Nghịch lý thiếu giáo viên nhưng vẫn giảm biên chế

Thứ năm, 23/05/2024 19:15
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Theo đại biểu Quốc hội Chu Thị Hồng Thái (Đoàn Lạng Sơn) tình trạng thiếu giáo viên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm nhưng vẫn phải thực hiện tinh giản biên chế 10% theo lộ trình, ảnh hưởng đến việc giảng dạy tại các trường học.

Chiều 23/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Chu Thị Hồng Thái (Đoàn Lạng Sơn) đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ đã trả lời, giải quyết các kiến nghị của cử tri một cách nhanh chóng, tháo gỡ vướng mắc rất nhiều cho địa phương, nhất là việc trả lời giải quyết kiến nghị của cử tri đều được đa số các Bộ trưởng, Trưởng ngành ký văn bản trả lời. Điều này cho thấy sự quan tâm sát sao và trách nhiệm cao của các bộ, ngành trung ương đối với kiến nghị, phản ánh của cử tri.

Tuy nhiên, đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra, có những kiến nghị đã được các bộ, ngành giải quyết nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu như để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên trong các cơ sở giáo dục công lập thì Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111 năm 2022 về hợp đồng một số loại công việc trong các cơ quan hành chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Thực tế, việc hợp đồng giáo viên tại các cơ sở giáo dục gặp nhiều khó khăn, thiếu nguồn hợp đồng xong lương hợp đồng thấp và không có tính ổn định lâu dài nên cũng không thu hút được nguồn nhân lực. Tình trạng thiếu giáo viên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm nhưng vẫn phải thực hiện tinh giản biên chế 10% theo lộ trình.

 Đại biểu Quốc hội Chu Thị Hồng Thái (Đoàn Lạng Sơn) phát biểu tại Hội trường. (Ảnh: QH)

"Việc thiếu giáo viên so với định mức được giao ảnh hưởng đến việc phân công giảng dạy tại các trường học dẫn đến một số giáo viên phải giảng dạy trái chuyên môn. Do vậy, kiến nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu có giải pháp để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên", đại biểu nói.

Mặt khác, theo đại biểu, có những kiến nghị khi được ban hành văn bản để giải quyết nhưng khi thực hiện lại phát sinh các vướng mắc mới, như kiến nghị của cử tri về việc đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản thay thế Thông tư số 16 năm 2017 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 20/2023 ngày 30/12/2023, hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập; song trong quá trình triển khai thực hiện phát sinh một số vướng mắc mới. Do vậy, đại biểu rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thời gian tới xem xét, nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp.

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Đoàn Lai Châu) phản ánh: Nghị định 116 của Chính phủ ban hành ngày 18/7/2016, quy định về chính sách hỗ trợ học sinh vào trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn đã ban hành và thực hiện hơn 10 năm nay, trong đó có nhiều chính sách ưu đãi cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, tiếp bước các em đến trường. Tuy nhiên, sau khi thực hiện một thời gian đã có rất nhiều điểm bất cập, chưa sát với điều kiện, tình hình thực tiễn, nhất là quy định về điều kiện được hưởng chính sách quy định tại Điều 4 của nghị định là không hợp lý. Cụ thể quy định điều kiện khoảng cách địa lý nhà phải ở khoảng cách từ 4 km trở lên đối với học sinh tiểu học và từ 7 km trở lên đối với học sinh THCS hoặc địa hình phải qua sông, qua suối, không có cầu, qua đèo, qua núi cao, vùng sạt lở đất đá mới được hưởng chế độ bán trú và được ăn tại trường. Thực tế triển khai ở địa phương các thầy cô giáo và cử tri kiến nghị nhiều gia đình không đến 4 km, chỉ khoảng 3,8 - 3,9 km nhưng cũng không thể đi về trong buổi trưa được. Đối với miền núi đặc điểm đường dốc, mưa thì trơn, nắng thì bụi, xe đạp đi rất nguy hiểm nên bố mẹ các em học sinh phải đưa con đến trường.

“Nội dung này đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa thấy có ý kiến giải quyết và hiện nay theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tại biểu số 6 đang khảo sát, tham mưu, đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung. Tôi đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm tham mưu cho Chính phủ giải quyết vấn đề này”, đại biểu Hoàng Quốc Khánh nói.

Phát biểu giải trình, làm rõ nội dung các ĐBQH nêu, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn cho biết, sau Kỳ họp thứ 6, Bộ đã trả lời hơn 200 ý kiến, kiến nghị của cử tri một cách chu đáo. Đối với một số vấn đề cử tri tiếp tục kiến nghị, Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu và tiếp tục giải quyết.

 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn giải trình, làm rõ nội dung các ĐBQH nêu. (Ảnh: QH)

Về ý kiến của đại biểu Hoàng Quốc Khánh, liên quan đến Nghị định 116/2016/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Nghị định này mới được ban hành năm 2016. Trong quá trình triển khai trong thực tế cũng có những điểm bất cập mà Bộ cũng đã nhận thấy, vì vậy, Bộ cũng đã tiến hành điều chỉnh Nghị định này; tích hợp để giải quyết, xử lý một số các nội dung liên quan đến các vấn đề phát sinh từ Quyết định 861.

“Cho đến thời điểm này dự thảo nghị định thay thế cho Nghị định 116 đã được hoàn tất. Lần cuối cùng gần đây nhất ngày 22/4/2024, chúng tôi cũng đã có Tờ trình sang Văn phòng Chính phủ để Văn phòng Chính phủ thẩm định lần cuối trước khi trình Thường trực Chính phủ ban hành và hy vọng trong ít ngày tới sẽ có thể có ban hành được”, Bộ trưởng thông tin.

Làm rõ một số nội dung đại biểu Chu Thị Hồng Thái nêu, Bộ trưởng cho hay:  Về Nghị định 111, đầu mối xây dựng và trình nghị định là Bộ Nội vụ và có thể nói từ khi Nghị định 111 ra đời đã mở đường cho việc ký các hợp đồng lao động và rất nhiều hợp đồng Lao động đã được ký, giải quyết được thêm nhiều vị trí việc làm cho giáo viên ký hợp đồng và đã góp phần để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên. Tuy nhiên, vẫn có những vướng mắc, ví dụ khi chuẩn bị ký hợp đồng tìm nguồn vẫn còn có những khó khăn do thiếu nguồn như đại biểu nêu.

Bộ trưởng cho biết, có nhiều địa phương còn ngần ngại trong việc triển khai ký hợp đồng theo Nghị định 111. Cho nên, trong thời gian sắp tới Bộ sẽ rà soát và kiến nghị để cùng với Bộ Nội vụ tiếp tục xem xét các nội dung có liên quan.

Bộ trưởng thông tin, trong thời gian vừa qua, ngành GD&ĐT đang trong một quá trình chuyển đổi, thực tế phát sinh rất nhiều vấn đề cần phải lắng nghe, điều chỉnh. Cho nên, năm 2023-2024 thì toàn bộ các thông tư mà Bộ GD&ĐT đã và đang chuẩn bị ban hành, tổng số gần 60 thông tư, liên quan đến hầu hết các lĩnh vực GD&ĐT, trong quá trình chuyển đổi cũng có những điểm thực tế phát sinh.

“Tinh thần là chúng tôi sẽ hết sức khẩn trương, nguyên tắc cao nhất là phục vụ thực tiễn và giải quyết các vấn đề của thực tiễn theo yêu cầu của cuộc sống và nguyện vọng của cử tri”, Bộ trưởng nói./.

Vy Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực