Chàng trai dân tộc Tày làm giàu trên vùng đất khó

Thứ sáu, 15/09/2023 16:54
(ĐCSVN) - Từ hai bàn tay trắng, chàng thanh niên dân tộc Tày Hoàng Văn Mơi (xã Xín Mần, huyện Xín Mần, Hà Giang) đã nỗ lực vượt mọi khó khăn, từng bước phát triển kinh tế gia đình và trở thành hộ có thu nhập khá, được nhiều bà con trong vùng biết đến, học hỏi kinh nghiệm. Niềm vui lớn nhất của Mơi là được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
 Anh Hoàng Văn Mơi giới thiệu với phóng viên vườn củ cải mới ươm của gia đình anh.

Sinh ra và lớn lên ở Nà Trì (huyện Xín Mần), gia đình thuộc hộ nghèo, cuộc sống vô cùng khó khăn, ít ruộng nương, năm 2016, Hoàng Văn Mơi quyết định chọn xã Xín Mần làm nơi khởi nghiệp.

Thời điểm đó, huyện Xín Mần thử nghiệm mô hình trang trại nuôi bò Kobe tại xã Xín Mần, vợ chồng anh Mơi xin làm thuê trông coi trang trại bò cho dự án. Tuy nhiên, sau 01 năm dự án kết thúc, cuộc sống của hai vợ chồng càng trở nên khó khăn khi lại rơi vào cảnh không có việc làm, không có nhà ở, không có tiền để trang trải cuộc sống.

Không bằng lòng với cái nghèo đeo bám, anh quyết định tìm tòi, lựa chọn hướng đi mới cho bản thân. Nhờ sự động viên, hỗ trợ của chính quyền xã, thôn, anh Mơi bắt tay trồng các loại rau cải thảo, bắp cải, củ cải,… một phần phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình, một phần mang đi bán tại các chợ ở Xín Mần, Cốc Pài. “Cuộc sống khi ấy còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn vật tư, thiếu đất canh tác, thiếu kinh nghiệm làm ăn, không có bà con thân thích nên việc trồng trọt và chăn nuôi đạt hiệu quả thấp” - anh Mơi chia sẻ. Chịu thương chịu khó, thu nhập của gia đình anh chỉ đủ ăn, chủ yếu có được từ việc chăn nuôi lợn, gia cầm và trồng rau các loại. Không chấp nhận quanh năm trên ruộng nương mà cũng chỉ đủ ăn, Mơi luôn trăn trở, tìm cách xoay sở thay đổi cách canh tác, nuôi trồng nhằm cải thiện tình hình. Nhưng “cái khó bó cái khôn”, thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm, thiếu vốn, anh chưa dám vượt qua chính mình để thay đổi số phận.

Nhận thấy anh Mơi vừa chịu thương chịu khó, vừa sẵn sàng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, Công ty TNHH Việt Nam - Misaki đã lựa chọn gia đình anh tham gia trồng mô hình trồng củ cải xuất khẩu Nhật.

Năm 2020, được huyện hỗ trợ đi thăm quan, học tập mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo tại tỉnh Tuyên Quang, Hoàng Văn Mơi trở về với quyết tâm đổi mới mô hình phát triển kinh tế hộ, áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật mới, đưa các loại giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất.

Sau khi bàn bạc, thống nhất với gia đình, anh vay mượn vốn để nuôi thêm trâu sinh sản và trâu vỗ béo. Từ chỗ nuôi 2 con trâu có hiệu quả, anh tiếp tục đầu tư thêm 10 con trâu, trong đó có 05 con trâu sinh sản và 07 con trâu vỗ béo; 07 con lợn sinh sản, 20 con lợn thịt, ngoài ra vợ chồng anh còn trồng thêm các loại rau màu với diện tích trồng từ 0,5 - 0,8 ha, phục vụ cho các trường học trên địa bàn xã và bán ra thị trường. Nhận thấy hướng đi mới thật sự đem lại hiệu quả, từ số lãi có trong tay, anh tiếp tục vay mượn đầu tư nuôi 08 con trâu, 08 con lợn sinh sản, 35 con lợn thịt, 700 con gia cầm, thủy cầm. Không dừng lại ở đó, anh còn xoay sở làm thêm một số ngành nghề khác như bán hàng tạp hóa, thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm; làm nhân viên bán hàng thuê tại cây xăng... nhờ đó cải thiện đáng kể mức thu nhập lên 280 triệu đồng/năm.

Trong quá trình chăn nuôi, anh cũng luôn quan tâm đầu tư và xử lý các loại phụ phẩm, phế phụ của việc chăn nuôi, nhờ đó môi trường xung quanh luôn đảm bảo, không gây ô nhiễm đến môi trường.

Năm 2021, Công ty TNHH Việt Nam - Misaki liên kết với huyện Xín Mần trồng thử nghiệm 4 ha cây củ cải xuất khẩu. Nhận thấy gia đình anh Hoàng Văn Mơi vừa chịu thương chịu khó, vừa sẵn sàng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, Công ty đã lựa chọn gia đình anh Mơi và một số gia đình khác. Tham gia dự án, anh được Công ty cung ứng giống, phân bón, được các chuyên gia của công ty và cán bộ chuyên môn của huyện, xã hỗ trợ kỹ thuật trồng. Chỉ sau 3 tháng, cây củ cải đã cho thấy sự thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây với sản lượng đạt 120 tấn/4 ha, thu nhập hơn 80 triệu đồng/ha, cao gấp 4 lần so với trồng ngô. Từ kết quả khả quan đó, năm 2022 công ty TNHH Việt Nam - Misaki tiếp tục liên kết với các hộ dân ở xã Xín Mần mở rộng diện tích trồng củ cải. Tiếp tục là một trong những hộ dân được lựa chọn làm điểm tham gia mô hình, anh Mơi phấn khởi chia sẻ: “Gia đình tôi đăng ký thực hiện mô hình trồng củ cải với diện tích trồng từ 2 ha - 2,7 ha/vụ, mỗi năm trồng hai vụ với tổng sản lượng ước đạt 50 tấn/ha. Năm 2022, sau khi trừ các khoản chi phí, thu nhập từ củ cải đạt 250 triệu đồng/năm. Mặc dù chưa trả hết nợ ngân hàng, nhưng tôi rất vui vì đã có hướng phát triển kinh tế cho gia đình và bản thân”.

 Khu chăn nuôi của gia đình anh Hoàng Văn Mơi.

Niềm vui lớn nhất đến với Mơi khi chàng thanh niên dân tộc Tày được sự dìu dắt giúp đỡ của cấp ủy địa phương, chính thức đứng trong hàng ngũ của Đảng. “Vinh dự và tự hào lắm. Trước đây, mình nghĩ đảng viên là người giỏi lắm, xa vời lắm. Giờ mới biết, chỉ cần mình vững tin vào Đảng, vào Nhà nước, vào chính quyền; có ý chí phấn đấu xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh; sẵn sàng vượt khó vươn lên bằng bàn tay, khối óc thì sẽ có thể trở thành đảng viên. Là đảng viên, mình càng nhận thấy trách nhiệm lớn lao, mình phải là đầu tàu gương mẫu để bà con làm theo. Mình còn phải cố gắng nhiều hơn nữa” - Hoàng Văn Mơi chia sẻ.

Nói là làm, năm 2022 đảng viên Hoàng Văn Mơi quyết định thành lập Hợp tác xã nông sản Mơi Hạnh. Sự ra đời của hợp tác xã đã mở ra một trang mới trên con đường lập nghiệp của chàng trai người Tày. Hợp tác xã không chỉ giúp thuận tiện cho việc giao thương, buôn bán và liên kết nông sản gia đình, địa phương mà còn tạo thêm công ăn việc làm cho một số hộ dân khác trên địa bàn xã. Với những kinh nghiệm tích lũy được, anh phấn khởi cho biết, từ năm 2020 đến nay gia đình tôi đã giải quyết công ăn, việc làm thường xuyên cho 07 lao động, với thu nhập bình quân 4.500.000/tháng/người. Tôi luôn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn các hộ gia đình khác phát triển kinh tế, đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo, góp phần ổn định kinh tế gia đình, từng bước xóa đói, giảm nghèo bền vững”.

Ngồi trò chuyện với Hoàng Văn Mơi, nghe anh kể chuyện về hành trình lập nghiệp mới thấm thía được bao nỗi khổ cực, rất nhiều mồ hôi công sức, thêm nể phục sự nỗ lực, kiên trì của chàng thanh niên người Tày để có được như ngày hôm nay.

 Ngoài trồng củ cải, gia đình anh Mơi còn lựa chọn trồng nhiều loại rau màu khác như bắp cải, cải thảo... để cải thiện thu nhập.

Chia sẻ với chúng tôi, đồng chí Hoàng Minh Tuyến, Bí thư Đảng ủy xã Xín Mần cho biết: “Đảng viên Hoàng Văn Mơi là một người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Không chỉ xây dựng kinh tế gia đình, anh còn tham gia tích cực các hoạt động xã hội, các lớp tập huấn về chăn nuôi, sản xuất và công tác phòng chống đói rét cho đàn gia súc tại xã, thôn. Đặc biệt, Mơi không ngại chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, bí quyết trong sản xuất cho bà con xung quanh, nhờ đó, nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã cũng đã thoát nghèo nhờ áp dụng cách thức sản xuất của gia đình anh”.

Từ những nỗ lực của bản thân, Hoàng Văn Mơi đã vinh dự được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2021; Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Xín Mần vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2022; Giấy khen của cấp ủy, chính quyền xã qua các năm về có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua, lao động sản xuất giỏi. Quan trọng hơn cả, từ lâu anh trở thành tấm gương làm giàu trên vùng đất khó để bà con các dân tộc nơi vùng cao biên cương học tập và làm theo./.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực