Nâng cao nhận thức về tự chủ đại học

Thứ ba, 15/08/2023 22:36
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN)- Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, tự chủ đại học không chỉ dừng lại ở cấp quản lý cơ sở giáo dục, hay việc ban hành các quy chế. Điều quan trọng là quyền và trách nhiệm phải tới với các đơn vị thành tố bên trong của trường đại học; từ khoa cho tới các bộ môn, giảng viên.

Chiều 15/8, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã gặp gỡ giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên của các đại học, trường đại học.

Sự kiện được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối với hơn 400 điểm cầu của các đại học, trường đại học. Tự chủ đại học là một trong nội dung được nhiều trường nhắc tới.

Đã có hơn 200 ý kiến từ các trường cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục đại học được gửi tới Bộ trưởng. Các ý kiến tập trung vào các nhóm vấn đề như: Tự chủ đại học và vai trò đội ngũ giảng viên trong thực hiện tự chủ đại học; nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; chuyển đổi số trong giáo dục và thích ứng của các trường đại học với chuyển đổi số; cơ sở vật chất, quy hoạch mạng lưới…

Lãnh đạo các trường đại học trực tiếp kiến nghị đến Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: VA

Đề cập đến vấn đề tự chủ đại học, PGS.TS Phạm Thị Huyền, Trưởng bộ môn Marketting, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, tự chủ trong đại học hiện nay, xã hội vẫn hiểu là tự chủ trong thu học phí, thiên về tài chính và nghĩ là tự chủ là Nhà nước không hỗ trợ học phí và các hoạt động. Do đó, đề nghị Bộ GD&ĐT chung tay truyền thông về tự chủ đại học. Sự thiếu đồng bộ trong điều hành tự chủ tài chính đang đặt ra khó khăn cho các nhà trường. Vì thế, cần có cơ chế chính sách, văn bản chỉ đạo giúp các trường đại học điều hành tự chủ tài chính một cách hợp lý trong thời gian tới.

Chia sẻ về việc này, theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Việt Nam đã thực hiện hơn 30 năm với khởi đầu là sự ra đời của 2 Đại học Quốc gia. Hiện nay có nhiều trường đại học đã tự chủ rất cao.

Triển khai tự chủ đại học, một điểm vướng, khó hay được nhắc đến là thể chế. Chúng ta đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học (Luật 34), Nghị định 99 hướng dẫn thi hành luật, quy định nhiều nội dung chi tiết để thực hiện tự chủ. Nhưng vẫn có sự xung đột, chồng chéo, chưa đồng bộ với các bộ luật khác, khiến cho quyền tự chủ của giáo dục đại học rất khó thực hiện một cách đầy đủ.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng điều này cần có quá trình điều chỉnh. Hiện, Nghị định 99 đang được điều chỉnh và dự kiến năm 2023, Quốc hội, Chính phủ sẽ giao Bộ GD&ĐT xem xét, sửa đổi Luật 34. Từ đó tiếp tục mở đường cho tự chủ đại học được đúng hướng, có chiều sâu, thuận lợi cho cơ sở giáo dục đại học hơn.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao đổi với các giảng viên. Ảnh: TT

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng đánh giá một khó khăn khác của thực hiện tự chủ là sự hiểu về tự chủ; có nơi hiểu chưa hết, không dám làm hết; có nơi hiểu tự chủ là thích làm gì thì làm. Cả hai cách hiểu trên đều dẫn đến sai lệch trong quá trình thực hiện. Vấn đề tự chủ học thuật và vai trò của giảng viên đóng vai trò quan trọng trong tự chủ đại học. Điều quan trọng nhất của tự chủ là làm sao đến được các nhà khoa học, các giảng viên. Tự chủ đại học không chỉ dừng lại ở cấp quản lý cơ sở giáo dục, hay việc ban hành các quy chế. Điều quan trọng là quyền và trách nhiệm phải tới với các đơn vị thành tố bên trong của trường đại học; từ khoa cho tới các bộ môn, giảng viên.

Thời điểm này, các cơ quan từ Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã tương đối thống nhất quan điểm: Tự chủ không phải là tự túc, không phải phó thác cho các trường tự lo kinh phí. Tự chủ vẫn cần đầu tư, nhưng đầu tư như thế nào, lúc nào, cách gì còn đang là câu chuyện cần tiếp tục kiến nghị chính sách trong thời gian tới. Cùng với đó, về tự chủ học thuật, tự chủ tài chính cũng cần có điều chỉnh để làm tốt hơn vấn đề tự chủ.

 Quang cảnh buổi gặp gỡ. Ảnh: TT

Sắp xếp các trường sư phạm hợp lý để đảm bảo cung cấp đội ngũ giáo viên

Tại buổi gặp gỡ trực tuyến, thầy Mai Đình Nam, Chủ tịch Hội đồng Trường Cao đẳng sư phạm tỉnh Điện Biên mong muốn Bộ GD&ĐT sớm ban hành quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm nói chung, các trường cao đẳng sư phạm nói riêng. Trên cơ sở đó, các địa phương căn cứ để định hướng phát triển các trường sư phạm cũng như có chính sách đầu tư thích đáng để đáp ứng việc đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên giáo viên tại địa phương, nhất là ở các tỉnh miền núi.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, quy hoạch đại học là nhiệm vụ rất lớn, rất khó và rất phức tạp, phải tính toán nguồn lực và định hướng chiến lược, trong đó có cơ cấu của các đại học quốc gia, các đại học vùng, đại học trọng điểm, mật độ, tỷ lệ sinh viên các đại học vùng, lĩnh vực ưu tiên đào tạo.

“Hiện có ba đại học vùng. Theo nghị quyết của Ban Bí thư về phát triển 6 vùng, có lẽ phải thành lập thêm một số đại học vùng, dự kiến ở khu vực Tây Nguyên, Đồng bằng Nam Bộ và phía Tây của khu vực miền núi phía Bắc để đảm bảo các yêu cầu đào tạo nhân lực và phát triển của vùng”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nói.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, một vấn đề quan trọng khác là sắp xếp các trường sư phạm hợp lý để đảm bảo cung cấp đội ngũ giáo viên. Hiện hệ thống trường cao đẳng sư phạm đang gặp khó khăn khi chỉ đào tạo hệ thống mầm non với số lượng rất ít, lãng phí cơ sở vật chất và nhân lực, không phát huy hết được năng lực. Một trong các công việc của quy hoạch là sắp xếp lại các trường này theo hướng một số cơ sở cao đẳng sư phạm sẽ sáp nhập với trường đại học sư phạm hoặc một số đại học có đào tạo các ngành khoa học cơ bản làm nền tảng để tiếp nhận đào tạo sư phạm.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định, việc quy hoạch giáo dục đại học chắc chắn sẽ cần nhiều trao đổi. Bộ GD&ĐT sẽ lấy ý kiến rộng rãi để hoàn thiện./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực