Thầy cô giáo vùng khó khăn chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy, thu hút học sinh

Thứ sáu, 19/11/2021 17:21
(ĐCSVN) - Các thầy cô đã cùng nhau chia sẻ những khó khăn phải đối mặt, đặc biệt là những sáng tạo trong giảng dạy, thu hút học sinh tới lớp, tới trường.

Các thầy cô đều là những giáo viên tiêu biểu toàn quốc, có nhiều sáng kiến, đổi mới trong phương pháp giảng dạy, giúp học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả trong điều kiện khó khăn được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”.

Trong khuôn khổ chương trình tuyên dương, tại Diễn đàn “Áp dụng công nghệ đổi mới đối với việc dạy và học cho học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn” diễn ra ngày 19/11 tại Hà Nội, các thầy cô đã cùng nhau chia sẻ những khó khăn phải đối mặt, những sáng tạo trong giảng dạy, thu hút học sinh tới lớp, tới trường.

Khó khăn mà người giáo viên công tác tại vùng khó khăn phải đối mặt trong điều kiện dịch bệnh không thể kể hết 

Thầy Bùi Minh Đức, giáo viên Trường tiểu học và trung học cơ sở (TH&THCS) Phú Lương, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình cho biết, Quyết Thắng là xã 135, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn. Với môn Tin học mà thầy giảng dạy, học sinh miền núi tiếp cận rất rụt rè, lần đầu tiên ngồi trước máy tính còn sợ bàn phím, không dám ngồi gần. Thầy đã sử dụng các phần mềm, trò chơi trên máy tính để học sinh hết sợ, dần có hứng thú tiếp cận với môn học.

Có hơn 15 năm gắn bó với công tác giáo dục ở thị trấn vùng sâu, vùng xa nơi mảnh đất cực Nam Tổ quốc, thầy Trang Thành Giá, trường THPT Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau kể, khi dịch bệnh xảy ra, học sinh của thầy rất khó để học online.

“Các con đặc biệt thiếu máy tính, chủ yếu học trên điện thoại, chữ nhỏ, khó tập trung. Nhiều con đã có biểu hiện bị các tật về mắt. Ở vùng sông nước này, sóng di động còn chập chờn nên nhiều khi tiếp cận được bài giảng thì hết giờ. Không chỉ học trò, trình độ của phụ huynh cũng hạn chế, nhiều gia đình giao con cho ông bà quản lý để làm ăn xa. Thiếu sự kèm cặp sát sao, học sinh chểnh mảng trong học tập là điều không tránh khỏi. Nhiều thầy cô phải chuyển việc dạy học sang buổi tối để có người lớn kèm, học sinh tiếp thu hơn nên thời lượng bài giảng lại càng phải rút gọn. Nhưng điều tôi trăn trở nhất là sự tương tác với học trò gần như không có!”.

Thầy Trần Mạnh Hùng, huyện Minh Hóa, Quảng Bình kể, Trường Phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS Dân Hóa có 5 điểm trường, 95% là học sinh thiểu số rất ít người như dân tộc Chứt. Dù nhiều trường bạn đã sử dụng công nghệ thông tin để giảng dạy trực tuyến nhưng trường của thầy vẫn chưa thể áp dụng mà thầy cô vẫn phải chia nhau in bài, phân bổ các kiến thức cơ bản của cả tuần học tới tận nhà giao bài cho học sinh bởi số học sinh có thể sử dụng điện thoại chỉ 7-10% nhưng chủ yếu là điện thoại cũ, không vào được mạng.

Cũng trong tình trạng phải phân công nhau xuống bản, cô Trần Thị Kim Hòa, giáo viên dạy lớp 1, Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Lê Văn Tám, xã Krong, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai bày tỏ, là xã vùng 3, 96% học sinh dân tộc Ba Na, trường của cô không thể dạy trực tuyến mà phải giao phiếu bài tập đến tận làng cách trường rất xa. Học sinh của cô còn bận theo cha mẹ đi rẫy nên cứ cách ngày là cô phải xuống bản. Nhưng khó khăn hơn là phải nhờ già làng phối hợp để gửi bài, liên lạc với phụ huynh, học sinh.

“Ngay cả thầy cô chúng tôi cũng phải chia nhau, đăng ký sử dụng thiết bị dạy học. Đến tivi trường cũng chỉ có 1 chiếc nên chỉ mong có thêm tivi, có được sự hỗ trợ dù chỉ là bút, vở để thầy cô đỡ phải bỏ tiền túi vốn chẳng nhiều nhặn gì để mua vì học trò đi học chẳng có đến chiếc bút chì để viết, phụ huynh nhiều người không có tiền, 10 nghìn cũng không có, cất kỹ trong túi nên thầy cô cũng không nỡ thu! Nhiều học sinh bán trú cả tuần mới về nhà nhưng cặp cũng không có, quần áo, đồ dùng, sách vở, dụng cụ học tập gói gọn trong… túi nilon!”, cô Hòa nghẹn ngào.

 Thứ trưởng Ngô Thị Minh trao bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng các thầy cô được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”

Với cô Trang Thó Phe, Trường THCS&THPT huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai sáng tạo của thầy cô nơi còn nhiều khó khăn không chỉ là trong áp dụng công nghệ để giảng dạy mà còn trong sinh hoạt. “Đại dịch đặt ra nhiệm vụ với chúng tôi trước hết là duy trì số lượng học sinh tới trường và thay đổi phương pháp giảng dạy. Để thực hiện hai nhiệm vụ này, thầy cô chia nhóm đến các thôn, bản để vận động học sinh tới trường, tổ chức các hoạt động ngoài giờ, tặng quần áo, giày dép, đồ ăn cho trò để trò có thêm niềm vui, thêm động lực khi tới lớp. Khi tìm hiểu hoàn cảnh, học sinh chúng tôi đều muốn được học trực tiếp thay vì trực tuyến nhưng nếu vậy thì rất nhiều học sinh phải ở lại trường. Ở huyện vùng cao, thời tiết mùa đông vô cùng lạnh giá, thầy cô chúng tôi đã nghĩ ra cách có hệ thống nước nóng cho trò sử dụng cũng vì thế mà học trò cũng hào hứng hơn. Việc làm tuy nhỏ bé nhưng lại vô cùng thiết thực, đến nay đã được triển khai rộng rãi trong toàn huyện”.

Lắng nghe chia sẻ của các thầy cô giáo, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam Nguyễn Kim Quy bày tỏ, trước ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, công tác giảng dạy của thầy cô gặp rất nhiều khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa phải dạy trực tuyến để thích ứng. Trung ương Hội đã phối hợp với các đơn vị có nhiều giải pháp, hoạt động hỗ trợ như triển khai chương trình: Sóng và máy tính cho em; Nối vòng tay thương…

Bên cạnh nỗ lực của Hội, của các ngành, các cấp, rất mong các thầy cô giữ nhiệt huyết, tiếp tục chủ động ứng dụng công nghệ mới trong giảng dạy, truyền đạt kiến thức, khắc phục khó khăn về thiết bị dạy học cũng như điều kiện sống ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa để hoàn thành nhiệm vụ.

Ông Trịnh Văn Hào, Giám đốc Marketing Tập đoàn Thiên Long chia sẻ, thầy cô vốn đã quen với phấn trắng, bảng đen nhưng dịch bệnh đã khiến cho việc dạy và học có nhiều thay đổi. Tập đoàn sẽ đồng hành, nhanh chóng rà soát để tiếp tục hỗ trợ các địa bàn khó khăn nhất là trong việc ứng dụng công nghệ vào giảng dạy.

* Biểu dương tinh thần vượt qua khó khăn, gắn bó với học sinh và phụ huynh vùng khó khăn, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 trong suốt 2 năm qua, tại buổi gặp mặt các thầy cô diễn ra cùng ngày tại trụ sở Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thứ trưởng Ngô Thị Minh khẳng định, mỗi thầy cô, mỗi người một điều kiện, hoàn cảnh nhưng đều có những đóng góp ý nghĩa cho sự nghiệp trồng người.

Cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai chương trình đổi mới giáo dục, trong đó phát động phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”, Thứ trưởng Ngô Thị Minh mong muốn, các thầy cô giáo không ngừng phấn đấu rèn luyện, sáng tạo trong xây dựng các bài giảng giúp học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả, trau dồi kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh “trồng người”, đóng góp cho ngành Giáo dục. Đặc biệt, các thầy cô giáo nơi vùng đồng bào khó khăn tiếp tục thực hiện tốt công tác vận động đưa trẻ đến trường, hạn chế tình trạng bỏ học. Qua đó, nâng cao trình độ, dân trí vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và đất nước.

Hiện các chính sách về đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có chính sách với đội ngũ giáo viên đang hướng tới việc quan tâm tới các thầy cô và các em học sinh nhằm tạo điều kiện cho các thầy cô đóng góp, làm việc một cách tốt nhất. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, việc đối mặt với những gian truân, thử thách là không tránh khỏi nên rất mong các thầy cô vững tâm, mỗi thầy cô là những hạt nhân tiêu biểu lan tỏa mạnh mẽ tới đồng nghiệp, học sinh của mình  để giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống, khơi dậy khát vọng cống hiến  cho cộng đồng, cho thầy cô, cho học sinh, Thứ trưởng Ngô Thị Minh nói./.

Cẩm Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực