Đối ngoại Việt Nam: Đóng góp to lớn củng cố vị thế Việt Nam trên trường quốc tế

Thứ ba, 03/12/2024 12:19
(ĐCSVN) - Đối ngoại luôn giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước, có đóng góp to lớn vào việc giữ gìn độc lập dân tộc, củng cố vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Trải qua các giai đoạn lịch sử, từ những ngày đầu giành độc lập đến hiện tại, đối ngoại Việt Nam đã chứng minh sức mạnh mềm của mình qua hàng loạt thành tựu nổi bật, xây dựng nền tảng vững chắc để ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu và khu vực.

Từ thời kỳ cách mạng giành độc lập, đối ngoại Việt Nam đã thể hiện sự kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự và ngoại giao. Điển hình là các Hiệp định Sơ bộ (6-3-1946), Giơ-ne-vơ (1954), và Pa-ri (1973), những văn kiện đánh dấu thắng lợi ngoại giao trong việc bảo vệ lợi ích dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, tư duy chiến lược đối ngoại không ngừng được nâng tầm, kết hợp tinh thần "dĩ bất biến ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các bài học ở thời kỳ mới để đảm bảo an ninh quốc gia.

Sau ngày thống nhất đất nước, công tác đối ngoại tiếp tục kế thừa truyền thống bảo vệ chủ quyền, đồng thời mở rộng quan hệ quốc tế, góp phần đưa đất nước thoát khỏi thế cô lập. Năm 1986, chính sách Đổi mới đã đặt nền móng cho tư duy đối ngoại toàn diện, với phương châm "đa phương hóa, đa dạng hóa" các mối quan hệ, bảo đảm lợi ích quốc gia, tăng cường hội nhập kinh tế và chính trị quốc tế.

Hiện nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 192 quốc gia trên thế giới, trong đó có: 9 Đối tác Chiến lược Toàn diện; 19 Đối tác Chiến lược (bao gồm cả 9 Đối tác Chiến lược Toàn diện) và 13 Đối tác Toàn diện. Đặc biệt, Việt Nam đã trở thành thành viên tích cực của các tổ chức quốc tế quan trọng như Liên hợp quốc (1977), ASEAN (1995), WTO (2007), và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP (2018) và RCEP (2020). Việc Việt Nam đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hai lần (2008-2009, 2020-2021) minh chứng cho sự trưởng thành và uy tín ngày càng cao của đất nước. Năm 2023, Việt Nam cũng được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, khẳng định cam kết mạnh mẽ với các giá trị nhân quyền toàn cầu.

 Các nữ quân nhân của Đội Công binh số 1 Việt Nam trong lễ xuất quân ngày 27/4/2022, chuẩn bị lên đường tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại khu vực Abyei, giáp ranh giữa Sudan và Nam Sudan.

Đối ngoại kinh tế: Cầu nối thúc đẩy phát triển đất nước

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, đối ngoại kinh tế của Việt Nam đã khẳng định vai trò then chốt trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mở rộng hợp tác quốc tế và củng cố vị thế đất nước trên trường quốc tế. Chính sách "đa phương hóa, đa dạng hóa" và hội nhập sâu rộng đã giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho thương mại và đầu tư toàn cầu.

Đến năm 2023, Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn và có quan hệ thương mại trong khu vực mậu dịch tự do với hơn 60 nền kinh tế, bao phủ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, và RCEP không chỉ mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường mà còn thúc đẩy cải cách thể chế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2023 đạt hơn 681 tỷ USD. Theo Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với nhiều thị trường đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh. Cụ thể, thương mại hai chiều với Trung Quốc đạt 168,5 tỷ USD, Hoa Kỳ đạt 110,7 tỷ USD, ASEAN đạt 68,6 tỷ USD, Nhật Bản đạt 37,9 tỷ USD, và Hàn Quốc đạt 67,3 tỷ USD… Việt Nam tiếp tục giữ vị trí top 5 quốc gia xuất khẩu lớn nhất vào thị trường Mỹ, EU, và ASEAN

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là yếu tố then chốt trong phát triển kinh tế của Việt Nam. Kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành năm 1987, Việt Nam đã thu hút gần 438,7 tỷ USD vốn FDI. Năm 2023, Việt Nam nhận được 36,61 tỷ USD vốn FDI. Tập trung vào các nhà đầu tư lớn bao gồm Hàn Quốc (với các tập đoàn như Samsung, LG), Singapore (tập trung vào bất động sản, năng lượng tái tạo và công nghệ xanh) và Nhật Bản (đầu tư vào chế tạo, logistics và hạ tầng).

Với vị trí chiến lược, Việt Nam đang trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, với các cảng biển lớn như Cát Lái, Lạch Huyện, và Cái Mép-Thị Vải nằm trong nhóm hiệu quả nhất Đông Nam Á. Sau đại dịch COVID-19, Việt Nam đã nổi lên như trung tâm sản xuất chủ lực trong các ngành điện tử, dệt may, và linh kiện.

Giai đoạn 2024-2030, Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 1.000 tỷ USD, hướng tới trở thành nền kinh tế hiện đại, thu nhập cao vào năm 2045. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam sẽ duy trì tăng trưởng GDP bình quân đầu người 6% mỗi năm, đồng thời thu hút đầu tư chất lượng cao. Quốc gia cũng đẩy mạnh số hóa trong thương mại, tận dụng vai trò trong các tổ chức kinh tế quốc tế, củng cố vị thế là điểm đến hấp dẫn trong khu vực. Đối ngoại kinh tế sẽ tiếp tục là động lực phát triển và yếu tố đảm bảo an ninh quốc gia, thúc đẩy hội nhập bền vững.

 Ngọn lửa Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 32 trang trọng rước qua nhiều tuyến đường của Thủ đô Hà Nội. Sau đó sẽ di chuyển qua 10 quốc gia Đông Nam Á để quảng bá cho SEA Games 32, diễn ra vào ngày 5/5/2023, tại nước chủ nhà Campuchia.

Đối ngoại quốc phòng và an ninh: Đảm bảo hòa bình, bảo vệ chủ quyền

Việc hoàn thành phân giới cắm mốc trên đất liền với Trung Quốc, Lào, và Campuchia là một trong những thành tựu nổi bật của đối ngoại quốc phòng. Bên cạnh đó, Việt Nam đã tham gia tích cực vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, với hơn 500 sĩ quan và binh sĩ được cử đến các phái bộ tại Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi.

Việt Nam cũng thể hiện vai trò chủ động trong các diễn đàn khu vực như ADMM+, ARF, và EAS, đóng góp vào việc duy trì an ninh khu vực, giải quyết các tranh chấp Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Trong bối cảnh quốc tế đầy biến động, đối ngoại Việt Nam phải đối mặt với những thách thức lớn: cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc, các vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, an ninh mạng và khủng hoảng năng lượng.

Đảng và Nhà nước xác định tiếp tục thực hiện phương châm "chủ động, tích cực hội nhập toàn diện", phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc mở rộng quan hệ quốc tế và bảo vệ lợi ích quốc gia. Chiến lược "hội nhập để phát triển bền vững" sẽ tập trung vào các ưu tiên như nâng cao năng lực nội tại, tăng cường ngoại giao đa phương, và củng cố vị thế của Việt Nam trong các tổ chức toàn cầu.

Những thành tựu đối ngoại không chỉ là minh chứng cho sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng mà còn khẳng định sức mạnh tổng hợp của dân tộc trong việc bảo vệ Tổ quốc và thúc đẩy phát triển đất nước. Đối ngoại Việt Nam sẽ tiếp tục là "cánh tay nối dài" đưa Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế, xây dựng một đất nước hòa bình, thịnh vượng và hội nhập toàn cầu.

N Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực