Theo Người, thi đua là một trong những biện pháp của quá trình vận động cách mạng, có ý nghĩa sâu sắc, rộng lớn, thi đua không chỉ khơi dậy tiềm năng sáng tạo của con người, mà quan trọng hơn là cải tạo bản thân con người, nêu cao tinh thần yêu nước, tinh thần quốc tế, làm cho già, trẻ, gái, trai và tất cả các tầng lớp nhân dân, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, địa vị xã hội đều hướng tới mục đích chung. Thi đua để mọi người đều làm việc tốt hơn, nhiều hơn và “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và, những người thi đua là những người yêu nước nhất”.
Mục đích Thi đua yêu nước là để thực hiện tốt nhiệm vụ chủ yếu của mỗi thời kỳ cách mạng trong tình hình và điều kiện lịch sử cụ thể. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ mục đích Thi đua yêu nước là “Diệt giặc đói”, “Diệt giặc dốt”, “Diệt giặc ngoại xâm”, để đem lại kết quả đầu tiên là: “Toàn dân đủ ăn, đủ mặc. Toàn dân biết đọc, biết viết. Toàn bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới để diệt ngoại xâm. Toàn quốc sẽ thống nhất độc lập hoàn toàn” .
Nội dung Thi đua yêu nước là phải toàn diện, phải xuất phát và phục vụ nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn cách mạng, phải thiết thực, ở tất cả các lĩnh vực hoạt động của đất nước, gắn với nhiệm vụ cụ thể của từng ngành, từng cấp, hướng vào cải tạo và xây dựng con người mới, hướng vào giải quyết những vấn đề cơ bản thiết thực của nhân dân; thi đua phải gắn với công việc hàng ngày của mỗi người. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa. Thực hiện khẩu hiệu: “Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến” .
Về cách tổ chức phong trào Thi đua yêu nước, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “Phải dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây: hạnh phúc cho dân”; các phong trào Thi đua yêu nước cần phải đa dạng, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự giác, sáng tạo và sức lực của các tầng lớp nhân dân trong từng giai đoạn cách mạng.
Về phương châm Thi đua yêu nước, Người chỉ rõ: “thi đua chứ không phải ganh đua” nên cần phải đoàn kết, thân ái giúp đỡ lẫn nhau để đạt thành tích cao, “giúp đỡ những người và những nhóm còn kém theo kịp mức cao hiện nay”; thi đua phải gắn liền với công tác khen thưởng; khen thưởng là kết quả của phong trào thi đua; khen thưởng đúng người, đúng việc, kịp thời sẽ động viên, giáo dục và thúc đẩy phong trào thi đua phát triển liên tục.
Ngày nay, trong công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, Lời kêu gọi Thi đua Ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Tinh thần, khí thế và hiệu quả thi đua vẫn thực sự ghi dấu ấn trong mọi hoạt động của đời sống xã hội, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta cần tiếp tục đổi mới công tác thi đua – khen thưởng; quán triệt, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về Thi đua yêu nước vào thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Một là, đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo về công tác thi đua – khen thưởng. Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, Nhà nước về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của phong trào Thi đua yêu nước và công tác thi đua – khen thưởng: Phong trào thi đua và công tác khen thưởng phải nhằm động viên được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, phải thực sự trở thành phương thức lãnh đạo của Đảng, công cụ quản lý của Nhà nước và là động lực to lớn, góp phần tích cực vào thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng trong chỉ đạo tổ chức phong trào thi đua bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả công tác thi đua – khen thưởng; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa tiêu cực trong công tác thi đua – khen thưởng. Mỗi tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên cần phát huy tốt vai trò tiên phong, gương mẫu và là hạt nhân trong các phong trào thi đua ở cơ sở, gắn với việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, làm cho phong trào thi đua trở thành phong trào hành động cách mạng sâu rộng trong toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân. Đồng thời thường xuyên chỉ đạo đẩy mạnh phong trào Thi đua yêu nước, đổi mới công tác khen thưởng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, bảo đảm thi đua được tạo dựng từ phong trào của quần chúng và được quần chúng tích cực hưởng ứng, tham gia. Tổ chức phong trào Thi đua yêu nước phải thiết thực, hiệu quả, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, tránh hình thức, phô trương. Nội dung, phương thức tổ chức phong trào thi đua phải gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương, từng đơn vị cơ sở.
|
Cần đẩy mạnh các hoạt động, phong trào thi đua yêu nước |
Hai là, đổi mới nội dung, phương thức tổ chức các phong trào thi đua, tuyên truyền sâu rộng trong hệ thống chính trị và toàn xã hội giúp cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò và ý nghĩa to lớn của phong trào Thi đua yêu nước đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước; về yêu cầu đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào Thi đua yêu nước và công tác khen thưởng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay. Các cấp, các ngành tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; thi đua lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị của đất nước và của Bộ, ngành, địa phương; chú trọng đổi mới tổ chức các phong trào thi đua, hướng vào việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết Đảng; nâng cao trách nhiệm, tính tiền phong gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên, tạo không khí thi đua thực sự trong các tổ chức đảng và đảng viên. Phong trào thi đua tập trung hướng vào việc tham mưu ban hành cơ chế, chính sách nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực và tăng cường kỷ luật, kỷ cương, cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phát động các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả nhằm thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia; tiếp tục triển khai lồng ghép các phong trào thi đua gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, giao thông, môi trường nông thôn. Các doanh nghiệp với các phong trào thi đua khởi nghiệp, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng động sáng tạo tìm kiếm thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh trong tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước. Tiếp tục duy trì hoạt động của các cụm, khối thi đua, thông qua việc ký kết và thực hiện giao ước thi đua giữa các đơn vị trong từng cụm, khối, tạo khí thế thi đua sôi nổi, hiệu quả, thiết thực của các thành viên trong từng cụm, khối thi đua.
Ba là, đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến, kịp thời biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc, gương điển hình tiên tiến ở các ngành, các cấp, các lĩnh vực; cổ vũ tinh thần yêu nước, đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc; tăng cường tuyên truyền về các gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, tạo ra không khí sôi nổi ở nhiều địa phương; xây dựng chương trình phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền Thi đua yêu nước.
Bốn là, nâng cao chất lượng công tác khen thưởng. Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác TĐ-KT và tư tưởng Hồ Chí Minh về Thi đua yêu nước; đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng trong chỉ đạo tổ chức công tác TĐ-KT, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị. Công tác khen thưởng phải bảo đảm kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch và đúng quy định; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện những điển hình tiên tiến để khen thưởng và đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng. Chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, dân quân, tự vệ, công an xã, bảo vệ dân phố, dân phòng, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp; quan tâm khen thưởng cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo và vùng dân tộc thiểu số; khắc phục bệnh thành tích, tính hình thức trong TĐ-KT; củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng TĐ-KT các cấp. Đổi mới nội dung hoạt động và chú trọng việc kiểm tra, giám sát các hoạt động về TĐ-KT, đảm bảo tính khách quan, chính xác; thường xuyên bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác TĐ-KT có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghề nghiệp, đủ tầm tham mưu cho các cấp ủy, người đứng đầu về công tác TĐ-KT./.