|
Cuối thu đầu đông là thời điểm những cánh đồng hoa tam giác mạch nở rộ, khoe sắc tại các huyện vùng cao nguyên đá Đồng Văn. (Ảnh: Lê Việt Khánh). |
Vào 20 giờ ngày 09/11 tới đây, Lễ hội hoa tam giác mạch lần thứ X năm 2024 với chủ đề "Miền hoa thương nhớ" sẽ chính thức khai mạc tại Quảng trường Thanh niên huyện Đồng Văn. Đây là một trong những sự kiện văn hóa thường niên được mong chờ mỗi dịp cuối thu đầu đông - thời điểm hoa tam giác mạch bung nở khoe sắc đẹp nhất trên cao nguyên đá Đồng Văn.
Nối tiếp thành công sau 9 lần tổ chức, Lễ hội hoa tam giác mạch năm 2024 không chỉ giúp tôn vinh, quảng bá vẻ đẹp thiên nhiên, con người, văn hóa truyền thống của vùng cao Hà Giang mà còn là sự kiện văn hóa lớn góp phần thu hút du khách đến với Hà Giang, từng bước giúp hoạt động du lịch của tỉnh phục hồi, phát triển sau những ảnh hưởng bởi thiên tai thời gian qua.
|
Lễ hội hoa tam giác mạch năm 2024 hứa hẹn sẽ có nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn, đặc sắc. |
Để mang đến những trải nghiệm mới mẻ và hấp dẫn cho du khách, huyện Đồng Văn đã triển khai trồng hơn 250ha hoa tam giác mạch, trong đó hơn 50ha được trồng tại các vị trí trọng điểm để phục vụ lễ hội. Hiện nay, những cánh đồng hoa tam giác mạch ở Hà Giang đang bắt đầu nở rộ, tập trung tại khu vực Phố Cáo, Lũng Táo, Lũng Cú, Sủng Là và Phó Bảng... Huyện cũng đang khẩn trương hoàn thành 12 công trình điểm nhấn du lịch để khánh thành đúng dịp tổ chức Lễ hội như: Cổng chào, hàng rào đá, Trung tâm Diễn sướng, Nhà trưng bày sản phẩm, khu vực đầu nguồn nước… Mọi công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, an ninh trật tự, các cơ sở lưu trú cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm trong suốt thời gian trước, trong và sau Lễ hội cũng được triển khai thực hiện nghiêm túc, đảm bảo mọi điều kiện tốt nhất phục vụ du khách.
Lễ hội năm nay hứa hẹn sẽ có nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn, đặc sắc, diễn ra xuyên suốt từ ngày 9/11 đến hết ngày 21/11 như: Hội thi trình diễn và giới thiệu trang phục truyền thống các dân tộc trên địa bàn huyện Đồng Văn; trình diễn và trải nghiệm các công đoạn dệt lanh; thêu tay trang phục truyền thống; chế tác vật dụng sinh hoạt và các nhạc cụ dân tộc truyền thống; trưng bày giới thiệu sản phẩm văn hóa, du lịch, nông sản, ẩm thực và dược liệu địa phương. Tại các điểm dừng chân và các làng văn hóa du lịch tiêu biểu cũng sẽ tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian để du khách cùng tham gia trải nghiệm vào các ngày thứ 7, Chủ nhật hàng tuần.
|
Ngày hội văn hóa dân tộc Lô lô năm 2024 sẽ khai mạc vào 20 giờ ngày 15/11/2024 tại Quảng trường trung tâm huyện Mèo Vạc. |
Hưởng ứng Lễ hội hoa tam giác mạch năm 2024, huyện Mèo Vạc cũng sẽ tổ chức chuỗi hoạt động văn hóa mang đậm màu sắc truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện, trong đó điểm nhấn là Ngày hội văn hóa dân tộc Lô lô năm 2024 khai mạc vào 20 giờ ngày 15/11/2024 tại Quảng trường trung tâm huyện. Cùng với đó, nhiều hoạt động hấp dẫn khác sẽ diễn ra dịp này như: Cuộc thi “Thuyền đẹp trên dòng sông Nho Quế” tại bến thuyền Thủy điện Nho Quế 1 vào ngày 14/11; trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương tại Nhà văn hóa dân tộc Lô Lô, thôn Sảng Pả A, thị trấn Mèo Vạc vào sáng 16/11; không gian “Chợ đêm Mèo Vạc” vào thứ Bảy hàng tuần, bắt đầu từ ngày 02/11.
Đặc biệt tại Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi, xã Pả Vi sẽ trưng bày không gian văn hóa sinh hoạt, sản xuất, trang phục, nhạc cụ, các sản phẩm truyền thống của dân tộc Mông; không gian chợ vùng cao giới thiệu và quảng bá các món ăn truyền thống của dân tộc Mông như thắng cố, mèn mén, đậu chúa, bánh tam giác mạch, bánh ngô; giao lưu văn nghệ dân gian: múa, hát, biểu diễn nhạc cụ truyền thống của dân tộc Mông như khèn, đàn môi, đàn tròn...
|
Lễ hội đua thuyền lần thứ IX sẽ diễn ra tại lòng hồ thủy điện Sông Chừng, huyện Quang Bình. (Ảnh: hagiangtv). |
Tại huyện Quang Bình, vào các ngày 16-17/11 sẽ diễn ra chuỗi các hoạt động gồm: Ngày hội Truyền thông, Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn, Lễ hội đua thuyền lần thứ IX và công bố danh mục Nghệ thuật trình diễn dân gian Hát Páo dung của người Dao tỉnh Hà Giang.
Ngày hội Truyền thông huyện Quang Bình lần đầu tiên sẽ được tổ chức vào sáng 16/11, tại Trung tâm Hội nghị của huyện. Đây là dịp để địa phương nhìn lại những thành tựu đã đạt được trong công tác truyền thông và tiếp tục có những định hướng xây dựng, phát triển trong thời gian tới. Ngày hội cũng là dịp để chính quyền ghi nhận, tôn vinh, lan toả những cá nhân, tập thể có những đóng góp tích cực trong công tác truyền thông đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Trong sự kiện này, huyện Quang Bình sẽ tổ chức trao giải thưởng Cuộc thi ảnh “Người đẹp hoa Tường vi”, qua đó tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Quang Bình và từng bước xây dựng hình ảnh thương hiệu, sản phẩm du lịch đặc thù.
Tối cùng ngày (16/11), tại Quảng trường 1/5 huyện Quang Bình sẽ khai mạc Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn, Lễ hội đua thuyền lần thứ IX và công bố danh mục Nghệ thuật trình diễn dân gian Hát Páo dung của người Dao tỉnh Hà Giang.
|
Lễ hội Nhảy lửa của người dân tộc Pà Thẻn, xã Tân Bắc, huyện Quang Bình đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. (Ảnh: Chu Việt Bắc). |
Đến với Quang Bình dịp này, du khách còn có cơ hội trải nghiệm các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian truyền thống của các dân tộc huyện Quang Bình như: Kéo co, đẩy gậy, đánh yến, tung còn, đá lẹ, đi cà kheo,..; tham quan hợp tác xã dệt thổ cẩm, nhà truyền thống dân tộc Tày, Pà Thẻn; khám phá hang động; trải nghiệm hoạt động lao động sản xuất thường ngày cùng người dân (nhổ lạc, thu ngô,..); trải nghiệm hái rêu đá; đan nón lá; đi xe đạp quanh làng; thưởng thức ẩm thực đặc trưng; giao lưu văn nghệ, đốt lửa trại,..
Nằm ở vùng núi đất phía Tây của Hà Giang, huyện Quang Bình nổi tiếng là vùng đất trù phú với hệ thống sinh thái, sông, suối, hang động hùng vĩ, nên thơ cùng những nét văn hóa truyền thống được đồng bào các dân tộc nơi đây giữ gìn và bảo tồn nguyên vẹn. Trong đó hấp dẫn nhất với du khách là Lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà thẻn - một trong những lễ hội truyền thống mang màu sắc tâm linh và đầy huyền bí. Năm 2013 Lễ hội Nhảy lửa của người dân tộc Pà Thẻn, xã Tân Bắc, huyện Quang Bình đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Quang Bình còn được nhớ đến với nhiều điểm du lịch nổi tiếng như: hang Tiên, thôn Chì, xã Xuân Giang, huyện Quang Bình là Danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia; thôn Nà Chõ, xã Tân Nam phát triển du lịch trải nghiệm cây thuốc dược liệu quý; thôn Buông, xã Tiên Yên là điểm du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm vườn cam; thôn Khun, xã Bằng Lang phát triển du lịch tham quan, trải nghiệm hang động, thác nước và ngắm cảnh bản làng của dân tộc Tày, Nùng, Dao; lòng hồ thủy điện sông Chừng của thị trấn Yên Bình, Tân Nam, Tiên Nguyên là nơi du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng gắn với Lễ hội đua thuyền…
|
Hệ thống đường giao thông dẫn đến các điểm du lịch tại Hà Giang đã thông suốt, đảm bảo an toàn thuận lợi cho mọi du khách. (Trong ảnh: Ruộng bậc thang vàng óng tại thôn Xà Phìn, huyện Vị Xuyên ngày 9/10/2024. Ảnh: ĐP). |
Những tháng cuối năm được coi là thời điểm lý tưởng nhất để đến với Hà Giang, hòa mình với tiết trời se lạnh đặc trưng của vùng cao và sắc hồng tím của những cánh đồng hoa tam giác mạch, chinh phục cung đường hạnh phúc đến với các huyện cao nguyên đá Đồng Văn hùng vĩ và khám phá những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc nơi đây. Sau thời gian bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, sạt lở, Hà Giang đã nhanh chóng triển khai nhiều giải pháp để kích cầu, phục hồi du lịch và đưa ra những chính sách ưu đãi phục vụ du khách.
Theo thông tin mới nhất từ Hiệp hội Du lịch tỉnh Hà Giang vào ngày 30/10, các thiệt hại ảnh hưởng bởi mưa lũ đã được chính quyền địa phương các cấp và nhân dân khắc phục triệt để, hạ tầng du lịch đã được khôi phục, nâng cấp đảm bảo tuyệt đối an toàn để đón mọi tầng lớp du khách trong nước cũng như quốc tế đến với Hà Giang tham quan, trải nghiệm.
Toàn bộ các điểm đến thăm quan du lịch của tỉnh Hà Giang đã hoạt động bình thường, hệ thống đường giao thông dẫn đến các điểm du lịch đã thông suốt, đảm bảo an toàn thuận lợi cho mọi du khách đến với Hà Giang. Hiệp hội Du lịch tỉnh Hà Giang cũng đã triển khai Chương trình kích cầu du lịch, giảm giá dịch vụ và nhận được sự hưởng ứng của nhiều đơn vị lưu trú lớn trên địa bàn như khách sạn Yên Biên Luxury, khách sạn Phoenix, khu nghỉ dưỡng H'mông Village, khách sạn Silk River,... Qua đó cung cấp cho du khách thêm nhiều sản phẩm dịch vụ tốt nhất với giá thành thấp nhất trong mùa lễ hội năm 2024.
|
Du khách trải nghiệm trèo thuyền kayak trên dòng sông Nho Quế. |
Là vùng đất biên cương cực Bắc Tổ quốc, Hà Giang có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với nhiều giá trị đặc sắc về địa chất, địa hình, thời tiết khí hậu quanh năm ôn hòa, mát mẻ; nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào các dân tộc vẫn đang được gìn giữ và phát huy. Hà Giang nổi tiếng với các địa danh như: Danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Hoàng Su Phì; Công viên địa chất toàn cầu UNESSCO Cao nguyên đá Đồng Văn - khu vực hội tụ nhiều di sản, cảnh quan có giá trị mang tầm quốc tế; đèo Mã Pì Lèng; hẻm vực Tu Sản được coi là hẻm vực sâu nhất Đông Nam Á; sông Nho Quế như dải lụa màu ngọc bích chảy xuyên qua hẻm Tu Sản, uốn lượn dưới chân đèo, tất cả hòa quyện vào nhau như một bức tranh.
Hà Giang thường xuyên nằm trong danh sách các điểm đến lý tưởng do các Tạp chí du lịch uy tín trên thế giới bình chọn. The New York Times (Mỹ) đã xếp Hà Giang vào danh sách các điểm đến hấp dẫn nhất trên thế giới. Mới đây nhất, tỉnh Hà Giang được Tổ chức giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards - WTA) vinh danh là: Điểm đến văn hóa khu vực hàng đầu châu Á năm 2024. Trước đó, Hà Giang cũng đã vinh dự được Tổ chức giải thưởng Du lịch Thế giới vinh danh là: Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á năm 2023./.