Nam Định nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

Thứ ba, 04/04/2023 18:49
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Để thực hiện mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XX đã xác định đào tạo nhân lực chất lượng cao cho phát triển công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ là một trong 3 khâu đột phá. Với chức năng nhiệm vụ được giao, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ - TB & XH) tỉnh đã tích cực tham mưu và triển khai nhiều giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.

Nam Định là tỉnh thuộc khu vực phía Nam đồng bằng sông Hồng, có dân số khoảng 1,836 triệu người (năm 2021). Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 1,043 triệu lao động (trên 15 tuổi) đang làm việc trong các ngành kinh tế, trong đó, có 356,3 nghìn người làm việc trong ngành nông, lâm, thuỷ sản (chiếm 34,15%); 396,7 nghìn người làm việc trong ngành công nghiệp, xây dựng (chiếm 38,02%) và 290,3 nghìn người làm việc trong ngành dịch vụ (chiếm 27,83%); tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 74%. Nhìn chung, về cơ bản nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh đã dần đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động về trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỷ luật và tác phong lao động. Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp trên địa bản tỉnh vẫn thiếu khoảng 18.000 - 20.000 lao động, chủ yếu là lao động phổ thông ngành may mặc, giày da, điện tử. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng, đồng thời, một lượng lao động của tỉnh làm việc tại các tại các doanh nghiệp ngoài tỉnh nơi có các chính sách thu hút và chế độ đãi ngộ cao hơn.

 Giờ thực hành của học sinh Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định.

Trên cơ sở đánh giá thực trạng nguồn lực, phân tích nhu cầu sử dụng lao động trong ngắn và dài hạn, cũng như định hướng thu hút đầu tư của tỉnh Nam Định trong giai đoạn hiện nay, ngành LĐ - TB & XH tỉnh đã có nhiều đề xuất, tham mưu thiết thực, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cụ thể, thực hiện chủ trương sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Ngành đã tham mưu để UBND tỉnh ra quyết định sáp nhập hoặc giải thể các cơ sở hoạt động không hiệu quả. Tính đến nay hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh có 38 đơn vị, bao gồm: 27 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 11 cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp thuộc các doanh nghiệp, tổ chức chính trị xã hội. Các ngành nghề trọng điểm được đầu tư theo quy hoạch của Bộ LĐ - TB & XH có 31 ngành nghề (bao gồm: 06 ngành nghề cấp độ quốc tế; 05 ngành nghề cấp độ khu vực ASEAN; 20 ngành nghề cấp độ quốc gia) với tổng quy mô đào tạo khoảng 2.000 người/năm.

 Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Nam Định tổ chức phiên giao dịch việc làm lưu động.

Những năm qua, hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã có những bước phát triển về cả quy mô và chất lượng đào tạo, từng bước đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài tỉnh. Công tác đào tạo đã có những chuyển biển tích cực và đạt được những kết quả đáng kể, từng bước chuyển từ hướng “cung” sang hướng “cầu”. Ngành nghề đào tạo phát triển đa dạng, phong phú gắn với nhu cầu doanh nghiệp, thị trường lao động; gắn với chiến lược quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đào tạo nguồn lao động có tay nghề, kỹ thuật phục vụ cho thu hút đầu tư ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong tỉnh.

Số lượng đào tạo cũng tăng lên mỗi năm, cụ thể, từ 31.300 người năm 2016 lên 35.200  vào năm 2021, qua đó, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh đạt 47%. Công tác giải quyết việc làm luôn gắn liền với công tác tuyển sinh đào tạo và đạt kết quả cao. Theo thống kê hàng năm, học sinh, sinh viên tốt nghiệp hệ trung cấp, cao đẳng ra trường có việc làm ngay đạt trên 90%, có trường đạt 100%, mức lương bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/tháng; cá biệt có những ngành nghề học sinh chưa nhận bằng tốt nghiệp, doanh nghiệp đã nhận vào làm việc (như nghề Hàn, May, Công nghệ ô tô...) với mức thu nhập sau ra trường luôn trên mức tối thiểu vùng.

Lĩnh vực dệt may đang thu hút một lượng lớn lao động trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là lao động ở nông thôn.

Để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, ngành LĐ - TB & XH tham mưu để tỉnh chỉ đạo và yêu cầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng cường xây dựng chương trình đào tạo trên cơ sở chuẩn đầu ra, có sự tham gia của doanh nghiệp, cơ quan sử dụng lao động; tích hợp các nội dung đào tạo một cách hợp lý về kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp, đạo đức nghề nghiệp trong chương trình đào tạo. Bên cạnh đó, xây dựng chương trình liên thông giữa các cấp trình độ đào tạo trong cùng ngành, nghề hoặc với các ngành, nghề khác hoặc liên thông lên trình độ cao hơn trong hệ thống giáo dục quốc dân; đẩy mạnh đào tạo tiếng Anh chuyên ngành cho nhóm nghề trọng điểm cấp độ quốc gia và quốc tế; tổ chức đánh giá trình độ tiếng Anh, tin học cơ bản cho học sinh, sinh viên theo chuẩn quốc tế.

Đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, ngành LĐ - TB & XH cũng phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh và các địa phương để điều tra, khảo sát nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tích cực triển khai công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, dự báo việc làm và xác định cụ thể nhu cầu, ngành nghề đào tạo cho lao động nông thôn. Trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho trên 23 nghìn lao động nông thôn, số lao động đã hoàn thành nội dung khóa học và được cấp chứng chỉ đạt 21.132 người, chiếm 91,6% trong tổng số học viên tham gia học nghề.

Năm 2021, Nam Định đã giải quyết việc làm mới cho 32,85 nghìn lượt người lao động (đạt 102,7 % kế hoạch năm).

Trong quá trình triển khai các lớp dạy nghề, công tác kiểm tra, giám sát được các đơn vị, cơ sở đào tạo nghề thực hiện thường xuyên nên đã kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót trong công tác dạy nghề và quản lý dạy nghề của các cơ sở đào tạo, các địa phương. Nhiều danh mục nghề mới, nhất là nghề nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quản lý trang trại và định mức hỗ trợ lao động nông thôn học nghề bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn, chất lượng đào tạo. Các đơn vị đào tạo cũng kết hợp lồng ghép các mô hình khuyến nông, khuyến ngư, mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với các lớp dạy nghề nhằm tạo điều kiện cho các học viên vừa học, vừa vận dụng làm mô hình thực tế. Đồng thời cập nhật kiến thức để cải tiến nội dung chương trình và chất lượng giáo trình dạy nghề ở tất cả các cơ sở dạy nghề.

Ông Hoàng Đức Trọng - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nam Định cho biết: Năm 2022, Sở LĐ-TB và XH Nam Định đã nỗ lực khắc phục khó khăn, bám sát kế hoạch và nhiệm vụ trọng tâm, đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra. Toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 35.011 lượt người lao động (đạt 109,41% kế hoạch năm, tăng 545 lượt người so với năm 2021). Tuyển sinh dạy nghề được 35.200 người (trong đó đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng là 2.967 người) đạt 100% kế hoạch năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1,74% xuống còn 1,32% (giảm 0,42% đạt chỉ tiêu Nghị quyết HĐND giao). Tỷ lệ hộ nghèo (gồm tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo) theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 giảm 2,01% (từ 6,78% xuống còn 4,77%). Duy trì tỷ lệ 100% trẻ em được đăng ký khai sinh đúng theo quy định của pháp luật; 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các ngành và UBND các huyện/thành phố thực hiện các giải pháp để duy trì 216 xã, phường, thị trấn không có tệ nạn mại dâm. An sinh xã hội trên địa bàn tỉnh được đảm bảo. 100% đối tượng đủ điều kiện, hồ sơ hưởng chính sách ưu đãi người có công được đảm bảo thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ theo chính sách đã ban hành. Tình hình quan hệ lao động trên địa bàn diễn ra hài hòa, ổn định, không xảy ra đình công.

Năm 2023, Sở LĐ-TB&XH Nam Định phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu cơ bản: Tạo việc làm cho khoảng 32 nghìn lượt người. Tuyển sinh, đào tạo nghề cho khoảng 35.200 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 49% vào cuối năm 2023. Triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Triển khai đồng bộ các giải pháp để xây dựng, duy trì quan hệ lao động hài hoà, tiến bộ tại các doanh nghiệp. Tập trung giải quyết đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng và các diện đối tượng có liên quan đến lĩnh vực người có công theo quy định. Tỷ lệ nghèo đa chiều (gồm tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo) giảm 0,6% so với năm 2022. 100% đối tượng BTXH được đảm bảo thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ trợ cấp, trợ giúp theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15-3-2021 của Chính phủ. Tiếp tục triển khai các hoạt động, đảm bảo thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của các chương trình, kế hoạch về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ đã đề ra.


CTV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực