Hà Giang: Bứt phá thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2024

Thứ sáu, 05/07/2024 15:17
(ĐCSVN) - 6 tháng đầu năm 2024, kinh tế Hà Giang đạt tốc độ tăng trưởng khá với tổng sản phẩm trên địa bàn ước đạt 7.266,3 tỷ đồng, tăng 5,66% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 19,65%; du lịch tiếp tục khởi sắc với gần 1,7 triệu lượt du khách, tăng gần 20% và đạt 52,8% kế hoạch; các dự án trọng điểm được triển khai quyết liệt và đẩy nhanh tiến độ thi công;…

Hà Giang: Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm ước tăng 5,66%

Hà Giang đón gần 1,7 triệu lượt du khách nửa đầu năm

 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (thứ 2 từ trái qua) trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Giang cho các đồng chí lãnh đạo tỉnh.

Hà Giang bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2024 với những thời cơ, thuận lợi đan xen cùng những khó khăn, thách thức không nhỏ, tình hình sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, nhất là hoạt động sản xuất công nghiệp; thời tiết, khí hậu diễn biến bất thường… Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra 11 đợt thiên tai, ước giá trị thiệt hại khoảng 195 tỷ đồng, trong đó tính riêng trong tháng 6 đã xảy ra 3 đợt thiên tai gây thiệt hại đến sản xuất nông lâm nghiệp, công trình phúc lợi và tài sản của nhân dân với ước tính giá trị thiệt hại trên 106 tỷ đồng.

Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết: Ngay từ đầu năm, bám sát chủ trương, định hướng, sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, sát sao các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và thực hiện toàn diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. So với các năm trước đó, UBND tỉnh tổ chức sớm Hội nghị giao Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, trong đó giao chi tiết 100% các nguồn vốn đầu tư phát triển và dự toán ngân sách năm 2024 đến các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, đồng thời chỉ đạo triển khai kế hoạch khắc phục những tồn tại, hạn chế của năm 2023.

Nhờ sự nỗ lực, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt khó, bức tranh kinh tế - xã hội Hà Giang 6 tháng đầu năm ghi nhận nhiều điểm sáng tích cực. Kinh tế tăng trưởng khá với tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh theo giá so sánh ước đạt 7.266,3 tỷ đồng, tăng 5,66%, cao hơn cùng kỳ năm 2023; đứng thứ 06/14 tỉnh trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc, đứng thứ 41/63 tỉnh, thành phố.

So với nửa đầu năm 2023, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 6.510,7 tỷ đồng, tăng 1,94%, đạt 45,85% KH. Trong đó vốn nhà nước thực hiện đạt 2.722,9 tỷ đồng, chiếm 41,8% tổng vốn đầu tư; vốn đầu tư ngoài nhà nước 3.787,7 tỷ đồng, chiếm 58,2% tổng vốn đầu tư. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 1.123 tỷ đồng, bằng 54,4% KH Trung ương giao và 45,65% KH Tỉnh giao, tăng 41,7%.

Tổng dư nợ tín dụng ước đến 30/6/2024 đạt 30.414 tỷ đồng, tăng 2.355 tỷ đồng so với cùng kỳ (tỷ lệ tăng 8,39%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 9.437,08 tỷ đồng, tăng 19,65% so với cùng kỳ. Các ngành, lĩnh vực quan trọng tiếp tục phát triển, sản xuất nông nghiệp ổn định, tốc độ tăng trưởng đạt 4,71%, duy trì theo đúng khung thời vụ, đảm bảo an ninh lương thực. Tổng sản lượng lương thực có hạt vụ Đông Xuân 2023-2024 ước đạt trên 124 nghìn tấn, tăng 5,12% so với cùng kỳ.

Mã QR code được đặt tại tất cả các khu du lịch, điểm dừng chân trên địa bàn tỉnh hướng tới thúc đẩy chuyển đổi số du lịch. (Ảnh: Đinh Phương).

Đáng chú ý, hoạt động du lịch tiếp tục khởi sắc với gần 1,7 triệu lượt du khách, tăng 19,1% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 52,8% kế hoạch năm. Trong đó có gần 223 nghìn lượt khách quốc tế và trên 1,4 triệu lượt khách nội địa, tổng doanh thu từ du lịch đạt hơn 4 nghìn tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, địa phương tích cực ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển du lịch, các hoạt động truyền thông quảng bá thương hiệu “Hà Giang - Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á” phát huy hiệu quả nhờ sự vào cuộc tích cực của các lực lượng truyền thông chính thống, truyền thông nhà nước và truyền thông cộng đồng.

Du lịch Hà Giang cũng ghi dấu ấn với việc lần đầu tiên đăng cai tổ chức thành công Lễ hội Văn hóa, du lịch ẩm thực quốc tế lần thứ I, thu hút sự tham gia của 65 gian hàng giới thiệu ẩm thực và quảng bá văn hoá, du lịch đến từ 5 quốc gia và 22 tỉnh, thành trong nước. Qua đó tôn vinh sự đa dạng, đặc sắc của ẩm thực trong và ngoài nước nói chung và của Hà Giang nói riêng, góp phần quảng bá hình ảnh Hà Giang năng động, trẻ trung trên nền tảng tinh hoa truyền thống, hướng tới mục tiêu xây dựng và định vị thương hiệu du lịch Hà Giang trong giai đoạn mới.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, các chương trình MTQG và các dự án thuộc Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội được tỉnh triển khai đồng bộ, hiệu quả, nhất là dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) đoạn qua tỉnh Hà Giang. Các dự án trọng điểm của tỉnh được triển khai quyết liệt và đẩy nhanh tiến độ thi công như Đập dâng nước tạo cảnh quan trung tâm TP Hà Giang; cải tạo, nâng cấp đường Bắc Quang - Xín Mần (ĐT.177); đường nội thị, thị trấn Vị Xuyên; cải tạo, nâng cấp tuyến đường Yên Bình - Cốc Pài (ĐT 178)…

Hà Giang cũng đã tổ chức thành công Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và trao Giấy chứng nhận đầu tư cho 8 nhà đầu tư. Bên cạnh đó, nhiều chính sách đảm bảo an sinh xã hội được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng theo quy định. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm. Công tác đối ngoại được đẩy mạnh, thúc đẩy thông qua việc ký mới 07 thỏa thuận quốc tế…

Công tác chuyển đổi số được triển khai quyết liệt, đồng bộ trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, trong đó hoàn thành nâng cấp đầu tư trang thiết bị, hạ tầng kỹ thuật Trung tâm dữ liệu thuộc dự án Hệ thống điều hành thông minh tỉnh Hà Giang; triển khai 239 điểm mạng Truyền số liệu chuyên dùng trong các cơ quan Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh; hoàn thành 12/17 kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; phủ sóng 4/27 thôn trắng sóng, thử nghiệm 3 điểm phát sóng 5G miễn phí phục vụ người dân và du khách.  

Một trong những kết quả nổi bật khác là các chỉ số năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính năm 2023 đều tăng cao, trong đó: Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) tăng 4 bậc, vươn lên vị trí thứ 31/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) tăng 27 bậc, vươn lên vị trí thứ 23/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tăng 34 bậc, vươn lên vị trí thứ 11/63 tỉnh, thành phố.

Các dự án giao thông trọng điểm của tỉnh được triển khai quyết liệt và đẩy nhanh tiến độ thi công. (Ảnh: Đinh Phương).

Từ nay đến cuối năm, UBND tỉnh Hà Giang dự báo nền kinh tế tiếp tục phục hồi tích cực, với điểm sáng của một số ngành, lĩnh vực có khả năng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh như: Tập trung triển khai Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng; hoạt động du lịch tiếp tục phát triển mạnh, bứt phá với các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh, lượng khách tăng cao. Các chính sách, chương trình, dự án lớn được triển khai đồng bộ, phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh. 

Với những kết quả đạt được, Hà Giang đang tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp chỉ đạo, điều hành, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 bằng việc đề ra 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm. Cụ thể, tập trung đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và triển khai các dự án trọng điểm; triển khai tích cực 3 Chương trình MTQG; đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Hà Giang, giải quyết tốt những khó khăn, vướng mắc, nhất là công tác bồi thường, giải phóng, hoàn thành bàn giao mặt bằng tại các vị trí bị ngắt quãng và các khu tái định cư. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án 06, tập trung thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, khoa học công nghệ, quản lý tài nguyên, phòng chống thiên tai.

Cùng với đó, triển khai cập nhật cơ sở dữ liệu Hồ sơ Quy hoạch tỉnh lên Hệ thống thông tin quy hoạch quốc gia; rà soát, bãi bỏ các quy hoạch chuyên ngành không còn hiệu lực. Tiếp tục triển khai Đề án nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh Hà Giang giai đoạn 2023 - 2030; tuyên truyền bình chọn “Hà Giang là điểm đến văn hóa khu vực hàng đầu châu Á và điểm đến văn hóa khu vực hàng đầu thế giới” năm 2024;…

 
Ngọc Khang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực