay và môn Toán vào sáng mai để đỗ vào Trường THPT Việt Đức theo đúng nguyện vọng đã đăng ký”.

Cùng quan điểm, thí sinh Trần Khánh Linh (THCS Tân Mai) cho biết nhiều bạn của em "trúng tủ" với đề Ngữ văn năm nay. Ngay sau nhận được đề thi, Linh đã cảm thấy rất vui và tự tin vào bài làm của mình. So với kết quả đã làm được, Linh tự tin mình sẽ đạt từ 8 điểm trở lên. Đối với phần nghị luận, Linh cho rằng câu hỏi rất phù hợp với thực tiễn, chỉ cần có một chút kiến thức xã hội là hoàn toàn có thể làm được.

Bà Đỗ Thị Hiền (Hàm Long) có con thi vào Trường THPT Việt Đức chia sẻ: “Hơn 2 năm trong tình trạng phải học online do dịch COVID-19, tâm lý thấp thỏm, cộng với đó năm nay thí sinh đăng ký dự thi đông hơn mọi năm, nên việc chọn trường được gia đình cô phải cân nhắc rất nhiều. Em nhà cô đăng ký nguyện vọng 1 vào trường THPT Việt Đức, nguyện vọng 2 là trường THPT Hai Bà Trưng. Gia đình cũng chọn trường ngoài công lập Tạ Quang Bửu để dự phòng cho em. Mọi sự lựa chọn trường dù công lập hay ngoài công lập gia đình cô luôn ưu tiên sự gần nhà cho em đi lại đỡ vất vả".

Ông Nguyễn Văn Long (phụ huynh em Hữu Minh - học sinh Trường THPT Trưng Vương) cho biết: “Chú để con tự do đặt nguyện vọng chứ không hề áp đặt, giờ con đi thi, gia đình luôn động viên là con cứ thoải mái mà thi, làm hết sức mình, học sao thi vậy chứ không cần lo lắng quá nhiều. Con lớn rồi, mình cần cho con học cách tự lập. Bây giờ em thi xong môn Ngữ văn, hai bố con sẽ về nhà ăn cơm, nghỉ ngơi để chiều tiếp tục với môn Tiếng Anh”.

Ông Nguyễn Văn Long có con thi lớp 10 năm nay chia sẻ với phóng viên. Ảnh: Vy Anh

Nhận xét về đề thi Ngữ văn, các thầy cô Tổ Ngữ văn – Hệ thống giáo dục HOCMAI cho rằng, cấu trúc đề của Hà Nội vốn có đặc trưng riêng và vẫn giữ ổn định nhiều năm, năm nay cũng không ngoại lệ. Do thời gian làm bài quay trở về 120 phút nên số lượng câu hỏi thành phần tăng so với đề thi 2021-2022 (với thời gian 90 phút) là điều tất yếu. Kiến thức Văn học và Tiếng Việt trải ra ở cả hai học kì, tuy nhiên trọng tâm vẫn rơi vào nội dung của Học kì II, phù hợp với tình hình “đặc biệt” của năm học 2021 - 2022.

Với sức ép của số lượng thí sinh rất đông, có thể nói đề thi đã đảm bảo yêu cầu của một kì thi tuyển sinh với độ phân hoá khá tốt, giảm áp lực cho thí sinh lúc làm bài. Dự kiến kiến phổ điểm trung bình không thấp, có thể từ 6.5 - 7.5 nhưng sức nóng điểm chuẩn cũng vẫn sẽ là một vấn đề đáng quan tâm của kì thi năm nay.

Cụ thể, Phần I (6,5 điểm) hỏi về bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải là một văn bản có giá trị, ngữ liệu trong đề đã bóc tách được những câu thơ, đoạn trích xác đáng để đưa vào các câu hỏi thành phần. Một phần của câu hỏi 1 tương đồng với câu hỏi 1 trong phần hướng dẫn đọc hiểu văn bản trong SGK Ngữ văn 9, tập 2 (tr.57), rất quen thuộc với học sinh. Tuy vậy, câu hỏi số 3 nhiều khả năng liên quan đến 1 văn bản thuộc phần “Khuyến khích học sinh tự đọc” trong Phụ lục 2 của Công văn 4040/BGDĐT-GDTrH mà học sinh có thể lựa chọn trong lúc làm bài.

Phần II (3,5 điểm), ngữ liệu được lựa chọn không mới, đã xuất hiện nhiều lần trong các đề thi thử sức. Với ngữ liệu quen thuộc và đoạn trích rất ngắn, việc các câu hỏi thành phần và vấn đề nghị luận xã hội được nêu ra rất quen thuộc với thí sinh là điều có thể dự báo trước. Tuy nhiên, do số điểm của phần này không cao nên có thể giúp thí sinh dễ dàng lấy được điểm số tốt cho bài thi năm nay./.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực