Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam ngắn ngày theo lời mời của Chính phủ Việt Nam, tối ngày 18/5, TS Ngozi Okonjo Iweala - Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã đến thăm Trường ĐH Ngoại thương và có buổi giao lưu, trao đổi với giảng viên và sinh viên Nhà trường.
|
PGS.TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương phát biểu tại sự kiện. Ảnh: TT |
Phát biểu chào mừng, PGS.TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương cho biết: Tại Việt Nam, Trường ĐH Ngoại Thương là một trong những cái nôi đào tạo về thương mại quốc tế. Các quy tắc của GATT năm 1947 và sau này của WTO đã sớm được đưa vào giảng dạy trong nhiều môn học thế mạnh của nhà trường với mục đích cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các cơ quan nhà nước cũng như doanh nghiệp khi tham gia vào hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế. Thực tế, hàng ngàn sinh viên của Nhà trường, sau khi tốt nghiệp, đã có những đóng góp rất tích cực vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, cả từ góc độ tham gia xây dựng chính sách thương mại quốc tế, thực hiện các cam kết của Việt Nam trong WTO hay trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tới góc độ tư vấn và thực hiện các hoạt động thương mại quốc tế của doanh nghiệp.
PGS.TS Bùi Anh Tuấn cho biết thêm, từ cuối năm 2021, Trường ĐH Ngoại thương đã được WTO lựa chọn là một trong 17 cơ sở giáo dục đại học trên thế giới để thực hiện Chương trình WTO Chair giai đoạn 2022-2025. Đây là sự ghi nhận những nỗ lực của Nhà trường, đồng thời cũng tạo điều kiện hơn nữa cho giảng viên, sinh viên phát huy thế mạnh của mình. Dù đây cũng là một nhiệm vụ không hề dễ dàng, sự hỗ trợ hết sức đầy đủ, tận tình của WTO nói chung và của các chuyên gia WTO nói riêng sẽ trở thành một trong những nhân tố quan trọng đảm bảo cho sự triển khai thành công của Chương trình này tại Trường ĐH Ngoại thương, từ đó, góp phần hơn nữa vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Nhà trường cũng như của Việt Nam về thương mại quốc tế, đồng thời góp phần tăng cường quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và WTO.
Gửi lời cảm ơn tới TS Ngozi Okonjo Iweala và đoàn đại biểu, PGS.TS Bùi Anh Tuấn nhấn mạnh, chuyến thăm của Tổng Giám đốc WTO thể hiện sự quan tâm sâu sắc của WTO và của cá nhân Bà Ngozi-Okonjo Iweala tới việc thực hiện chương trình WTO Chair nói riêng và việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về thương mại quốc tế nói chung của Trường ĐH Ngoại thương. Đây thực sự là một cơ hội quý giá đối với toàn bộ giảng viên, sinh viên của Trường khi được nghe Bà Tổng giám đốc chia sẻ cũng như được trao đổi cùng Bà về những vấn đề thời sự liên quan đến hệ thống thương mại đa biên trong bối cảnh toàn cầu hóa mới cũng như việc thực hiện các chính sách thương mại của Việt Nam trong điều kiện ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu.
|
TS Ngozi Okonjo Iweala - Tổng Giám đốc WTO chia sẻ với giảng viên, sinh viên Trường ĐH Ngoại thương. Ảnh: TT
|
Phát biểu tại sự kiện, TS Ngozi Okonjo Iweala - Tổng Giám đốc WTO bày tỏ niềm vui khi có cơ hội chia sẻ với giảng viên, sinh viên Trường ĐH Ngoại thương - Trường đại học hàng đầu Việt Nam. Bà hy vọng đây là cơ hội tuyệt vời để gặp gỡ các học giả hàng đầu cũng như các nhà lãnh đạo tương lai của Việt Nam. Bà cũng tự hào khi biết kể từ năm 2021, Trường ĐH Ngoại thương đã là một phần của Chương trình WTO Chair của WTO. Ban quản lý dự án Chương trình WTO Chair Trường ĐH Ngoại thương đã rất chủ động làm việc với với Chính phủ, khu vực tư nhân và các nhà nghiên cứu từ các quốc gia khác để định hình chương trình nghiên cứu và đào tạo. Các khóa học của Nhà trường dành cho các quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp về các vấn đề như ưu đãi thương mại và điều hướng các rào cản kỹ thuật đối với thương mại và các vấn đề cạnh tranh, tạo nên sự khác biệt thiết thực cho sự tham gia của Việt Nam vào các diễn đàn chính sách thương mại và trên thị trường quốc tế.
|
Cũng trong khuôn khổ chương trình, tọa đàm với chủ đề “Tái toàn cầu hóa và chuỗi cung ứng toàn cầu” đã diễn ra với phần chia sẻ của TS Ngozi Okonjo Iweala - Tổng Giám đốc WTO và - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Giám đốc Chương trình WTO Chair - Trường ĐH Ngoại thương. Ảnh: TT |
Cũng trong khuôn khổ chương trình, tọa đàm với chủ đề “Tái toàn cầu hóa và chuỗi cung ứng toàn cầu” đã diễn ra với phần chia sẻ của TS Ngozi Okonjo Iweala - Tổng Giám đốc WTO và - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Giám đốc Chương trình WTO Chair - Trường ĐH Ngoại thương. Chủ đề của tọa đàm được đặc biệt quan tâm trong bối cảnh thế giới đã bước vào kỷ nguyên tái toàn cầu hóa - giai đoạn chuyển tiếp toàn cầu hóa hiện nay để đối phó với các vấn đề như bất bình đẳng, biến đổi khí hậu và khủng hoảng sức khỏe, với việc các công ty đang giảm sản xuất tập trung để đề phòng sự hỗn loạn của chuỗi cung ứng. Theo đó, những vấn đề thời sự trong thương mại quốc tế, vai trò của chuỗi cung ứng toàn cầu đặc biệt trong bối cảnh tái toàn cầu hóa hiện nay đã được Ngozi Okonjo Iweala và PGS, TS Trịnh Thu Hương phân tích và chia sẻ cùng người tham dự.
Chương trình khép lại với phần hỏi đáp sôi nổi giữa các giảng viên, sinh viên Nhà trường cùng người tham dự về tác động của bối cảnh tái toàn cầu hóa đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, vai trò của WTO đối với thúc đẩy khả năng phục hồi của các chuỗi cung ứng Việt Nam, các quy định trong các FTA thế hệ mới và tác động đối với các quốc gia, nhất là các quốc gia đang phát triển.
Buổi giao lưu, trao đổi tại Trường ĐH Ngoại thương của Tổng Giám đốc WTO một lần nữa khẳng định vị trí hàng đầu của Nhà trường trong việc nghiên cứu, đào tạo và tư vấn chính sách trong lĩnh vực thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế. Với bề dày lịch sử hơn 60 năm, Trường ĐH Ngoại thương là cơ sở giáo dục đầu tiên tại Việt Nam đào tạo về kinh tế đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế. Cuối năm 2021, Nhà trường tham gia vào các hoạt động của WTO trong khuôn khổ Chương trình WTO Chair khi chính thức là một trong 17 tổ chức học thuật trên toàn thế giới và cũng là cơ sở giáo dục đầu tiên, duy nhất của Việt Nam được lựa chọn tham gia mạng lưới Chương trình WTO Chairs giai đoạn 3./.