Nhóm nòng cốt gồm 25 học sinh, đại diện cho hơn 750 em từ hơn 10 dân tộc thiểu số khác nhau đã trình bày kế hoạch truyền thông nâng cao nhận thức về an toàn tâm lý học đường, và các biện pháp nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, quyền của cộng đồng LGBT, phòng ngừa rủi ro bạo lực học đường và tăng cường sự hòa nhập cho các học sinh dân tộc thiểu số.
Sáng kiến được thực hiện thí điểm với sự hỗ trợ của các Học giả Chevening và nguồn tài trợ từ quỹ Dự án Học giả Chevening của Chính phủ Anh, bắt đầu từ tháng 11 năm 2024.
|
Đại sứ Anh tại Việt Nam Iain Frew cùng các cán bộ Bộ Nội vụ Anh và Đại sứ quán Anh tại Hà Nội thăm trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học phổ thông số 2 |
Phát biểu tại buổi gặp mặt với Đại sứ Anh, thầy giáo Hồ Quốc Việt - Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học phổ thông số 2 tỉnh Nghệ An cho biết: “Nhận thức sâu sắc vai trò của thúc đẩy “đa dạng, bình đẳng và hòa nhập” trong môi trường trường học, trong thời gian qua, tập thể giáo viên Trường PT DTNT THPT số 2 đã nỗ lực, lồng ghép các chương trình, hoạt động ngoại khóa nhằm phổ biến thông tin và trau dồi các kỹ năng cần thiết cho các em học sinh. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, các chương trình này còn hạn chế về mặt số lượng và chất lượng. Tôi tin tưởng dự án lần này do Đại sứ quán Anh tài trợ và các Học giả Chevening phối hợp triển khai với mục tiêu rõ ràng và lộ trình cụ thể sẽ là bước đi quan trọng và bài bản, hướng tới xây dựng môi trường học tập hòa nhập và thân thiện cho học sinh nhà trường.”
Trong khuôn khổ buổi gặp, 25 học sinh nòng cốt từ các khối lớp đã trình bày với Đại sứ Iain Frew, đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Ngoại vụ tỉnh Nghệ An về kế hoạch nâng cao kiến thức và nhận thức của 750 bạn học sinh toàn trường về giá trị của công bằng, đa dạng và hòa nhập, gồm các bước từ khảo sát hiện trạng, tập huấn nâng cao năng lực, các hoạt động truyền thông thông qua các giờ sinh hoạt văn hóa, chương trình phát thanh và thảo luận nhóm tại mỗi đơn vị lớp. Từ đó, nhóm nòng cốt sẽ thúc đẩy các bạn học cùng nhau triển khai các giải pháp nhỏ để xây dựng một môi trường giáo dục không chỉ đảm bảo chất lượng dạy và học, mà còn an toàn, thân thiện và công bằng cho tất cả học sinh, bất kể giới tính, tôn giáo, quốc tịch, điều kiện sức khỏe hay hoàn cảnh xã hội.
Ấn tượng với năng lực và nhiệt huyết của các em học sinh, Đại sứ Anh Iain Frew chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất lạc quan về sự phát triển của thế hệ trẻ Việt Nam khi lắng nghe các em học sinh trình bày quan điểm và sáng kiến của mình để tạo lập một môi trường học tập mà các em được tự tin bày tỏ nguyện vọng, và đóng góp vào chất lượng giáo dục. Các em đại diện cho một thế hệ trẻ có đủ sự tâm huyết, lý tưởng và hoài bão để đóng góp vào mục tiêu của Việt Nam và của Vương quốc Anh nhằm phát triển một xã hội hòa nhập, không để ai bỏ lại phía sau.”
Hơn 90% học sinh học tập tại trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học phổ thông số 2 tỉnh Nghệ An là con em thuộc các dân tộc thiểu số thuộc 12 huyện miền núi vùng sâu vùng xa, có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Sáng kiến triển khai tại nhà trường đóng góp vào mục tiêu của Chính phủ Việt Nam nhằm xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện theo Nghị định 80/2017/NĐ-CP, Mục tiêu Phát triển Bền vững số 4 và số 10 của Liên hợp quốc về nâng cao chất lượng giáo dục và giảm bất bình đẳng.
|
Hơn 90% học sinh học tập tại trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học phổ thông số 2 tỉnh Nghệ An là con em thuộc các dân tộc thiểu số thuộc 12 huyện miền núi vùng sâu vùng xa, có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn |
Đại diện cho nhóm Học giả Chevening chia sẻ trải nghiệm của mình khi điều phối dự án, Học giả Nguyễn Thị Diệu Linh chia sẻ: “Tôi đã rất bất ngờ khi các em học sinh bày tỏ những suy nghĩ rất sâu sắc về giá trị cá nhân, bản dạng giới và quyền của mình. Các em hỏi làm sao để đạt được sự bình đẳng thật sự, làm sao để các em không thấy xấu hổ khi “khác” những người còn lại, làm sao để văn hóa dân tộc mình không bị kì thị, hoặc làm sao để vượt lên khuôn mẫu một màu về định nghĩa học trò ngoan. Điều đó chứng tỏ các em rất quan tâm đến việc được đối xử công bằng và được tôn trọng bản ngã cá nhân của mình. Tôi tin rằng mọi thay đổi lớn đều bắt đầu từ những hành động nhỏ, và cùng với sự hỗ trợ của Ban giám hiệu nhà trường, các em sẽ sớm tự tìm ra giải pháp cho chính mình.”
Sau buổi chia sẻ, 25 bạn học sinh nhóm nòng cốt sẽ tiếp tục làm việc với nhóm Học giả Chevening để đẩy mạnh hoạt động truyền thông thay đổi nhận thức và thực hiện khảo sát giữa, cuối kì nhằm đánh giá tác động của sáng kiến.
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học phổ thông số 2 Nghệ An là trường đào tạo nguồn nhân lực cho các huyện miền núi và vùng núi cao. Liên tục nhiều năm nay, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học phổ thông số 2 Nghệ An là một trong số ít trường có nhiều học sinh được vinh danh trong lễ tuyên dương do UBND tỉnh Nghệ An tổ chức. Trường cũng luôn nằm trong tốp 3 của tỉnh về kết quả thi tốt nghiệp THPT. Hơn 90% học sinh là con em thuộc các dân tộc thiểu số thuộc 12 huyện miền núi xa xôi, có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn của tỉnh. Đặc biệt hơn, từ năm học 2023 - 2024, nhà trường được UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An giao nhiệm vụ đào tạo lưu học sinh Lào. |