Thầy cô hạnh phúc có thể thay đổi cả thế giới

Thứ năm, 23/03/2023 17:28
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Đánh giá về nền giáo dục của đất nước Bhutan, ông Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam trong buổi đón tiếp Bộ trưởng Bộ Giáo dục hoàng gia Bhutan năm 2019 từng chia sẻ: “Những ngôi trường hạnh phúc là mục tiêu giáo dục mà Việt Nam cũng đã và đang hướng tới”.

Bhutan được biết đến là một trong những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Nhưng có một điều thú vị ít người biết, đó là trong đội ngũ những người xây dựng triết lý giáo dục về hạnh phúc có một người gốc Việt: Giáo sư Hà Vĩnh Thọ.

Sau khi đóng góp những thành tựu giáo dục trên thế giới và được UNESCO vinh danh, Giáo sư, Tiến sĩ Hà Vĩnh Thọ đã về Việt Nam và âm thầm lan toả tinh thần “trường học hạnh phúc” trong nhiều năm qua.

Cô Nguyệt, giáo viên một trường tiểu học trong dự án “Trường học Hạnh phúc” (Happy Schools) ở Huế, kể lại một câu chuyện với học trò lớp 4 của mình. Học kỳ trước, trường của cô tổ chức cuộc thi vẽ tranh với chủ đề tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường. Học sinh được khuyến khích vẽ những điều ước về thiên nhiên. Khi cuộc thi kết thúc, học sinh lớp cô chạy đến và hỏi “Lớp mình có đạt giải gì không cô?”.

Nhìn những ánh mắt háo hức chờ đợi kết quả, cô Nguyệt liền hỏi: “Các con có vui khi cùng nhau vẽ ý tưởng của mình không?” “Có ạ”. Cô Nguyệt tiếp tục hỏi “Các con có thấy mình đã bày tỏ được ý tưởng và ước muốn sâu sắc nhất của mình thông qua các bức tranh không?” “Dạ có”.

 Hoạt động "Vòng tròn chia sẻ trong lớp học" tại trường tiểu học Phú Cát, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế (Ảnh: Thanh Hà)

Cô Nguyệt cười và nói: “Vậy là chúng ta đã giành được giải thưởng lớn nhất cho mình rồi. Đó là giải Niềm vui đích thực”. Các cô bé cậu bé lớp 4 có sững lại, thoáng ngạc nhiên, nhưng ngay lập tức hiểu chuyện. Với các bé, môn học hay trải nghiệm chỉ là một phương tiện giúp các em phát huy tiềm năng của mình. “Điều quan trọng nhất là các em học cách tham gia, khám phá với sự nhiệt tình cùng niềm đam mê, các em tận hưởng niềm vui trong quá trình học tập đó. Đối với tôi, đó mới chính là giải thưởng lớn lao nhất”, cô Nguyệt chia sẻ.

Đó là một trong rất nhiều câu chuyện giản dị mà những người tham gia dự án Happy Schools được trải nghiệm và đang cảm thấy hạnh phúc hơn mỗi ngày.

Tháng 4/2018, giáo viên ở nhiều trường từ tiểu học đến trung học phổ thông tại Huế được tham gia các lớp tập huấn về cơ chế vận hành của ngôi trường hạnh phúc. Giáo viên được tự mình trải nghiệm những điều mà họ sẽ thực hành với học sinh của mình, chẳng hạn học ngồi thiền, học cách chia sẻ và lắng nghe. Tháng 8/2022, chương trình thí điểm tại Hà Nội mở các khóa tập huấn cho giáo viên với những hoạt động như thực hành chú tâm, đi bộ đối thoại, hoạt động kết nối, nghe giảng và thực hành bài tập… nhằm giúp giáo viên xây dựng ngôi trường thân thiện, môi trường giáo dục hạnh phúc cho học sinh.

Cô Lê Mai Lan, nguyên Hiệu trưởng Trường tiểu học Thuận Thành (thành phố Huế), cho biết từng rất bế tắc khi cô con gái ở tuổi mới lớn, hai mẹ con khó gần gũi nhau, thường tranh cãi nặng nề. Mọi chuyện đã được giải tỏa sau khi cô tham gia khóa tập huấn.

“Trước kia, khi con gái xa cách, tôi tự hỏi có chuyện gì với con bé. Nhưng từ khi tham gia khóa đào tạo và lắng nghe về các giai đoạn phát triển khác nhau của trẻ, tôi mới nhận ra con mình đang phát triển bình thường. Điểm mấu chốt là tôi không chịu thay đổi, không thích nghi với sự phát triển của con mình. Chính con tôi đang cho tôi cơ hội để trưởng thành với tư cách là một người mẹ.”

Giáo sư, Tiến sĩ Hà Vĩnh Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Eurasia, Sáng lập học viện Eurasia Learning Institute, nguyên Giám đốc chương trình của Trung tâm hạnh phúc quốc gia tại Bhutan, Trưởng phòng đào tạo, học tập và phát triển tại Ủy ban Chữ Thập đỏ Quốc tế (ICRC), có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực giáo dục và trị liệu sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên.

Giáo sư, Tiến sĩ Hà Vĩnh Thọ 

Ông là người viết giáo trình cho dự án Happy Schools ở Việt Nam, với mong muốn đây sẽ thực sự là những ngôi trường hạnh phúc, nơi các yếu tố giáo dục sức khỏe tinh thần được chú tâm như nền giáo dục ở Bhutan, Đức, Thụy Sỹ...

Là học giả gốc Việt, lớn lên ở châu Âu, Giáo sư Thọ trở về Việt Nam lần đầu vào năm 1982 với tư cách là giám đốc một trường cao học đào tạo giáo viên và tham gia vào một cộng đồng dành cho những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Khi đó, ông cùng nhóm của mình chăm sóc 7 trẻ em có các triệu chứng trầm cảm nghiêm trọng và giúp đỡ những em nhỏ bị ảnh hưởng tâm lý hậu chiến tranh.

Sau thời gian làm việc chăm sóc tâm lý trẻ em, đến cuối những năm 1990, nhóm của ông thành lập Eurasia Foundation nhằm hỗ trợ trẻ em có nhu cầu đặc biệt ở Việt Nam, và khởi đầu cho dự án Trường học Hạnh phúc.

Sau 4 năm triển khai Happy Schools ở Huế, ở quận Ba Đình (thành phố Hà Nội), cùng với việc phát triển chương trình tập huấn trực tuyến để dễ dàng mở rộng quy mô dự án, ngày càng nhiều người nhận thức được tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần, nhất là ở nhóm đối tượng thanh thiếu niên. Những giáo viên tham gia tập huấn được trang bị sự hiểu biết, kiến thức, kỹ năng giúp họ chú ý, chăm sóc hạnh phúc và sức khỏe của tất cả học sinh. Giáo sư Thọ cho biết: "Câu nói "thầy cô hạnh phúc có thể thay đổi cả thế giới" đã luôn tạo ấn tượng mãnh liệt trong tôi. Và tôi nghĩ rằng khởi đầu của một xã hội hạnh phúc, rất nên và rất cần bắt đầu từ người thầy".

Không chỉ làm việc với giáo viên, dự án còn tiếp xúc và hiểu nỗi lòng của nhiều cha mẹ học sinh. Hầu hết các gia đình có con em tham gia Trường học Hạnh phúc đều là những hộ lao động có đời sống giản dị, cuộc sống mưu sinh khiến cha mẹ ít quan tâm đến con cái, đặc biệt là sức khỏe tinh thần.

Nói về mục tiêu của Trường học Hạnh phúc, Giáo sư Thọ nhấn mạnh gồm ba khía cạnh cơ bản, đó là sống hòa hợp với bản thân, với người khác và với thiên nhiên trong tất cả các môn học và hoạt động.

“Dù ở môi trường nào, đích đến cuối cùng của chúng tôi vẫn là hỗ trợ tốt nhất cho sự phát triển của đứa trẻ. Hạnh phúc là kỹ năng, mà đã là kỹ năng mọi người có thể được đào tạo để có hạnh phúc”, Giáo sư chia sẻ.

Theo kế hoạch, Hội nghị quốc tế với chủ đề “Trường học Hạnh phúc 2023” sẽ diễn ra trong các ngày 3-6/4/2023 tại Huế, nằm trong sứ mệnh lâu dài của Trường học Hạnh phúc với mục tiêu không vì lợi nhuận mà vì một môi trường học đường Việt Nam hạnh phúc hơn.

Đặc biệt, Hội nghị có sự tham gia của ông Thakur S. Powdyel, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục hoàng gia Bhutan, người ủng hộ triết lý Tổng Hạnh phúc Quốc gia (GNH), và có công trong việc triển khai GNH vào hệ thống giáo dục tại Bhutan. Không phải là quốc gia giàu có nhưng với quan điểm GNH còn quan trọng hơn cả Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), Bhutan được xếp hạng là một trong những nước hạnh phúc nhất thế giới, trong đó nền tảng cho hạnh phúc chính là chú trọng đến triết lý giáo dục và phát triển chất lượng con người./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực