Trao giải cuộc thi Tìm hiểu lịch sử truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam

Thứ tư, 13/12/2023 20:14
(ĐCSVN) - Sau hơn hai tháng triển khai, Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được gần 22.000 tác phẩm dự thi, cho thấy sự lan tỏa cũng như sự quan tâm của đông đảo độc giả và các tầng lớp nhân dân đến với lịch sử nước nhà, nâng cao niềm tự hào dân tộc.

Chiều 13/12, Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi “Tìm hiểu về lịch sử truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam” năm 2023 được tổ chức tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc buổi lễ, nhà báo Triệu Ngọc Lâm - Tổng biên tập Báo Giáo dục và Thời đại cho biết, Cuộc thi “Tìm hiểu về lịch sử truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam” được tổ chức nhằm đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về lịch sử dân tộc, truyền thống dựng nước và giữ nước, đoàn kết dân tộc, bồi đắp tinh thần yêu quê hương, các tấm gương tiêu biểu trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ hiện nay tới giáo viên, sinh viên và học sinh cả nước.

Sau hơn hai tháng triển khai, cuộc thi đã có sức hút nhất định đối với người dân trên khắp cả nước; không chỉ các em học sinh, sinh viên, giáo viên mà ngay cả những bậc phụ huynh, những người cao tuổi cũng hết sức nhiệt tình tham gia.

Nhà báo Triệu Ngọc Lâm - Tổng biên tập Báo Giáo dục và Thời đại; ông Đặng Khắc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông trao giải Nhất cho tác giả Nguyễn Thị Thiên Sinh với tác phẩm “Hành quân theo bước chân những người anh hùng”. Ảnh: TH

Có thể thấy số lượng tác phẩm dự thi đã phản ánh sự lan tỏa cũng như sức hút, quan tâm của đông đảo độc giả và các tầng lớp nhân dân đến với lịch sử nước nhà, nâng cao niềm tự hào dân tộc.

Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được gần 22.000 tác phẩm. Với 178 tác phẩm vào vòng sơ khảo và 21 tác phẩm vào vòng chung khảo. Ban tổ chức đã quyết định công nhận trao giải cho 16 tác phẩm, trong đó có 2 giải tập thể và 12 giải cá nhân và 2 giải thưởng phụ.

Theo nhà báo Triệu Ngọc Lâm, ở một số địa phương, cơ sở giáo dục đã tổ chức chấm và chọn những tác phẩm chất lượng để gửi về Ban tổ chức cuộc thi. Nhiều sở GD&ĐT tham gia với đông đủ bài thi của giáo viên và học sinh trong toàn ngành. Tiêu biểu là các Sở GD&ĐT: Bắc Kạn, Hòa Bình, Bắc Giang, Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Phú Thọ, Nghệ An, Hậu Giang, Cần Thơ…

Theo đánh giá của Ban Giám khảo, chất lượng các tác phẩm dự thi khá tốt. Nhiều tác phẩm đã để lại ấn tượng sâu sắc, bởi có sự đầu tư công phu từ nội dung cho đến hình thức thể hiện. Phần lớn các tác phẩm viết về chủ đề về chủ đề lịch sử dân tộc và tinh thần yêu nước. Mỗi tác giả lại có một cách tiếp cận và cảm nhận khác nhau về đề tài mình lựa chọn.

Như tác giả Nguyễn Thị Thùy Linh viết về hình ảnh lá cờ Tổ quốc, gắn liền với lịch sử nước nhà từ năm 1941 đến nay. Tác giả đã viết rằng “Dưới lá cờ độc lập, ta như thấy được cả một quá khứ hào hùng, thấy được những đóng góp, cống hiến của biết bao thế hệ; thấy cả những mất mát, đau thương và cả những giá trị của niềm tự hào, kiêu hãnh và tự tôn dân tộc của đất nước bốn ngàn năm. Với những ý nghĩa minh triết, sâu sắc như vậy, Lá cờ độc lập xứng đáng được mỗi công dân Việt Nam trân quý, với niềm tự hào, lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết, đồng hành cùng dân tộc, như để bày tỏ tấm lòng tri ân, thể hiện trách nhiệm công dân và hình thành nếp sống đẹp".

Ban giám khảo và các tác giả đoạt giải chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: TH 

Hay tác phẩm “Hành quân theo bước chân những người anh hùng” của tác giả Nguyễn Thị Thiên Sinh kể về những vị anh hùng kiệt xuất trong lịch sử đã đóng góp công lao to lớn cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, đến những anh hùng trong thời kỳ đổi mới, tích cực phấn đấu, rèn đức luyện tài xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp. Tác giả cũng đề cập đến những tấm gương tiêu biểu, những mô hình, phong trào thi đua yêu nước, giáo dục truyền thống ngay trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Thông qua các tác phẩm dự thi cho thấy, các tác giả không chỉ dày công nghiên cứu, đầu tư vào nội dung tác phẩm mà còn sáng tạo trình bày theo những cách thức mới mẻ, lồng ghép hình ảnh và clip công phu, sinh động. Năm nay các em học sinh không chỉ đơn thuần là trình bày ra giấy mà còn sử dụng các phần mềm máy tính, đồ hoạ tin học để thể hiện tác phẩm một cách trực quan, sinh động. Đó cũng là một cách tiếp cận lịch sử sáng tạo giúp cho người đọc dễ hiểu, dễ nhớ…/.

 

Vy Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực