|
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại phiên họp thường kỳ tháng 9 của UBND tỉnh. (Ảnh: Kim Tiến). |
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp thường kỳ của UBND tỉnh Hà Giang diễn ra vào chiều 26/9, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh năm 2024 là năm "nước rút", năm quyết định thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII. Do đó, các cấp, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm, quyết liệt các giải pháp quản lý thu ngân sách nhà nước; chuẩn bị, xây dựng phương án phân bổ và dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2025, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2025-2027 trình HĐND tỉnh theo đúng quy định.
Cùng với đó, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp. Thực hiện hiệu quả kế hoạch triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tập trung khắc phục hậu quả thiên tai; tăng cường dự báo, nắm chắc tình hình khí hậu, thời tiết để kịp thời cảnh báo khi có thiên tai xảy ra; rà soát các hộ dân ở vùng xung yếu cần di dời; chuẩn bị sẵn sàng các lực lượng tham gia khắc phục theo phương châm “4 tại chỗ”…
Về một số nhiệm vụ trọng tâm trong 3 tháng cuối năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh để thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Trong đó tập trung các giải pháp giải ngân các nguồn vốn đầu tư công và 3 Chương trình MTQG; giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc về đất đai, tài nguyên, nhất là dự án trọng điểm, có quy mô lớn; khẩn trương khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án 06; đẩy mạnh truyền thông, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh. Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, ứng dụng công nghệ số thu hút khách du lịch;…
Tại phiên họp, lãnh đạo các huyện, thành phố đã báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm, nhiệm vụ và giải pháp 3 tháng cuối năm 2024 của các địa phương; nghe và cho ý kiến đối với một số nội dung, vấn đề thuộc thẩm quyền.
Báo cáo tại phiên họp cho thấy, trong 9 tháng, tình hình phát triển kinh tế - xã hội có dấu hiệu phục hồi với một số kết quả nổi bật như: tổ chức thành công diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh năm 2024, đạt kết quả xuất sắc. Du lịch tăng trưởng mạnh, lượng khách du lịch 9 tháng đạt 2,4 triệu lượt người, tăng 14,3% so với cùng kỳ, doanh thu du lịch đạt 6.120 tỷ đồng. Tổ chức Du lịch thế giới vinh danh “Hà Giang - Điểm đến văn hóa khu vực hàng đầu châu Á năm 2024”.
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 1.755 tỷ đồng, đạt 85% kế hoạch T.Ư giao, đạt 71,3% kế hoạch tỉnh giao, tăng 32% so với cùng kỳ. Tổng dư nợ tín dụng ước đến 30.9.2024 đạt trên 30 nghìn tỷ đồng, tăng 1.589 tỷ đồng so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 10,9 nghìn tỷ đồng, tăng 5,9% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt trên 14,1 nghìn tỷ đồng, tăng 17,38% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 10,72% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất công nghiệp theo giá hiện hành ước đạt 6.794 tỷ đồng, tăng 6,4% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt trên 244,9 triệu USD, tăng 2,82% so với cùng kỳ…
Đặc biệt, công tác chuyển đổi số được triển khai tích cực, đồng bộ ở tất cả các cấp, các lĩnh vực. Kiện toàn Ban chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06 tỉnh. Chất lượng các hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh năm 2024 đạt kết quả khả quan, đạt mức độ C, xếp thứ 12/63 tỉnh/thành phố, tăng đột phá 48 bậc so với kết quả đánh giá năm 2023 (Năm 2023, Hà Giang xếp thứ 60/63 tỉnh/thành phố).
Tuy nhiên, trong 9 tháng trên địa bàn tỉnh xảy ra 20 đợt thiên tai gây thiệt hại lớn về tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân; ước giá trị thiệt hại khoảng 1.424 tỷ đồng./.