Người ở lại ươm mầm xanh nơi biên cương

Thứ tư, 19/04/2023 15:26
(ĐCSVN) - Ở Hà Giang, nếu như ví những chiến sĩ biên phòng là những cột mốc giữ yên đường biên giới, thì những giáo viên cắm bản ở những điểm trường xa xôi nơi biên cương chính là những tia nắng ấm ươm mầm xanh cho miền biên viễn được bốn mùa nở hoa.
Cô giáo Nguyễn Thị Tuyết trên đường đi vận động học sinh trở lại trường. 

Lần này lên Cao nguyên Đồng Văn, tôi quyết định phải đến tận nơi thăm em để cùng em tổ chức một bữa “cơm có thịt” cho các học trò của em. Tuy quen biết em trên facebook đã rất lâu, cũng đã đồng hành cùng với em nhiều chương trình thiện nguyện, cũng đã viết về Sơn Vĩ, viết về những con người ở tận cùng đường biên giới…nhưng vẫn chưa một lần đặt chân tới điểm trường mần non và tiểu học nơi em công tác – thôn Mé Lầu B, xã Sơn Vĩ, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.

Sau một ngày, với ba lần đổi xe và đi bộ, cuối cùng, ngôi nhà nhỏ lợp mái tôn đỏ nằm trên lưng núi hướng mặt ra dòng sông Nho Quế thơ mộng cũng hiện ra trước mắt. Em – cô giáo Nguyễn Thị Tuyết đứng ở cuối con dốc cùng mấy đứa học trò nhỏ đã đứng đợi tôi ở đó. Nhìn em, một cô gái nhỏ nhắn với mái tóc cắt ngắn và nụ cười luôn nở trên môi tôi đã không thể nào hiểu nổi sức mạnh nào đã giúp em có được nghị lực để hơn mười năm trời sống và làm việc ở mảnh đất biên viễn xa xôi này.

Sinh năm 1990, tốt nghiệp trường đại học sư phạm II. Mặc dù quê ở miền xuôi, nhưng với ước mơ của tuổi trẻ là được đến những nơi khó khăn để được cống hiến. Năm 2011, cô giáo Nguyễn Thị Tuyết đã nộp đơn xin lên huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang để dạy học. Ngày em cầm quyết định tuyển dụng trên tay và biết được bản thân được phân công vào xã Sơn Vĩ – một xã biên giới, một trong ba xã xa xôi nhất huyện, em đã rất phấn khởi và háo hức. Khi vào nhận trường, em được lãnh đạo phân công xuống điểm Mé Lầu A, nơi địa hình hiểm trở và chưa có đường xe tới.

Tâm sự với tôi, Tuyết xúc động nhớ lại: “Ngày đầu tiên đứng trên bục giảng, khi trước mắt em là những học trò nhem nhuốc, những cặp mắt tròn xoe…và không thể giao tiếp với nhau một tiếng nào, vì cả cô và trò đều bất đồng ngôn ngữ. Em đã ngỡ ngàng và bật khóc. Bởi mặc dù đã chuẩn bị sẵn tinh thần, nhưng em không thể hình dung được nơi mình tới lại không điện, không nước, không sóng điện thoại, không có người biết nói tiếng phổ thông... ước mơ đơn giản chỉ là được nói tiếng kinh với người kinh,  cũng là điều rất xa xỉ”.

Không những vậy, với thân gái miền xuôi, chân ướt chân giáo lại lên tận nơi tận cùng biên giới có những hiểm nguy mà em cũng không thể lường trước được. Em kể: một buổi tối, em đã đóng cửa đi ngủ được giấc thì vào khoảng hơn 11h đêm đó có ba thanh niên làm đường ở gần điểm trường bất ngờ đạp tung cửa xông vào phòng, người cầm dao kè vào cổ, người cầm côn múa trên đầu, người cầm gậy đập vào đầu giường cố dọa và tìm người mà ba thanh niên này đang tìm để giải quyết ân oán gì đó mà bản thân em không hề biết gì. Một tiếng hô hoán lúc đó mà kêu lên là họ sẽ xử lý nên bản thân chỉ biết co rúm và run rẩy không dám phản kháng. Nhưng may mắn là xung quanh điểm trường có nhà dân ở nên bà con đã hô hoán nhau đến bảo vệ và giúp cô giáo, những thanh niên đó mới chịu rời đi và cả đêm đó là một đêm thức trắng.

Có những đêm đang ngủ nghe thấy tiếng động xung quanh điểm trường, em bật dậy soi đèn pin thì phát hiện ra một đàn khỉ kéo nhau xuống tìm đồ ăn của cô giáo. Cô giáo Tuyết tâm sự: “ngày ấy em đã muốn bỏ tất cả để về với bố mẹ rồi, nhưng nghĩ mình đã chọn nghề và cũng vì tương lai sau này của các con, nếu không bám bản thì các con biết làm sao đây? Nếu mình đi, ai sẽ ở lại đây để dạy cho các con biết tiếng phổ thông? Ai sẽ là người lựa chọn một nơi không điện, không nước, không đường ô tô đến?…”.

Một mình thân gái nơi bản xa, điểm trường chỉ là một căn nhà nhỏ được dựng lên bằng mấy miếng ván hun hút gió, trang thiết bị học tập ngoài mấy bộ bàn ghế cũ thì không có gì. Đồ dùng học tập không có, đồ chơi cho học sinh không có. Học sinh đến trường buổi đến, buổi không, có những buổi chỉ duy nhất một học sinh tới trường. Thời tiết khắc nghiệt, đời sống khó khăn, cơ sở hạ tầng thiếu thốn. Mọi khó khăn bủa vậy, nhưng cô giáo Tuyết vẫn can trường ở lại bám bản, đồng hành dẫn dắt học trò nghèo của mình đi tìm con chữ.

Tuyết chia sẻ, khó khăn lớn nhất với em không phải đời sống sinh hoạt, cơ sở trang thiết bị học tập, vì em đã xác định phải cố gắng rồi. Với em, khó khăn nhất đó là vận động học sinh tới trường, đặc biệt là vào thời điểm vụ mùa, bố mẹ bận đi làm nương không ai đưa con tới trường. Thậm chí, nhiều khi đến gia đình vận động con đi học, phụ huỳnh còn không vui, còn thả chó ra đuổi. Họ nói: “cô giáo có cho ngô để ăn không mà nói nhiều”. Có những trường hợp đặc biệt như hai anh em Ly Mí Vư và Ly Mí Lùng, bố mất sớm, khi đó Lùng còn nhỏ chưa đến tuổi đi học, mẹ nhất quyết không cho Vư đi học với lý do phải ở nhà trông em. Để thuyết phục gia đình, cô giáo đã phải đưa ra giải pháp là đưa cả em tới lớp cô giáo trông hộ luôn.” .

Niềm vui của học sinh nơi đây khi được tới trường với “bữa cơm có thịt” từ nguồn xã hội hoá từ cô giáo Tuyết. 

Khó khăn là vậy, thiếu thốn là vậy, cô giáo Tuyết còn thêm những nỗi buồn khó sẻ chia. Mỗi buổi chiều, sau khi học sinh đã tan lớp trở về nhà, chỉ còn lại gió rừng và cô giáo, chỉ còn lại con đường mòn xa hun hút vắt ngang qua những vách đá tai mèo, chỉ còn lại nỗi cô đơn, nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, nhớ đứa con gái nhỏ phải gửi ông bà ngoại nuôi cho... Những đêm dài chỉ có nỗi nhớ và nước mắt. Nhưng, với ước mơ cháy bỏng là được cống hiến, được lan toả tình yêu thương tới cộng đồng. Và, bản thân trực tiếp là giáo viên cắm bản nên cô giáo Tuyết rất hiểu sự vất vả, khó khăn của học trò mình và bà con dân bản. Cô giáo Tuyết đã biến những khó khăn đó thành động lực. Em tranh thủ những buổi tối không phải lên lớp, đi đến nhà trưởng thôn để tìm hiểu cuộc sống của bà con, của học sinh mình và học tiếng Mông. Để tạo động lực cho học sinh tới lớp, em đã tự tay làm đồ dùng học tập, đồ chơi cho học sinh, chăm sóc học trò như con của mình. Từ một cô giáo bỡ ngỡ buổi ban đầu khi lên lớp vì không biết tiếng Mông, giờ cô giáo Tuyết không những biết nói tiếng Mông như người vùng cao mà còn biết hát cả những bài ca tiếng Mông cho học sinh mình nghe. Nhiều học sinh của điểm trường đã biết chữ, học lên cao, được ra trường xã, trường huyện học. Có học sinh hiện đã học cấp III ở trường nội trú huyện Mèo Vạc.

Không những vậy, bằng tình yêu và sự quyết tâm của mình, em đã vận động bạn bè, người thân hỗ trợ cơ sở vật chất cho trường để hàng tuần học sinh được cải thiện bữa ăn với chương trình “cơm có thịt”; lớp học được lát gạch hoa với những bộ bàn ghế mới; hệ thống lọc nước sạch, nhà vệ sinh tự hoại cho trường cũng đã được em và các mạnh thường quân xây dựng – đây cũng là công trình nước sạch, nhà vệ sinh tự hoại duy nhất ở thôn Mé Lầu B, xã Sơn Vĩ. Không những vậy, cô giáo Tuyết đã đứng ra kêu gọi sự giúp đỡ của các mạnh thường quân mở được nhiều đoạn đường bê tông đến thôn, xóm để mọi người đi lại được dễ dàng và an toàn hơn vào mùa mưa bão.

Đang dọn dẹp bát đĩa sau khi tổ chức xong bữa “cơm có thịt” cho học sinh thì một người phụ nữ từ dưới chân núi hớt hả chạy tới:

 - Cô giáo Tuyết ơi, cứu con tao đi, nó kêu đau bụng từ đêm qua.

Bỏ dở đống bát đĩa đang rửa, cô giáo Tuyết quay sang tôi:

   - Các chị giúp em nhé, em đi một lát em về.

Loáng cái, cô giáo Tuyết đã chạy đi. Ngồi lại với người đồng nghiệp của em, tôi mới được biết, ở thôn Mé Lầu này cô giáo Tuyết được bà con tin yêu coi như người nhà, khi bà con đau ốm hay có việc khó khăn thường tìm đến cô giáo Tuyết để nhờ giúp đỡ. Như năm 2022, có trường hợp Sình Thị Sung bị vỡ ối đau đẻ từ 7 giờ tối nhưng mãi tới trưa ngày hôm sau người nhà mới xuống lớp báo là người này đau nhưng không đẻ được. Khi Tuyết đến nhà vận động gia đình đưa ra trạm xá, người chồng nhất định không cho đi, vì người chồng bảo đã đẻ thường được 9 đứa con rồi. Cuối cùng, cô giáo phải giải thích và đứng ra chi trả tất cả chi phí đi đẻ thì người chồng mới chịu cho vợ đi viện. Trong quá trình di chuyển ra huyện cô giáo phải thuê xe ô tô vào chở, khi ra đến viện thì bác sỹ nói ối cạn quá lâu, chỉ cần đưa ra chậm một chút là cả hai mẹ con đều nguy hiểm đến tính mạng. May mắn là đưa đến viện để bác sĩ mổ kịp thời, nên hai mẹ con được an toàn. Sau lần đó, cô giáo Tuyết đã thuyết phục hai vợ chồng cam kết không sinh thêm con nữa, để đảm bảo sức khoẻ xây dựng kinh tế nuôi dạy các con.

Tôi ngồi đó nghe câu chuyện về Tuyết, người đảng viên trẻ năng động, nhiệt huyết và hình dung về những việc em đã làm, những con đường mòn treo leo trên vách đá em đã đi qua, về cuộc đời làm mẹ đơn thân của em. Còn nhiều lắm những câu chuyện như vậy về Tuyết, cùng với những việc mà em đã làm và vẫn đang làm vì bà con, vì các mầm non nơi cao nguyên này. Và, 12 năm bám biên, 12 năm gieo chữ, với những ai đã từng đến nơi đây – nơi miền biên giới xa xôi này, nơi chỉ có đá và đá thì mới có thể cảm nhận được hết. Chỉ có những tâm hồn trong sáng, những ý trí kiên cường, những nghị lực phi thường thì mới có thể trụ vững, kiêng cường, trải qua từng ấy thời gia mà vẫn luôn ấm áp như những tia nắng chiếu rọi xuống miền đá xám, để đá nở hoa…/.

Vừ Thị Mai Hương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực